Cách đây hai tuần, tòa án hình sự Stockholm đã phát lệnh truy nã ông Assange với cáo buộc cưỡng hiếp, lạm dụng tình dục và hành hung vào thời điểm tháng 8-2010.
Phóng to |
Julian Assange tại Stockholm ngày 14-8 - Ảnh: Reuters |
“Thông báo đỏ” chưa phải là một lệnh truy nã trực tiếp từ phía Interpol, tuy nhiên thông báo yêu cầu cảnh sát 188 nước thành viên Interpol phải theo dõi và định vị đối tượng trong thông báo, đồng thời có thể bắt giữ và dẫn độ khi cần thiết, theo Reuters.
Trưởng bộ phận công tố Thụy Điển, bà Marianne Ny cho biết ông Julian Assange đã biến mất khi tòa án ra lệnh bắt giữ, do đó tòa đã yêu cầu nhà chức trách Thụy Điển tại các nước trên thế giới chú ý theo dõi và bắt giữ ông Assange.
“Assange chưa chính thức bị kết tội, nhưng chúng tôi phải bắt giữ ông ta để thẩm vấn”, CNN dẫn lời bà Ny.
Theo Tòa án Thụy Điển, Julian Assange bị cáo buộc năm tội trạng trong hai vụ việc xảy ra từ ngày 13 đến 17-8 ở Stockholm và Enkoping, và nếu bị kết tội, ông Assange sẽ phải ngồi tù ít nhất hai năm. Được biết người sáng lập Wikileaks đã bác bỏ tất cả các cáo buộc và gọi đây là một “trò hề pháp luật”.
Trong một diễn biến khác, chính phủ Ecuador đã mời Julian Assange đến Ecuador và hứa sẽ cấp giấy phép sinh sống cho ông Assange.
Giải thích về quyết định này, thứ trưởng ngoại giao Ecuador Kintto Lucas nói nước ông rất quan tâm đến những tài liệu của Wikileaks có liên quan đến Ecuador, đồng thời cũng muốn tạo cơ hội cho người sáng lập Wikileaks được công khai phát biểu quan điểm. Có khoảng 1.600 bức điện tín được Wikileaks thu thập từ tòa đại sứ Mỹ ở thủ đô Quito (Ecuador) nhưng chưa được công bố, theo BBC.
“Chúng tôi sẽ cấp phép sinh sống cho ông Assange mà không có bất kỳ điều kiện nào - ông Lucas nói với BBC - Ecuador sẽ tạo điều kiện cho Assange có thể thoải mái trình bày quan điểm không chỉ qua Internet mà trước công chúng nữa. Chúng tôi nghĩ điều quan trọng là thế giới không nên chỉ chống ông ta mà phải lắng nghe ông ta nữa”.
Ông Lucas cũng cho rằng việc Ecuador lưu giữ Julian Assange sẽ không ảnh hưởng đến quan hệ giữa chính phủ nước này với Mỹ.
Tiết lộ WikiLeaks: Mỹ biết các điệp viên Cuba hỗ trợ Venezuela
Các tình báo viên Cuba có liên quan chặt chẽ với Venezuela và được tiếp cận trực tiếp với Tổng thống Hugo Chavez, theo một công hàm ngoại giao của Mỹ được xếp loại mật đề năm 2006.
Đây là tiết lộ đáng chú ý mới nhất trong số những thông tin mà gần đây trang mạng WikiLeaks cung cấp cho báo chí. Thông tin trên được đăng tải trên tờ El Pais của Tây Ban Nha ngày 30-11.
Phóng to |
Những nhân vật nổi danh trên toàn thế giới được nêu tên trong các tài liệu mật mà WikiLeaks vừa tiết lộ - Ảnh: Reuters |
Ngày 30-1-2006, một công hàm từ Đại sứ Mỹ tại Venezuela William Brownfield viết “các sĩ quan tình báo Cuba được tiếc cận trực tiếp Chavez và thường xuyên nộp cho ông các bản báo cáo tình báo… Ảnh hưởng của việc Cuba liên quan trong ngành tình báo Venezuela có thể gây hại trực tiếp cho lợi ích của Mỹ. Cơ quan tình báo Venezuela là một trong những cơ quan thù địch nhất với Mỹ ở nam bán cầu, nhưng họ thiếu khả năng chuyên nghiệp mà cơ quan mật vụ Cuba có thể cung cấp. Tình báo Cuba thường xuyên cung cấp (cho chính quyền Venezuela) những báo cáo về các hoạt động của chính phủ Mỹ”.
“Các sĩ quan tình báo Cuba huấn luyện những người Venezuela cả ở Cuba và Venezuela về tư tưởng chính trị lẫn hướng dẫn hoạt động” - công hàm viết, nhưng cũng khẳng định “không có báo cáo đáng tin cậy nào về việc Cuba có liên quan đến quân đội Venezuela”.
Cho tới giờ, theo AP, chính quyền Venezuela chưa có phản ứng gì với các tài liệu bị tiết lộ, nhưng Tổng thống Chavez trước nay chưa bao giờ che giấu mối quan hệ thân tình của ông với các nhà lãnh đạo Cuba. Trước đó, trong ngày 29-11, ông Chavez đã nhận định về các tiết lộ của WikiLeaks rằng nó khiến “bọn đế quốc phải cởi truồng”. Ông cũng nói Ngoại trưởng Mỹ Hillary Rodham Clinton nên từ chức và các tài liệu cho thấy chính quyền Mỹ là một “nhà nước thất bại”.
Những tài liệu mới nhất trên El Pais còn nêu nhiều vấn đề khác ở Venezuela từ hệ thống y tế đến việc quốc hữu hóa các ngân hàng. Một báo cáo mật năm 2008 cũng cho biết về một “kế hoạch thông tin chiến lược” mà đại sứ quán Mỹ yêu cầu sự hỗ trợ từ Bộ Quốc phòng để “gây ảnh hưởng lên môi trường thông tin ở Venezuela”.
“Mục tiêu của chiến lược này là để chống lại một chiến dịch chủ ý và tích cực của Venezuela khiến người dân suy nghĩ tiêu cực về nước Mỹ” - bản báo cáo viết, đồng thời cho biết thêm hình ảnh nước Mỹ trong mắt người Venezuela đã giảm từ 65% thiện cảm dưới thời Chavez xuống chỉ còn 31%.
Các nhà ngoại giao Mỹ cũng tìm cách mô tả chính xác tính cách và động cơ của ông Chavez. Một công hàm mật đề năm 2004 thông báo lại cuộc đối thoại với người yêu cũ của ông Chavez, Herma Marksman. “Marksman nói Chavez không chung thủy với ai và không có bạn bè đích thực. Nếu ông ấy gặp vấn đề, ông chỉ tin tưởng người em trai Adan và nhà lãnh đạo Cuba Fidel Castro” - công hàm viết.
Tin bài liên quan:
WikiLeaks "tấn công cộng đồng quốc tế"Rúng động như “vụ tấn công 11-9”WikiLeaks lại gây sốc“Quả bom” mới của WikileaksWikileaks phơi bày bí mật cuộc chiến Iraq
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận