19/09/2010 06:12 GMT+7

Tị nạn môi trường - Kỳ 10: Sông Hồng vật vã

X.LONG - T.PHÙNG
X.LONG - T.PHÙNG

TT - Mùa cạn, dòng sông Hồng trơ đáy, tàu thuyền mắc cạn nằm chơi. Mùa lũ, hai năm qua trên sông Hồng cũng không có lũ về. Cả trăm hecta đất bãi sông Hồng từng được phù sa bồi đắp nay trở nên khô cằn, cả vạn dân mưu sinh trên con nước sông Hồng thêm cực nhọc.

CygYhEtF.jpgPhóng to
Lũ không về, đất bãi sông Hồng không được bồi đắp phù sa, nhiều ruộng ngô chết héo vì không có nước tưới - Ảnh: Xuân Long

Hồng Hà đã “đói” phù sa

Tôi trở lại vùng bãi giữa sông Hồng, khu vực chân cầu Long Biên khi lòng sông Hồng đã qua những tháng dài khô trơ đáy. Khác với thời điểm tháng 9 những năm trước, những lão nông vùng bãi giữa sông Hồng được hưởng trọn niềm vui với những tải ngô, lạc lớn nhỏ, sản vật của những tháng ngày lao động trên đất bãi được bày bán trên cầu Long Biên, nhưng nay niềm vui đó đã vơi đi vài phần.

Gần 20 năm mưu sinh trên mảnh đất bãi giữa sông Hồng, bà Đặng Thị Tư, quê huyện Ứng Hòa (tỉnh Hà Tây cũ), ngậm ngùi: “Cả bãi sông lớn đến vài trăm hecta, biết bao gia đình xưa kia có thể mưu sinh, nhưng giờ chỉ còn cây chuối là trụ được với những thay đổi thất thường của thời tiết”.

Bà Tư kể nếu chỉ nhìn dòng sông Hồng của ngày thường, nó vẫn đỏ ngầu phù sa đấy nhưng dòng sông đã “trở tính” từ lâu lắm rồi. Giống như những năm trước đây, bà Tư bảo việc trồng trọt trên bãi đâu có ai nghĩ có ngày “đói” phù sa. Mỗi năm lũ về trồng ngô, đậu, lạc, cây nào cũng cho màu xanh tươi tốt. Bây giờ, hơn hai năm qua dòng sông Hồng không còn lũ, hạn hán ngày càng nhiều thêm, đất bãi càng bạc màu, chỉ có cây “dễ tính” mới sống nổi.

Nhẩm tính lại những lần cạn kiệt trơ đáy trên sông Hồng, đoạn khu vực cầu Long Biên trong ba năm gần đây, lão nông Phạm Văn Hữu, quê huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, thuê đất mưu sinh tại vùng bãi giữa sông Hồng, khẳng định số lần cạn kiệt mỗi năm thêm nhiều lên, mực nước mùa cạn sau tụt sâu so với mùa cạn trước.

“Ngày xưa chẳng có ai nghĩ mình có thể đi bộ giữa sông Hồng, nhưng bây giờ vào mùa cạn kiệt, việc đi dạo giữa sông Hồng là chuyện hết sức bình thường, thậm chí cũng đã xuất hiện cả trò đua xe ngay giữa sông rồi” - ông Hữu kể.

Trong ký ức của những lão nông ở bãi giữa sông Hồng, mùa lũ bắt đầu khoảng tháng 5 và 6 âm lịch. Mỗi lần lũ về, toàn bộ vùng đất bãi được bồi đắp cả triệu tấn phù sa, nhưng ông Hữu bảo suốt ba năm qua lũ chỉ về một lần duy nhất vào năm 2008. Còn mùa lũ năm 2009 và hiện tại đang là tháng 8 âm lịch năm 2010 rồi nhưng sông Hồng vẫn không có lũ.

“Đúng là thời tiết mỗi ngày thêm khắc nghiệt. Những năm trước nếu trừ chi phí thuê đất khoảng 300.000đ/sào, toàn bộ 2 mẫu đất bãi được phù sa bồi đắp khi có lũ về mỗi năm vẫn cho của ăn của để. Trồng lạc, đậu, ngô quay vòng đến mùa lũ về mới thôi.

Có lũ nên sản lượng mùa sau thắng hơn mùa trước, vậy mà mấy năm gần đây đầu tư 300.000 đồng/kg ngô giống, gieo được vài ngày thì kiến chuột cắn sạch, cây nào sống được đến khi gần cho bắp thì héo quay quắt vì hạn. Còn trồng mấy sào lạc bây giờ nhổ lên chỉ được vài ký, chỉ đủ nhắm rượu dần” - lão nông Phạm Văn Hữu chua chát.

Suốt 13 năm bám đất bãi giữa sông Hồng, lão nông Phạm Văn Hữu quả quyết thiên nhiên bây giờ quả lắm tai ương. “Bây giờ mưa cũng ít. Chẳng hiểu sao trận mưa nào cũng nguy hiểm, toàn mưa axit. Trồng cây cải, cây đậu, cây ngô mà gặp những trận mưa này là thất bại cả mùa” - ông Hữu chua xót.

Thèm lũ

Thở phào sau khi cập con tàu hơn 700 tấn chở cát sỏi vào bến Chèm (Hà Nội) chiều 11-9, anh Nguyễn Văn Quang (quê Phú Thọ) cho biết mấy ngày nay nước sông Hồng bắt đầu có dấu hiệu chững lại. Những năm trước vào thời điểm này mực nước sông đã trên dưới 5m, nhưng hiện nước sông đang ở mức trên 3,5m do từ đầu mùa tới nay chưa có lũ lớn.

Nhìn dòng sông Hồng đỏ ngầu phù sa nhưng hiền hòa hơn những mùa lũ trước đây, nhiều chủ tàu vận tải trên sông Hồng lại ám ảnh về những ngày bị mắc cạn vào cuối năm 2009. Tháng 11-2009, dù đã phải trút bỏ 300 tấn cát khỏi tàu nhưng con tàu của anh Quang vẫn kẹt giữa đoạn sông Hồng qua khu vực xã Tiên Du (Phù Ninh, Phú Thọ) gần hai tháng trời.

Rồi đến tháng 2 vừa qua mực nước sông Hồng xuống dần, có thời điểm ở Hà Nội chỉ còn 10cm khiến anh Quang và nhiều chủ tàu khác ngồi chơi dài dài chờ nước lên trong khi nợ đóng tàu đẻ lãi hằng ngày.

Cũng như anh Quang, nhiều chủ tàu gắn bó với con sông Hồng trên hành trình vận chuyển hàng hóa hàng chục năm nay, đều dự cảm những tháng ngày “mắc nạn” sẽ diễn ra vào cuối năm nay khi sông Hồng không đủ nước vào mùa lũ.

“Từ năm 2005 tới nay dù ít hay nhiều năm nào sông Hồng cũng có lũ, có năm lũ lớn xóa phăng từng bãi bồi bãi cạn, nhưng đến bây giờ nước về chẳng ăn thua. Không tranh thủ những ngày này thì cuối năm lại ngồi chơi khi sông cạn sớm” - anh Trần Văn Phương, một chủ tàu quê ở Nam Định, hoạt động trên tuyến sông Hồng, than thở.

Theo anh Phương, những năm trước thường đến tháng 2 nước sông mới cạn nhất, tàu thuyền có nghỉ chạy thì đến cuối tháng 3 có thể hoạt động lại khi lũ sớm đổ về. Nhưng vài năm nay từ giữa tháng 11 sông đã cạn và kéo dài sang tới tháng 4.

Tháng 11-2009 nước sông Hồng tại Hà Nội xuống còn 0,76m rồi xuống 0,5m vào tháng 1-2010, đến giữa tháng 2-2010 mực nước chỉ còn 10cm. Do vậy những con tàu có tải trọng 200 tấn trở lên hầu như phải nghỉ hoạt động năm tháng để chờ nước. Những con tàu bé hơn nhiều khi tìm cách luồn lách hoạt động trong mùa cạn cũng không tránh khỏi mắc cạn trên những bãi cạn đoạn Bắc Biên (Hà Nội), Trung Hà (Hà Nội), Bạch Hạc (Phú Thọ).

Hằng năm vào dịp nước sông cạn, Công ty cổ phần Quản lý đường sông số 6 lại tiến hành các đợt nạo vét 20.000-30.000m3 bùn cát tại các điểm cạn để tạo luồng cho tàu thuyền qua lại đảm bảo giao thông không ách tắc. Tháng 2-2010, công ty tổ chức nạo vét 28.000m3 đoạn sông Hồng tại Bắc Biên (thượng lưu cầu Long Biên, Hà Nội).

Việc nạo vét được tiến hành trong 26 ngày để tạo luồng cho tàu bè qua lại ở mực nước sông 1,5m. Nhưng chỉ mới làm chưa được một tuần thì nước sông xuống còn 10cm khiến mục đích thông luồng phá sản, giao thông thủy sông Hồng gần như tê liệt trước sự bất lực của con người.

Theo dõi dòng chảy của sông Hồng đến thời điểm này, lãnh đạo Công ty cổ phần Quản lý đường sông số 6 cũng không khỏi lo ngại khi phải đối mặt với một mùa cạn khó khăn và cảm giác bất lực khi nhân lực, vật lực không thắng nổi sự khắc nghiệt của tự nhiên.

Ngành khí tượng thủy văn, ngành nông nghiệp đang hi vọng những trận lũ muộn cuối mùa sẽ cải thiện tình hình nước sông Hồng. Nhưng với những người dân gắn bó với sông Hồng trong kế mưu sinh đang có những dự cảm xấu khi nước sông ngày càng cạn. Chưa khi nào mọi người mong lũ lớn như năm nay!

Kỳ 1: Biển lấn người Kỳ 2: Bức tường thiên nhiên đã sập Kỳ 3: Sông “đuổi” người đi Kỳ 4: Tổn thương sẽ đến với con người Kỳ 5: Dời một hòn đảo Kỳ 6: Hãi hùng lũ cát Kỳ 7: Điểm “tị nạn” của dân làng biển Kỳ 8: Phá Tam Giang trong cơn đại nạn Kỳ 9: Bất an trên đầu sóng

__________

Trước sự khắc nghiệt của biến đổi khí hậu, con người sẽ phải làm gì để tồn tại trong ngôi nhà mỏng manh của mình? Những tín hiệu tích cực đã xuất hiện ở nhiều vùng, miền.

Kỳ tới: Sửa lại “ngôi nhà”

X.LONG - T.PHÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên