02/03/2013 08:17 GMT+7

Chính quyền đô thị không chỉ dành riêng TP.HCM

VIỄN SỰ - QUANG KHẢI
VIỄN SỰ - QUANG KHẢI

TT - Nhiều đại biểu nhấn mạnh điều này khi nói về tính cấp thiết trong việc “mở đường” của Hiến pháp cho chính quyền đô thị tại kỳ họp chuyên đề về góp ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 của HĐND TP.HCM ngày 1-3.

piGQbmCq.jpgPhóng to
Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân phát biểu góp ý dự thảo Hiến pháp trong kỳ họp chuyên đề sáng 1-3 - Ảnh: Hoàng Thạch vân

Phần lớn các ý kiến trong 94 lượt đại biểu HĐND TP.HCM góp ý cho dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 tại phiên thảo luận ở tổ và hội trường đã đề cập đến những điều khoản có tính mở đường cho chính quyền đô thị. Những ý kiến này, nói như Phó bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Đua, là vì: “Mô hình chính quyền đô thị không chỉ ý nghĩa với TP.HCM mà quá trình phát triển của đất nước sẽ có nhiều tỉnh thành đạt đến quy mô dân số, kinh tế... cần phải áp dụng mô hình chính quyền đô thị. Phải tiếp cận ở góc độ đó mới thấy sự sống động, cần thiết của mô hình này”.

Chờ đợi “viên gạch đầu tiên”

Điều 115 và 116 trong chương chính quyền địa phương của dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đã được các đại biểu thống nhất cao trong việc đề nghị bổ sung và sửa đổi một số điểm. Trong đó rõ nhất là cần bổ sung cấp TP trực thuộc thành TP trực thuộc trung ương (TP trong TP) thay vì chỉ có quận huyện như trong điều 115 của dự thảo. Đây là điểm mà theo đại biểu Lê Thị Bình Minh - phó giám đốc Sở Tư pháp: “Là viên gạch mở đường cho chính quyền đô thị mà TP.HCM đang chờ đợi tha thiết”. Bởi chỉ có quy định như vậy thì TP.HCM mới thiết lập được các TP vệ tinh như định hướng của chính quyền đô thị.

Đối với vấn đề bỏ HĐND cấp quận huyện, phường đang được thí điểm tại TP.HCM nhằm hướng tới chính quyền đô thị, đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh - phó chánh án TAND TP.HCM - cho rằng việc thí điểm đã cho thấy nhiều hiệu quả trong điều hành, quản lý nhà nước. Tuy nhiên, điều này cần phải được hiến định, không thể nói chung chung hay cho phép thí điểm. Như vậy sẽ không bảo đảm cho mô hình này được vận hành một cách tuyệt đối.

Một cách dung hòa hơn để TP.HCM nhanh chóng vận hành mô hình chính quyền đô thị đã được nhiều đại biểu gợi ý là hình thành các đặc khu. Theo đại biểu Bùi Tá Hoàng Vũ - phó chủ tịch UBND Q.8, với việc hình thành các đặc khu như vậy, sẽ có những chính sách đặc biệt áp dụng riêng cho đặc khu mà không làm ảnh hưởng đến tính hệ thống của Hiến pháp.

Gút lại những vấn đề còn là rào cản với mô hình chính quyền đô thị trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm - chủ tịch HĐND TP.HCM - nói: “Thực tiễn đã chứng minh rằng mô hình nông thôn và chính quyền đô thị không thể giống nhau. Hiện nay chưa có hiến định cho từng mô hình dù đã có phân cấp TP thành các loại khác nhau. Điều này đang ảnh hưởng đến quá trình phát triển chung của TP.HCM”.

UBND do ai thành lập?

Đây là vấn đề về “kỹ thuật” được nhiều đại biểu đóng góp ý kiến. Đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh dẫn chứng điều 116 dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 quy định “UBND là cơ quan chấp hành của HĐND” nhưng không thấy nói do ai thành lập. Hiện nay UBND là do HĐND bầu ra, nhưng với những nơi đang thí điểm không tổ chức HĐND thì UBND nơi đó sẽ do UBND cấp cao hơn chỉ định. Ông Ánh cho rằng điều này chưa ổn vì “Hiến pháp không thể linh hoạt tới mức đó”.

Đại biểu Vương Đức Hoàng Quân - phó tổng giám đốc Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM - dẫn ra một số điều trong dự thảo có những cách hiểu khác nhau. Cụ thể, khoản 3 điều 53 quy định về điều kiện trưng mua trưng dụng tài sản theo giá thị trường vì lý do an ninh quốc gia là chưa rõ nghĩa. Theo ông Quân, giá thị trường chỉ được hiểu trong điều kiện bình thường. Còn với những trường hợp trưng mua như vậy thường xảy ra trong trường hợp đặc biệt. Chỉ nên quy định là “theo luật định”, và có các văn bản pháp luật cụ thể quy định về cách thức trưng mua.

Tương tự, đại biểu Hà Phước Thắng - phó chủ tịch UBND Q.3 - cho rằng khoản 3 điều 58 của dự thảo quy định Nhà nước có quyền thu hồi đất và bồi thường theo luật định trong các trường hợp “thật cần thiết” là không rõ nghĩa. Theo ông Thắng, nên bỏ cụm từ “thật cần thiết” và quy định rõ vì “lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và các dự án phát triển kinh tế - xã hội” là rõ nghĩa.

Đề cao vai trò của thanh niên

Giữ lại điều 66 trong Hiến pháp cũ, đề cao vai trò quan trọng, tính tiên phong của thanh niên... là những ý kiến được nhiều đại biểu nêu tại hội nghị góp ý sửa đổi dự thảo Hiến pháp năm 1992 do Trung ương Hội LHTN VN tổ chức ngày 1-3 ở Hà Nội.

“Từ trước tới nay chúng ta đều coi hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nói thì rất thông như vậy nhưng tại sao trong dự thảo Hiến pháp lại không có điều nào nói đến thanh niên?” - tiến sĩ Trần Văn Miều, nguyên giám đốc Trung tâm văn hóa giáo dục thanh thiếu niên Học viện Thanh thiếu niên VN, nói. Theo ông Miều, thế hệ trẻ vừa là chủ nhân hiện tại vừa là chủ nhân của tương lai, vì vậy không thể xem nhẹ vai trò của tuổi trẻ trong công cuộc xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc.

Cùng quan điểm, giảng viên Nguyễn Khánh Diệu Hồng (Đại học Bách khoa Hà Nội) - PGS.TS trẻ nhất Việt Nam năm 2013 - cho rằng dự thảo Hiến pháp cần giữ lại điều 66 liên quan tới quy định về thanh niên. “Rõ ràng thanh niên vừa là lực lượng có đóng góp chủ yếu vừa là lực lượng đóng vai trò tiên phong trong sự nghiệp phát triển, đặc biệt là phát triển kinh tế - xã hội của đất nước” - đại biểu Hồng bày tỏ. Đây cũng là vấn đề mà PGS.TS Bùi Thế Duy (phó chủ tịch Trung ương Hội LHTN VN) kiến nghị. Theo anh Duy, việc nhấn mạnh đến thanh niên trong điều 66 Hiến pháp 1992 là rất quan trọng, là yếu tố cần thiết trong việc xác định quyền lợi và nghĩa vụ của thanh niên, là tiền đề cho việc xây dựng các luật về thanh niên.

LÂM HOÀI

GjMUVGAE.jpgPhóng to

Thu phí cầu Rạch Chiếc từ ngày 1-4

Đây là quyết định của HĐND TP.HCM trong phiên họp chiều qua, sau khi tờ trình của UBND TP được các đại biểu thông qua. Cụ thể, từ 0g ngày 1-4, trạm thu phí trên xa lộ Hà Nội sẽ bắt đầu thu phí hoàn vốn cho dự án cầu Rạch Chiếc. Đồng thời sẽ dừng thu phí giao thông đường Điện Biên Phủ (xa lộ Hà Nội) và đường Kinh Dương Vương (đường Hùng Vương nối dài) kể từ ngày 31-3.

Bắt đầu lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do HĐND bầu

Việc lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do HĐND bầu ra sẽ bắt đầu được thực hiện định kỳ tại kỳ họp thường lệ đầu tiên hằng năm của HĐND TP và xã, thị trấn từ năm 2013. Vấn đề này đã được 100% đại biểu HĐND TP.HCM thông qua trong phiên họp chiều qua. Những người sẽ được HĐND TP lấy phiếu tín nhiệm gồm: chủ tịch, phó chủ tịch, ủy viên thường trực và trưởng ban của HĐND; chủ tịch, các phó chủ tịch và các ủy viên của UBND. Ở HĐND xã, thị trấn, các chức danh chủ tịch, phó chủ tịch, các ủy viên UBND và HĐND sẽ được lấy phiếu tín nhiệm.

Theo đó, người được lấy phiếu tín nhiệm nếu có trên 2/3 tổng số đại biểu đánh giá tín nhiệm thấp hoặc hai năm liên tiếp có quá 50% tổng số đại biểu HĐND đánh giá tín nhiệm thấp sẽ được HĐND bỏ phiếu tín nhiệm (trừ trường hợp người đó có đơn từ chức đã được cơ quan có thẩm quyền chấp nhận). Đối với trường hợp được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm, khi có hơn 50% tổng số đại biểu HĐND bỏ phiếu không tín nhiệm thì HĐND sẽ quyết định miễn nhiệm, bãi nhiệm, cách chức.

THẠCH HÀ

VIỄN SỰ - QUANG KHẢI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên