08/12/2010 08:04 GMT+7

Tổng biên tập WikiLeaks không được phép tại ngoại

XUÂN TÙNG - PHAN ANH
XUÂN TÙNG - PHAN ANH

TTO - Hôm nay 8-12, AFP đưa tin Ngoại trưởng Úc Kevin Rudd tuyên bố các nhà ngoại giao nước này sẽ hỗ trợ ông Julian Assange vừa bị cảnh sát Anh bắt giữ hôm qua để chờ dẫn độ về Thụy Điển để điều tra cáo buộc cưỡng bức hai phụ nữ.

* Ngoại trưởng Úc lên tiếng bảo vệ ông chủ WikiLeaks

qSeBgSAF.jpgPhóng to
Sau khi bị bắt giữ, ông Julian Assange bị đưa đến tòa án sơ thẩm ở London - Ảnh: AP
Video clip "Tổng biên tập WikiLeaks bị bắt" - Nguồn: SkyNews

“Chúng tôi cam kết sẽ ủng hộ ông Assange. Đó cũng là điều chúng tôi làm vì tất cả các công dân Úc khác”, Ngoại trưởng Rudd tuyên bố một ngày sau khi thủ tướng Úc Julia Gillard cho rằng việc WikiLeaks đưa thông tin ngoại giao mật lên mạng là “cực kỳ vô trách nhiệm”.

Trước đó, Assange từng chỉ trích chính quyền Canberra “dẫn mối” cho các kẻ thù của ông, quay lưng lại với ông và bảo vệ các cáo buộc “khủng bố” mà Washington đưa ra sau vụ rò rỉ thông tin mật.

Ngay sau khi Assange đến gặp cảnh sát Anh và bị cảnh sát nước này bắt giữ, tổng lãnh sự quán Úc ở London đã nói chuyện với ông Assange. Họ cho biết sẽ sớm đưa cho ông một lá thư thể hiện rõ tinh thần ủng hộ, như cho phép các cuộc tiếp xúc với lãnh sự và bất kỳ sự hỗ trợ nào tương đương cấp lãnh sự liên quan đến sức khỏe và quyền lợi hợp pháp của Assange.

Hôm nay báo The Age của Úc cũng đưa tin luật sư kỳ cựu Geoffrey Robertson chuyên về bảo vệ nhân quyền của nước này cũng hoãn kỳ nghỉ để đứng ra bảo vệ Julian Assange. Ông sẽ cùng các đồng nghiệp chống lại yêu cầu dẫn độ Assange về Thụy Điển.

Hiện cộng đồng quốc tế còn lo ngại rằng có thể Washington sẽ tìm cách khiến cảnh sát Anh chuyển giao Assange cho chính quyền Mỹ và lúc đó sự việc sẽ càng tồi tệ hơn.

Phiên xét xử đầu tiên: bác đơn tại ngoại

Vào lúc 14 giờ chiều 7-12 (tức 23 giờ đêm 7-12 theo giờ Hà Nội), phiên tòa đầu tiên xét xử ông Julian Assange, người sáng lập trang mạng WikiLeaks, đã diễn ra tại London (Anh). Tòa án sơ thẩm thành phố Westminster (Anh) đã bác đơn tại ngoại của nhà sáng lập Wikileaks Julian Assange vì lo ngại ông này có thể trốn thoát một lần nữa, theo BBC. Ông Assange bị tạm giữ cho đến phiên xét xử kế tiếp vào ngày 14-12.

0oLURzUT.jpgPhóng to

Trước đó , 6 nhân vật bao gồm nhà báo - nhà làm phim nổi tiếng người Úc John Pilger, đạo diễn người Anh Ken Loach và nhà hoạt động xã hội Jemima Khan đã đứng ra bảo đảm cho ông Assange được tại ngoại và đóng khoản tiền bảo lãnh cho ông Assange.

Thẩm phán Howard Riddle của tòa án Westminster nói ông Assange có đủ phương tiện tài chính để “chạy trốn pháp luật”, do đó sẽ phải tiếp tục bị tạm giữ đến ngày 14-12. Việc tạm giữ Assange cũng là đảm bảo cho ông này khỏi những “đe dọa từ một số cá nhân”, theo thẩm phán Riddle.

Ông Mark Stephens, luật sư của Julian Assange, cho biết sẽ tiếp tục gửi lên tòa án yêu cầu được cho phép thân chủ mình được tại ngoại. Ông Stephens cũng tố cáo tòa án “có động cơ chính trị” và rằng các thẩm phán chỉ đang cố gắng tìm ra lý do để buộc tội ông Assange.

Về phía Mỹ, Bộ trưởng quốc phòng Robert Gates đã hoan nghênh việc bắt giữ Julian Assange. “Tôi chưa nghe thông tin chính thức, nhưng việc này có vẻ đáng hoan nghênh” - ông Gates nói với báo giới khi đang trong chuyến thăm các binh sĩ Mỹ tại Afghanistan.

Người phát ngôn Bộ ngoại giao Mỹ P.J.Crowley nói nước ông có thể sẽ yêu cầu dẫn độ Assange về Mỹ, tuy nhiên hiện giờ chưa thể thực hiện việc này vì vẫn đang tìm chứng cứ để buộc tội hình sự đối với Wikileaks.

Trong một diễn biến liên quan, tiếp sau Mastercard, nhà điều hành thanh toán thẻ Visa cũng đã quyết định ngừng cung cấp dịch vụ trên trang WikiLeaks.

Báo Anh Guardian đưa tin ông Assange, 39 tuổi, đã ra trình diện cảnh sát London và bị bắt giữ vào lúc 9g30 sáng 7-12 (giờ London). Trưa cùng ngày, ông đã được đưa đến một tòa án sơ thẩm ở London cùng hai luật sư đại diện là Mark Stephens và Jennifer Robinson. Người phát ngôn Scotland Yard (Sở cảnh sát London) cho biết ông Assange bị bắt vì bị tình nghi quấy rối tình dục, cưỡng bức và cưỡng dâm theo cáo trạng của chính quyền Thụy Điển.

Nếu tòa án Anh ra phán quyết lệnh bắt của Thụy Điển có cơ sở pháp lý, ông Assange sẽ bị dẫn độ về Thụy Điển. Theo luật pháp Anh, khi tòa án sơ thẩm London ra phán quyết ông Assange sẽ bị dẫn độ về Thụy Điển, người sáng lập WikiLeaks sẽ có bảy ngày để kháng cáo. Khi đó, vụ việc sẽ được chuyển lên Tòa án tối cao Anh.

Sợ về Thụy Điển

Hãng tin BBC dẫn lời một số chuyên gia pháp lý Anh cho biết thủ tục này có thể kéo dài trong vòng vài tháng. Một số vụ dẫn độ, ví dụ như vụ đưa tin tặc Gary McKinnon từ Anh sang Mỹ, kéo dài trong nhiều năm. Trước thông tin ông Assange bị bắt, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates tuyên bố đây là một “tin tốt lành”. Trên trang mạng xã hội Twitter, đại diện trang web WikiLeaks chỉ trích vụ bắt giữ là “đòn tấn công vào tự do truyền thông”.

Đài Úc ABC dẫn lời luật sư Jennifer Robinson khẳng định ông Assange đã tuyên bố chống lại việc bị dẫn độ về Thụy Điển. Tòa án sơ thẩm London cho biết không cho ông Assange được tại ngoại và sẽ tạm giữ ông Assange đến ngày 14-12, trước khi phiên điều trần kế tiếp diễn ra để xác định xem ông có bị đưa về Thụy Điển hay không.

Theo bà Robinson, các công tố viên Thụy Điển đã lập lờ khi khẳng định chỉ muốn lấy lời khai của ông Assange để làm rõ nghi án cưỡng dâm nhưng lại từ chối gặp ông Assange khi ông đề nghị hợp tác.

SMhJ5jtP.jpgPhóng to
Julian Assange, người sáng lập trang web WikiLeaks, đã bị cảnh sát Anh bắt giữ về các cáo buộc hãm hiếp và quấy rối tình dục - Ảnh: AFP

“Việc công tố viên Thụy Điển ra lệnh bắt thay vì một lệnh triệu tập chính thức là hành vi bất hợp lý - luật sư Robinson chỉ trích - Đây là sự xâm phạm nhân quyền được ghi trong Công ước nhân quyền châu Âu”.

Bà Robinson tin tưởng cảnh sát Anh sẽ tổ chức một cuộc điều trần công bằng. “Ông Assange không cần thiết phải quay lại Thụy Điển. Nếu điều đó xảy ra, có thể ông ấy sẽ bị dẫn độ sang Mỹ và khi đó một phiên tòa công bằng là chuyện xa vời”. Bà Robinson cũng nhấn mạnh đến nay đội ngũ luật sư đại diện ông Assange chưa hề nhận lệnh bắt hay bất kỳ bằng chứng nào về nghi án cưỡng dâm gửi đến cho họ.

Báo Guardian chỉ rõ: khi các công tố viên Thụy Điển lần đầu công bố về nghi án cưỡng dâm của ông Assange rồi lại hủy bỏ lệnh truy nã hồi tháng 8, một trong hai phụ nữ tố cáo ông Assange đã khẳng định trên báo Thụy Điển Aftonbladet là cả hai đã quan hệ với ông Assange một cách tự nguyện.

“Ông ta không phải là người bạo lực và tôi không hề cảm thấy bị ông ta đe dọa”, người phụ nữ này cho biết. Tuy nhiên sau đó công tố viên Marianne Ny đã quyết định mở lại cuộc điều tra với lý do “có thông tin mới”. Luật sư Stephens mô tả lệnh truy nã do công tố viên Ny ký là “trò chính trị”.

Siết túi tiền

Trong khi đó, vòng kiềm tỏa WikiLeaks vẫn đang tiếp tục siết chặt. Hãng tin AFP cho biết mới đây, Ngân hàng PostFinance của hệ thống bưu chính Thụy Sĩ đã đóng băng các tài khoản ông Assange đang sử dụng để nhận tiền quyên góp cho WikiLeaks với lý do ông Assange đã cung cấp thông tin sai lệch về địa chỉ nơi ở của ông ở Geneva. Các luật sư của ông Assange cho biết trong các tài khoản này có khoảng 41.000 USD.

“Ông ấy sẽ được trả lại tiền - người phát ngôn PostFinance cho biết - Chúng tôi chỉ đóng tài khoản”. Hãng Visa và Master Card cũng tuyên bố ngừng mọi khoản thanh toán cho WikiLeaks. Trước đó, hãng dịch vụ tài chính PayPal cũng đóng cửa trang web nhận tiền quyên góp của WikiLeaks, đóng băng ít nhất 80.000 USD của WikiLeaks.

Trên trang web, WikiLeaks khẳng định đã mất 100.000 euro (hơn 133.000 USD) chỉ trong vòng một tuần qua. Hiện WikiLeaks chỉ còn vài phương tiện để gây quỹ, bao gồm một trung tâm xử lý thẻ tín dụng Thụy Sĩ - Iceland và một số tài khoản ở Iceland và Đức. AP cho biết từ hôm 6-12, các máy chủ của WikiLeaks ở Thụy Điển cũng đã bị tấn công và ngừng hoạt động. Tuy nhiên, trang web của WikiLeaks ở địa chỉ wikileaks.ch vẫn hoạt động bình thường. WikiLeaks cho biết đã có sẵn vài máy chủ dự trữ khác.

Một cuộc chiến trên mạng vì WikiLeaks đã bắt đầu. Một số nhóm ủng hộ WikiLeaks đã mở cuộc tấn công trên mạng nhắm vào Ngân hàng PostFinance và Hãng PayPal.

Dù bị tấn công nhưng WikiLeaks vẫn tiếp tục tung lên mạng thêm nhiều chi tiết về danh sách các cơ sở hạ tầng “nhạy cảm” mà phía Chính phủ Mỹ đánh giá là có vai trò quan trọng đối với lợi ích Mỹ. Chính quyền Mỹ và Anh đã lên án đây là hành vi “vô trách nhiệm” và “nguy hiểm”. New York Times (Mỹ) và Guardian (Anh), hai tờ báo tham gia đăng tải các tài liệu do WikiLeaks cung cấp, đã không đăng thông tin này.

WikiLeaks cũng công bố thêm một số thông tin nhạy cảm khác: Mỹ và các đồng minh châu Âu có kế hoạch bảo vệ các khu vực “dễ bị tổn thương” ở Đông Âu trước “sự đe dọa của Nga”. NATO lên kế hoạch chiến đấu trong trường hợp Nga tấn công Ba Lan và các nước vùng Baltic. Bức điện tín của Mỹ nhấn mạnh không thể để lộ kế hoạch này bởi nó có thể gây căng thẳng quan hệ Nga - NATO.

WikiLeaks vẫn hoạt động bình thường

WikiLeaks khẳng định việc ông Assange bị bắt giữ sẽ không ảnh hưởng gì đến hoạt động của trang web này. “Chúng tôi sẽ tiếp tục công bố các bức điện tín ngoại giao Mỹ” - WikiLeaks tuyên bố. AFP dẫn lời ông James Ball, một nhân viên WikiLeaks tại London, khẳng định đội ngũ nhân viên WikiLeaks vẫn đang làm việc bình thường. “Mọi tài liệu đều sẽ được đưa lên mạng theo đúng tiến độ, đó là điều chắc chắn” - ông Ball cho biết. Một nhóm có tên Công lý cho Assange đã tổ chức biểu tình bên ngoài tòa án. Guardian dẫn lời một số nguồn tin từ WikiLeaks tiết lộ tạm thời WikiLeaks chưa công bố mật mã cho phép cư dân mạng đọc tập tin chứa toàn bộ tài liệu của trang web này.

__________

Tin bài liên quan:

Hai mặt trận chống WikiLeaksWikiLeaks ai tiết lộ ai?Tổng biên tập WikiLeaks đang ở đâu?Interpol phát lệnh bắt người sáng lập WikiLeaks“Hậu trường truyền thông” WikiLeaksLàm ngoại giao thì được, lừa dối nhân dân thì khôngHai tiết lộ quan trọng mới của WikiLeaksWikiLeaks đe dọa phản côngÔng chủ Wikileaks sẽ gặp cảnh sát AnhTổng biên tập WikiLeaks bị bắt ở Anh

XUÂN TÙNG - PHAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên