02/07/2023 05:45 GMT+7

Xưng nhân viên Điện Máy Xanh, Tiki lừa đảo 'việc nhẹ lương cao', nhiều người vẫn dính

Lợi dụng tình hình kinh tế khó khăn, nhiều người dân có nhu cầu tìm thêm việc làm, những kẻ lừa đảo đang triển khai "chiến dịch" gọi điện mời chào việc làm hòng giăng bẫy người dùng.

Các quảng cáo việc nhẹ lương cao hấp dẫn thường lợi dụng hình ảnh của các doanh nghiệp uy tín nhằm thu hút người dùng tham gia, nhưng sau đó có thể là một cái bẫy lừa đảo - Ảnh: ĐỨC THIỆN chụp lại màn hình

Các quảng cáo việc nhẹ lương cao hấp dẫn thường lợi dụng hình ảnh của các doanh nghiệp uy tín nhằm thu hút người dùng tham gia, nhưng sau đó có thể là một cái bẫy lừa đảo - Ảnh: ĐỨC THIỆN chụp lại màn hình

Thời gian gần đây, rất nhiều bạn đọc liên tục phản ảnh đến báo Tuổi Trẻ về việc nhận được các cuộc gọi điện thoại từ "nhân viên Điện Máy Xanh" mời chào việc làm.

Người gọi cho biết hệ thống đang có chương trình tuyển dụng nhân viên làm việc bán thời gian, làm cộng tác viên online làm việc tại nhà… Nhiều người nhận cuộc gọi bị hoang mang vì không rõ thực hư vụ việc là chiêu trò lừa đảo hay đúng của Điện Máy Xanh.

Thiệt hại nặng vì "việc nhẹ"

Lời mời chào theo "phong cách" việc nhẹ lương cao của người tự xưng là "nhân viên Điện Máy Xanh" với chào mời "chỉ cần truy cập vào trang web của Điện Máy Xanh, bình luận về các sản phẩm nhằm gia tăng tương tác, rảnh lúc nào làm lúc đó, không bắt buộc giờ giấc".

Đề nghị đưa ra là "mỗi bình luận được trả 10.000 đồng".

Trong một lần như thế, phóng viên Tuổi Trẻ gật đầu liền được người gọi hướng dẫn phải kết bạn Zalo để đưa vào nhóm làm việc vì "có rất nhiều người cùng làm nên phải tạo nhóm để quản lý".

Sau khi vào nhóm, chúng tôi được hướng dẫn làm hồ sơ cộng tác viên làm việc thời vụ bằng việc cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng để nhận lương, kèm theo đó là một khoản phí 2 triệu đồng. Ai nộp phí đầy đủ mới được giao việc làm cụ thể.

Qua tìm hiểu thì thấy đây là chiêu lừa được tổ chức rất bài bản. Nhóm Zalo được tạo ra dù có rất đông thành viên nhưng đều là chung một dây lừa đảo, người lạ duy nhất chính là đối tượng mục tiêu của bọn chúng.

Khi "con mồi" chần chừ không đóng tiền, nhiều "cộng tác viên" khác đã nhanh chóng khoe hình ảnh chuyển tiền thành công như để minh chứng và thúc giục. Những người chuyển tiền sẽ bị chúng bày tiếp chiêu thức hòng móc túi nạn nhân nhiều nhất có thể…

Có những nạn nhân đã bị lừa đến hàng trăm triệu đồng theo cách này.

Không chỉ Điện Máy Xanh, nhiều thương hiệu lớn khác như các sàn thương mại điện tử Shopee, Tiki, Lazada cũng bị lợi dụng trong các chiêu trò lừa đảo.

Chị Thanh Huyền (ngụ TP Thủ Đức, TP.HCM) cho biết cũng nhận được nhiều cuộc gọi mời chào làm việc trực tuyến tại nhà.

"Tình hình kinh tế khó khăn nên tôi cũng muốn kiếm việc làm thêm để cải thiện thu nhập, thấy người ta gọi nhiều quá nên tôi thử tham gia xem sao. Sau khi kết bạn Zalo, họ giao nhiệm vụ đăng bài quảng cáo cho các nhãn hàng, các trang thương mại điện tử như Tiki, Shopee…

Lúc đầu, họ trả lương cho tôi 50.000 đồng/ngày. Sau đó, họ giao nhiệm vụ mua hàng theo chỉ định trên các trang này. Tôi chuyển khoản với tổng số tiền 75 triệu đồng để làm nhiệm vụ và họ cắt đứt liên lạc. Lúc này tôi mới biết mình đã bị lừa", chị Huyền kể lại.

Tạo thói quen "kiểm tra, xác minh"

Bùng phát lừa đảo trực tuyến cũng là điểm nhấn chính trong báo cáo tình hình an ninh mạng sáu tháng đầu năm của Công ty an ninh mạng NCS.

Theo báo cáo, mặc dù đã có rất nhiều cảnh báo được đưa ra song số nạn nhân của các vụ lừa đảo vẫn tăng liên tục và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Thiệt hại có vụ việc lên đến cả trăm triệu đồng, trong khi hình thức của các vụ lừa đảo ngày càng tinh vi và khó lường.

Nổi bật nhất là kiểu lừa đảo việc nhẹ lương cao, đặc biệt bùng phát khi chuyển dịch "địa bàn" hoạt động từ Zalo sang Telegram.

Với mạng Telegram, chúng có thể dễ dàng lập các group có số lượng người đông, không bị giới hạn trong nhóm nhỏ, không chịu sự kiểm soát của cơ quan quản lý tại Việt Nam.

Với thiết kế của Telegram, khi bị phát hiện, các đối tượng có thể nhanh chóng thu hồi các tin nhắn, hình ảnh, xóa group để không bị truy dấu vết.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện hệ thống siêu thị Điện Máy Xanh khẳng định "không có hình thức mời chào việc làm nào qua gọi điện, việc nhẹ lương cao hay cộng tác viên làm online kiếm tiền tại nhà hoặc bất kỳ hình thức tặng thưởng, khuyến mãi nào đưa đến nhà".

Đại diện doanh nghiệp này cũng khuyến cáo người dân khi nhận những cuộc gọi có nội dung liên quan đến Điện Máy Xanh và muốn xác thực thông tin "vui lòng kiểm chứng tại website dienmayxanh.com, hoặc tổng đài 18001061/18001063".

Sàn thương mại điện tử Shopee cũng khẳng định "không triển khai hình thức tuyển dụng cộng tác viên, bán hàng, làm việc, làm việc tại nhà, thời gian linh hoạt… với mức thu nhập hấp dẫn. Người dùng cần hết sức thận trọng khi xem và cần xác minh thông tin thật kỹ để tránh các trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra".

Trước đó, Tập đoàn FPT và các công ty thành viên cũng lên tiếng cảnh báo đang bị các đối tượng mạo danh để lừa đảo tuyển dụng, chiếm đoạt tài sản của người dùng với nhiều hình thức khác nhau.

Đại diện tập đoàn này khẳng định: "Không thu tiền của bất kỳ ứng viên nào khi ứng tuyển làm việc tại đây và khuyến cáo mọi người tìm hiểu kỹ quy trình tuyển dụng của FPT để tránh trường hợp bị lừa đảo".

Các quảng cáo việc nhẹ lương cao hấp dẫn thường lợi dụng hình ảnh của các doanh nghiệp uy tín nhằm thu hút người dùng tham gia, nhưng sau đó có thể là một cái bẫy lừa đảo - Ảnh: ĐỨC THIỆN chụp lại màn hình

Các quảng cáo việc nhẹ lương cao hấp dẫn thường lợi dụng hình ảnh của các doanh nghiệp uy tín nhằm thu hút người dùng tham gia, nhưng sau đó có thể là một cái bẫy lừa đảo - Ảnh: ĐỨC THIỆN chụp lại màn hình

Dấu hiệu nhận biết

Theo Cục An toàn thông tin Bộ Thông tin và Truyền thông, có một số dấu hiệu giúp người dân nhận biết lừa đảo và biện pháp phòng tránh những kiểu lừa đảo nêu trên.

Thứ nhất là yêu cầu tạm ứng tiền. Chẳng hạn, người dùng được yêu cầu nộp một khoản tiền tạm ứng trước khi bắt đầu công việc. Thứ hai là yêu cầu cung cấp thông tin tài khoản cá nhân.

Những kẻ lừa đảo thường yêu cầu người dùng cung cấp thông tin tài khoản cá nhân, bao gồm số thẻ tín dụng hoặc thông tin ngân hàng… với lý do để thực hiện thanh toán hoặc tạo tài khoản. Người dùng hãy luôn cảnh giác và không chia sẻ thông tin nhạy cảm của mình với bất kỳ ai không tin tưởng hoặc không biết rõ.

Dấu hiệu dễ nhận thấy là kẻ lừa đảo thường hứa hẹn công việc có thu nhập ổn mà không yêu cầu kỹ năng hay kinh nghiệm đặc biệt.

Bên cạnh đó, người dùng nên kiểm tra kỹ thông tin về công ty hoặc người tuyển dụng. Nếu không có thông tin rõ ràng hoặc không có thông tin liên hệ, đó có thể là dấu hiệu của một hoạt động lừa đảo.

Hoặc khi tham gia một chương trình tuyển cộng tác viên, người dùng nên yêu cầu và đọc kỹ hợp đồng hoặc thỏa thuận liên quan. Nếu không có hợp đồng hoặc thỏa thuận rõ ràng, người dùng có thể gặp rủi ro bị lừa đảo.

Ngoài ra, người dùng cũng nên kiểm tra xem trang thanh toán đơn hàng có đủ các biểu tượng bảo mật như khóa SSL hay "https://" trước URL không. Nếu trang không có các biểu tượng này, đó có thể là dấu hiệu của một trang web giả mạo và thông tin của người dùng có thể bị đánh cắp.

6 nạn nhân "việc nhẹ lương cao" từ Lào được cứu về6 nạn nhân 'việc nhẹ lương cao' từ Lào được cứu về

Lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin của người lao động, các nghi phạm hứa hẹn tuyển lao động sang Lào làm việc nhẹ lương cao, song khi các nạn nhân bị dính bẫy đã bị đánh đập, khống chế, đòi tiền chuộc.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên