11/03/2013 05:16 GMT+7

Cần nhấn mạnh hơn nghĩa vụ công dân

MAI HƯƠNG
MAI HƯƠNG

TT - Chiều 10-3, Thành đoàn TNCS TP.HCM đã tổ chức Hội nghị góp ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 với sự tham dự của những công dân trẻ tiêu biểu, cán bộ công chức trẻ giỏi thân thiện, thầy thuốc trẻ tiêu biểu.

17 đại biểu với trên 20 lượt góp ý đã tập trung xoay quanh vấn đề về vai trò lãnh đạo của Đảng, chính quyền và nghĩa vụ của công dân, đặc biệt là nghĩa vụ trong bảo vệ độc lập, chủ quyền của Tổ quốc.

dYveWSzq.jpgPhóng to
Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM năm 2012 Trần Thị Phương Thúy góp ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp - Ảnh: Minh Đức

Chị Trần Thị Phương Thúy, công tác tại Trung tâm điều dưỡng tâm thần Tân Định, công dân trẻ tiêu biểu năm 2012, bày tỏ: “Khoản 2, điều 4 dự thảo sửa đổi Hiến pháp quy định rõ: Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình”. Đây là một điều khoản tiến bộ. Thực tế trong nhiều năm qua, cùng với sự phát triển đi lên của đất nước, vai trò lãnh đạo của Đảng đã được khẳng định.

Trong chương 2 dự thảo sửa đổi Hiến pháp về quyền con người, nhiều đại biểu cho rằng cần nhấn mạnh hơn nữa đến nghĩa vụ của công dân. “Tôi thấy chương 2 đề cập nhiều đến quyền mà ít nói đến nghĩa vụ. Đặt trong bối cảnh tình hình biển Đông đang căng thẳng và diễn biến phức tạp như hiện nay, Hiến pháp nên nêu rõ khi đất nước cần, khi độc lập chủ quyền Tổ quốc bị đe dọa thì công dân phải có nghĩa vụ gì”- chị Trần Thị Phương Thúy nói. Theo chị Thúy, trong điều 48 cần quy định rõ “bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ của mọi công dân”, nghĩa là tất cả mọi người đều phải thi hành nghĩa vụ quân sự, không phân biệt ngành nghề, lứa tuổi...

Phát biểu tại hội nghị, anh Lâm Đình Thắng, phó bí thư Thành đoàn TNCS TP.HCM, đúc kết: “Các ý kiến góp ý của đại biểu trẻ đã cho thấy mong muốn khẳng định một cách mạnh mẽ về vai trò lãnh đạo của Đảng, vai trò vị trí của tổ chức Đoàn thanh niên. Có thể nói dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này có độ tiến bộ tích cực trong nhiều vấn đề. Tuy nhiên, riêng về công tác thanh niên, chúng ta chưa dám nói là có bước lùi nhưng rõ ràng nhiều vấn đề liên quan đến thanh niên đã không được đề cập cụ thể. Chẳng hạn như trong điều 9, điều 10 có đề cập đến Mặt trận Tổ quốc và tổ chức công đoàn nhưng không thấy nói đến tổ chức Đoàn thanh niên. Đoàn viên thanh niên mong muốn tổ chức Đoàn thanh niên sẽ có một vị trí nhất định trong Hiến pháp”.

“Ngoài những cuộc góp ý được tổ chức, các bạn đoàn viên thanh niên TP có thể bày tỏ quan điểm, đóng góp ý kiến cho dự thảo sửa đổi Hiến pháp bằng thư điện tử về Thành đoàn TP.HCM trên tinh thần góp ý thẳng thắn, trung thực, kể cả những vấn đề nhạy cảm” - anh Lâm Đình Thắng.

Nên quan tâm người thuộc giới tính thứ ba

Anh Nguyễn Hồ Vĩnh Phước, công tác tại khoa nam học Bệnh viện Bình Dân, góp ý: “Thời gian qua có nhiều người đã đến bệnh viện xin xác định lại giới tính và hiện nay vẫn chưa có văn bản pháp luật nào quy định rõ về điều này. Tôi cho rằng các điều khoản trong Hiến pháp không nên xác định rạch rỏi chỉ có hai giới tính là nam và nữ, chẳng hạn không nên nói rõ “chỉ có nam và nữ mới được quyền kết hôn, được quyền ly hôn...”, chỉ cần ghi “mọi công dân khi đủ tuổi đều có quyền kết hôn”...”. Cùng suy nghĩ này, anh Lê Quốc Dũng, công dân trẻ tiêu biểu 2010, cho rằng tại điều 27 dự thảo sửa đổi Hiến pháp, nếu chỉ ghi “công dân nam, nữ có quyền ngang nhau về mọi mặt chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội và gia đình” là chưa toàn diện.

“Hiến pháp nên quan tâm đến những người thuộc giới tính thứ ba bởi vì họ cũng là công dân của đất nước” - anh Dũng góp ý.

____________

Tin bài liên quan:

Tiếp thu ý kiến góp ý Hiến pháp đến tháng 10Chính quyền đô thị không chỉ dành riêng TP.HCMTổ chức chính quyền địa phương theo thực tế cuộc sốngVẫn nhận ý kiến góp ý Hiến pháp khi đã có báo cáoPhải thật sự lắng nghe dânTập hợp ý kiến phải dân chủ, khách quan

MAI HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên