21/11/2023 15:49 GMT+7

Tiếp sức đến trường 2023: Một chặng đường khép lại, nhiều cánh cửa tương lai mở ra

19h30 hôm nay 21-11, học bổng Tiếp sức đến trường sẽ được trao cho 138 tân sinh viên khó khăn bảy tỉnh thành Đông Nam Bộ, cùng một số sinh viên các tỉnh thành khác đang theo học tại TP.HCM.

Những giọt nước mắt xúc động tại lễ trao học bổng Tiếp sức đến trường 2023 khu vực 5 tỉnh Tây nguyên, diễn ra tại thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk tối 3-11 - Ảnh: T.T.D.

Những giọt nước mắt xúc động tại lễ trao học bổng Tiếp sức đến trường 2023 khu vực 5 tỉnh Tây nguyên, diễn ra tại thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk tối 3-11 - Ảnh: T.T.D.

Lễ trao học bổng và giao lưu nghệ thuật kỷ niệm 20 năm Tiếp sức đến trường và 35 năm chương trình Vì ngày mai phát triển do Thành Đoàn TP.HCM, báo Tuổi Trẻ phối hợp tổ chức, được truyền hình trực tiếp trên HTV1 - Đài truyền hình TP.HCM và tiếp sóng trên tuoitre.vn.

Ngoài lễ trao học bổng cho 138 tân sinh viên, chương trình còn có phần trình diễn, giao lưu nghệ thuật như những thông điệp động viên gửi đến các tân sinh viên. Đó cũng là lời cảm ơn đến tất cả tấm lòng đã đồng hành với học bổng Tiếp sức đến trường - thuộc chương trình Vì ngày mai phát triển của báo Tuổi Trẻ trong suốt 20 năm qua.

Một hành trình đầy gian khó nhưng cũng đầy nhân văn mà báo Tuổi Trẻ, với sự ủng hộ của các nhà hảo tâm và sự chung tay của bạn đọc trên cả nước đã nỗ lực đạt được. 

Và tối nay sẽ là điểm trao thứ 12, cũng là điểm trao cuối cùng, khép lại hành trình năm 2023 của học bổng Tiếp sức đến trường sau hơn ba tháng diễn ra.

Một chặng đường của nghị lực, niềm tin

Nhớ lại giây phút được nhận học bổng Tiếp sức đến trường 2023, bạn Bùi Hồng Hà (quê Hòa Bình, Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông) vẫn gọi đó là "món quà sinh nhật tuổi 18".

Tân sinh viên Lê Thị Hải Nguyên và Bùi Hồng Hà chia sẻ "mình là người may mắn" khi được nhận học bổng Tiếp sức đến trường - Ảnh: NVCC

Hà chia sẻ "vô cùng trân trọng và biết ơn vì điều ấy. Một sinh viên nghèo từng buồn bã đến bật khóc vì không thể kiếm được việc làm thêm - vì chưa đủ 18 tuổi. May mắn nhờ có số tiền học bổng, em đã bớt lo hơn với những bộn bề của phố thị, có tiền tiếp tục theo đuổi con đường học tập, theo đuổi đam mê".

Mỗi người đều có một hoàn cảnh khác nhau, nhưng điều quan trọng là phải nỗ lực không ngừng, vươn mình đến những vùng đất mới, tìm kiếm cho bản thân một giá trị sống, thoát khỏi khó khăn của quá khứ để hướng tới tương lai phía trước. Đó cũng là điều mà em mong muốn bản thân làm được ở "thì tương lai".
Tân sinh viên BÙI HỒNG HÀ

Vô cùng hạnh phúc và biết ơn cũng là cảm xúc của tân sinh viên Lê Thị Hải Nguyên (quê Thái Nguyên, Trường đại học Ngoại thương), khi được nhận học bổng Tiếp sức đến trường của báo Tuổi Trẻ.

"Mình là một người may mắn" - em luôn nhắc nhở bản thân điều ấy, bởi em biết ngoài kia có rất nhiều bạn không có cơ hội được đi học hay thậm chí là được ăn no, mặc ấm.

Học bổng đã giúp em chi trả học phí nhập học và hơn hết đã tiếp thêm cho em nguồn động lực tiến về phía trước.

Ở quỹ học bổng này, em không chỉ được nhận về vật chất mà còn nhận được tình thương to lớn từ các anh chị thế hệ trước, những người đã tiếp thêm cho em nhiều sức mạnh" - Hải Nguyên chia sẻ với Tuổi Trẻ Online sau hơn hai tháng nhận được học bổng.

Hải Nguyên cũng dự định sẽ đi thật nhiều để hiểu và thương hơn cuộc sống này. Cô đang ấp ủ một dự án tình nguyện để góp một bông hoa nhỏ xinh vào vườn hoa việc tốt.

Em tin rằng, con người là những cá thể độc lập nhưng chúng ta không thể sống cô lập, chúng ta không thể thành công một mình. Với tinh thần trả ơn bằng sự cho đi, em sẽ cố gắng giúp đỡ thật nhiều người bằng sức trẻ của mình. Một lần nữa, trân trọng và biết ơn!
Tân sinh viên LÊ THỊ HẢI NGUYÊN


Đồ họa: SONG UYÊN

Đồ họa: SONG UYÊN

Khoảng lặng và những cánh cửa

Tối nay, trong 138 tân sinh viên được trao học bổng có bạn Dương Nguyễn Liên Khương (trọ tại TP Thủ Đức, TP.HCM). 

Trong lúc tập trung cho kỳ thi quan trọng sau 12 năm đèn sách, Liên Khương hay tin cha phát hiện bị lao, mẹ vừa bị lao vừa bị tan máu bẩm sinh nên phải nằm một chỗ. Từ đó, một ngày của Khương luôn chật vật bởi gian khó, bệnh tật bủa vây. 

Rồi đến khi Khương vừa trở thành tân sinh viên Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM thì sóng gió lần nữa vùi dập lấy Khương. 

Chỉ trong vòng chưa đầy một tuần lễ thời điểm đầu tháng 10, Khương đau đớn nhìn hai bậc sinh thành của mình lần lượt trút hơi thở cuối. Khương trở thành người mồ côi.

Chặng đường tương lai của Liên Khương hẳn vẫn còn đó những chướng ngại, thử thách và  ai cũng mong rằng chàng trai ấy sẽ tiếp tục bước qua phong ba đời mình như đã từng.

Hành trình bán sức lao động để có thể tới trường, rồi đỗ đại học dù chưa một lần biết đến không khí lớp học thêm của Trương Ái Nhi (tân sinh viên ngành ứng dụng phần mềm Trường cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật TP.HCM) khiến chúng tôi chậm lại vài nhịp.

Trương Ái Nhi sinh ra trong một gia đình nghèo, ba gần như mất sức lao động, mẹ làm ngày làm đêm để lo toan chuyện cơm áo. Tuổi 18 nhưng gần như Ái Nhi không từ nan việc gì, từ phục vụ bàn, bán hàng đến cả khuân vác hàng hóa ban đêm... 

Nhi đã cùng mẹ vượt chặng đường dài tìm đến Khu công nghiệp Tân Tạo, lững chững bước đi đầy nặng nề vì phải khuân vác những cục hàng to nặng suốt 8 tiếng liền trong đêm chỉ để kiếm về 28.000 đồng/giờ.

Hay như lần trở lại giảng đường đại học sau lần dang dở ở tuổi 19 của Mai Công Quyền được dự báo sẽ đầy gian truân. Năm ngoái, Mai Công Quyền đỗ vào ngành công nghệ thông tin, là ngành học bạn thích và khao khát theo đuổi. 

Kỳ học đầu của đời sinh viên diễn ra rất suôn sẻ, nhưng ngày tháng vui chẳng kéo dài được lâu. Số tiền hơn 17 triệu đồng khi ấy quá sức, từ đó Quyền đã phải rời trường khi học kỳ hai còn chưa bắt đầu.

Bằng khát khao được học và việc từng một lần dang dở chuyện học, Quyền đầy thận trọng cho tính toán ngày trở lại giảng đường đại học. Khoản tiền Quyền tích cóp được từ tháng ngày sống đời công nhân ở Đồng Nai cho tới chạy bàn, giao hàng... trở thành điểm tựa giúp Quyền tự tin hơn với lựa chọn đi học trở lại. Năm nay, Mai Công Quyền quyết trở lại giảng đường. 

Hôm giấy báo Quyền trúng tuyển ngành huấn luyện thể thao (môn cầu lông), khoa huấn luyện thể thao Trường đại học Thể dục thể thao TP.HCM, cậu vẫn còn đang chạy xe giao hàng cho một cửa hàng máy tính ở Hóc Môn (TP.HCM).

Những bất trắc, nghịch cảnh của Khương, của Nhi, của Quyền... là những phận đời tương tự xuất hiện trong hàng ngàn hồ sơ đã gửi về Tuổi Trẻ, cũng như trong 1.200 bạn trẻ đã được chọn để trao học bổng Tiếp sức đến trường năm 2023. 

Nhưng khoảng lặng của số phận đã không thể đóng cánh cửa hy vọng được tiếp tục học của các bạn trẻ ấy, nói như cô tân sinh viên Ka Xuân trong hôm nhận học bổng: "Em thương chị, em thương cả ước mơ của em". 

Vì cái thương đó nên dẫu có phải đi làm công nhân để hỗ trợ chị được tiếp tục học đại học, thì Ka Xuân vẫn tìm cách quay lại giảng đường ở tuổi 20.

Tiếp sức và tiếp nối

Khi nhận sự hỗ trợ của cộng đồng tiếp sức cho đường học không phải đứt quãng, các tân sinh viên cũng coi đó là sự cam kết. 

Các tân sinh viên Trần Mai Thảo Quỳnh, Nguyễn Phạm Bình An, Nguyễn Xuân Mai (từ trên xuống, từ trái qua) đã tạm vượt qua những khó khăn của giai đoạn đầu nhập học - Ảnh: CHÍ HẠNH, CÔNG TRIỆU, NVCC

Bạn Nguyễn Xuân Mai (quê ở Cần Thơ), tân sinh viên Trường đại học Nam Cần Thơ, chia sẻ vẫn còn cảm giác vui sướng khi được xướng tên nhận suất học bổng đặc biệt trong chương trình lễ trao học bổng Tiếp sức đến trường - Gieo mầm trên đất chín rồng của báo Tuổi Trẻ đêm 21-10 vừa qua.

Hiện Xuân Mai đi học buổi sáng, buổi chiều không có lịch học bạn đi làm thêm từ 12h30 đến 17h hằng ngày. Mai vẫn đi về giữa nhà và trung tâm thành phố Cần Thơ để đi học, đi làm nhằm tiết kiệm tiền trọ.

"Mình cảm ơn nhà hảo tâm, cảm ơn báo Tuổi Trẻ đã tiếp sức cho mình lúc khó khăn nhất ấy, mở ra niềm hy vọng lớn lao và giúp mình có điều kiện học tập tốt hơn. Chắc chắn rằng sau này khi có điều kiện, mình mong muốn đóng góp một phần sức nhỏ lại cho cộng đồng, cho các em tiếp sau mình", Xuân Mai nói.

Còn Trần Mai Thảo Quỳnh (quê ở An Giang) - tân sinh viên ngành Đông phương học, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) - chia sẻ rất biết ơn học bổng đến ngay thời điểm đang gặp khó khăn, thiếu các chi phí sinh hoạt, bạn đã dùng tiền học bổng vào việc sinh hoạt và học tập.

"Em luôn mang niềm biết ơn khi nhận được học bổng và hy vọng sau này sẽ có cơ hội giúp đỡ lại mọi người xung quanh để học bổng này trao cho em là có ích và có ý nghĩa nhất trong khả năng mình làm được", Thảo Quỳnh nói.

Đó cũng là lời tự cam kết của bạn Nguyễn Phạm Bình An, sinh viên khoa Y, Đại học Quốc gia TP.HCM: "Chắc chắn khi chọn tôi để trao học bổng thì ban tổ chức cũng đã đặt nhiều hy vọng, kỳ vọng. Vì vậy, tôi luôn tự dặn mình phải thật cố gắng để đạt được kết quả tốt trong việc học, sớm trở thành một người có ích để không phụ lòng mọi người đã trao gửi cũng như có điều kiện được quay lại đồng hành, hỗ trợ các bạn khóa dưới như nguồn thông điệp mà mình nhận được khi đến với chương trình.

Những lời cam kết nỗ lực hơn nữa, và cùng góp sức trong tương lai của các tân sinh viên hôm nay như những hạt mầm để hành trình Tiếp sức đến trường có thêm những sự chung tay vì ngày mai mà đi tới.

Với một đứa trẻ mồ côi như mình thì suất học bổng, những lời động viên của cô chú ban tổ chức chương trình mang đầy tình thương, sự ấm áp, khích lệ rất lớn.
NGUYỄN THỊ TỐ TRINH, sinh viên ngành hệ thống thông tin, Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường TP.HCM

Hành trình của học bổng Tiếp sức đến trường năm 2023

Thời gian trao học bổngTân sinh viên Số suất học bổng
Ngày 29-9Quảng Trị120 (4 suất đặc biệt)
Ngày 5-104 tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ: Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình86 (2 suất đặc biệt)
Ngày 15-10Quảng Nam, Đà Nẵng105 (4 suất đặc biệt)
Ngày 18-106 tỉnh Tây Bắc: Lào Cai, Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Yên Bái85 (2 suất đặc biệt)
Ngày 20-10Thừa Thiên Huế81 suất (2 suất đặc biệt) cho tân sinh viên Thừa Thiên Huế và 35 suất (1 suất đặc biệt) cho tân sinh viên của Quảng Ngãi đang theo học tại Đà Nẵng, Huế
Ngày 21-1011 tỉnh thành Đồng bằng sông Cửu Long111 (2 suất đặc biệt)
Ngày 25-1019 tỉnh, thành phía Bắc120 (2 suất đặc biệt)
Ngày 1-11Bến Tre, Tiền Giang85 (2 suất đặc biệt)
Ngày 3-115 tỉnh Tây Nguyên: Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Lâm Đồng, Kon Tum91 (2 suất đặc biệt)
Ngày 4-11Phú Yên60 (2 suất đặc biệt) suất cho tân sinh viên và 40 suất cho học sinh
Ngày 11-11Bình Định, Khánh Hòa, Ninh Thuận50 (2 suất đặc biệt)
Ngày 21-117 tỉnh thành Đông Nam Bộ138 (5 suất đặc biệt)

* Ông Đồng Hoàng Hiển - chủ nhiệm Câu lạc bộ Nghĩa tình Quảng Trị:

Ông Đồng Hoàng Hiển - chủ nhiệm Câu lạc bộ Nghĩa tình Quảng Trị - Ảnh: CÔNG TRIỆU

Ông Đồng Hoàng Hiển - chủ nhiệm Câu lạc bộ Nghĩa tình Quảng Trị - Ảnh: CÔNG TRIỆU

Thành công là khi được hỗ trợ nhiều bạn sinh viên khó khăn được đến giảng đường

Chính sự nhân văn, mục tiêu nâng bước các tân sinh viên hiếu học vượt qua nghịch cảnh cuộc đời trở thành lý do quan trọng nhất để câu lạc bộ đồng hành với chương trình và vượt chặng đường 20 năm qua.

Có lẽ cũng vì thế mà gần như cuộc gặp mặt thành viên câu lạc bộ đông đủ nhất hơn bất kỳ cuộc gặp nào khác trong năm luôn là lần họp chuẩn bị cho chương trình Tiếp sức đến trường.

Không đặt và áp đặt chỉ tiêu cho từng cá nhân, từng chương trình, tuy nhiên nhờ vào những tấm lòng luôn sẵn sàng sự sẻ chia của mọi người mà nhiều chương trình dù diễn ra trong thời điểm rất khó khăn nhưng vẫn gặt hái được rất nhiều thành công.

Sự thành công ở đây không dành riêng cho bất kỳ ai là thành viên trong câu lạc bộ, bởi chúng tôi xem việc mình hỗ trợ được càng nhiều bạn sinh viên nghèo, nghị lực bước đầu đến được giảng đường đại học là sự thành công.

* Ông Ngô Văn Đông - tổng giám đốc Công ty cổ phần phân bón Bình Điền:

Ông Ngô Văn Đông - tổng giám đốc Công ty cổ phần phân bón Bình Điền - Ảnh: CÔNG TRIỆU

Ông Ngô Văn Đông - tổng giám đốc Công ty cổ phần phân bón Bình Điền - Ảnh: CÔNG TRIỆU

Tấm gương nghị lực của các bạn là nguồn động lực cho chúng tôi

Suất học bổng phần nào giúp các tân sinh viên thêm tự tin bước đầu với chặng đường mới. Từ đó càng nỗ lực hơn trong học tập, trở thành người có ích cho xã hội.

Nhưng chính những tấm gương nghị lực, hành trình vượt khó để đeo đuổi đến cùng giấc mơ giảng đường, với con chữ của các tân sinh viên là động lực, nguồn sức mạnh để chúng tôi nỗ lực làm việc.

Tất cả vô hình trung thôi thúc chúng tôi nỗ lực hơn trong sản xuất kinh doanh để có thêm cơ sở đồng hành với báo Tuổi Trẻ trên hành trình tới, trao thêm nhiều suất học bổng hơn cho các bạn tân sinh viên.

Đồ họa: SONG UYÊN

Đồ họa: SONG UYÊN

Điểm trao cuối cùng của học bổng Tiếp sức đến trường 2023

Lễ trao học bổng tối nay là điểm trao cuối cùng của Tiếp sức đến trường năm 2023 cho 138 tân sinh viên khó khăn bảy tỉnh thành Đông Nam Bộ (TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Bình Thuận). Mỗi học bổng 15 triệu đồng cùng năm suất đặc biệt (50 triệu đồng/bốn năm).

Tổng số tiền hơn 2 tỉ đồng do Hội tương trợ và hợp tác Đức - Việt, ông Dương Thái Sơn và những người bạn, Quỹ Khuyến học Vinacam (Công ty cổ phần Tập đoàn Vinacam), Quỹ Đồng hành nhà nông (Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền), Quỹ Vì cuộc sống tươi đẹp (Công ty Dai-ichi Life Việt Nam), Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP.HCM (Saigon Co.op), Công ty cổ phần Hoàng Kim, Công ty cổ phần Dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO), Tổng công ty Điện lực TP.HCM, ĐH Kinh tế TP.HCM, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, Trường ĐH Tài chính - Marketing và bạn đọc báo Tuổi Trẻ tài trợ.

Công ty TNHH Nestlé Việt Nam tặng ba lô cho tân sinh viên, Quỹ Khuyến học Vinacam tài trợ bảy laptop cho tân sinh viên thiếu thiết bị học tập, hệ thống Anh văn Hội Việt Mỹ trao 10 học bổng tiếng Anh khóa luyện thi IELTS cho tân sinh viên học tại TP.HCM.

Ngoài ra, chương trình còn trao cho 106 tân sinh viên được xét nhận học bổng tại các tỉnh thành khác như: Nghệ An, Quảng Trị, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Nha Trang… đang theo học tại TP.HCM chưa có điều kiện tham dự chương trình tại quê nhà.

Trong phần văn nghệ, khán giả sẽ thưởng thức ca khúc Đã hơn một lần do ca sĩ Tiêu Châu Như Quỳnh thể hiện. Đứng sau tác phẩm là nhạc sĩ Tăng Nhật Tuệ, cái tên từng gắn liền với nhiều bài hit đình đám trong giới trẻ những năm gần đây, các nhạc cảnh "Hiện thực hóa ước mơ" do Shing Trần biên đạo và ca khúc Tuổi trẻ Miền Đông của nhạc sĩ Trần Xuân Tiến.

Đặc biệt, hai ca sĩ Đình Nguyên, Mỹ Oanh và vũ đoàn Phương Việt sẽ trình bày ca khúc Gửi hoa đến trường do nhạc sĩ Trần Quế Sơn sáng tác.

Tiếp sức đến trường 2023: Một mùa quả ngọt cộng hưởng của nghị lực và sự thấu cảm - Ảnh 10.

Tiếp sức đến trường: Hành trình 20 năm qua những hình ảnh khó quênTiếp sức đến trường: Hành trình 20 năm qua những hình ảnh khó quên

Học bổng Tiếp sức đến trường đã tròn 20 năm 'lớn lên' từ chương trình Vì ngày mai phát triển của báo Tuổi Trẻ. Hành trình ấy đã chắp cánh bao ước mơ học hành của các bạn trẻ, tạo nên những câu chuyện đẹp của cuộc đời.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên