12/03/2013 09:26 GMT+7

Ủy ban Thường vụ Quốc hội được phê chuẩn miễn nhiệm bộ trưởng?

H.VĂN - LÊ KIÊN - Đ.BÌNH
H.VĂN - LÊ KIÊN - Đ.BÌNH

TT - Đó là ý kiến của Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Đặng Đình Luyến nêu ra tại phiên họp của ủy ban này (ngày 11-3) góp ý cho dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

k02LksJ4.jpgPhóng to
Ông Nguyễn Hoài Nam (phải) - Ảnh: Nguyễn Khánh

Ông Luyến cho biết kiến nghị của ông xuất phát từ trường hợp cụ thể vừa qua của ông Vương Đình Huệ. Sau khi được tổ chức của Đảng điều động giữ cương vị trưởng Ban Kinh tế trung ương, Thủ tướng đã giao Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh phụ trách Bộ Tài chính để ông Huệ tập trung vào công việc của Đảng, nhưng vì Quốc hội chưa họp nên chưa thể miễn nhiệm chức danh bộ trưởng Bộ Tài chính của ông Huệ. “Tôi đề nghị dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này nên có quy định khi Quốc hội không họp thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội có quyền phê chuẩn, miễn nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn”- ông Luyến nói.

Đối với các quy định liên quan đến thu hồi đất đai trong dự thảo, ông Luyến cho rằng đang tồn tại hai cách thức tính đền bù khác nhau. Khoản 3 điều 56 quy định: “Trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, tình trạng khẩn cấp, phòng chống thiên tai, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của cá nhân, tổ chức theo giá thị trường. Thể thức trưng mua, trưng dụng do luật định”; nhưng khoản 3 điều 58 lại viết: “Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân sử dụng có bồi thường theo quy định của pháp luật trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và các dự án phát triển kinh tế - xã hội”.

Như vậy, hiểu theo quy định tại điều 56 thì phải bồi thường theo cơ chế thị trường, còn theo điều 58 thì có thể hiểu là nhà nước có quyền định giá đất, cần phải nghiên cứu để quy định cho phù hợp, tránh mâu thuẫn. Nhiều ý kiến đề nghị không nên đưa vào dự thảo quy định Nhà nước thu hồi đất cho các dự án phát triển kinh tế - xã hội.

“Đất đai cho các dự án kinh tế, vì lợi ích kinh tế khác thì phải theo luật định, chứ nhà nước lại tiến hành cả việc thu hồi đất phục vụ cho các dự án kinh tế là không phù hợp”- trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, ông Trần Văn Tư, đề nghị.

* Cùng ngày, hầu hết đại biểu ngành NN-PTNT tại hội nghị lấy ý kiến về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đều tán thành điều 2, điều 4, điều 57, điều 70 mà dự thảo đưa ra.

Bà Nguyễn Thị Kim Anh, quyền vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ NN-PTNT), cho biết cơ quan này đã nhận gần 100 văn bản góp ý từ 102 cơ quan, đơn vị toàn ngành. Các góp ý đều khẳng định và tán thành quy định về đất đai (điều 57): đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý theo quy định của pháp luật.

Đại diện Trường ĐH Thủy lợi cho biết chỉ trong thời gian ngắn có gần 3.400 ý kiến góp ý gửi về trường, hầu hết tán thành. Tuy nhiên, “Hiến pháp năm 1992 cũng có điều về thanh niên, chúng ta cũng có Luật thanh niên, nhưng trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này, Trường ĐH Thủy lợi cho rằng nên bổ sung điều khoản quy định về vai trò, vị trí của thanh niên” - đại diện Trường ĐH Thủy lợi phát biểu.

Một số ý kiến đề nghị bổ sung, làm rõ quy định về thời gian Chủ tịch nước không làm việc là bao nhiêu ngày thì Phó chủ tịch nước làm thay, chứ không nên ghi chung chung là “một thời gian dài”. Các đại biểu cũng cho rằng lời nói đầu của Hiến pháp quá dài, cần ngắn gọn, cô đọng hơn.

ông NGUYỄN HOÀI NAM (trưởng Ban Pháp chế HĐND TP Hà Nội):

Hiến định về chính quyền địa phương chưa rõ

Tôi nhận thấy trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 ở một số nội dung còn những vấn đề băn khoăn, chưa rõ. Tại điều 6 của dự thảo hiến định nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng hình thức dân chủ trực tiếp, đây là bước tiến dân chủ quan trọng so với các Hiến pháp 1959, 1980 và 1992. Tuy nhiên bản dự thảo có bổ sung ý “và thông qua các cơ quan khác của nhà nước”, nêu như thế quả thật không rõ cơ quan nhà nước là cơ quan nào, có phải do nhân dân bầu ra không? Do vậy, cần sửa đổi điều 6 theo hướng “nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng các hình thức dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, hội đồng nhân dân”.

Tương tự, tại điều 30 nêu: “công dân có quyền biểu quyết khi nhà nước tổ chức trưng cầu dân ý”, dự thảo không hiến định được quyền của dân được biểu quyết cái gì và khi nào?, trong dự thảo nêu để nhà nước quyết định trưng cầu, nhưng không hiến định được cụ thể. Do vậy, cần sửa lại là: công dân có quyền biểu quyết những vấn đề hệ trọng của đất nước nếu được 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội nhất trí”. Hiến định như thế rõ hơn quyền dân chủ được nhất quán và dễ thực hiện. Ở cấp địa phương, tôi quan tâm nhất đến nội dung chương 9 của dự thảo nói về chính quyền địa phương. Thực tế nhiều nội dung ở chương này chưa rõ.

Dự thảo tuy có hẳn một chương về chính quyền địa phương, nhưng không có điều khoản nào nêu khái niệm chính quyền địa phương, tôi băn khoăn không hiểu chính quyền địa phương có phải thuộc nhánh cơ quan quyền lực hành pháp của nhà nước không? Bản dự thảo sửa đổi có điểm mới là không quy định cụ thể về nhiệm vụ quyền hạn của HĐND và UBND và để mở việc thành lập HĐND và UBND sẽ do luật định, nhưng nếu không hiến định chính quyền địa phương gồm HĐND và UBND, hoặc nơi không tổ chức HĐND và để nhân dân bầu trực tiếp UBND thì có thể là bước lùi về dân chủ so với các Hiến pháp trước đây. UBND không hiến định do HĐND bầu ra thì làm sao là cơ quan chấp hành của HĐND? Và nếu không tổ chức HĐND thì UBND cùng cấp không còn là cơ quan chấp hành mà chỉ là cơ quan hành chính thì lại mâu thuẫn ngay khoản 2 điều 116 nêu: “UBND là cơ quan chấp hành của HĐND...”.

Có thể dự thảo không quy định cụ thể về nhiệm vụ quyền hạn của HĐND và UBND, nhưng Hiến pháp cũng cần định hướng rõ chức năng, vai trò, tổ chức và nhiệm vụ trọng yếu của HĐND để làm cơ sở cụ thể hóa trong luật định và quan trọng là không làm mất đi quyền làm chủ của nhân dân thông qua cơ quan đại diện. Do vậy, cần sửa khoản 2, điều 115 theo hướng: “chính quyền địa phương bao gồm HĐND và UBND, được thành lập ở các đơn vị hành chính lãnh thổ do luật định phù hợp với đặc điểm của từng đơn vị hành chính lãnh thổ và phân cấp quản lý”.

XUÂN LONGghi

____________

Tin bài liên quan:

Tiếp thu ý kiến góp ý Hiến pháp đến tháng 10Chính quyền đô thị không chỉ dành riêng TP.HCMTổ chức chính quyền địa phương theo thực tế cuộc sốngVẫn nhận ý kiến góp ý Hiến pháp khi đã có báo cáoPhải thật sự lắng nghe dânTập hợp ý kiến phải dân chủ, khách quanCần nhấn mạnh hơn nghĩa vụ công dân

H.VĂN - LÊ KIÊN - Đ.BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên