27/04/2011 07:11 GMT+7

Nam bộ những ngày hào hùng - Kỳ 4: Sài Gòn và những ngày cuối

Trích sách Lịch sử Nam bộ kháng chiến
Trích sách Lịch sử Nam bộ kháng chiến

TT - Càng về cuối cuộc chiến tranh càng có nhiều người Mỹ tiến bộ, trong đó có nhiều nhân vật cấp cao trong phái đoàn hai viện hai đảng Mỹ đến Sài Gòn đầu năm 1975, đã đóng góp vào cuộc đấu tranh chấm dứt cưu mang một chế độ mà Mỹ dựng lên và nuôi dưỡng bao nhiêu năm, góp phần vào việc kết thúc sớm cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam.

pKQw9trq.jpgPhóng to

Ni sư tịnh xá Ngọc Phương biểu tình chống chính quyền Sài Gòn năm 1973 - Ảnh từ sách

Đối với chính quyền, quân đội Sài Gòn, dù vẫn hi vọng Mỹ sẽ trở lại vào giờ phút quyết định, ít ra cũng bằng can thiệp của không quân, hải quân... nhưng tâm lý hoang mang thất bại ngày càng lan rộng.

Thiệu “bị tước vũ khí”

Sự sa sút về tinh thần của quân đội Sài Gòn phát triển song song với trình độ rối ren về chính trị - xã hội ở miền Nam, dẫn đến sự cô lập cao độ của tập đoàn quân phiệt hiếu chiến ở Sài Gòn. Trong chính giới Sài Gòn, Nguyễn Văn Thiệu trở thành nguyên nhân những thảm bại của chế độ.

Ngày 25-1-1975, 18 đoàn thể thuộc nhiều khuynh hướng chính trị cùng ký chung một bản kiến nghị đòi Mỹ chấm dứt viện trợ cho Nguyễn Văn Thiệu, đòi Thiệu từ chức. Một tuần sau, ngày 1-2-1975, 23 tổ chức tiến bộ công bố chung một cáo trạng tố cáo “Thiệu là sản phẩm của chiến tranh, còn Thiệu là còn chiến tranh, Thiệu bán đứng Tổ quốc cho Mỹ”...

Ngày 4-2-1975, giới ký giả tổ chức mittinh mừng xuân Ất Mão tại rạp hát Khải Hoàn. Đêm trước đó, mặc dù bị cảnh sát, mật vụ đồng loạt khám xét nhà, bắt giữ một số ký giả và đóng cửa một loạt tờ báo đối lập, nhưng cuộc mittinh vẫn được tiến hành. Lễ đài mừng xuân trở thành diễn đàn tố cáo chế độ phát xít độc tài của Nguyễn Văn Thiệu, lên án việc khủng bố, bắt ký giả, sinh viên và đóng cửa các báo.

Để chuẩn bị cho cuộc tổng tấn công và nổi dậy tại Sài Gòn, Thành ủy quyết định lấy ngày 15-2-1975 tiến hành một cuộc diễn tập toàn thành (với khẩu hiệu ban đầu là đòi thả 18 ký giả bị bắt), có sức thu hút những nhân vật chống Nguyễn Văn Thiệu gồm các giới hòa nhập với phong trào quần chúng cách mạng.

Sáng 15-2, khi các cuộc biểu tình nổ ra, chợ Cầu Muối tràn ngập truyền đơn, chính quyền Sài Gòn hoàn toàn bị bất ngờ, không kịp bố trí cảnh sát dã chiến để đàn áp. Ở chợ Cầu Muối, cảnh sát chìm, cảnh sát nổi của quận 2 phải giật mía của những người ngồi bán ở chợ để đánh nhau với những người biểu tình.

Một dân biểu đối lập nhận xét: “Nguyễn Văn Thiệu được trang bị tận răng mà nay phải dùng mía để đánh nhau với dân chúng, coi như nó đã bị tước hết vũ khí”...

... Tiêu tan hi vọng cuối

Cuối tháng 3-1975, chi nhánh tình báo CIA ở Sài Gòn báo cáo về Washington: Tình hình chiến tranh VN đã hoàn toàn đảo ngược trong một tuần lễ. Một thảm bại quân sự là chắc chắn. Chính giới Mỹ đau lòng công nhận sự thật hiển nhiên này. Từ đây nảy sinh một cuộc tranh cãi mới về việc Mỹ có cần can thiệp trở lại không, giống như khi mất Phước Long, nhưng có tính thúc bách hơn và đòi hỏi rõ ràng, dứt khoát hơn vì là giới hạn cuối cùng.

Nhiều ý kiến cho rằng đã đến lúc thắng bại không cần bàn mà vấn đề ở chỗ “uy tín” của Hoa Kỳ với đồng minh. Ngoại trưởng Kissinger, người đã “bỏ qua sự kiện Phước Long” đến lúc này tỏ ra dứt khoát: “Hoa Kỳ không thể có một chính sách không nhất quán. Chúng ta không thể bỏ những người bạn của chúng ta ở vùng này của thế giới mà không làm cho nền an ninh của những người bạn ở vùng khác bị uy hiếp”. Kissinger cố đòi không được giảm viện trợ tài chính cho Việt Nam cộng hòa.

Nhưng đối thủ cứng đầu của Kissinger lại là bộ trưởng quốc phòng Schlesinger, người đã bí mật cho báo chí biết Mỹ mới vừa cấp cho Sài Gòn 700 triệu đôla, số tiền đó hoặc chưa đụng đến hoặc đã “tiêu” hết rồi.

Thời gian này, từ ngày 13-3-1975 đến ngày 6-4-1975, tổng thống Nguyễn Văn Thiệu cử hẳn một phái đoàn gồm nhiều dân biểu quốc hội Sài Gòn trực tiếp qua Mỹ để vận động tăng viện trợ hầu cứu nguy cho chế độ Sài Gòn. Trong phái đoàn có chủ tịch ủy ban quốc phòng hạ viện Đinh Văn Đệ (một cơ sở tình báo miền). Đinh Văn Đệ đã tìm cách mô tả tình hình nguy ngập của chế độ Sài Gòn cho các nghị sĩ Mỹ, với dụng ý “dù có đem cả núi tiền qua tiếp viện” cũng vô phương cứu chữa. Từ bản tường trình của Đinh Văn Đệ, Quốc hội Mỹ càng xác định thái độ chống duyệt chi thêm viện trợ cho chính quyền Nguyễn Văn Thiệu.

Đến lúc này ở Bộ Quốc phòng Mỹ, từ bộ trưởng Schlesinger đến thứ trưởng về an ninh quốc tế, các chuyên gia châu Á đều nghĩ theo hướng xấu, cho rằng chế độ Sài Gòn không còn cách nào lật ngược thế cờ. Nhà Trắng né tránh những bình luận, tranh cãi công khai về Đông Dương, nhưng xu hướng rời bỏ VN là khó đảo ngược, dù Chính phủ Mỹ vẫn hi vọng vào khả năng quân đội Sài Gòn có thể cầm cự một thời gian để chờ một giải pháp chính trị, tránh phải đầu hàng...

......

Tổng thống Ford vào thời điểm này đang có yêu cầu chiến lược tranh cử tổng thống theo tinh thần: chấm dứt chiến tranh và xoa dịu dư luận trước cuộc bầu cử năm 1976. Nếu kéo dài chiến tranh, trách nhiệm sẽ đổ lên đầu Ford, biến nó thành cuộc chiến tranh của Ford chứ không phải của Nixon.

Nhưng yêu cầu đó lại đứng trước mâu thuẫn: nếu bỏ rơi chế độ Sài Gòn thì làm mất lòng tin của “thế giới tự do” đối với Hoa Kỳ. Cho nên Ford yêu cầu quốc hội viện trợ 722 triệu đôla và chọn ngày 19-4 làm thời hạn cuối cho quốc hội giải quyết. Nếu được như vậy thì có thể giúp VN đẩy lùi cuộc tiến công vũ bão của đối phương, cân bằng tình hình quân sự và cho phép một cơ hội giải quyết vấn đề Nam Bắc VN bằng đàm phán chính trị; còn nếu như tình huống xấu xảy ra, ít nhất cũng cho phép rút lui trật tự 6.000 người Mỹ và đưa nhiều người VN ở nơi nguy hiểm đến chốn an toàn...

Thực chất yêu cầu của Ford nhằm vào một mục đích khác: sự thành bại của việc này không quan trọng. Nếu quốc hội bác đề nghị này thì gánh nặng trách nhiệm về thất bại ở VN cũng như uy tín của nước Mỹ trên vai chính phủ sẽ chuyển sang quốc hội.

Đánh giá về đối phương, cuộc họp giữa Nguyễn Văn Thiệu và các tư lệnh quân đoàn ngày 9 và 10-2-1975 thừa nhận sự phát triển của thế và lực Quân giải phóng, nhưng vẫn giữ những nhận định trong hội nghị tháng 10-1974, cho rằng sắp tới “nhiều khả năng cộng sản sẽ duy trì cuộc chiến với cường độ tiệm tiến, có thể phát triển mở rộng chiến dịch xuân-hè vào tháng 3-1975, cao điểm sẽ nhằm vào tháng 5, tháng 6-1975 với mục tiêu đánh phá bình định, giành dân; cường độ mạnh mẽ hơn năm 1973-1974 nhưng chưa lớn hơn những năm 1968, 1972. Nếu có hoạt động quy mô lớn của đối phương “cũng phải chờ đến cuối 1975 đầu 1976 mới có điều kiện, và lúc đó hướng chủ yếu của họ là miền Đông Nam phần và trọng điểm là vùng Tây Ninh”.

Tin bài liên quan:

Kỳ 1: Đa sắc đa chiều Kỳ 2: Tôn trọng sự thật Kỳ 3: Chuyển hướng chiến lược

__________

(*) Tít chính và tít nhỏ trong bài do tòa soạn đặt.

Kỳ tới: Phương án Dương Văn Minh

Trích sách Lịch sử Nam bộ kháng chiến
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên