11/09/2010 06:48 GMT+7

Bức tường thiên nhiên đã sập

QUỐC VIỆT
QUỐC VIỆT

TT - Hàng dương như bức tường dày bảo vệ đất liền trước biển đang mỏng dần. Nhiều cây bị sóng đánh trốc gốc ngả nghiêng. Những mái nhà ngư dân ẩn khuất dưới tán dương cũng không còn... Mỗi năm trở lại Ba Động, tôi đều ngậm ngùi trước đổi thay của bãi biển xinh đẹp bậc nhất Trà Vinh. Thiên nhiên đang diễn biến quá bất thường, khắc nghiệt...

2zbAqJGV.jpgPhóng to

Ngôi nhà của chị Oanh đã dời đến lần thứ tư nhưng vẫn tiếp tục bị sạt lở vì... biển “đuổi” - Ảnh: Q.Việt

Biển lấn người

Ký ức Ba Động

Trên chuyến phà chiều qua xã Trường Long Hòa, huyện Duyên Hải, Trà Vinh, các nông dân đang than thở vụ lúa thất bát. Thời tiết bất thường, mưa đến trễ đã làm nhiều diện tích lúa ở dải đất ven biển rụi dần. Nắng chiều đỏ ối trên gương mặt sạm đen, khắc khổ của nông dân...

Tôi rời phà Láng Chim, đi dọc con lộ nhỏ về biển Ba Động, nơi tôi từng đặt chân đến lần đầu tiên cách đây hơn mươi năm. Trong ký ức của các cụ già địa phương, người Pháp đã phát hiện và xây dựng nhà nghỉ mát cho người Pháp cùng giới điền chủ trên bãi biển xinh đẹp này. Theo thời gian, Nhà Mát được người dân quen miệng gọi thành địa danh và nay là tên một ấp của xã Trường Long Hòa.

Trên bản đồ tự nhiên, bãi biển Ba Động mũi đất nằm kẹp giữa các cửa biển Thanh Đề, Định An và Cổ Chiên, Hàm Luông của hai hệ thống sông Hậu và sông Tiền đầy ắp phù sa. Người già nơi đây nhớ khi xưa chỉ các cửa biển bị lở, còn phần lớn dải đất Duyên Hải nằm giữa lại được bồi đắp nên nhìn trên bản đồ nó như doi đất nhô ra biển. Và tên gọi Ba Động cũng xuất phát từ sự bồi đắp đó. Sóng biển ngày đêm xô đẩy vào bờ bãi này, cát và phù sa từ các con sông lớn đổ ra tạo nên ba động cát lớn. Mỗi động lại có một dải gò nhô cao như bờ đê thiên nhiên bảo vệ bên trong. Ngoài cảnh quan độc đáo, người địa phương còn trồng tỉa bằng cách cắm dây khoai lang, dưa hấu, củ hành... trên động cát này. Con người nương tựa vào thiên nhiên sống hài hòa.

Những cựu dân Ba Động như ông Nguyễn Minh Trí, 53 tuổi, là nhân chứng của từng cội cây trên dải đất lấn biển Ba Động. Đi bộ đội, rồi làm công an xã Trường Long Hòa, ông Trí từng ngày ngày đi dưới bóng rừng mắm xanh tươi. Chính nhờ rừng ngập mặn rậm rạp và các động cát như lũy hào mà nơi đây từng là điểm đến của các đoàn tàu không số cung cấp vũ khí cho miền Nam. Sau năm 1975, chúng lại tiếp tục là bờ đê tự nhiên che chở các hoạt động nông nghiệp và chăn nuôi thủy sản của người dân...

Ráng chiều đỏ

Giờ đây rừng cây Ba Động um tùm, xanh mát đã thưa thớt bóng. Động cát ngoài cùng trước biển, nơi tôi từng phải trèo qua mới đặt chân được xuống biển, cũng không còn dấu vết. Sóng biển đã phá sâu vào đất liền. Nhìn những con sóng ì oạp lấn bờ, ông Trí ưu tư: “Biển cả đã đột ngột đổi hướng từ bồi đắp sang ăn bờ khoảng mươi năm trở lại đây, nhưng nặng nề nhất là mùa gió chướng cuối năm rồi”. Ba đời ở Ba Động, nhà ông Trí xưa cách xa biển, muốn ra biển phải trèo mỏi giò qua các động cát, rừng dương.

Nhưng nhà ông giờ chỉ còn cách biển khoảng 50m. Những đêm gió chướng về ông lại thao thức khó ngủ, vì phải nghe sóng biển ì oạp “nuốt” đất tiến gần vào nhà mình. Chị Lê Thị Tiền Giang, người gần mười năm bán quán nước ở Ba Động, cũng thấu cảm sự đổi thay này: “Mấy năm trước, khách ngồi uống nước ở quán tui không thể thấy biển vì tầm mắt bị vướng động cát và bờ dương. Dạo rày sóng triều đã liếm đến bàn chân họ dù quán tui phải lùi vào rồi!”.

Những ngày ở Ba Động tôi lang thang dọc bãi biển. Thiên nhiên khắc nghiệt lồ lộ qua từng động cát tuyệt đẹp đã vùi sâu dưới biển. Rừng dương dài hàng kilômet được con người trồng để chắn sóng, gìn giữ đất đai bên trong cũng bị biển phá gần tuyệt diệt. Hàng chục lớp dương trồng ken dày rộng cả trăm mét trải suốt bờ biển du lịch Ba Động giờ đã bị sóng đánh bật gốc, ngả tơi bời, đoạn nào còn chỉ là một hàng lưa thưa xiêu vẹo. Và ngay phía trong những gốc dương cuối cùng sắp ngã là ruộng vườn của nông dân mong manh trước biển. Họ đang đau đáu lo biển sẽ tràn vào ruộng vườn chỉ trong mùa gió chướng này. Thực tế nhiều đoạn bờ dương chắn sóng đã bị biển tàn phá hoàn toàn. Sóng biển tràn sâu vào trong làm hư hoa màu của nông dân.

Cách trung tâm du lịch biển Ba Động vài trăm mét, ngôi nhà lá để làm nghề biển của chị Lê Thị Yến Oanh đang gần như nửa nổi nửa chìm trước sóng triều. Chị kể buồn: “Vợ chồng tui phải lùi nhà này đến bốn lần chỉ trong hai mùa gió chướng vừa rồi. Có đêm đang nằm bất ngờ nghe tiếng sóng đánh oạp ngay bên dưới, một đầu giường sụt ào xuống vì nền đất đã bị sóng biển cuốn trôi...”. Cái giường tre đó giờ nằm chơ vơ ngoài bãi biển. Và ngôi nhà chị Oanh thì chuẩn bị di dời lần thứ năm nhưng họ chẳng biết đi đâu vì phía trong là đất của dân! Mà họ có vào đó cũng không an, khi dải đê cát chắn sóng cuối cùng dưới nền nhà bị đánh tan, khu đất phía trong cũng bị biển tràn vào.

Hình ảnh rõ nhất là đoạn đường bêtông cốt thép kiên cố dẫn xuống biển phục vụ tàu cá cũng bị sóng phá nền rồi sập hoàn toàn. Cả phần đường bêtông đang nằm trơ thép trong sóng biển, còn đường hiện hữu thụt lùi vào trong hàng chục mét. Sự “ăn” đất liền của sóng biển khắc nghiệt đến mức bờ kè bằng đá hộc được kết bằng lưới thép B40 cũng không bảo vệ được đoạn bãi biển trước trung tâm du lịch Ba Động. Sóng phá kè đá, “ngoạm” đất cát kéo ra biển, làm sập luôn con đường bêtông dọc theo kè.

Ráng chiều đỏ bầm báo hiệu cơn áp thấp nhiệt đới đang hoành hành ngoài đại dương. Tôi lặng nhìn vợ chồng anh Nguyễn Văn Thơ đang buồn hiu giặm lại mảnh ruộng mới được một tháng tuổi đã rụi già phân nửa. Bỏ trắng còn đỡ tốn kém hơn, nhưng họ phải ráng cứu lúa để lấy rơm trồng vụ dưa xuân sắp tới. Anh Thơ đăm chiêu: “Ông trời gần đây thiệt lạ. Mưa xuống trễ gần cả tháng, rồi nước biển xâm nhập làm bà con trồng lúa đúng thời vụ tiêu điều”. Nhưng anh Thơ còn may, nhiều nông dân khác đành bỏ hư ruộng lúa hoàn toàn.

Trong lúc nông dân đau đáu miếng cơm manh áo trước biển thì những người làm du lịch Ba Động lại đang nặng nỗi lo cảnh quan thay đổi. “Những động cát tuyệt đẹp được thiên tạo bị sóng biển phá mất, rồi bờ dương xanh mát cũng không còn. Ba Động sẽ trơ trọi trước biển...” - ông Trần Minh Đức, chủ tịch xã Trường Long Hòa, đang lo ảnh hưởng du lịch địa phương. Ông kể xã đang sốt ruột đợi từng ngày giải pháp kè đê chắn sóng được thực hiện. Ngoài kia biển đang từng giờ lăm le “đuổi” dân khỏi mảnh đất của mình...

___________________

Không chỉ có biển mà tận trong sâu đất liền, sông cũng làm những cuộc đổi dời ghê gớm đối với con người.

Kỳ tới: Sông “đuổi” người đi

QUỐC VIỆT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên