13/09/2010 08:13 GMT+7

Tị nạn môi trường - Kỳ 4: Tổn thương sẽ đến với con người

TS LÊ ANH TUẤN(Dương Thế Hùng ghi)
TS LÊ ANH TUẤN(Dương Thế Hùng ghi)

TT - “Biến đổi khí hậu sẽ có những tác động tiêu cực đối với ĐBSCL, đặc biệt vùng trũng thấp, ven biển, đông người nghèo sẽ dễ bị tổn thương.

hb7sURkm.jpgPhóng to
Tiến sĩ Lê Anh Tuấn: “Những dải rừng ven biển không còn nối liền nhau...” - Ảnh: D.T.H.

Kỳ 2: Bức tường thiên nhiên đã sập Kỳ 1: Biển lấn người Kỳ 3: Sông “đuổi” người đi

Tuy người dân có nhiều kinh nghiệm sẽ thích nghi với thiên nhiên để tồn tại và tăng trưởng, nhưng biến đổi khí hậu có thể tạo ra những thiệt hại lớn hơn cho việc phát triển kinh tế xã hội. Trong khi đó, các chiến lược và quy hoạch phát triển hiện nay chưa xem xét đến yếu tố tác động của biến đổi khí hậu” - tiến sĩ Lê Anh Tuấn, chuyên viên Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Đại học Cần Thơ), mở đầu cuộc trao đổi với PV Tuổi Trẻ như vậy.

Biển không bồi nữa

Ông nói: “Vùng bán đảo Cà Mau - nơi chiếm 1,6 triệu ha trong tổng số diện tích 4 triệu ha của ĐBSCL, có hai mặt giáp với biển Đông và biển Tây (vịnh Thái Lan), đường ven biển dài 270km - đang chịu nhiều bất lợi khi có hiện tượng thời tiết bất thường và nước biển dâng tác động. Hầu hết các cơn bão đổ bộ vào ĐBSCL thì bán đảo Cà Mau là nơi chịu thiệt hại nặng nề nhất.

Điển hình là cơn bão Linda tháng 11-1997. Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) và các nghiên cứu khác từ năm 2008 đã có báo cáo nhận định ĐBSCL là một trong ba châu thổ trên thế giới có nguy cơ ảnh hưởng cực kỳ nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, trong 30-50 năm nữa.

Tại biển Kiên Giang, kết quả chụp không ảnh của tiến sĩ Lê Phát Quới (Đại học Quốc gia TP.HCM) cho thấy dải rừng phòng hộ ven biển đang mỏng dần qua các năm. Chúng không còn nối liền với nhau và không đồng nhất, chỗ thưa chỗ dày, chỗ cao chỗ thấp. Năm 1979-2001 biển còn bồi được 84-174m. Nhưng từ năm 2001-2009, biển đã bị xói mòn 69-86m.

Riêng bờ biển đoạn Kiên Lương từ năm 1979-2009 bị xói lở khoảng 191m. Rừng ngập mặn và đa dạng sinh học đang bị suy thoái nghiêm trọng. Đó là chưa kể yếu tố tác động của con người, phá rừng để nuôi tôm hoặc “cây xài củi chụm”. Còn nhớ những năm 2001 trở đi, con tôm lên ngôi đồng nghĩa với rừng ngập mặn bị xâm hại. Nay con tôm “xuống”, quay nhìn lại thì rừng khó thể khôi phục được.

Sạt lở khác thường

Tuần rồi ra nhìn sông Hậu, tôi thấy nước sông tháng này vẫn còn trong, chưa có màu son như mấy năm trước. Có nghĩa lượng phù sa đang giảm dần. Theo quy luật của sông, phù sa giảm sẽ dẫn tới bồi lắng giảm. Bồi lắng giảm đồng nghĩa với xói lở gia tăng. Có hai nguyên nhân: một là các đập nước thượng nguồn sông Mekong, hai là lượng mưa giảm làm cho lượng nước đổ về sông Cửu Long giảm. Kết quả đo nước từ năm 2000 trở lại đây cũng cho thấy mức đỉnh lũ trên sông Cửu Long giảm dần qua các năm.

Đặc biệt năm 2010 này hạn hán nhiều, mực nước sông Tiền, sông Hậu càng xuống thấp điều đó làm gia tăng sạt lở là tất yếu. Thực tế cho thấy mùa khô năm nay diễn ra sạt lở khá nghiêm trọng, cụ thể là vụ sạt lở ở quốc lộ 91 hồi tháng 4, ở Công ty Lương thực An Giang hồi tháng 5... điều mà mọi năm chỉ thấy trong mùa mưa. So sánh với năm 2008, số điểm sạt lở tăng nhiều hơn. Sông Tiền năm 2008 có 12 điểm, năm 2010 tăng lên 14. Sông Hậu năm 2008 có 19 điểm, năm 2010 tăng lên 24. Các vụ sạt lở cũng nghiêm trọng hơn, sâu hơn vào đất liền.

Điều khác thường ở đây là mọi năm mùa mưa mới lở, năm nay mùa khô cũng lở. Nguyên nhân, một phần do tự nhiên, hạn hán, mưa trễ, lượng nước ít, phù sa giảm, mực nước xuống thấp. Lòng sông mực nước càng thấp sẽ dẫn theo nước ngầm bên trên đổ xuống càng mạnh, tạo ra tác động như dòng thác xói vào bờ gây xói lở. Cộng với sóng đánh do tàu thuyền qua lại, lâu ngày nước ngầm tạo những hàm ếch khoét sâu vào bờ sông cho tới lúc... ầm, sụp xuống.

Nhưng phần nữa là do con người. Đầu nguồn sông Cửu Long bị khai thác cát quá nhiều. Để ý kỹ sẽ thấy hễ nơi nào bị sạt lở là gần đó có nhiều phương tiện khai thác cát. Trong khi Singapore phải lặn lội tìm mua cát về lấp biển thì ta lại đi... xuất khẩu cát. Đất đồng bằng mình thuộc loại trũng thấp, lẽ ra phải giữ lại thì bán đi.

Ngoài ra còn phục vụ san lấp mặt bằng khu đô thị mới, các khu công nghiệp hai bên bờ sông. Như bệnh hay lây, tỉnh này có khu công nghiệp thì tỉnh khác cũng chạy theo có cho bằng được. Vì vậy mà bờ sông Tiền, sông Hậu mọc lên quá nhiều khu công nghiệp. Trước tiên là lấy cát dưới sông lên gây sạt lở, kế đó là xả thải xuống sông gây ô nhiễm môi trường. Mà đất lấy làm khu công nghiệp toàn đất tốt, phù sa màu mỡ ven sông bồi đắp. Mất thêm nguồn đất tốt cho trồng trọt, trong khi các khu công nghiệp không phát huy hiệu quả. Các nước người ta chỉ lấy đất khô cằn sỏi đá làm khu công nghiệp thôi.

Sẽ đối mặt với thiếu nước, sạt lở, nước mặn thâm nhập...

Trong vòng 30-50 năm tới, dải rừng ngập mặn ven biển sẽ bị đẩy lùi vào đất liền và thu hẹp diện tích. Không có “áo giáp” che chắn, người dân sẽ đối mặt với dông bão khốc liệt hơn. Nhiệt độ gia tăng, lượng nước sụt giảm có thể gây thêm cháy rừng làm giảm sút số lượng các loài cây, con hoang dã. Các đập thủy điện ở thượng nguồn sẽ gây tác động nặng nề hơn tới mực nước và dòng chảy ở hạ lưu. Người dân hai bên bờ sông Cửu Long sẽ gánh chịu hậu quả của thiếu nước, sạt lở, nước mặn tràn sâu vào đất liền. Sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi sẽ giảm sút nghiêm trọng do thiếu nước, hạn hán. Giao thông thủy sẽ hạn chế, ô nhiễm sẽ gia tăng, sức khỏe con người cũng suy giảm do ô nhiễm, suy dinh dưỡng.

Suy giảm diện tích đất canh tác, thiếu lương thực, thiếu nơi ở do sạt lở, dông bão, tài nguyên thiên nhiên nghèo kiệt sẽ dẫn tới người nghèo đổ xô di dân vào thành thị bán sức lao động hoặc kiếm sống bằng nghề dịch vụ nhỏ. Các đô thị sẽ bị áp lực gia tăng người nhập cư, nguy cơ bất ổn xã hội sẽ cao hơn, chất lượng cuộc sống giảm sút, môi trường đô thị ô nhiễm hơn, dịch bệnh do nhiệt độ cao và nguồn nước nhiễm bẩn sẽ gia tăng do đô thị không kịp đáp ứng lượng người nhập cư đột biến. Điều nguy hiểm hơn, khi số người nhập cư không thích nghi được với cuộc sống đô thị, họ sẽ quay lại vùng quê. Lúc đó sẽ xảy ra luồng di dân ngược về nông thôn. Họ sẽ tiếp tục khai thác và tận diệt nguồn tài nguyên còn sót lại khiến tài nguyên ngày càng suy kiệt.

Các nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách cần có những nghiên cứu sâu hơn để có kế hoạch hành động trước mắt cũng như lâu dài. Trước mắt nên hạn chế những tác động của con người gây tác hại đến rừng, bờ biển, bờ sông như phá rừng, nuôi tôm, khai thác cát... Tăng cường bảo vệ, gìn giữ những mảnh rừng còn lại chưa bị khai thác. Lâu dài nên có kế hoạch trồng rừng, tạo điều kiện mọi người dân cùng tham gia kết hợp sản xuất, bảo vệ và phát triển rừng. Điều cốt lõi là tạo ý thức gìn giữ, bảo vệ môi trường trong mỗi con người, trong cuộc sống hằng ngày. Điều này là rất khó khăn, cần có thời gian dài...”.

______________

Trong khi ĐBSCL đang chật vật với những nguy cơ thì tại một thành phố hiện đại bậc nhất VN, người ta phải di dời cư dân của cả một hòn đảo...

Kỳ tới: Dời một hòn đảo

TS LÊ ANH TUẤN(Dương Thế Hùng ghi)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên