06/03/2013 07:00 GMT+7

Tổ chức chính quyền địa phương theo thực tế cuộc sống

PGS.TS NGUYỄN NGỌC ĐIỆN
PGS.TS NGUYỄN NGỌC ĐIỆN

TT - Việc tổ chức đơn vị hành chính lãnh thổ phải phát huy cao nhất tiềm năng phát triển của từng địa phương, đồng thời phục vụ tốt việc thực hiện các mục tiêu chung về phát triển quốc gia.

Tiếp thu ý kiến góp ý Hiến pháp đến tháng 10Chính quyền đô thị không chỉ dành riêng TP.HCM

74LGttfJ.jpgPhóng to
Hội nghị góp ý dự thảo hiến pháp do Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật VN tổ chức - Ảnh: Chi Mai

Giữa chương IX của dự thảo sửa đổi Hiến pháp và yêu cầu đó có một khoảng cách khá lớn. Các quy định trong dự thảo không phản ánh được thực tiễn sinh động về phát triển vùng, miền của đất nước và do đó không chỉ ra được giải pháp tối ưu về tổ chức chính quyền địa phương như là động lực, là công cụ xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội.

Hình dung mỗi địa phương như một con người cụ thể, có những nhu cầu riêng, lợi ích riêng để theo đuổi trong suốt quá trình tồn tại của mình. Những địa phương có vị trí địa lý, điều kiện giao thương thuận lợi và có tiềm năng to lớn sẽ có sức thu hút mạnh đối với con người và do đó có sức phát triển mạnh. Các đơn vị hành chính lãnh thổ ở những nơi ấy thường có xu hướng và nhu cầu tự chủ, tự quản cao.

Kinh nghiệm của nhiều nước cho thấy trên nguyên tắc, quy mô, cách thức tổ chức chính quyền phải được quyết định trên cơ sở phân biệt mức độ, khả năng tự chủ về kinh tế của đơn vị hành chính lãnh thổ. Ở mức độ tự chủ cao nhất, đơn vị hành chính lãnh thổ được hiểu là một pháp nhân công. Đó là một chủ thể độc lập, có tài sản riêng, có năng lực tự mình quản trị tài sản với các quyền năng của chủ sở hữu. Tài sản của pháp nhân công chủ yếu hình thành từ chính các nguồn lực đa dạng của địa phương, như thu thuế, lệ phí dịch vụ công, khai thác công năng kinh tế của tài sản thuộc sở hữu của mình.

Sự vận hành của một pháp nhân kiểu mẫu dựa trên ba thiết chế: quyết nghị (deliberating), quản lý (managing) và kiểm soát (controlling). Cơ quan quyết nghị xây dựng luật lệ của pháp nhân và quyết định về những vấn đề quan trọng nhất của pháp nhân. Cơ quan quản lý là người chấp hành các quyết định của cơ quan quyết nghị, điều hành công việc hằng ngày của pháp nhân. Cơ quan kiểm soát kiểm tra hoạt động của cơ quan quản lý và thậm chí cả tính hợp pháp, hợp lệ của các quyết định của cơ quan quản lý và cơ quan quyết nghị. Nhờ có các quyền năng độc lập, có khả năng kiềm chế lẫn nhau, các thiết chế của pháp nhân có điều kiện thúc đẩy sự vận hành suôn sẻ của pháp nhân và nhất là bảo đảm việc khuếch trương cơ nghiệp của pháp nhân.

Tư cách pháp nhân công chỉ nên được thừa nhận cho các địa phương thật sự năng động và có điều kiện phát triển bằng nội lực, qua đó góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của đất nước. Điều này nên được khẳng định ngay trong Hiến pháp.

Ở góc nhìn tổ chức bộ máy, cơ chế đối trọng quyền lực giữa cơ quan quyết nghị và cơ quan quản lý được diễn dịch thành mô hình đối trọng HĐND và UBND (hoặc ủy ban hành chính). Cơ chế này chỉ nên được triển khai đầy đủ tại các địa phương có đủ điều kiện đảm nhận vai trò đơn vị hành chính tự chủ.

Trong trường hợp đơn vị hành chính lãnh thổ không hội đủ các điều kiện cần thiết để được trao tư cách pháp nhân công, thì việc quản trị địa phương được xây dựng theo mô hình ủy thác quản lý. Đơn vị hành chính ủy thác quản lý không phải là một chủ thể. Nó không có tài sản riêng và do đó không cần có đủ các thiết chế kiểm soát hỗ tương: nó không tổ chức ra cơ quan đại diện dân cử để thay mặt nhân dân giám sát hoạt động của cơ quan quản lý. Cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương loại này có trách nhiệm giải trình với cơ quan quyết nghị của chính quyền cấp trên về hoạt động của mình hoặc với cơ quan quản lý cấp trên.

Cần trao thêm quyền cho Hội đồng hiến pháp

Ngày 5-3, Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật (KH&KT) Việt Nam đã tổ chức hội nghị đóng góp ý kiến cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 với sự tham gia của nhiều nhà khoa học đại diện cho liên hiệp các hội KH&KT các tỉnh thành khu vực phía Nam.

Ông Trương Quang Phú - chủ tịch Liên hiệp các Hội KH&KT Vĩnh Long - tán thành với điều 120 dự thảo quy định về Hội đồng hiến pháp với chức năng kiểm tra tính hợp hiến của các văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, ông Phú cho rằng dự thảo mới chỉ quy định Hội đồng hiến pháp có quyền kiểm tra, kiến nghị, đề nghị đình chỉ văn bản trái hiến pháp là chưa đầy đủ. Cần trao thêm quyền cho Hội đồng hiến pháp có quyền đình chỉ bãi bỏ văn bản trái hiến pháp ấy, sau đó sẽ báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất. Ông Phú đề nghị đổi tên Hội đồng hiến pháp thành “Hội đồng bảo hiến”. Còn theo ông Trần Ngoạn, chủ tịch Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Bình Định, theo dự thảo thì Hội đồng hiến pháp do Quốc hội thành lập, nếu vai trò cũng chỉ tương tự như các ủy ban của Quốc hội là không cần thiết. Ông Ngoạn kiến nghị cần quy định thành lập Tòa án hiến pháp. Vẫn theo ông Ngoạn, dự thảo hiến pháp còn thiếu quy định về nông dân, một giai cấp chiếm số lượng đông đảo của xã hội.

Đại diện của Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Đắk Lắk kiến nghị hiến pháp cần bổ sung điều khoản quy định về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng vì nước ta là nước có diện tích rừng núi rất lớn.

C.MAI

PGS.TS NGUYỄN NGỌC ĐIỆN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên