03/03/2013 05:40 GMT+7

Tiếp thu ý kiến góp ý Hiến pháp đến tháng 10

VIỄN SỰ - T.LỤA
VIỄN SỰ - T.LỤA

TT - Đây là khẳng định của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng trong buổi làm việc với TP.HCM về tổ chức lấy ý kiến nhân dân TP liên quan đến dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, ngày 2-3. Chủ tịch Quốc hội nói đừng coi ngày 31-3 là thời hạn kết thúc việc lấy ý kiến nhân dân góp ý cho bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp.

Đây chỉ là thời hạn để tổng kết báo cáo nhằm hoàn thiện một bước cho bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Từ thời điểm đó cho đến khi Quốc hội họp vào tháng 5, 6 và sau đó là kỳ họp tháng 10, các ý kiến của nhân dân góp ý cho dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 vẫn được trân trọng, tiếp thu đầy đủ để hoàn thiện trước khi Quốc hội thông qua.

Tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội đánh giá TP.HCM đã làm tốt công tác lấy ý kiến nhân dân về góp ý Hiến pháp, đặc biệt là đã tổ chức sâu rộng vào tất cả tầng lớp nhân dân, từng khu phố, từng gia đình, cá nhân. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội tỏ ý chưa hài lòng về những số liệu ý kiến góp ý mà TP báo cáo. Theo Chủ tịch Quốc hội, vấn đề không chỉ là bao nhiêu ý kiến đã góp ý Hiến pháp, mà cần phải nói rõ bao nhiêu ý kiến đồng ý, bao nhiêu ý kiến chưa đồng tình, bổ sung những điểm nào, thái độ của người dân, kể cả những người không đóng góp ý kiến ra sao...

Thay mặt lãnh đạo TP, Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải cho biết TP sẽ kịp thời điều chỉnh những vấn đề chưa đạt yêu cầu trong công tác lấy ý kiến nhân dân góp ý cho dự thảo Hiến pháp.

* Ngày 2-3, Bộ Tư pháp đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến pháp chế doanh nghiệp về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tại Hà Nội. Ông Vũ Văn Dũng - phó tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa - cho rằng việc thu hồi đất trong quá trình phát triển đô thị bây giờ là vấn đề rất nghiêm trọng. Thu hồi đất của nhân dân với mức bồi thường thấp, sau đó đất giao cho các doanh nghiệp, các chủ dự án lại rất có giá trị, việc xử lý không thỏa đáng này đã làm người dân bị tổn thương sâu sắc, gây nên khoảng cách giàu nghèo lớn trong xã hội. Xã hội bất ổn, liên minh công - nông trở nên mong manh hơn...

Đề nghị đặt lại tên nước là Việt Nam dân chủ cộng hòa

Đây là thông tin được ông Dương Quan Hà - chủ tịch Ủy ban MTTQVN TP.HCM - cho biết tại buổi làm việc. Theo ông Hà, một số ý kiến thông qua hệ thống MTTQ đã cho rằng nên đặt lại tên nước là VN dân chủ cộng hòa theo Hiến pháp 1946. Lý do hiện nay đất nước ta chưa đạt đến xã hội chủ nghĩa, tên nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam vì thế không phản ánh được thực tế, đồng thời có thể gây ngộ nhận về chủ nghĩa xã hội.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng đây cũng là một ý kiến khác biệt, cần được tiếp tục thảo luận. Quan trọng là những ý kiến nêu lên khi thực hiện không làm thay đổi thể chế chính trị, thay đổi bộ máy nhà nước, thay đổi quyền công dân... “Đồng ý hay không thì phải xem ý kiến toàn dân thế nào, toàn Quốc hội thế nào, sau khi thảo luận toàn thể, rộng rãi” - Chủ tịch Quốc hội nói.

VIỄN SỰ - T.LỤA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên