07/12/2010 07:26 GMT+7

WikiLeaks đe dọa phản công

HIẾU TRUNG
HIẾU TRUNG

TT - Giữa muôn trùng vây hãm, người sáng lập trang WikiLeaks đe dọa sẽ phản công bằng “một quả bom nhiệt hạch trên mạng”: tung ra toàn bộ hàng trăm ngàn tài liệu quân sự - ngoại giao mật của Chính phủ Mỹ ở dạng nguyên bản.

ChhFyib1.jpgPhóng to
Người dân Zimbabwe chú ý theo dõi sự kiện WikiLeaks do có thông tin về những nhận xét của cựu đại sứ Mỹ tại Zimbabwe là ông Christopher Dell - Ảnh: Reuters

Báo The Globe and Mail dẫn lời ông Julian Assange cho biết trong vài ngày qua, WikiLeaks đã cho phép hàng trăm ngàn người tải tập tin nặng 1,4 gigabyte chứa toàn bộ số tài liệu của chính quyền Mỹ qua dịch vụ chia sẻ dữ liệu từ nhiều trang web khác nhau trên mạng Internet. WikiLeaks đã mã hóa tập tin này bằng loại mật mã “không thể phá giải”.

“Do hạ tầng của chúng tôi bị tấn công, chúng tôi quyết đảm bảo rằng tất cả mọi người đều có thể đọc nội dung của WikiLeaks” - ông Assange cho biết. Do bị mã hóa, những người tải tập tin này về chưa thể đọc được nội dung bên trong.

Luật sư đại diện ông Assange ở Anh là ông Mark Stephens tuyên bố nếu ông Assange bị truy tố về tội cưỡng dâm ở Thụy Điển hoặc vì tội phản gián ở Mỹ, ông sẽ công khai chìa khóa giải mật mã. Điều đáng nói là trong tập tin này có nhiều thông tin không được công bố trước đó cũng như tên tuổi, chi tiết đã được lọc bỏ khỏi những tài liệu đã đưa lên mạng để bảo vệ danh tính của các điệp viên, nguồn tin, binh sĩ Mỹ.

“Đây sẽ là một quả bom nhiệt hạch của thời đại thông tin” - The Globe and Mail dẫn lời luật sư Stephens.

Danh sách gây chấn động

Một số chuyên gia cho rằng dù có điều gì xảy ra với WikiLeaks thì ý tưởng của trang web này cũng sẽ được nhân rộng. AP dẫn lời ông Daniel Schmitt, từng là người phát ngôn của WikiLeaks ở Đức, cho biết ông sẽ lập một trang web tiết lộ các bí mật tương tự và nhiều người khác cũng sẽ tiếp bước. Chuyên gia Steven Aftergood thuộc Liên đoàn Khoa học gia Mỹ nhận định việc tiết lộ thông tin mật đang ngày càng trở nên dễ dàng và công chúng đang đòi hỏi hơn nữa sự minh bạch và trách nhiệm giải trình của các chính phủ. Chuyên gia Joshua Benton, giám đốc phòng thí nghiệm Nieman, bình luận các chính phủ cần phải có những phản ứng khác thay vì lên án và đe dọa. “Họ không thể cứ mãi nghĩ rằng đây là đối thủ họ cần đánh bại” - ông Benton nhận định. Ông so sánh việc tiết lộ bí mật với việc chia sẻ âm nhạc trên Internet, vốn bị ngành công nghiệp âm nhạc chống đối quyết liệt khi mới ra đời. Nhưng sau đó ngành công nghiệp âm nhạc đã phải chung sống và tìm cách kiếm tiền từ chia sẻ âm nhạc trên Internet.

Hôm qua 6-12, WikiLeaks tiếp tục gây ra một cơn địa chấn mới, khi công bố danh sách bí mật các địa điểm hạ tầng quan trọng trên thế giới nếu bị tấn công khủng bố sẽ đe dọa nghiêm trọng an ninh Mỹ, theo đánh giá của Washington. AFP cho biết trong bức điện tín gửi hồi tháng 2-2009, Bộ Ngoại giao Mỹ yêu cầu các cơ quan ngoại giao Mỹ ở nước ngoài lên danh sách những cơ sở hạ tầng và nguồn lực trên thế giới “nếu mất mát có thể tác động nghiêm trọng đến sức khỏe người dân, an ninh kinh tế và an ninh quốc gia Mỹ”.

Danh sách này bao gồm cáp ngầm dưới đáy biển, hệ thống viễn thông, hải cảng, mỏ khoáng sản, đường ống dầu khí, công ty kinh doanh... ở nhiều quốc gia trên khắp thế giới.

Trong số đó có cả công ty sản xuất văcxin bệnh đậu mùa ở Đan Mạch, một nhà máy sản xuất thuốc chống nọc rắn ở Úc hay một mỏ cobalt ở CHDC Congo. Một số địa điểm được mô tả là mang tầm quan trọng cực lớn. Ví dụ, hệ thống đường ống dẫn khí đốt Nadym ở miền tây Siberia được mô tả là “cơ sở khí đốt quan trọng nhất thế giới”.

Đây là địa điểm trung chuyển khí đốt từ Nga sang Tây Âu. Một số công ty dược đang sản xuất các sản phẩm từ máu cũng được đánh giá mang tầm quan trọng sống còn đối với hệ thống cung cấp toàn cầu.

Danh sách do WikiLeaks công bố không ghi rõ địa chỉ cụ thể của các địa điểm này, nhưng không khó để những ai có khả năng truy cập Internet tìm ra chúng.

Báo chí quốc tế đánh giá đây là tài liệu “nhạy cảm nhất”, “gây tranh cãi nhất” trong số các tài liệu ngoại giao Mỹ mà WikiLeaks từng công bố, có khả năng gây ra một “cơn bão chính trị”.

Báo The Times tại London dẫn lời cựu quan chức ngoại giao Anh Malcolm Rifkind chỉ trích WikiLeaks đã “vô trách nhiệm”. “Đây là loại thông tin mà bọn khủng bố rất muốn biết” - ông Rifkind khẳng định.

Ngoài ra, trong những bức điện tín WikiLeaks mới đưa lên mạng còn có một chuyện rất nhạy cảm khác. Trong một cuộc trò chuyện với Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, cựu thủ tướng Úc Kevin Rudd, hiện đang là ngoại trưởng Úc, khẳng định cần phải hội nhập Trung Quốc một cách hiệu quả vào cộng đồng quốc tế, nhưng “cũng phải sẵn sàng triển khai lực lượng nếu có gì xảy ra”.

Theo AFP, hôm qua ông Rudd cho biết Úc sẽ không liên hệ với Trung Quốc để giải thích vụ việc, bởi hai nước có “mối quan hệ mạnh mẽ”.

Assange sẽ sang Thụy Sĩ?

AP dẫn lời một số nguồn tin tiết lộ tổng biên tập WikiLeaks Julian Assange đang xem xét xin tị nạn chính trị ở Thụy Sĩ. Lập tức, Đại sứ Mỹ tại Thụy Sĩ Donald Beyer tuyên bố Thụy Sĩ “nên cẩn trọng xem xét việc chứa chấp một kẻ đang chạy trốn pháp luật”.

Ông Beyer cũng “tố cáo” WikiLeaks có thể sẽ tung ra 250 bức điện tín từ Đại sứ quán Mỹ ở Bern. Trong cuộc trò chuyện với độc giả báo Tây Ban Nha El Pais, ông Assange cho biết ông nhận được hàng trăm lời đe dọa sát hại, bao gồm cả những đe dọa nhắm vào luật sư và người nhà của ông.

Mới đây, chính quyền Úc tuyên bố nếu ông Assange bị bắt ở nước ngoài, đại sứ quán hoặc lãnh sự quán Úc ở quốc gia đó sẽ có nghĩa vụ hỗ trợ pháp lý cho ông Assange.

Hiện tại, WikiLeaks vẫn đang tìm cách xoay xở sau khi bị cắt đứt nguồn sống do Công ty PayPal đóng cửa tài khoản nhận tiền quyên góp của WikiLeaks. Hiện ông Assange đang kêu gọi tiền quyên góp cho WikiLeaks vào một tài khoản do ông đăng ký qua hệ thống bưu chính ở Bern, thủ đô Thụy Sĩ. Ông Assange cũng sử dụng một trung tâm xử lý thẻ tín dụng Thụy Sĩ - Iceland và các tài khoản khác ở Iceland và Đức. Dù bị hàng loạt công ty dịch vụ Internet tẩy chay nhưng WikiLeaks vẫn đứng vững.

Hiện nay, địa chỉ wikileaks.ch vẫn đang nhận tới 3.000 lượt truy cập mỗi giây. Tổ chức Đảng cướp biển Thụy Sĩ (SPP), một tổ chức bảo vệ tự do thông tin, đang quản lý địa chỉ này. Trang chủ của trang wikileaks.ch ở Pháp đã tê liệt, nhưng trang chủ ở Thụy Điển vẫn đang hoạt động.

SPP khẳng định do đã có hàng trăm trang web tải thông tin từ WikiLeaks nên cho dù máy chủ ở Thụy Điển bị đánh sập thì khối tài liệu vẫn tồn tại trên mạng. “Đây là một bài thử chống sự kiểm duyệt trên Internet - AP dẫn lời phó chủ tịch SPP Pascal Gloor - Liệu các chính phủ có thể xóa thông tin trên Internet? Hoàn toàn không”.

Mỹ cải tổ các đại sứ quán

Việc WikiLeaks rò rỉ các tài liệu mật liên quan tới lĩnh vực ngoại giao của Mỹ tạo ra một làn sóng xấu hổ ngày càng mạnh hơn đối với những người đang làm trong ngành này. Đến nay mới có khoảng 1.100 tài liệu trong tổng số 250.000 tài liệu được công khai nhưng cũng đã đủ khiến chính quyền Mỹ lao đao.

Chính phủ Mỹ vì thế buộc phải có những bước cải tổ lớn trong nhân viên đại sứ quán, nhân viên quân đội và các nhân viên tình báo. Theo Reuters, khi các bức điện tín mật bị lộ sẽ khiến công việc bình thường khó khăn hơn, nếu không nói là nguy hiểm hơn, cho nhân viên của Bộ Ngoại giao Mỹ khắp thế giới.

“Trước mắt, chúng tôi gần như phải tạm ngưng công việc” - một quan chức ngoại giao cao cấp của Mỹ nói với Hãng tin Reuters. Ông cho rằng phải cần tới năm năm để xây dựng lại niềm tin. “Thật sự tồi tệ lắm. Tôi không nói quá đâu. Thật thà mà nói chẳng ai còn muốn nói chuyện với chúng tôi nữa. Một số người vẫn phải trao đổi (đặc biệt trong chính phủ), nhưng kèm theo đó, họ hỏi: Thế ông có viết cái này để gửi về trung tâm không?”.

Nhưng đó chưa phải là điều tồi tệ nhất. Một quan chức an ninh quốc gia Mỹ tiết lộ với tờ The Daily Beast rằng Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ phải triệu hồi một số nhân sự tốt nhất, đại diện tốt nhất cho Mỹ ở nhiều khu vực. “Những người này đã dám báo cáo sự thật về các quốc gia mà họ làm đại diện cho Chính phủ Mỹ”.

Một số chính phủ đã bày tỏ thái độ tức giận với nội dung của một số điện tín như Pháp, Ý, Thổ Nhĩ Kỳ. Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan còn dọa sẽ kiện cựu đại sứ Mỹ Eric Edelman xung quanh bức điện cho rằng ông có các tài khoản ngân hàng bí mật ở Thụy Sĩ.

__________

Tin bài liên quan:

Hai mặt trận chống WikiLeaksWikiLeaks ai tiết lộ ai?Tổng biên tập WikiLeaks đang ở đâu?Interpol phát lệnh bắt người sáng lập WikiLeaks“Hậu trường truyền thông” WikiLeaksLàm ngoại giao thì được, lừa dối nhân dân thì khôngHai tiết lộ quan trọng mới của WikiLeaks

HIẾU TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên