12/09/2010 05:03 GMT+7

Tị nạn môi trường - Kỳ 3: Sông "đuổi" người đi

ĐỨC VỊNH
ĐỨC VỊNH

TT - Tại Đồng Tháp, cù lao Long Phú Thuận thuộc huyện Hồng Ngự đang sạt lở trên chiều dài hơn chục cây số. Tuyến đường nhựa liên xã đã mấy bận dời sâu vào giữa lòng cù lao, nay lại bị “bà thủy” ngoạm đứt nhiều đoạn dài.

QejHqkhg.jpgPhóng to
Sạt lở bờ sông Hậu tại ấp Bình Tân, Bình Mỹ, Châu Phú, An Giang - Ảnh: Đ.Vịnh

Nhà, vườn... thành sông

Dọc bên đường là cảnh hoang tàn, đổ nát với dấu vết bao lớp nhà đứt gãy, tuôn đổ xuống sông; quanh đấy là những túp lều người dân dựng tạm để tá túc.

“Trước đây hễ lở tới đâu thì tháo dỡ, dời nhà vô tới đó. Đất cứ lở riết nên giờ không còn chỗ dựng nhà nữa rồi, đành che lều tạm lay lắt”, bà Lê Thị Dung - ấp Long Thạnh, xã Long Thuận - thở dài, mắt buồn rười rượi.

Căn lều của bà Dung nằm chen giữa một chòm nhà đang nép sát bên bờ vực. Trong khoảng diện tích chừng vài mét vuông ấy chỉ mình bà sớm tối hẩm hiu. Bà kể mấy năm nay dòng sông cứ lấn sâu vào khu dân cư.

Đất canh tác bị teo tóp khiến chuyện mưu sinh càng thêm chật vật, phần nhà cửa bị mất nên con cái bà lần lượt bỏ đi nơi khác kiếm sống. Chỉ riêng xã Long Thuận ở cù lao này đã có hơn 1.000 hộ mất đất, phải di dời nhà cửa như gia đình bà.

“Mùa khô rồi sạt lở lan rộng thêm, mặt đất xuất hiện thêm vết nứt kỷ lục dài tới hơn 300m. Có khả năng thêm 1.000 hộ nữa sẽ mất đất, mất nhà” - ông Kha Văn Liến, phó chủ tịch UBND xã, cho hay.

Cũng tại Hồng Ngự, bên cù lao Long Khánh sau khi nuốt mất hàng trăm hecta đất chuyên canh hoa màu, “bà thủy” ăn sâu tiếp vào khu vực đông dân cư. Ngôi đình giữa làng vừa phải “bốc” đi nơi khác. Từ mỏm đất còn sót lại bên hông đình nhìn ra hai phía thấy rõ mồn một dòng chảy đang khoét sâu vào những xóm thôn đã hoang vắng, xơ xác.

Theo anh Phạm Hồng Nam, phó ban chỉ huy phòng chống lụt bão xã Long Khánh A, hai năm nay địa phương đã di dời trên 300 hộ dân vào tuyến dân cư mới xây dựng, số tự tìm nơi ở mới và bỏ đi nơi khác sinh sống cũng trên 300 hộ; hiện còn hơn 60 hộ đang sống trong khu vực nguy hiểm.

“Năm 2004 xây dựng tuyến dân cư Long Phước dành bố trí cho 211 hộ bị ảnh hưởng sạt lở. Lúc làm nó cách sông 2km, giờ bờ sông đã lở sát vào đây. Tuyến dân cư hoàn toàn có nguy cơ bị xóa sổ, số dân cư này và hơn 100 hộ lân cận lại phải di dời tiếp” - anh Nam nói.

Bên kia bờ sông Tiền thuộc địa phận An Giang cũng đang sạt lở nặng. Tại huyện Tân Châu, xã Vĩnh Hòa từng bị xóa sổ ấp Vĩnh An rộng 400ha, hai ấp khác đều bị mất hơn một nửa diện tích và hiện nay phạm vi sạt lở ngày càng lan rộng khiến người dân tiếp tục mất đất canh tác, mất nơi ở.

Thị xã Tân Châu dù được xây dựng bờ kè kiên cố bảo vệ tốn hơn 100 tỉ đồng nhưng vẫn bị “bà thủy” tấn công. Phía thượng lưu bờ kè, nhiều dãy phố sầm uất thuộc phường Long Thạnh đã biến mất, hàng trăm hộ phải di dời khẩn cấp, bỏ đi nơi khác sinh sống. Phía hạ lưu mới đây lại xuất hiện thêm vết nứt.

Ông Trần Anh Thư, phó giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường An Giang, cho biết đoạn từ cuối bờ kè về hạ nguồn khoảng 450m có khả năng sạt lở. Một khi khu vực này bị lở thì bờ kè sẽ bị đứt, trung tâm thị xã có hơn 30.000 dân này có nguy cơ biến mất dưới lòng sông Tiền!

Tại huyện Châu Phú, bờ sông ở xã Bình Thủy tiếp tục bị “bà thủy” tấn công trên đoạn dài gần 4km, trực tiếp đe dọa 200 nhà dân, các cơ sở sản xuất gạch. Mới đây, vụ lở bờ sông trên địa bàn xã Bình Mỹ làm đứt mất 200m tuyến quốc lộ 91, hàng chục hộ phải di dời cấp bách.

Gánh nặng dời dân

Trong ký ức người dân, những dải đất bên sông Tiền, sông Hậu vốn là những làng mạc với vườn cây trái sum sê trù phú. Thế rồi qua từng năm bờ sông cứ lở dần. Mất đất canh tác, mất nhà cửa, người dân dần phải ly tán. Tại cù lao Long Phú Thuận, xưa có xã Phú Trung với hàng ngàn hộ dân sinh sống, sau nhiều năm bị “bà thủy” nuốt mất hơn 200ha nó trở thành một ấp thuộc xã Phú Thuận B.

“Không còn đất trồng trọt, cứ lo dỡ nhà riết ai nấy đều nghèo đi, cuối cùng phải rời làng tha phương kiếm sống” - bà Nguyễn Thị Thanh, một người dân còn bám trụ ở đây, kể.

Theo người dân, sạt lở bờ sông vốn là quy luật tự nhiên và thường chỉ xảy ra vào mùa mưa lũ. Thế nhưng gần đây hiện tượng này gia tăng liên tục ngay cả trong mùa khô.

Theo ông Trần Anh Thư, đó là một trong những hậu quả của biến đổi khí hậu. Tình trạng khô hạn, mưa bão diễn ra bất thường, cộng thêm việc xây hàng loạt đập thủy điện lưu vực thượng nguồn sông Mekong đã làm thay đổi chế độ dòng chảy ở hạ lưu.

“Qua nghiên cứu mới đây, chúng tôi thấy cấu tạo địa chất bờ sông ở đồng bằng sông Cửu Long vốn đã yếu. Vào mùa lũ lưu tốc dòng chảy trên các tuyến sông tăng lên gây xói lở mạnh, còn mùa khô mực nước thấp hơn làm mất độ ổn định bờ sông. Do đó bờ sông rất dễ bị sạt lở” - ông Thư giải thích.

An Giang nằm ở vùng đầu nguồn sông Tiền, sông Hậu, hiện tượng sạt lở đất diễn biến ngày càng phức tạp. Theo kết quả khảo sát, toàn tỉnh hiện có 45 đoạn sạt lở ở mức báo động nguy hiểm và phạm vi lở đất có chiều hướng lan rộng. Đặc biệt nhiều đoạn bờ sông tập trung đông nhà dân đang có dấu hiệu tiếp tục sạt lở mạnh, liên tục.

Toàn tỉnh Đồng Tháp có 95 điểm sạt lở bờ sông nằm trên địa bàn 43 xã với tổng chiều dài hàng chục kilômet. Trên khu vực sạt lở ấy, ngoài số tự di dời hiện có hơn 4.300 hộ dân đang sinh sống, tới nay đã di dời được 567 hộ.

Với sự hỗ trợ của Chính phủ, hai tỉnh An Giang, Đồng Tháp đã xây dựng hàng trăm cụm tuyến dân cư để ổn định nơi ở cho hộ nghèo và sạt lở đất. Năm 2007, từ chương trình khắc phục sạt lở khẩn cấp lại có thêm nhiều cụm tuyến dân cư được xây dựng bổ sung. Tuy nhiên trong vành đai các khu vực sạt lở ấy vẫn còn hàng ngàn hộ dân lay lắt, bởi các cụm tuyến dân cư hiện có không đủ bố trí.

Tại cù lao Tây thuộc huyện Thanh Bình (Đồng Tháp), tuyến dân cư Tân Bình - Tân Quới mới xây dựng xong không đủ đáp ứng chỗ ở cho 1.100 hộ cần di dời. Một tuyến dân cư dài 2km nữa đang được khẩn trương thi công. Hiện toàn huyện có 42 điểm sạt lở với 1.500 hộ bị ảnh hưởng, từ đầu năm tới nay mới bố trí nơi ở cho 100 hộ trên 650 hộ cần di dời khẩn cấp.

Tại cù lao Long Phú Thuận, huyện Hồng Ngự, tuyến dân cư quy mô bố trí nơi ở cho 930 hộ vừa hoàn thành thì mùa khô rồi sạt lở đất lại gia tăng. Đầu mùa lũ này mặt đất xuất hiện thêm vết nứt chạy dài dọc bờ sông và đất cứ sụp dần, lở dần. Do đó có khả năng thêm 1.000 hộ dân nữa cần phải di dời.

Bên xã Long Khánh A, hai tuyến dân cư ở hai ấp Long Thạnh A và Long Thạnh B vừa bố trí dân vào định cư thì tuyến dân cư ở ấp Long Phước lại bị đe dọa.

______________

Biển lấn, sông lở và chưa hết, con người sẽ bị dồn đẩy đến tận cùng. Đó là ý kiến dự báo của những chuyên gia về với xứ sở đồng bằng.

Kỳ tới: Tổn thương sẽ đến với con người

ĐỨC VỊNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên