18/09/2010 02:11 GMT+7

Tị nạn môi trường - Kỳ 9: Bất an trên đầu sóng

QUỐC VIỆT
QUỐC VIỆT

TT - Suốt buổi sáng, anh ngư dân trẻ Nguyễn Văn Đức ngồi lặng buồn nhìn những con sóng bạc đầu bên bờ biển Khánh Hòa. Nắng vàng hanh hao, biển êm dịu. Nhưng ngư dân này lại đang bị cuồng phong ám ảnh. Anh là người duy nhất may mắn sống sót trên chuyến tàu cá định mệnh QNg 95177TS. Chín người bạn còn lại của anh đã bị bão tố nhấn chìm.

XAai295X.jpgPhóng to
Thuyền trưởng Lê Văn Chiến bảo không muốn con cháu nối nghiệp biển khơi nguy hiểm nữa - Ảnh: QUỐC VIỆT

Biển cả bất thường

Anh Đức kể đầu tháng 4-2008, thuyền trưởng Quang mời anh đi biển. Là một thợ lặn kỳ cựu, anh rất yên tâm khi biết cả gia đình người thuyền trưởng này đã mấy đời dày dạn nghề biển. Trên chuyến đi này còn có cha của thuyền trưởng Quang, người đã hơn 30 năm trên đầu sóng ngọn gió.

Những người trẻ tuổi như anh Đức đều coi ông là “la bàn sống” của con tàu QNg 95177TS. Không chỉ giỏi dò tìm luồng cá, ông còn có kinh nghiệm nhìn trời mây báo hiệu biển động, cách lái tàu tránh bão... Đặc biệt, chuyến ra khơi tháng 4 này còn khá êm ả ở ngư trường miền Trung, thời điểm mà dân đi biển có câu “Tháng ba bà già đi biển” (tháng ba âm lịch trùng vào tháng tư dương lịch).

Tuy nhiên, tàu QNg 95177TS mới đến khu vực Hoàng Sa thì cơn bão số 1 Neoguri ập tới. Mọi người bất ngờ, kể cả cha con thuyền trưởng Quang, vì đều nghĩ đây là thời điểm biển êm. Lúc đầu chỉ là cơn áp thấp nhiệt đới, gió mạnh nhất vùng tâm chỉ lên cấp 8, rồi phát triển thành bão mạnh. Các dự báo ban đầu phán đoán bão sẽ đổ vào khoảng giữa miền Trung. Cha con thuyền trưởng Quang quyết định bẻ lái, quay mũi tàu chạy chếch lên hướng bắc. Họ không thể ngờ bão lại trở chứng như ngựa bất kham quay luồng theo hướng họ chạy tránh bão.

Suốt cả đêm tàu rơi vào tâm bão cấp 13, giật cấp 14-15. Kinh nghiệm từng cầm bánh lái vượt qua bao trận cuồng phong cũng không thể cứu họ được. Con tàu gỗ vật vã vài giờ thì chìm hẳn. Chín người, gồm cả cha con thuyền trưởng, vùi thân xác dưới biển sâu. Chỉ một mình anh Đức may mắn được cứu sống sau ba ngày ôm can nhựa trôi dạt trên biển. Đến giờ hồi tưởng chuyện kinh hoàng này, anh Đức vẫn nghẹn giọng nói chính thời tiết quá bất thường đã giết họ. Mọi kinh nghiệm đi biển lâu năm đều không đúng nữa.

Nhiều ngư dân từng dày dạn đầu sóng ngọn gió cũng đồng cảm với nhận định này. Thuyền trưởng Lê Văn Chiến của con tàu ĐN 6192, người đã hơn 30 năm đi biển và trải qua biết bao cơn bão tố, vẫn đau đáu bất an mỗi khi ra khơi. Anh kể trong cơn bão Chanchu kinh hoàng, anh phải bỏ lại những gì đánh bắt được và cố lái con tàu tơi tả vào bờ.

Hàng trăm đồng nghiệp của anh đã không may mắn trong cơn bão bất thường. Nghe tin bão hướng bờ, họ quặt tàu chạy lên phía bắc như kinh nghiệm từ lâu nhưng luồng bão đã chuyển hướng đúng luồng họ chạy. Đến giờ, mỗi khi ra biển anh Chiến lại thấp thỏm lo âu. Đại dương ngày càng bất thường với kinh nghiệm đi biển cha truyền con nối của anh.

Theo các số liệu nghiên cứu, VN hiện là một trong những nước có ngư dân thiệt mạng trên biển nhiều nhất thế giới. Chỉ riêng năm cơn bão Chanchu, Xangsane, Utor, Neoguri, Ketsana gần đây đã làm thiệt mạng khoảng 500 người, hàng trăm tàu thuyền bị chìm và thiệt hại hàng ngàn tỉ đồng.

Theo các chuyên gia dự báo thời tiết quốc tế và trong nước, nhiều cơn bão vừa qua diễn biến rất bất thường, gây khó khăn cho công tác dự báo và ảnh hưởng đến sự an toàn của ngư dân. Dự báo sắp tới sự biến đổi khí hậu và ấm lên của đại dương sẽ còn nảy sinh nhiều tình huống thời tiết bất thường với những cơn bão nguy hiểm, khó dự đoán.

Đầu mùa mưa bão 2010, chúng tôi đi dọc bờ biển miền Trung, dải đất của những ngư dân quả cảm hàng đời treo mình đầu sóng ngọn gió. Nhiều người đã chia sẻ những nỗi lo âu như tâm sự của anh Đức, anh Chiến. Những năm gần đây, hàng loạt cơn bão biển như Chanchu, Cimaron, Xangsane, Durian, Ketsana, Neoguri, Utor... không chỉ diễn biến khác hẳn kinh nghiệm của người đi biển mà còn làm đau đầu các nhà khoa học làm công việc dự báo bão.

Có những cơn bão được dự đoán là nhẹ cuối cùng lại thành siêu bão tàn phá khủng khiếp. Ngược lại, có cơn bão làm ngư dân tốn hàng chục triệu đồng tiền dầu vào bờ tránh bão mà thành... hóng gió mát. Có những cơn bão gần như đã tiến thẳng vào đất liền lại quay ngược ra khơi tấn công những tàu thuyền tưởng đã thoát bão...

Ông Lê Văn Hơn, ngư dân già ở làng chài Bình Sơn, Quảng Ngãi, gần 40 năm trải mình trên đại dương, kể từ nhỏ đã được cha truyền kinh nghiệm nhìn ráng mây để đoán biết trời yên hay biển động, đón hướng gió để biết luồng bão sẽ theo hướng nào, thậm chí còn phán đoán được cấp bão mạnh hay nhẹ...

Nhưng giờ đây ông không vững tin truyền những kinh nghiệm đó cho con mình. Quanh quẩn sống ở làng chài nhỏ bé, ông khó hiểu hết thế nào là nước biển ấm lên, El Nino, La Nina... hay biến đổi khí hậu. Nhưng bản thân ông cảm nhận được đại dương đang ngày càng khắc nghiệt và bất thường hơn xưa.

Bỏ biển, rời làng

Trải dọc miền duyên hải Trung bộ, hầu hết cán bộ cơ sở từ Bình Thuận đến Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng... đều khẳng định ngư dân bỏ nghề biển đang là một xu hướng ngày càng nhiều hơn. Dù không có số liệu nào tổng hợp đầy đủ, nhưng thực trạng này đang có thể nhìn thấy ở khắp các làng chài ven biển.

Những ngày dừng chân ở Bình Thuận, dải đất của những thợ lặn khét tiếng, tôi được nghe kể nhiều về những chàng trai của biển giờ chuyển sang làm công việc gò bó của nhân viên ở các khu du lịch, hay cầm cuốc vào sâu trong đất liền làm rẫy. Tại Bình Sơn, Quảng Ngãi, quê hương của những ngư dân hàng đời đi biển, rất nhiều thanh niên bỏ vào Nam kiếm sống. Những chàng trai vạm vỡ, đen sạm nắng gió biển cả chuyển sang làm công nhân xây dựng, thậm chí ngồi chôn chân trong cơ sở may gia công chật hẹp. Câu trả lời thường nghe nhất khi hỏi vì sao họ bỏ biển là: “Nghề cá bây giờ vất vả, nguy hiểm quá!”.

Tại Đà Nẵng, thời sự nóng nhất trong giới ngư dân hiện nay là... chuyện bán tàu. Một thời gian địa phương này có hơn 2.000 tàu đánh bắt lớn nhỏ, khai thác gần 50.000 tấn thủy sản mỗi năm. Nhưng hiện Đà Nẵng chỉ còn khoảng 1.760 chiếc với xu hướng giảm dần. Và dù năm 2010 đã vào mùa mưa bão, nhưng đến nay địa phương mới khai thác được khoảng 25.000 tấn hải sản.

Những người tận mắt chứng kiến bạn bè vùi thân dưới biển như anh Đức giờ đã quyết tâm lên bờ. Ông Hơn cũng bán tàu để con cháu chuyển nghiệp khác an toàn. Thuyền trưởng Chiến vẫn ra khơi nhưng anh thật lòng tâm sự: “Tui cũng chẳng muốn đời con cháu nối nghiệp cha ông”. Nhiều chủ tàu khác cũng đang lo âu vì khó kiếm người “đi bạn”. Giờ đây, nhiều người đi biển vì chưa chuyển đổi được nghề. Còn lớp trẻ chẳng mấy ai muốn cưỡi trên đầu sóng ngọn gió nữa.

Kỳ 1: Biển lấn người Kỳ 2: Bức tường thiên nhiên đã sập Kỳ 3: Sông “đuổi” người đi Kỳ 4: Tổn thương sẽ đến với con người Kỳ 5: Dời một hòn đảo Kỳ 6: Hãi hùng lũ cát Kỳ 7: Điểm “tị nạn” của dân làng biển Kỳ 8: Phá Tam Giang trong cơn đại nạn

____________________

Mùa cạn, sông Hồng trơ đáy. Mùa lũ, sông cũng không có lũ về. Những biến đổi khắc nghiệt của thiên nhiên khiến cuộc mưu sinh của hàng vạn người dân nơi đây càng thêm khó nhọc.

Kỳ tới: Sông Hồng “vật vã”

QUỐC VIỆT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên