09/12/2010 09:37 GMT+7

Chiến trường thông tin bắt đầu

HẠNH NGUYÊN
HẠNH NGUYÊN

TT - Học giả, chuyên gia về công nghệ Clay Shirky bình luận trên website cá nhân của mình cho rằng, các công dân phải được biết nhà nước đang nói gì, và đang làm gì nhân danh họ. WikiLeaks là một ví dụ để kiểm tra điều đó.

Các công ty gây bất lợi cho Wikileaks bị tấn công

ieT6UR39.jpgPhóng to

Nhà báo điều tra John Pilger đã đề nghị được nộp tiền bảo lãnh cho Julian Assange - Ảnh: AFP

Ông bình luận chính phủ Mỹ nên công khai sử dụng luật để chống lại WikiLeaks và những lực lượng khác, thay vì sử dụng “cơ bắp” như hiện nay. Tờ The Guardian dẫn phát biểu của Clay Shirky nhận định: “Nếu một nền dân chủ quyết định chống lại 1 cá nhân khi người này làm điều mà nếu một tờ báo làm thì sẽ không bị khởi tố và hành động chống lại này cũng được chấp nhận, thì ý tưởng Internet có thể thúc đẩy tiến trình dân chủ trong người dân đã bị nã một phát đòn trí mạng”.

Cũng cần nhắc lại là ở Mỹ, Ngoại trưởng Hillary Clinton đã khẳng định hồi đầu năm 2010, nhân sự kiện Google bị tấn công: “Chưa bao giờ thông tin được tự do như hiện nay. Ngay cả ở những quốc gia nghiêm khắc, các mạng thông tin cũng đang giúp cho người dân phát hiện ra các sự thật mới, và buộc các chính phủ phải giải trình nhiều hơn”.

Cũng trong năm nay, Tổng thống Barack Obama cũng nhắc lại nhiều lần Mỹ bảo vệ quyền của người dân được tự do tiếp cận thông tin, và càng có nhiều dòng chảy thông tin trong xã hội, thì các xã hội càng mạnh mẽ. Ông cũng nói về việc tiếp cận thông tin sẽ giúp các công dân buộc chính phủ phải giải trình, tìm ra các sáng kiến, thúc đẩy sức sáng tạo.

Simon Jenkins bình luận trên The Guardian: “Rò rỉ thông tin chỉ gây ra sự hỗn loạn, và kiểm tra tính chặt chẽ các biên giới của luật pháp và đạo đức. Thường nó sẽ bị cáo buộc là vô trách nhiệm và gây ra sự xấu hổ. Nhưng nó chỉ gây ra những điều đó nếu các quy định không hiệu lực, các chính trị gia hèn nhát, luật sư bị bịt miệng và cơ chế kiểm toán bị bóp méo. Minh bạch chỉ có thể thực sự minh bạch nếu nó đi liền với công khai”.

Tờ Time bình luận: “Các thế lực càng đặt bẫy Assange, thì phong trào của Assange càng mạnh”. John Perry Barlow, đồng sáng lập Quỹ Biên giới điện tử thông báo trên Twitter: “Cuộc chiến thông tin nghiêm trọng đầu tiên đã bắt đầu. Chiến trường là WikiLeaks. Các bạn là các binh sĩ”. Và sự thật là đến nay, trang web đã có ít nhất 507 địa chỉ website khác do những người ủng hộ lập ra, với máy chủ ở khắp nơi trên thế giới.

Sự tranh cãi của WikiLeaks sẽ vẫn còn tiếp tục. Các nước dân chủ phương Tây giờ cũng đã phát hiện ra Internet có thể là cái gai không chỉ cho các chế độ độc tài, mà còn cả cho họ nữa. “Nhìn họ cư xử cứ như là tiểu phẩm hài, giống như con vật khổng lồ bị điên, lại mù dở tìm con chuột chũi để trả thù. Đáng lo lắng khi thấy các công ty Internet sợ hãi ra sao, ngoại trừ Twitter” - tờ The Guardian bình luận.

WikiLeaks không chỉ phụ thuộc vào công nghệ web. Hàng ngàn tài liệu mật đang được phân phối qua các công nghệ đồng đẳng như BitTorrent hoặc các dịch vụ chia sẻ dữ liệu khác. Các giới chức cầm quyền phải quyết định, hoặc là phải sống chung với 1 thế giới có thể “WikiLeaks”, hoặc là đóng cửa Internet. Nếu các chính phủ muốn đánh sập WikiLeaks, họ chỉ còn cách xới tung Internet lên. Nhà báo công nghệ của Washington Post Rob Pegoraro cho rằng, ngay cả khi các chính phủ buộc một công ty cung cấp dịch vụ máy chủ hay đăng ký tên miền không quan hệ với WikiLeaks nữa, thì WikiLeaks vẫn tồn tại.

“Internet có thể làm được rất nhiều thứ, nhưng làm cho thông tin biến mất lại là điều không thể” - Oon Yeoh, cố vấn truyền thông, đã bình luận như vậy trên tờ The Sun Daily của Malaysia.

Trước khi “bị bắt”, Tổng biên tập WikiLeaks, thông qua luật sư, bắn tin rằng mình sẽ ra trình diện cảnh sát tại Anh. Phải chăng đây là một bước đi thông minh nữa của nhân vật đình đám nhất thế giới hiện nay?

V6uTgZgy.jpgPhóng to

Người biểu tình phản đối vụ bắt giữ Julian Assange bên ngoài tòa án ở trung tâm London ngày 7-12 - Ảnh: AFP

Nguồn tin của WikiLeaks cho biết ông Assange hoàn toàn không chuẩn bị cho vụ bắt giữ, chỉ mang theo bộ đồ vest mặc trên người và đã hi vọng sẽ được tại ngoại. Thế nhưng sự việc diễn biến khác đi vì cảnh sát Anh dựa vào lệnh bắt giữ mới từ Thụy Điển.

Sau phiên điều trần đầu tiên hôm 7-12, tòa án ở London đã từ chối cho phép Julian Assange - nhà đồng sáng lập WikiLeaks - tại ngoại, cho dù có lực lượng hùng hậu các nhân vật nổi tiếng quyên được 180.000 bảng Anh để đóng phí cho ông, trong đó có nhà báo điều tra nổi tiếng thế giới John Pilger. Lý do tòa án đưa ra là Julian Assange có “các phương tiện và khả năng” lẩn trốn, và khó có khả năng sẽ đầu thú cảnh sát lại.

Các luật sư của ông Assange sẽ trở lại tòa vào ngày 14-12 để tranh luận và hi vọng sẽ giúp thân chủ mình tại ngoại. Nếu thua, họ sẽ đưa vụ án lên tòa án tối cao, và quá trình này có thể mất nhiều tháng. Luật sư của ông Assange đã thông báo WikiLeaks sẽ có tổng biên tập mới trong thời gian Assange vắng mặt.

CLB báo chí Frontline tại London trong khi đó gửi thông cáo báo chí cho biết tổ chức này đã cung cấp chỗ trú ngụ cho Assange trong thời gian vài tháng trước khi ông bị bắt, và đang mời ông về đó tạm trú nếu tòa án cho tại ngoại. Thành lập 7 năm trước để thúc đẩy tính độc lập và minh bạch trong báo chí, địa chỉ này là nơi rất uy tín đối với báo chí Anh quốc và thế giới. Nhà sáng lập Henry Vaughan Lockhart Smith - nhà báo độc lập, khẳng định chưa có những cáo buộc nào đáng tin cậy liên quan tới vụ rò rỉ thông tin của ông Assange. Đối mặt với tất cả sự tấn công giữa muôn trùng vây về kỹ thuật, pháp lý, tài chính, quan hệ doanh nghiệp, quan hệ chính phủ, ông Assange đến nay vẫn duy trì sự hoạt động của WikiLeaks.

Thật ra tội chính của Assange đến nay vẫn chỉ là cáo buộc “cưỡng dâm” đối với hai phụ nữ Thụy Điển. Thụy Điển có luật liên quan tới tội phạm tình dục rất nghiêm khắc, bao trùm quy mô rất rộng, và được coi là tiến bộ hơn nhiều quốc gia Tây Âu. Nhưng đến nay, ông Assange vẫn một mực bác bỏ mọi cáo buộc và khẳng định không làm gì sai trái trong quan hệ “có sự đồng thuận” với hai người phụ nữ kia.

Nhưng lúc này, có nguồn tin cho biết Mỹ và Thụy Điển đã có những cuộc gặp gỡ không chính thức để bàn về khả năng dẫn độ Julian Asssange tới Mỹ để xử về tội gián điệp.

Ở Úc, quê hương của Julian Assange, những người ủng hộ ông đã tuyên bố sẽ tuần hành ở Brisbane vào hai ngày, 9 và 10-12 để kêu gọi chính phủ không được bỏ rơi công dân của mình.

Liên minh xã hội và các nhóm khác của Úc tổ chức đợt tuần hành cho rằng các kế hoạch chống lại ông Assange và website WikiLeaks là sự tấn công vào nền tự do dân chủ. Bà Jessica Payne - điều phối viên của sự kiện đã lên tiếng kêu gọi chính phủ Úc không được tham gia vào dàn hợp xướng các lãnh đạo thế giới “đòi có đầu của Assange đặt trên đĩa”. “Tội của ông ta đơn giản là đã xuất bản những bình luận và suy nghĩ của một số nhân vật quyền lực nhất trên thế giới” - bà tuyên bố. “(Hành động của các chính phủ) là đòn tấn công vào tự do ngôn luận và các công dân, vào quyền của chúng ta được biết những người cầm quyền và những đại diện dân cử đang làm gì”.

Về phía chính quyền, Thủ tướng Úc Julia Gillard lập luận website là “bất hợp pháp”, trong khi đó, người tiền nhiệm của bà, đương kim Ngoại trưởng Kevin Rudd cho rằng bất kỳ hành động pháp lý nào đưa ra ở Úc chống lại ông Assange đều sẽ không vì mục tiêu chính trị, và khẳng định ông Assange đang nhận được sự hỗ trợ về mặt lãnh sự tại Anh.

Trong diễn biến bất ngờ, ông Kevin lại cho rằng chính chính quyền Mỹ có lỗi trong vụ rò rỉ thông tin, chứ không phải WikiLeaks. Vụ rò rỉ đặt ra câu hỏi về khả năng bảo vệ an toàn các tài liệu mật của Mỹ. Trả lời Reuters, ông nói: “Bản thân ông Assange không chịu trách nhiệm về việc đăng tải các tài liệu không được phép. Đó là trách nhiệm của người Mỹ”.

* Tin bài liên quan:

Hai mặt trận chống WikiLeaksWikiLeaks ai tiết lộ ai?Tổng biên tập WikiLeaks đang ở đâu?Interpol phát lệnh bắt người sáng lập WikiLeaks“Hậu trường truyền thông” WikiLeaksLàm ngoại giao thì được, lừa dối nhân dân thì khôngHai tiết lộ quan trọng mới của WikiLeaksWikiLeaks đe dọa phản côngÔng chủ Wikileaks sẽ gặp cảnh sát AnhTổng biên tập WikiLeaks bị bắt ở AnhTổng biên tập WikiLeaks không được phép tại ngoại

HẠNH NGUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên