Còn nay trong lần trở lại, nét thất thần trong đôi mắt người dân chừng như đã vơi đi ít nhiều. Nhưng không phải vì sự cuồng nộ ấy đã lắng dịu mà bởi: “Mấy năm trời hành, dân Thạnh An riết cũng quen dần với bão bùng” - lão ngư Lê Hữu Lễ, 97 tuổi, người già nhất ở Thạnh An, lý giải cùng với tiếng thở dài.
Phóng to |
Kỳ 1: Biển lấn người Kỳ 2: Bức tường thiên nhiên đã sập Kỳ 3: Sông “đuổi” người đi Kỳ 4: Tổn thương sẽ đến với con người
Ký ức buồn
Bão số 9 là “giọt nước tràn ly” khiến người dân Thạnh An đang phải chuẩn bị cho một cuộc thiên di sau gần hai thế kỷ khai lập. Nhưng đó chưa phải là ký ức buồn cuối cùng với thiên nhiên trên mảnh đất này. Câu chuyện về biến đổi khí hậu thật ra chẳng cần người bản xứ mà với một người đến Thạnh An chỉ hai lần như tôi cũng có thể kể được. Bốn năm trước, cầu cảng vào cù lao Phú Lợi chưa dài như bây giờ, khe nước giữa hai bờ cù lao và gò Chân Chó cũng chưa rộng như bây giờ. Đơn giản là bởi trong bốn năm biển đã kịp ngoạm sâu hơn 30m vào bờ.
Ai muốn nghe một ký ức buồn hơn, đau đáu và xưa hơn của Thạnh An thì rời cầu cảng, đi thêm đúng ba ngôi nhà. Ở đó, lão ngư Lê Hữu Lễ, mỗi ngày vẫn chong mắt nhìn ra phía biển, nơi mỗi tấc đất Thạnh An ì oạp trôi đi đều làm ông nghẹn lòng. “Cái gò Chân Chó đó hồi trước tao bơi qua cái một”. Cụ Lễ nhớ lại vào thập niên 1960 khi cụ cùng hàng trăm lưu dân từ Bến Tre, Gò Công về đây cắm dùi. Hóa ra phía biển nhìn qua gò Chân Chó về phía Vũng Tàu, xưa đã từng kéo dài cách bờ bây giờ hơn 2km.
Cái “hồi đó” trong ký ức của cụ Lễ kéo dài tới tận mười mấy năm trước, lúc đó người Thạnh An không có khái niệm mùa vụ trong đánh bắt. Mỗi ghe đều chất sẵn những manh lưới để bắt từ tôm sắt, tôm thẻ, cá dứa, cá gún, cá đường... Từ mùa gió chướng qua mùa gió nam, đêm nào tôm cá cũng đầy ghe, đủ loại, đôi ba tấn là chuyện thường. “Còn bây giờ thì hên xui thôi, xóm tao nhiều đứa sắm giàn ghe đắt tiền, cá nào ghe đó, lưới đó. Vậy mà ra bến tìm đỏ mắt mới thấy được con cá ngon” - cụ Lễ trầm tư.
“Hồi đó mỗi năm chỉ một hai lần, nay vô mùa bấc mỗi tháng có khi hai ba lần” - cụ Lễ kể về những con sóng lớn đánh phá bờ, ngoạm dần đất Thạnh An. Ký ức của ông già chỉ đơn giản vậy nhưng đám con cháu ông, những người đã trực tiếp đưa lưng ra chống bão mấy năm rồi, thì cụ thể hơn.
Trung úy Bùi Đình Hổ - đồn biên phòng 554, nói cơn bão số 5 năm 1997 chính là cái mốc đầu tiên mà người Thạnh An cảm nhận rõ nhất sự cuồng nộ của thiên nhiên. Sóng dâng ngập đường, đất bong từng thửa trôi ra biển... Sau cơn bão ấy nhà cửa được xây kiên cố hơn, những bờ kè chắn sóng dài và to hơn. Nhưng sóng biển ngày mỗi dữ dội và đã luôn giành phần thắng trong cuộc đua với người dân Thạnh An.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, 52 tuổi, một người dân cù lao Phú Lợi, dẫn chúng tôi ra lớp kè đá dài hơn 1km, móng rộng tới 3m nhưng lồi ra, lõm vào như những cái vịnh nhỏ nối nhau. Đó chính là dấu tích của những trận sóng kinh hoàng, ăn móm vào đất từng năm sau mấy mùa bão gần đây. Ông Minh lắc đầu: “Đã hết cách! Châm gốc, châm rễ ở đây rồi nhưng cũng đành nhổ hết mà đi!”.
Đau đáu trước ngày đi
Thạnh An, với rất nhiều thế hệ cư dân lưu xứ từ miền Đông, miền Tây Nam bộ từng là đất lành. Cù lao Phú Lợi, gò Chân Chó..., rẻo đất nhô lên nơi sông và biển giao hòa từ hai thế kỷ trước chính là nơi những cư dân từ muôn nẻo rừng đước bao quanh đổ về cắm dùi để tránh cọp, beo.
Đất lành chim đậu, thời Pháp thuộc cù lao Phú Lợi với vị trí tiếp giáp với đại dương lại ẩn mình sau rặng núi Dinh của Vũng Tàu che sóng gió, đã mau chóng trở thành một điểm tập kết lý tưởng của những ghe tàu buôn củi đước. Cái thế đất an lành ấy sau đó lại đưa về từng đoàn lưu dân chạy trốn bom đạn từ Bến Tre, Gò Công, Trà Vinh... vào giữa thập niên 1960 và dần hình thành làng Thạnh Bình và Thạnh Hòa trên cù lao Phú Lợi bây giờ.
Chuyện chưa xa lắm, vậy mà giờ mấy ngàn cư dân trên cù lao này đang đành phải đồng lòng để nhắc về một cuộc di cư không tránh khỏi với những nỗi niềm đau đáu. Những đau đáu hình như nhiều hơn và khác thường hơn những cuộc bỏ xứ tôi từng gặp. Đó không chỉ là nỗi nhớ đất, nhớ sông của cụ Lễ, muốn mai này khi chết đi được trở về nằm lại trên cù lao Phú Lợi.
Đó không chỉ là ý nguyện được lấy lại cái tên Thạnh An khi về nơi ở mới của bà con trong những lần họp dân. Hay là nỗi đau đáu về mồ mả ông bà, về tên đất, tên người sắp sửa lìa xa của nhiều người như bao cuộc ly hương khác.
Nỗi đau đáu ấy đến từ tương lai sắp cập bến, khi họ không còn đủ niềm tin vào thiên nhiên trước sự biến đổi quá nhanh nơi mình đang sống. Đó là một nỗi niềm rất thực, không phải từ sự ủy mị sao chép từ những cuộc bỏ xứ thường thấy. Nghe tôi nhắc điều này, ông Đoàn Văn Sơn, phó chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, cũng đồng cảm bằng một sự thon thót: “Hồi xưa nước mặn và nước ngọt giao nhau ngay Tắc Rỗi, Cần Giờ, nay đã tiến sâu tới tận Nhà Bè. Nước biển dâng cỡ đó thì không ai lường được chuyện gì”.
Tôi rời Thạnh An trên chiếc ghe máy, chỉ có 45 phút để tới đất liền. Nhưng cũng chặng đường ấy, không biết sẽ bao lâu mới chở trọn vẹn cuộc thiên di sắp sửa của người Thạnh An.
Cuối năm 2012 sẽ di dân đợt đầu tiên Ông Đoàn Văn Sơn, phó chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, cho biết dự kiến có khoảng 800 hộ với 3.200 khẩu trên cù lao Phú Lợi (khoảng 70% dân cù lao) được di dời vào khu phố Giồng Ao (dự kiến 20-25ha), thuộc thị trấn Cần Thạnh. Khu tái định cư này sẽ có cơ sở hạ tầng và bến neo đậu phương tiện đánh bắt thủy, hải sản của người dân. Những hộ dân di dời ngoài việc được cấp đất và hỗ trợ điều kiện sống trên đất liền sẽ được bồi thường toàn bộ nhà cửa, đất đai, tài sản phải bỏ lại ở Thạnh An. Dự kiến số ngân sách cho cuộc di dân này lên đến 1.500 tỉ đồng. “Người dân lên bờ không những an toàn mà đời sống chắc sẽ khấm khá hơn ở trên đảo”, ông Đoàn Văn Sơn khẳng định. Hiện đề án di dân đã được UBND huyện Cần Giờ hoàn chỉnh. Dự kiến cuối tháng 9-2010 sẽ trình Thành ủy - UBND TP.HCM xem xét, phê duyệt. |
__________
Chỉ trong một đêm lũ cát bỗng đổ ầm ầm, cả làng Đại Mỹ dọc triền sông Vu Gia thoắt cái đã thành bãi cát trắng xóa. Cơn lũ kỳ lạ và ghê gớm nhất ở miền Trung: lũ cát.
Kỳ tới: Hãi hùng lũ cát
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận