29/04/2011 07:00 GMT+7

Nam bộ những ngày hào hùng - Kỳ 6: Giải pháp hòa bình

TruongUy
TruongUy

TT - Ngày 26-4-1975, giữa lúc phe Nguyễn Cao Kỳ, phe Trần Văn Đôn mưu đồ được giữ chức tổng thống nhưng không được Pháp và Mỹ ủng hộ, thì Sài Gòn đã nằm trong vòng vây thép của đại quân giải phóng...

e3PFOuz1.jpgPhóng to
Đại tướng Dương Văn Minh, tổng thống chính quyền Sài Gòn (người ngồi bên phải), đọc lời đầu hàng tại Đài phát thanh Sài Gòn ngày 30-4-1975 - Ảnh từ sách

17 giờ ngày 26-4-1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh mở màn giai đoạn 1 với mục tiêu chủ yếu là phá vỡ các mắt xích phòng thủ vòng ngoài của quân Sài Gòn, khống chế các sân bay Biên Hòa, Tân Sơn Nhất, Trà Nóc (Cần Thơ), các trận địa pháo quan trọng, cắt đứt đường số 4 và tất cả hướng thủy bộ ra biển, vây ép Sài Gòn...

“Tôi yêu cầu Mỹ ra đi trong 24 giờ...”

Lúc bấy giờ “ủy ban cứu nguy dân tộc” do tướng Nguyễn Cao Kỳ và linh mục Trần Hữu Thanh cầm đầu đang ráo riết vận động nhưng không được Mỹ ủng hộ, làm “đảo chánh” với một “kế hoạch liều mạng” của tướng Nguyễn Cao Kỳ: “Biến Sài Gòn thành Stalingrad”, phá hủy cầu, cô lập Sài Gòn, có mất Sài Gòn vẫn còn đồng bằng sông Cửu Long...

Ngày 28-4-1975, tổng thống Trần Văn Hương từ chức “theo thủ tục”, lưỡng viện Sài Gòn bầu đại tướng Dương Văn Minh làm tổng thống Việt Nam cộng hòa.

Cao Văn Viên, tổng tham mưu trưởng Sài Gòn, bỏ chạy sau khi tuyên bố “quân đội tiếp tục chiến đấu bảo vệ Tổ quốc”. Thủ tướng Nguyễn Bá Cẩn sau khi xin từ chức cũng chuồn thẳng không cần chờ các bước thủ tục. 17g ngày 28-4-1975, “tổng thống tám ngày” Trần Văn Hương thoái vị, trao quyền cho tướng Dương Văn Minh.

Dương Văn Minh đề cử Nguyễn Văn Huyền (Công giáo), nguyên chủ tịch thượng viện, làm phó tổng thống, Vũ Văn Mẫu (Phật giáo) làm thủ tướng.

Tướng Dương Văn Minh thực hiện việc đầu tiên là đưa Mỹ sớm ra đi bằng cách cho phó tổng thống Nguyễn Văn Huyền báo tin chính phủ mới không phản đối việc Mỹ phải ra đi trong 24 giờ.

Bài diễn văn nhậm chức của tổng thống Dương Văn Minh (kết thúc lúc 17g50 ngày 28-4-1975) chính thức công nhận trên thực tế Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam bằng “đề nghị ngừng bắn ngay và họp hội nghị hòa bình trong khuôn khổ Hiệp định Paris” với tinh thần chấm dứt chiến tranh.

Tổng thống Dương Văn Minh “hứa thành lập một chính phủ dựa trên cơ sở thật rộng rãi, có nhiều nhân vật độc lập, nhất quyết hòa hợp”. Ông nói: “Việc tôi làm trước hết là thả những người bị bắt giam vì lý do chính trị”. Đồng thời Dương Văn Minh cũng nói mấy lời với quân đội: “Các chiến hữu có một nhiệm vụ mới bảo vệ phần lãnh thổ còn lại. Giữ vững tinh thần. Siết chặt hàng ngũ. Quyết hoàn thành nhiệm vụ. Khi có lệnh ngừng bắn, các chiến hữu thực hiện nghiêm chỉnh lệnh theo điều khoản Hiệp định Paris, giữ vững trật tự an ninh những vùng các chiến hữu bảo vệ”.

Theo giáo sư Lý Chánh Trung: “Dương Văn Minh tuy đã có ý định “bàn giao chính quyền cho cách mạng” nhưng để tránh đổ máu, phải cân nhắc nên dùng từ ngữ gì trong thời điểm này để không tạo cớ cho Nguyễn Cao Kỳ, Trần Hữu Thanh kích động quân đội Sài Gòn đảo chính vào giờ phút chót”.

Sau khi nhậm chức, tổng thống Dương Văn Minh ra lệnh soạn thảo tối hậu thư gửi cho đại sứ Mỹ Martin. Văn thư chính thức mang số 033TT/VT, đề ngày 28-4-1975, gửi cho Martin: “Tôi trân trọng yêu cầu ông đại sứ vui lòng ra chỉ định cho các nhân viên cơ quan tùy viên quân sự DAO rời khỏi Việt Nam trong 24 giờ đồng hồ kể từ ngày 29-4-1975, để vấn đề hòa bình Việt Nam sớm được giải quyết”. Ký tên: Đại tướng Dương Văn Minh.

Bài diễn văn nhậm chức và những hành động ban đầu của tổng thống Dương Văn Minh đã làm cả tòa đại sứ Mỹ vừa bất ngờ vừa thất vọng vì cho rằng bài diễn văn đã “làm tiêu tan hiệu lực của bộ máy nhà nước”. Cuối cùng là sự bực tức, trước hết từ đại sứ Mỹ Martin: Dương Văn Minh đã nói đúng yêu cầu của cộng sản và lại nói “thả hết tù chính trị”. Trong khi từ trước đến nay Mỹ và chính quyền Sài Gòn luôn tuyên bố miền Nam không có tù chính trị.

Sự thật việc Dương Văn Minh yêu cầu Mỹ ra đi không ngoài dự định của Mỹ, nhưng nó đến quá nhanh, không qua thương lượng dây dưa, lại quy định “trong 24 giờ” là ngoài ý muốn và trở thành sức ép đối với Mỹ.

Lệnh tổng thống: vô hiệu hóa bộ máy

Sau khi thành lập nội các, ngày 29-4 tổng thống Dương Văn Minh triển khai cắt cử các chức vụ quân đội, cảnh sát, triển khai việc thăm dò “thương thuyết” với tinh thần sẵn sàng “chấp nhận” làm theo những “đòi hỏi” của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam để chấm dứt chiến tranh sớm nhất.

Khi Dương Văn Minh nhậm chức tổng thống, tổng tham mưu trưởng Sài Gòn, tướng Cao Văn Viên, đã chạy ra nước ngoài. Tướng Đồng Văn Khuyên là tổng tham mưu trưởng. Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh (một cơ sở binh vận) từ Cần Thơ được điện mời về Sài Gòn gặp tổng thống Dương Văn Minh vào sáng ngày 29-4-1975 tại nhà riêng ở số 3 Trần Quý Cáp (nay là Võ Văn Tần), nhận lệnh đến Bộ Tổng tham mưu xem xét tình hình quân sự. Khi Nguyễn Hữu Hạnh chưa tới bộ tổng tham mưu đã được tin trung tướng Nguyễn Văn Minh, tư lệnh biệt khu thủ đô, rời bỏ nhiệm sở và bỏ ra nước ngoài. Trung tướng Vĩnh Lộc được mời đến nhà riêng tổng thống Dương Văn Minh và giao giữ chức tổng tham mưu trưởng (lúc đầu Vĩnh Lộc không chịu nhận, song chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh khẩn khoản yêu cầu mới nhận) và thiếu tướng Lâm Văn Phát giữ chức tư lệnh biệt khu thủ đô.

Trung tướng Vĩnh Lộc gọi những người còn lại ở bộ tổng tham mưu đến trình diện và bổ nhiệm một cách vội vã các chức vụ trong bộ tổng tham mưu, trong đó chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh làm phụ tá tổng tham mưu trưởng. Trung tướng Nguyễn Hữu Có đến Bộ Tổng tham mưu Sài Gòn (tối 29-4) không có chức vụ chính thức, nhưng gắn bó với Nguyễn Hữu Hạnh trong những giờ phút này, có tác động thúc đẩy việc quân đội Sài Gòn không chống cự.

Được trao chức chỉ huy trưởng cảnh sát Sài Gòn - Gia Định, thẩm phán Triệu Quốc Mạnh nhân danh “lệnh tổng thống” thông báo cho thuộc cấp khẩn trương triển khai ngay hai việc lớn là vô hiệu hóa hệ thống cảnh sát và tù chính trị.

Để triển khai việc thứ nhất, Triệu Quốc Mạnh cho giải tán ngay các F (tức là tổ chức cảnh sát đặc biệt chuyên đánh phá, bắt cóc cán bộ, cơ sở cách mạng, những người tham gia chống Mỹ và chính quyền tay sai), các bộ chỉ huy cảnh sát quận và các cuộc cảnh sát (tổ chức cảnh sát ở cơ sở), lệnh cho lực lượng cảnh sát: “Để đảm bảo tính mạng, gia đình anh em cảnh sát, cho phép ai muốn về để lo việc nhà cứ về...”.

Đến chiều 29-4, 16.000 cảnh sát trong thành phố đã bỏ việc. Bộ máy kềm kẹp của chính quyền Sài Gòn ở cơ sở thực tế hầu như tan rã. Lệnh thiết quân luật thực tế chỉ là để giữ trật tự. Tình hình đó tạo điều kiện thuận lợi cho các lực lượng tại chỗ nổi dậy giành quyền làm chủ.

Về việc thả tù chính trị, mặc dù Triệu Quốc Mạnh chưa được Dương Văn Minh trực tiếp giao việc này, nhưng trước khả năng tù chính trị bị sát hại hàng loạt vào giờ phút cuối cùng do lệnh từ các phần tử cực đoan (như Lâm Chính Nghĩa, chỉ huy hành quân, đang liên tục hăm he bắn tù chính trị), chỉ huy trưởng cảnh sát Sài Gòn - Gia Định Triệu Quốc Mạnh nhân danh “lệnh tổng thống” để tạo điều kiện thương thuyết theo ý định của tổng thống, lệnh cho thả hết tù chính trị. Lệnh này được triển khai thi hành trong khi một số cai tù còn dây dưa.

Trong ngày 29-4-1975, tổng thống Dương Văn Minh cũng đã bàn đến phương án “thành phố bỏ ngỏ”.

(*) Trích sách Lịch sử Nam bộ kháng chiến, tít chính và tít nhỏ trong bài do tòa soạn đặt.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Kỳ 1: Đa sắc đa chiềuKỳ 2: Tôn trọng sự thậtKỳ 3: Chuyển hướng chiến lượcKỳ 4: Sài Gòn và những ngày cuốiKỳ 5: Phương án Dương Văn Minh

Kỳ tới: Về lại lòng dân tộc

TruongUy
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên