Ông Tô Bửu Giám, một thành viên ban biên soạn, run run cầm từng cuốn sách nặng trĩu, nét cười cũng run run: “Tôi cứ ngỡ mình không được nhìn thấy công trình xuất bản. Có 14 người đã ra đi trong quá trình thực hiện bộ Lịch sử Nam bộ kháng chiến: 11 anh trong hội đồng chỉ đạo, ba anh trong ban biên soạn và cộng tác viên...”.
Trong ấy có chủ tịch hội đồng chỉ đạo Võ Văn Kiệt và chủ biên Trần Bạch Ðằng.
Phóng to |
Các đại biểu bên bộ sách Lịch sử Nam bộ kháng chiến tại buổi lễ ra mắt ngày 31-3-2011 - Ảnh: Minh Đức |
Tinh thần sử
Không ít sự việc đã đi vào văn kiện chính thức với sự đánh giá cụ thể, song như vậy không có nghĩa là người sau phải chấp nhận như không còn gì để bàn cãi - thực sự, vẫn là con người đánh giá các sự việc với cả mặt sáng suốt lẫn hạn chế của con người trong cuộc. Như vậy, nếu công trình Lịch sử Nam bộ kháng chiến này có chỗ nào không hoàn toàn thống nhất với các đánh giá - thậm chí, kết luận - trước đây cũng là chuyện bình thường |
Lúc đầu ông Trần Bạch Ðằng từ chối vì bận nhiều công trình khác, nhưng chủ tịch hội đồng chỉ đạo Võ Văn Kiệt quả quyết: "Nếu cậu không nhận làm thì mình cũng bỏ luôn". Áp lực tình cảm ấy khiến nhà nghiên cứu Trần Bạch Ðằng gật đầu và ngồi lại.
Sau đó, bộ đề cương Lịch sử Nam bộ kháng chiến ra đời, sau nhiều lần tranh luận, chỉnh sửa đã trở thành đề cương chính cho bộ sách sau này. Việc biên tập bộ Lịch sử Nam bộ kháng chiến thật sự được bắt đầu vào cuối năm 2002... Ông Trần Bạch Ðằng trở thành tổng biên tập của bộ sử, sau đó chức danh này được thống nhất là "chủ biên".
Những người biên soạn khó ai hình dung đến quá trình ngót nghét một thập kỷ cho ra đời bộ sử. Rồi câu chuyện ít ai lường trước là vị chủ biên đầy uy tín của bộ sử ấy đã ra đi khi "chuyện lớn" đang đi vào giai đoạn quyết liệt nhất. Ông Xuất ôn lại: Mọi việc đến nửa đường thì ông Trần Bạch Ðằng lâm trọng bệnh. Từ năm 2005 vị chủ biên đã yếu, nhiều lần thở oxy nhưng ông ráng gượng vượt qua đến năm 2006. Lúc ấy, cơ bản các chương đã hình thành, riêng tổng luận thì chưa có. Năm 2007, bệnh của vị chủ biên đã rơi vào giai đoạn nguy kịch. Một tuần trước lúc lâm chung, ông viết một lá thư gửi cho ông Võ Văn Kiệt đại ý: "Chưa bao giờ tôi băn khoăn ray rứt như lần này vì trong đời chưa bao giờ tôi nhận sự phân công mà không làm tròn. Ðây là bộ sách mà tôi tâm huyết!". Nhận thư, ông Võ Văn Kiệt im lặng, rưng rưng nước mắt.
Ngày đưa tang, theo ông Xuất, ông Võ Văn Kiệt trân trọng viết vào sổ tang của cụ Trần Bạch Ðằng: "Ðây là một người mà tôi có thể nói là đã chiến đấu đến giờ phút cuối cùng...".
Phong cách Trần Bạch Đằng
Bộ sách do cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt làm chủ tịch hội đồng chỉ đạo và nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng làm chủ biên. Lịch sử Nam bộ kháng chiến gồm bốn cuốn, trong đó có hai cuốn chính sử tập trung vào hai giai đoạn là chống thực dân Pháp (1945-1954) và chống đế quốc Mỹ (1954-1975); hai cuốn Biên niên sự kiện lịch sử Nam bộ kháng chiến 1945-1975 và Những vấn đề chính yếu trong lịch sử Nam bộ kháng chiến. |
Ông Xuất nhớ lại cảm giác mình lúc ấy: "Tôi cứ nghĩ mọi việc có thể sẽ bị đổ vỡ!". Bộ sách hơn nửa con đường, chủ biên thì qua đời. Phần kết luận về cuộc kháng chiến chống Mỹ và cả phần tổng luận 35 năm chiến tranh cách mạng cũng chưa có chữ nào.
Ông Xuất kể: "Trong lúc khó khăn ấy, ông Kiệt nói với mọi người rằng chúng ta cần nhất trí với nhau chỉ có một chủ biên duy nhất là Trần Bạch Ðằng, sẽ không có ai thay thế.
Bây giờ anh em đã cùng với Trần Bạch Ðằng "đi hết" cuộc kháng chiến, đã biết hết tính ý, văn phong... thì chúng ta tiếp tục viết. Còn có tập thể thường trực, tôi còn sống, ta sẽ phải hoàn tất công trình lịch sử này". Phần tổng luận sau đó được ông Xuất cùng những đồng sự chấp bút. Tính đến lúc hoàn thành, nó cũng trải qua mười mấy lần chỉnh sửa.
May mắn được viết bởi chính những người đã từng làm nên lịch sử, Lịch sử Nam bộ kháng chiến còn may mắn được thừa hưởng phong cách làm việc "rất Trần Bạch Ðằng" mà ban biên soạn tuân thủ nghiêm ngặt. Chủ biên Trần Bạch Ðằng, bằng tất cả kinh nghiệm của mình, đã "đo ni đóng giày", phân công cụ thể công việc cho từng người tùy theo sở trường, tùy theo trải nghiệm. Và cũng con người này, tinh thần sử học trong ông gần như bất biến. Người ta phải chấp nhận cả những phần đã hoàn tất phải bỏ đi hoặc giao lại cho người khác bởi ông thẳng thắn: "Tư duy như vậy thì không thể viết, không thể sửa được!".
Từng sự kiện đều được xác minh, từng con số đều được đối chiếu, từng nhận định đều được phản biện, tranh luận, không chỉ giữa các thành viên ban biên soạn mà còn được gửi đến từng địa phương, từng đơn vị để lấy ý kiến. Lượng bản thảo nếu chất lên sẽ được tới mấy chồng cao hơn đầu người, ấy vậy mà người trẻ nhất trong ban biên soạn nay cũng đã ngoài 70 tuổi. "Nhưng đó lại chính là lợi điểm. Là những người trong cuộc, có nhiều điều kiện tiếp cận tư liệu, lại đã có đủ độ lùi cần thiết của lịch sử để nhìn nhận, đánh giá, nên sử trong Lịch sử Nam bộ kháng chiến đa sắc, đa chiều, vừa rộng lại vừa sâu", ông Tô Bửu Giám tự tin khẳng định.
Ðọc Lịch sử Nam bộ kháng chiến, nhận ra những câu hỏi trước các sự kiện lịch sử mà ít bộ sử nào đã đặt ra: Tại sao lại chính là miền Nam "đi trước về sau" trong kháng chiến? Tại sao người miền Nam có thể tin tưởng chính quyền cách mạng và bước vào cuộc kháng chiến chỉ sau vỏn vẹn 28 ngày ngắn ngủi (từ 25-8 đến 23-9-1945)? Cái gì đã là động lực cho sức mạnh ấy?...
Các nhà biên soạn sách đã tìm câu trả lời từ quá khứ để khẳng định vị trí của miền Nam trong lòng dân tộc, lần lại sự hình thành cá tính của người miền Nam trong quá trình di dân mở cõi, tìm lại những gốc nguồn từ nền văn minh sông Hồng và sự pha trộn, giao hòa giữa các dân tộc. Bộ sách khẳng định người miền Nam luôn mang "tư cách của lực lượng xung kích, khai phá miền đất mới, luôn mang trong tâm khảm cội nguồn Việt Nam, xả thân vì trách nhiệm với đất nước, với xã hội do được trang bị thủy chung hai tài sản lớn: tinh thần dân tộc kiên cường và đòi hỏi thiêng liêng giang sơn chung một mối".
Tính cách ấy của người miền Nam cũng thể hiện rõ trong cách các nhà biên soạn viết sử, được khẳng định ngay ở Lời mở đầu: "Không ít sự kiện đã đi vào văn kiện chính thức với đánh giá cụ thể, song như vậy không có nghĩa là người sau phải chấp nhận như không còn gì để bàn cãi. Nếu công trình có chỗ nào không hoàn toàn thống nhất với các đánh giá, kết luận trước đây thì cũng là bình thường, là cố gắng lao động của các thế hệ viết sử. Viết sử là để "ôn cố", không chỉ đơn thuần vẽ lại quá khứ mà tự thân đã nhằm "tri tân", nhắc cũ để tìm và hiểu cái mới".
__________________________
“Lịch sử Nam bộ kháng chiến không chỉ cần tư liệu, cần cái nhìn thấu đáo mà còn cần cả sự dũng cảm của người viết sử”. Đó là tâm sự của những người biên soạn.
Kỳ tới: Tôn trọng sự thật
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận