Phóng to |
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường phát biểu tại hội nghị góp ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp - Ảnh: TTXVN |
Là cơ quan thường trực của Chính phủ trong việc tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992 và lấy ý kiến nhân dân cho dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, dự thảo báo cáo của Bộ Tư pháp nhận xét: Tuy dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 có nhiều ưu điểm, nhưng nhiều ý kiến cho rằng có một số quan điểm, định hướng lớn của Đảng, Nhà nước chưa được thể chế hóa, nhất là về kiểm soát quyền lực, về phân công nhiệm vụ giữa các cơ quan thực hiện quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.
“Chính phủ kiến tạo”
Theo Bộ trưởng Hà Hùng Cường, việc dự thảo ghi nhận quyền hành pháp của Chính phủ là phù hợp với yêu cầu của Đảng về một Chính phủ kiến tạo, một Chính phủ hành pháp và lãnh đạo hệ thống hành chính nhà nước. Tuy nhiên, ý kiến chung của Bộ Tư pháp nhận định: “Các quy định về chức năng của Chính phủ vẫn chưa phản ánh được quá trình chuyển đổi tất yếu từ một Chính phủ “chấp hành” thụ động bằng mệnh lệnh hành chính trong nền kinh tế kế hoạch hóa, tập trung bao cấp sang Chính phủ chủ động khởi xướng, hoạch định và điều hành chính sách vĩ mô trong Nhà nước pháp quyền và nền kinh tế thị trường. Dự thảo chưa có những sửa đổi, bổ sung cơ bản, quan trọng nhằm thúc đẩy tính chủ động trong tổ chức và điều hành của Chính phủ”.
“Có điểm chưa hợp lý là dự thảo đề cao quy chế làm việc tập thể Chính phủ với tư cách là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất và thực hiện quyền hành pháp, vì vậy vai trò của Thủ tướng Chính phủ chưa được đề cao, thậm chí còn mờ nhạt hơn so với Hiến pháp hiện hành” - dự thảo báo cáo viết. Bộ Tư pháp đề nghị quy định rõ: “Các phó thủ tướng, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ chịu trách nhiệm cá nhân trước Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội. Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, các thành viên Chính phủ chịu trách nhiệm tập thể về hoạt động của Chính phủ”.
“Công dân có quyền biểu quyết...”
Bộ Tư pháp cũng kiến nghị Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 nghiên cứu, kế thừa điều 7 Hiến pháp năm 1946, quy định: “Tất cả công dân Việt Nam đều có quyền tham gia vào bộ máy nhà nước và công cuộc xây dựng đất nước theo tài năng và đức hạnh của mình”. Đây là quy định nhằm tạo cơ sở để huy động nhân tài, trí tuệ, sức dân trong xây dựng nhà nước và phát triển đất nước. Nên thay cụm từ “theo quy định của pháp luật” trong các quy định về quyền con người, quyền, nghĩa vụ của công dân bằng cụm từ “theo quy định của luật” hoặc “do luật định”. Có như vậy mới bảo đảm tính pháp chế trong việc bảo vệ quyền con người, quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân.
Về quyền trưng cầu ý dân, Bộ Tư pháp cho rằng: “Quy định về quyền trưng cầu ý dân (điều 30 dự thảo) chưa thể hiện được đây là quyền công dân. Đã là quyền thì công dân có quyền yêu cầu tổ chức trưng cầu ý dân và được trưng cầu ý dân trong những trường hợp hiến định, luật định, không phải khi Nhà nước tổ chức mới có quyền. Vì vậy, đề nghị quy định như sau: Công dân có quyền biểu quyết về những vấn đề quan trọng của đất nước theo luật định”.
Hoang mang khi bỏ điều 132 về luật sư Chiều 15-3, Đoàn luật sư TP Hà Nội đã tổ chức hội thảo đóng góp ý kiến về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Được thảo luận nhiều nhất tại hội thảo là điều khoản quy định về hoạt động của luật sư và quyền bào chữa của bị can, bị cáo. Luật sư Nguyễn Trọng Tỵ (chủ nhiệm Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết: “Dự thảo lần này bỏ điều 132 về tổ chức luật sư, thay bằng khoản 7 điều 108 về quyền bào chữa của bị can, bị cáo là có gì đó không ổn. Nên giữ nguyên điều 132 bởi quyền bào chữa và tổ chức luật sư là thể hiện đặc trưng của nhà nước pháp quyền”. Luật sư Ngô Ngọc Thủy cũng băn khoăn: “Dự thảo bỏ điều 132 làm chúng tôi rất hoang mang”. Luật sư Hoàng Huy Được (phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP Hà Nội) kiến nghị nên có cơ chế bảo vệ quyền trợ giúp pháp lý của người bào chữa. “Khoản 3, điều 32 của dự thảo quy định người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam, bị điều tra, truy tố, xét xử có quyền sử dụng trợ giúp pháp lý của người bào chữa. Đây là thiết chế có tính chất tiến bộ, đề cao quyền con người trong hoạt động tố tụng. Tuy nhiên, quy định có rất nhiều quyền cho những người bị bắt, người bị tạm giữ nhưng pháp luật hiện thiếu cơ chế để họ thực hiện quyền của mình. Như việc luật sư vào trại thăm bị can được 30 phút, xin giấy chứng nhận bào chữa phải đi lên đi xuống nhiều lần, nhiều trường hợp có sự vi phạm của các cơ quan tố tụng... Thiếu các cơ chế để các đối tượng thực hiện quyền như vậy thì các quy định trên chỉ mang tính tuyên ngôn mà thôi” - luật sư Được nói. TÂM LỤA |
___________
Tin bài liên quan:
Tiếp thu ý kiến góp ý Hiến pháp đến tháng 10Chính quyền đô thị không chỉ dành riêng TP.HCMTổ chức chính quyền địa phương theo thực tế cuộc sốngVẫn nhận ý kiến góp ý Hiến pháp khi đã có báo cáoPhải thật sự lắng nghe dânTập hợp ý kiến phải dân chủ, khách quanCần nhấn mạnh hơn nghĩa vụ công dânỦy ban Thường vụ Quốc hội được phê chuẩn miễn nhiệm bộ trưởng?Làm rõ quyền tài sản và tài sản trong đất đai
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận