13/09/2023 12:10 GMT+7

Dồn dập tai ương, cậu học trò vẫn tin 'sẽ có cách thôi'

Cha phát hiện bị lao, mẹ vừa bị lao vừa bị tan máu bẩm sinh nằm một chỗ. Ngoài giờ học và chăm cha mẹ, cậu học trò ấy phải tranh thủ ngược xuôi làm thêm đủ việc để có tiền trang trải.

Liên Khương đã quá quen với việc tự học, đi làm thêm kiếm tiền trang trải cùng gia đình -  Ảnh: CÔNG TRIỆU

Liên Khương đã quá quen với việc tự học, đi làm thêm kiếm tiền trang trải cùng gia đình - Ảnh: CÔNG TRIỆU

Mọi thứ dồn dập nối tiếp nhau ngay giai đoạn nước rút cần tập trung cho kỳ thi quan trọng sau 12 năm đèn sách. Nhưng với Dương Nguyễn Liên Khương - tân sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) - dù có hơi vất vả một chút nhưng vẫn hạnh phúc lắm vì "còn cha, còn mẹ để chăm".

Nếu được nhận học bổng Tiếp sức đến trường là một may mắn lớn nhưng mình sợ khó mà trả hết ân tình này vì cũng còn nhiều bạn khó khăn hơn.

DƯƠNG NGUYỄN LIÊN KHƯƠNG

Một gia đình "thâm niên" ở trọ

Sinh ra, lớn lên và có hộ khẩu ở TP.HCM nhưng Liên Khương chưa có một ngày được sống trong căn nhà đúng nghĩa của gia đình. Cả năm người trong nhà hết tháng này qua năm nọ lầm lũi đi trọ khắp TP.

Căn trọ hiện tại chưa đầy 20m2 nằm sâu trong con hẻm nhỏ ở TP Thủ Đức. Cha mẹ nằm ở sàn nhà dưới. Khương cùng anh cả Yến Khoa (25 tuổi) và em gái Nhật Hạ (13 tuổi) chia nhau mỗi người một góc căn gác lửng với mái tôn sát rạt.

Mẹ Khương - bà Bùi Thị Lệ Hiền - năm nay 51 tuổi. Còn ông Dương Thành Long - cha Khương - đã 71 tuổi.

Hồi đầu năm, sức khỏe hai ông bà vốn không đến nỗi tệ như hiện nay. Khi đó, bà Hiền ở Bình Dương, làm nghề nail và ông Long vẫn bươn chải ai thuê gì làm đó.

Nhưng khoảng tháng 3 năm nay, họ liên tục ho, khó thở, cân nặng giảm sút trầm trọng. Đi kiểm tra, bác sĩ thông báo mắc bệnh lao, rất nguy cấp.

Nhận tin, Khương gần như suy sụp. Mọi thứ đến nhanh và bất ngờ quá, như trận cuồng phong bất thình lình cuốn phăng mọi thứ, sức khỏe, niềm vui của một gia đình và cả tiền bạc.

Mỗi lần chăm, Khương xót xa khi thấy thân hình trơ xương của cha mẹ, cố nén để không rơi nước mắt trước mặt họ. Cũng bởi mẹ Hiền vẫn dạy các con "khó mấy, khổ mấy cũng đừng khóc, đừng bỏ cuộc".

Sau bốn tháng nằm viện, cha mẹ Khương đã được về nhà, cũng là lúc bạn biết được điểm thi tốt nghiệp. "Biết điểm thi, nhận được giấy báo mình muốn hét lên, khoe với cha mẹ nhưng không dám. Giờ cha mẹ lúc tỉnh lúc mê, nói mình đậu đại học có khi lại thêm áp lực, bệnh thêm nặng", Khương tâm sự.

Sẽ có cách thôi

Nhưng Khương từng ở lại lớp vì điểm môn văn hồi năm lớp 7. Cha mẹ đầu tắt mặt tối lo mưu sinh không có thời gian để ý việc học của con, mà Khương lại quá nhỏ để hiểu hết giá trị của việc học.

Lớn hơn, cậu bạn nhận ra nếu không học sẽ không có cách nào giúp mình và gia đình thoát khỏi nghèo khổ. Cậu thay đổi bằng cách chăm đọc sách, tập viết văn, sáng tác truyện.

"Sự cố" ở lại lớp như lời nhắc Khương không được chểnh mảng chuyện học. Ngay khi lên lớp 10 Trường THPT Dương Văn Thì (TP Thủ Đức), bạn là một trong những cái tên của đội tuyển học sinh giỏi văn của trường. Và kết quả học ba năm phổ thông đều loại giỏi.

Nhờ khả năng viết lách, Khương được bạn bè đặt cho biệt danh "thánh săn giải". Cũng bởi anh chàng từng ẵm giải nhất cuộc thi viết Cuốn sách tôi yêu của trường hai năm liền.

Đặc biệt là giải ba kỳ thi học sinh giỏi văn cấp thành phố năm cuối cấp. Giải thưởng này giúp Khương được ưu tiên ứng tuyển ngành ngôn ngữ học của Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM).

Kể đến đó, gương mặt cậu học trò hiện rõ sự lo lắng. Gần tới ngày nhập học nhưng khoản học phí gần 12 triệu đồng chưa biết tìm đâu ra. Số tiền ấy vượt quá khả năng của cả nhà ở thời điểm hiện tại. Rồi Khương tính sao? Chẳng chút do dự, Khương tự tin trả lời: "Sẽ có cách thôi".

Kế hoạch của cậu tân sinh viên ấy là ban đầu nhờ anh trai Yến Khoa - một thầy giáo trẻ vừa tốt nghiệp Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, môn toán và hiện chưa tìm được việc làm - tạm xoay mượn giúp khoản tiền ban đầu cần đóng.

Nếu đến ngày cuối phải đóng học phí để hoàn tất thủ tục nhập học mà không có tiền, Khương sẽ đến trường làm đơn xin bảo lưu kết quả năm nay. Và đó sẽ làm một năm Khương đi làm thêm, dành dụm tiền để quay lại trường nhập học vào năm tới.

"Mình đi làm thêm từ nhỏ, ai thuê gì làm đó, bưng bê phục vụ cà phê, cả làm bảo vệ. Mấy mùa Tết liền mình cũng đi làm, ở khu du lịch Suối Tiên mùa Tết họ tuyển nhiều, lương cũng cao nên mình cố gắng", Khương cười.

Vậy nhưng trước ngỏ ý báo Tuổi Trẻ có thể hỗ trợ ứng trước một suất học bổng Tiếp sức đến trường để kịp nhập học, Khương ấp úng rồi từ chối.

"Được nhận học bổng là một may mắn lớn, mình sợ khó mà trả hết ân tình này vì cũng còn nhiều bạn khó khăn hơn", Khương giãi bày.

Cả lớp, cả trường thương Khương

Kể về Dương Nguyễn Liên Khương, cô Nguyễn Thị Thanh Tâm - giáo viên môn văn Trường THPT Dương Văn Thì - nói ngay: "Đây là cậu học trò nghị lực, giỏi giang của tôi. Cả lớp, cả trường thương Khương".

Theo và kèm cặp suốt ba năm học phổ thông ở lớp học sinh giỏi văn, cô Tâm hiểu rõ hoàn cảnh, con người của Khương. Mà cả trường hầu như ai cũng biết lực học, tính cách và hoàn cảnh nhà bạn ấy. Vì thương cậu học trò chăm chỉ, học giỏi nên không chỉ các bạn mà nhiều phụ huynh, nhà trường cũng luôn tìm cách hỗ trợ.

Đã nhiều lần các bạn trong lớp âm thầm chung nhau đóng giúp Khương một số khoản phí. Đôi lần lớp tổ chức đi chơi, ngoại khóa xa, phụ huynh của lớp chủ động đứng ra chịu luôn phần chi phí cho Khương.

"Nhưng cậu ấy chưa bao giờ ỷ lại bất cứ chuyện gì đâu nha, không bao giờ", cô Tâm nói thêm.

Bạn đọc ủng hộ học bổng cho tân sinh viên vui lòng chuyển vào tài khoản báo Tuổi Trẻ: 113000006100 Ngân hàng Công thương (VietinBank), chi nhánh 3 TP.HCM.

Nội dung: Ủng hộ "Tiếp sức đến trường" cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể Tỉnh/Thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.

Bạn đọc, quý doanh nghiệp ở nước ngoài có thể chuyển khoản về báo Tuổi Trẻ: Tài khoản USD 007.137.0195.845 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM; Tài khoản EUR 007.114.0373.054 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM với Swift code BFTVVNVX007.

Nội dung: Ủng hộ "Tiếp sức đến trường" cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể Tỉnh/Thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.

Ngoài tài trợ kinh phí học bổng, bạn đọc có thể ủng hộ thiết bị học tập, chỗ ở, việc làm... cho tân sinh viên.

Các bạn đăng ký học bổng Tiếp sức đến trường 2023 TẠI ĐÂY

Các bạn đăng ký học bổng Tiếp sức đến trường 2023 TẠI ĐÂY

Chuyện ba mẹ con phải ở đậu đất người khác và giấc mơ đại họcChuyện ba mẹ con phải ở đậu đất người khác và giấc mơ đại học

Hai con cùng vào đại học. Người mẹ hỏi vay khắp nơi để lo học phí cho con, nhưng cùng lắm cũng chỉ đủ lộ phí cho một đứa.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên