22/02/2015 11:03 GMT+7

​Tuổi 40 nhìn lại và bước  tới

HOÀNG ĐIỆP - VIỄN SỰ - MY LĂNG - NGỌC HÀ thực hiện
HOÀNG ĐIỆP - VIỄN SỰ - MY LĂNG - NGỌC HÀ thực hiện

TTXuân - Thế hệ 1975 bây giờ đã là những người tuổi trung niên, họ đã từng trải qua những năm tháng gian nan thời bao cấp, trở mình trong những năm đổi mới và tìm được những cơ hội phát triển cho mình và cho đất nước.

40 năm, Sài Gòn - TP.HCM đổi thay từng ngày - Ảnh: Max Ho
40 năm, Sài Gòn - TP.HCM đổi thay từng ngày - Ảnh: Max Ho

Nhìn lại sau 40 năm lớn lên cùng đất nước, thế hệ 1975 thấy một con đường phía trước còn rất dài. 

Nhà văn TIẾN ĐẠT

Giá trị lớn nhất là sự đoàn tụ

Tôi là đứa trẻ vừa mở mắt chào đời đã thấy hòa bình: ngày 1-5-1975. 

Mẹ sinh ra tôi trong lúc chạy tứ tán vì cảnh hỗn loạn giữa ranh giới sự sống và cái chết rất mỏng manh những ngày cuối của chiến tranh và ngày đầu tiên của hòa bình.

Có lẽ hi vọng về một cuộc sống hòa bình cho đứa con thơ đã tạo thêm động lực để mẹ tôi “vượt cạn”, giữa thời khắc mà mỗi người đều tự lo bảo toàn mạng sống cho mình.

Thế hệ chúng tôi may mắn lớn lên không phải sống trong thời khắc cái chết vì súng đạn rình rập, nhưng tuổi thơ ở làng quê nghèo như chúng tôi phải đối chọi với sự nghèo khó đến tận cùng.

Tôi vẫn còn nhớ cảnh ba anh em trai phải thay phiên mặc quần áo cũ của nhau, bữa ăn lúc no lúc đói, học trong ngôi trường làng mái tranh vách đất nắng xuyên mưa dột…

Nếu so với bạn trẻ ngày nay thì thế hệ chúng tôi còn phải trải qua những thời điểm khó khăn khác về vật chất trong quãng đời học sinh, sinh viên và khi nhập cuộc vào đời.

Có lẽ khi trải qua những thời khắc khó khăn về vật chất và một vài tổn thương tinh thần đã hun đúc cho từng cá nhân ý chí cần phải vươn lên trưởng thành trong cuộc sống.

Bạn bè đồng trang lứa chúng tôi giờ đây đa phần đã ổn định, và có sự đóng góp nhỏ bé nhất định với cộng đồng bằng chính độ chín ở tuổi 40.

Trải nghiệm của một công dân bước sang tuổi 40 và qua quan sát thời cuộc của một nhà văn, tôi luôn nhìn thấy sự chuyển động tích cực ở xung quanh, từ gia đình cho đến xã hội, cùng sự cải cách kinh tế và đổi mới về chính trị.

Đơn cử như thế hệ anh chị chúng tôi thời bao cấp rất nhiều người không được vào đại học dù họ học rất giỏi chỉ vì nguyên nhân “lý lịch có vấn đề” thì nay không còn nữa.

Hoặc trong ngành du lịch, hiện nay vị thế du khách Việt Nam xuất ngoại đã khác, nhiều nước tiên tiến đang tìm mọi cách tiếp cận chào đón khách Việt Nam là thượng khách, du khách Việt Nam có quyền ngẩng cao đầu.

Nhìn cách nhiều quốc gia lớn đang tìm mọi cách kéo Việt Nam về trục chính trị của họ đã cho thấy công dân Việt Nam, đất nước Việt Nam giờ đã khác trước.

Tất nhiên, xã hội, thể chế, quốc gia nào cho dù là những nước tiên tiến nhất cũng luôn có những vấn đề mang tính nội tại cần phải giải quyết nhằm đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của số đông cộng đồng.

Tôi tin nếu chúng ta áp dụng đúng và đủ các chiến lược xây dựng đất nước đã đề ra, thì trong tương lai chúng ta sẽ xây dựng thành công một nhà nước có vị thế cao hơn, mạnh hơn, gần gũi nhân dân hơn và đời sống dân sinh, dân trí, dân chủ tốt hơn.

Tôi đã có gần 20 năm làm việc trong ngành du lịch, có cơ hội rong ruổi trên tất cả mọi miền đất nước và nhiều quốc gia, tôi nhận ra rằng phong cảnh quê hương đất nước Việt Nam rất xinh đẹp và yên bình.

Những quốc gia khu vực ASEAN không có nhiều lợi thế thiên nhiên phong cảnh, văn hóa truyền thống, ẩm thực, sự thân thiện của con người bằng đất nước ta.

Với cá nhân tôi, cung đường xa ở các nước chỉ là sự trải nghiệm mở mang kiến thức tìm kiếm sự khác biệt, quan trọng vẫn là các tuyến điểm trên lãnh thổ quê hương mình, không đâu bằng quê hương đất nước mình. 

Và tuổi 40, tôi và những “công dân chào hòa bình” cùng thế hệ vẫn tin rằng gia đình là xã hội thu nhỏ dung nạp những gì cao đẹp, bản thiện của từng cá nhân. Là phía của đoàn tụ, của sự quay về. Xét rộng ra, một trong những giá trị lớn nhất của đất nước chúng ta trong 40 năm qua chính là hòa bình ổn định. Và điều đó đã gầy dựng nên lợi thế cạnh tranh và lợi thế so sánh của đất nước. 

Nhà văn Tiến Đạt sinh tại Quảng Ngãi. Hiện là phó ban nhà văn trẻ Hội Nhà văn TP.HCM. Anh đang làm việc tại Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist).

Các tác phẩm đã in: tập truyện ngắn Có con chim lạ trong thành phố (2003), tập truyện ngắn Tội lỗi tự nhiên (2006), tiểu thuyết Thể xác lưu lạc (2009), tập truyện ngắn Truy đuổi tâm trạng mỹ nhân (2014), tập du ký Lữ khách, gió bụi xa gần (2014).

Trung tá LÊ VĂN THIỆU

Quê tôi thay áo mới

Ảnh: Hữu Khoa
Ảnh: Hữu Khoa

Tôi sinh ra ở một vùng nông thôn của huyện Bình Chánh, cha mẹ làm nông nghiệp, nhà lại đông anh chị em, đến tận 11 người, tôi là út.

Vậy nên, dù ở nông thôn nhưng tôi không bị ám ảnh bởi những vất vả hay khó khăn của thời gian bao cấp. Tôi nhớ, dù nhà làm nông nhưng có vườn nên có tăng gia sản xuất, tôi lại là con út trong gia đình.

Hồi còn nhỏ, má hay kể địa phương tôi ở là nơi nuôi giấu cán bộ cách mạng rất nhiều. Nhà tôi không phải là cơ sở cách mạng nhưng má vẫn giúp đỡ cán bộ nếu có dịp. Má cũng kể những lần má giúp được các chú thường là cho ăn ở trong nhà vài ngày, rồi các chú lại đi.

Thường má cũng không biết tên thật của các chú, cũng không biết quê ở đâu, các chú nói tiếng miền Nam nhưng có những lúc vẫn thốt ra những từ miền Bắc, ví như có lần gọi chiếc muỗng là thìa.

Người nào khi đến nhà cũng đều nói với má là tin vào chiến thắng và đất nước thống nhất, họ cũng nói nếu hòa bình thì họ sẽ về thăm má và gia đình, nhưng nhiều năm sau và cho đến tận bây giờ không thấy ai trở lại. Má nói có thể các chú ấy hi sinh cả, nếu không thể nào các chú cũng về. Vậy nên, mỗi khi nói về các chú, má đều bảo các chú sống khôn thác thiêng nên phù hộ cho gia đình nhà mình, 11 đứa con đứa nào cũng khỏe mạnh, gia đình lúc nào cũng vui vầy, đầm ấm.

Mỗi năm, đến ngày giải phóng, má tôi lại nhắc mấy chú bộ đội, nếu còn sống thì mong chú khỏe mạnh, nếu chẳng may các chú hi sinh trước ngày hòa bình thì mong các chú siêu thoát. Má tôi cũng bảo cách mạng thành công không chỉ bởi lúc ấy dân tin vào Đảng, mà bởi những người đi làm cách mạng đều chân chất, dễ thương, và hình như ai cũng nghèo.

Má tôi cũng nói người dân giúp cách mạng như gia đình tôi đã giấu các chú ấy khỏi những đợt truy lùng hay dành cơm cho các chú ăn, là bởi, trước hết, là thương một người đang yếm thế, là người tốt. Vậy thôi.

Tôi chỉ được nghe về chiến tranh qua lời kể của ba má và anh chị khi những nhà hàng xóm là cơ sở cách mạng mà không hề sợ sệt, dù họ biết rằng nếu bị bắt đang nuôi giấu cán bộ có thể bị tịch thu gia sản và bị tù tội. Má tôi kể những người nông dân ở quê tôi ủng hộ cách mạng như chuyện đương nhiên phải thế.

Tôi lớn lên cùng ruộng đồng và đám trẻ ở quê, thấy làng quê thay đổi từ năm này sang năm khác. Năm nay thành phố 40 tuổi, tôi cũng bước vào tuổi 40. Mỗi một ngày trôi qua là thành phố có thêm đổi khác. Thành phố này đã lớn lên từng ngày, phát triển lên từng ngày. Quê tôi cũng đã thay áo mới, những mái nhà cũ thấp bé đã thay bằng những căn nhà lầu.

Là giảng viên trong ngành cảnh sát, tôi mong muốn tìm ra những biện pháp hữu hiệu trong việc phòng ngừa tội phạm, đảm bảo trật tự xã hội, làm cho thành phố phát triển ổn định và văn minh hơn. 

Mong muốn đào tạo ra những sinh viên vững về chính trị, giỏi về pháp luật, tinh thông nghiệp vụ để có thể phụng sự được cho thành phố này nhiều hơn, để thành phố phát triển bền vững và an toàn hơn.

Trung tá Lê Văn Thiệu sinh năm 1975, là trưởng phòng quản lý và nghiên cứu khoa học Trường đại học Cảnh sát nhân dân. Sinh viên tiên tiến toàn khóa (năm học 1993-1998), giải nhất Hội thi giảng viên các trường đại học học viện Công an nhân dân, giảng viên trẻ tiêu biểu lần thứ nhất do Thành đoàn TP.HCM tổ chức năm 2006.

Chuyên gia công nghệ thông tin NGUYỄN TỬ QUẢNG

Hãy làm việc hết mình

Sinh ra đúng vào năm đất nước thống nhất, dù tận mắt chứng kiến quê hương hồi sinh từng ngày sau chiến tranh, nhưng vì còn quá nhỏ, thật sự tôi không cảm nhận hết được nỗi khổ sở do chiến tranh gây ra và những nỗi đau thời hậu chiến. Sống trong gia đình công nhân viên chức, bố là giáo viên, mẹ là dược sĩ, cuộc sống gia đình tôi không quá khó khăn so với bạn bè đồng trang lứa, nhưng chắc chắn cũng không đủ đầy ở thời kỳ đất nước cực kỳ gian khó.

Bố mẹ đi làm cả ngày, hai chị em chúng tôi ở nhà tự phân công nhau công việc. Nếu nói thời kỳ nghèo khó ấy đánh mất những gì trong tuổi thơ của mình, tôi không trả lời được. Nhưng nếu hỏi cả giai đoạn khó khăn, vất vả ấy đã đem lại cho tôi điều gì, tôi sẽ không phải suy nghĩ mà trả lời ngay rằng đó là thái độ chủ động với cuộc sống, yêu lao động, gặp khó khăn cũng sẽ không đòi hỏi gì mà tự giải quyết hết.

Từ nhỏ, trong suy nghĩ của tôi đã rất mạch lạc rằng: học cái này, cái kia sẽ dùng được gì cho cuộc sống? Tôi không làm gì vu vơ mà không biết mục đích của mình, không biết những cái mình học, mình làm sẽ ứng dụng ra sao. Tôi học chuyên từ nhỏ, rồi từ tỉnh lẻ lọt được cả vào lớp chuyên toán phổ thông của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, vậy mà năm học ĐH đầu tiên kết quả lại quá lẹt đẹt.

Đơn giản là suốt thời phổ thông, tôi học với mục tiêu giải được những bài toán cực khó, lọt vào các đội tuyển thi học sinh giỏi, nhưng vào ĐH, bước vào học đại cương, ý nghĩa các môn học là gì, tôi không xác định được. Hậu quả tất yếu là tôi phải thi lại gần hết các môn.

Lúc này, tôi mới xác định mục tiêu trước mắt của một sinh viên là đừng đẩy mình vào chỗ phải thi lại, tốn tiền và tốn kém thời gian. Tôi bắt đầu thay đổi cách học. Nhưng không quá nặng nề về điểm số, không lấy đó làm mục tiêu cao nhất, tôi chỉ học ở mức thuộc tốp 5 sinh viên có điểm cao nhất, chứ không phải người đứng đầu. Niềm đam mê của tôi là công nghệ thông tin.

Máy tính không có sẵn, tôi tự thuê máy ở cửa hàng theo giờ như các bạn bây giờ vẫn thuê máy chơi game online để lập trình. Phần mềm diệt virus được hình thành theo cách đó khi tôi là sinh viên năm thứ ba.

Ước mơ mà tôi ấp ủ và đang cùng các cộng sự thực hiện hằng ngày là xây dựng được thương hiệu toàn cầu cho sản phẩm Việt Nam. Tôi biết có người cho tôi là hão huyền, gọi tôi là Quảng “nổ”. Còn tôi thì luôn tự hỏi và thấy rất vô lý khi nhiều người cứ tự kìm hãm giấc mơ của mình.

Tâm lý nước Việt là nước nhỏ, nên người Việt có quyền được yếu thế và tự ti vẫn còn khá phổ biến, không chỉ trong tư tưởng mà cả khi giao dịch với đối tác nước ngoài.

Ngay từ khi khởi nghiệp, lập công ty, tôi đã đặt ra slogan cho doanh nghiệp của mình “Hãy làm việc hết mình, những điều tốt đẹp sẽ đến với bạn”. Đã có người nói chúng tôi cứ hô hào hội nhập quốc tế mà mệnh đề nhận diện nghe có vẻ “quê” quá. Nhưng đây chính là chiêm nghiệm mà tôi đúc rút từ bản thân.

Hãy cứ làm việc theo đam mê, cống hiến hết sức, tận tâm hết mình và một ngày nhìn lại sẽ thấy mình có đủ. Từ chỗ chỉ có hai thành viên, nay tập đoàn đã phát triển lên hơn 1.500 người.

Từ chỗ chỉ là một phần mềm diệt virus thời sinh viên, cung cấp miễn phí, nay chúng tôi phát triển sản phẩm đa dạng, vươn ra thị trường thế giới. 

Không ít người hỏi tôi sinh năm 1975 - đúng mốc lịch sử quan trọng của đất nước - có ý nghĩa gì với cuộc đời và sự phấn đấu bản thân? Có người hỏi cho vui, cũng có người gửi gắm kỳ vọng trong câu hỏi ấy. Với riêng tôi, năm sinh 1975 có giá trị đặc biệt.

Từ nhỏ đến lớn, tôi vẫn nghe mọi người nhắc đến năm 1975 với một thái độ tự hào. Những năm chẵn sinh nhật của mình cũng là những năm kỷ niệm lớn của dân tộc. Như năm nay, 40 năm đất nước thống nhất, tôi vừa tròn 40 tuổi… Mỗi dịp như vậy là một dịp mình chiêm nghiệm lại. Tôi hiểu rằng: Phải sống cho xứng đáng với lịch sử là trách nhiệm của tất cả chúng ta, trong đó có những người sinh năm 1975.

Ảnh: Nguyễn Khánh
Ảnh: Nguyễn Khánh

Nguyễn Tử Quảng sinh tại Ninh Bình, hiện là chủ tịch hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc (CEO) Tập đoàn công nghệ Bkav.

Năm 1995, Nguyễn Tử Quảng bắt đầu viết phần mềm diệt virus khi đang là sinh viên năm thứ ba Trường ĐH Bách khoa Hà Nội.

Nguyễn Tử Quảng là một trong 10 gương mặt trẻ tiêu biểu năm 1998 do Trung ương Đoàn bình chọn.

Bkav là một trong 10 thương hiệu nổi tiếng nhất Việt Nam do Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam bình chọn, nằm trong top 10 dịch vụ hoàn hảo do Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam bình chọn. Công ty đã thành lập Bkav Singapore và Bkav USA đặt tại Thung lũng Silicon, Mountain View, bang California, Mỹ.

Doanh nhân PHAN MINH THÔNG

Luôn nhìn về phía trước

Tôi là con út trong một gia đình có đến bảy đứa con. Bố là thợ điện sửa tàu đánh cá. Mẹ là công nhân nhà máy.

Thế hệ những người sinh năm 1975 như tôi, sống giữa thời kỳ vừa kết thúc chiến tranh bắt đầu hòa bình, lại nhất là sống ở miền Bắc nên cảm nhận rất rõ về thời kỳ chuyển tiếp, kết nối đó, đặc biệt là những năm tháng bao cấp. Vẫn còn tem phiếu, còn cảnh xếp hàng dài mua lương thực thời bao cấp (từ năm 1975 đến 1986).

Mẹ tôi phải đạp xe mua rau củ bán thêm để nuôi đàn con. Bố tôi mỗi lần sửa tàu cá được người ta cho mớ cá mang về là cả nhà mừng lắm vì có thêm thức ăn tươi. Chị gái tôi sinh năm 1958, đi xếp hàng gánh nước, làm nhiều nghề phụ như dệt, làm bánh bao... Một nồi cơm gang đầy, cả nhà ăn vèo là hết. Có nhiều bữa phải ăn bo bo, cơm mạch, cơm độn khoai… 

Có lẽ vì quá khó khăn nên việc học ở gia đình tôi được ưu tiên hàng đầu. Bố mẹ tôi luôn nói học để thay đổi cuộc sống. Nhà nghèo quá, hai chị gái đầu của tôi không học đại học được. Chị gái thứ ba sinh năm 1963, sáng mai đi thi đại học, tối nay vẫn phải quay sợi đến 12g đêm. Kể từ lúc chị gái thứ ba của tôi thi đậu đại học, nhà tôi bốn anh chị em sau bắt buộc phải nỗ lực học để vào được đại học, không có sự lựa chọn nào khác. 

Nhà có một quán hàng khô, 10 tuổi tôi đã phụ mẹ bán hàng. Mục tiêu mỗi ngày mà tôi tự đặt ra là phải bán rất nhiều hàng, ai vào cũng phải mua một cái gì đó, dù chỉ là củ tỏi, một quả trứng…

Kỹ năng thuyết phục khách hàng của những ngày đó đã giúp tôi rất nhiều trong công việc kinh doanh sau này.

Tôi chọn Đại học Ngoại thương Hà Nội vì đó là trường danh giá, vượt trội so với các trường khác nên sau này dễ kiếm việc. Khi tôi vào đại học (năm 1992), vẫn còn suất cơm 1.500 đồng, miếng thịt mỏng đến độ thổi là bay. Kinh tế gia đình căng thẳng đến nỗi một ngày tôi phải dạy thêm hai ca để phụ bố mẹ tiền ăn học. 

Năm 1986, Việt Nam mình đổi mới, thế hệ 1975 như tôi được đi đây đó, được tự do đi ra thế giới mở mang tầm nhìn, biết những gì mình cần hoàn thiện khi nhận ra sự khác biệt. Chúng tôi đón đúng điểm rơi đó, có rất nhiều cơ hội cho thế hệ trẻ vừa trưởng thành như chúng tôi: được tự do thành lập công ty, tự do xuất khẩu, nhập khẩu... Chúng tôi là thế hệ đầu tiên nhận được những khoản vay của ngân hàng dễ dàng hơn các thế hệ trước nhiều.

Năm 2008 khi tôi sang Canada gặp đối tác, họ khen: Việt Nam phát triển quá nhanh, có thể sản xuất được tiêu sạch. Nghe như thế, tự hào lắm. Từ đó, tôi càng ý thức về trách nhiệm của mình. Người ta nói sinh ở đâu thuộc về nơi đấy. Mình đại diện cho thương hiệu của Việt Nam, phải có trách nhiệm bảo vệ, giữ gìn cho thương hiệu của quốc gia.

Có thương hiệu quốc gia tốt, làm việc rất an tâm. Tôi không giữ riêng cho mình kinh nghiệm, kiến thức về ngành hàng hồ tiêu mà muốn tất cả các công ty xuất khẩu tiêu của Việt Nam cùng làm tốt, tạo nên uy tín cho ngành hàng của mình, uy tín đến từ Việt Nam cho thế giới. Ngành hàng của mình mạnh, mình sẽ mạnh. Thế hệ đi trước làm tử tế, làm có uy tín, thế hệ đi sau làm rất dễ dàng. Tôi vui vì đã đóng góp cho ngành hàng của đất nước, nhưng vui nhất là người nông dân đã được hưởng lợi rất nhiều từ việc xuất khẩu hồ tiêu được thị trường thế giới đón nhận. 

Tôi thấy thế hệ sinh năm 1975 rất nhiều người giỏi, thông minh, thành đạt. Họ rất kiên trì và nỗ lực, nhất là những lúc kinh tế suy thoái, đối phó với khủng hoảng, rủi ro.

Bản lĩnh đó không phải ngày một ngày hai mà có. Những người sinh năm 1975 có được bản lĩnh ấy có lẽ vì được sinh ra ở thời điểm vừa kết thúc chiến tranh, vẫn còn chưa quá xa với những dấu ấn của chia ly, loạn lạc, đau khổ, lại lớn lên trưởng thành trong thời kỳ đất nước từ bao cấp sang đổi mới, lớn lên giữa những năm tháng khó khăn nhất sau hòa bình.

Có thể đã trải qua những năm tháng khó khăn nhất của đất nước, của gia đình mình, nên sau này khi chính mình bị vấp ngã, tôi không dễ bị suy sụp và luôn biết cách đứng dậy. Cho nên, tôi luôn nhìn về phía trước.

Phan Minh Thông sinh năm 1975 tại Hải Phòng, tốt nghiệp ĐH Ngoại thương Hà Nội năm 1997, hiện là tổng giám đốc Công ty cổ phần Phúc Sinh - một trong những công ty hàng đầu Việt Nam về xuất khẩu hồ tiêu và cà phê, luôn đứng vị trí thứ 1, 2 về xuất khẩu hồ tiêu do Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam xếp hạng.
HOÀNG ĐIỆP - VIỄN SỰ - MY LĂNG - NGỌC HÀ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên