31/12/2013 08:00 GMT+7

Thất vọng vì không có cải cách mạnh mẽ

TTO
TTO

TTO - Luật sư Trương Trọng Nghĩa là khách mời mở đầu cho chương trình giao lưu trực tuyến liên tục 10g - Gặp gỡ cuối năm tại tuoitre.vn từ 8g sáng nay (31-12).

p2KZooLi.jpgPhóng to
Đại biểu Quốc hội, luật sư Trương Trọng Nghĩa - Thực hiện: Việt Thái
Luật sư Trương Trọng Nghĩa tại buổi giao lưu - Clip do TVO thực hiện

Theo dõi toàn bộ chương trình

10 trả lời ấn tượng nhất trong giao lưu liên tục 10 giờGiao lưu trực tuyến liên tục 10 giờ tại tuoitre.vnThất vọng vì không có cải cách mạnh mẽTôi cũng đang chờ câu trả lời từ Thủ tướng về tham nhũngCông Vinh: "Rất hy vọng U - 19 nhưng đừng tạo áp lực"Di sản "sống" được bao lâu phụ thuộc chính chúng taNhiều người hỏi tôi về việc đầu tư vào KienLongBankKhông phải là đưa phong bì mà là đưa tiền nhét vào túiKhông nội tâm, ca sĩ vẫn có thể là "ngôi sao" nhưng...Thái Hòa: "Nổi tiếng nhất", "Vua phòng vé"... nghe sao ảo quáNếu Đoàn "làm màu", sẽ không có những chương trình ý nghĩa"3 Gia Cát Lượng ngồi với nhau thành 1 thợ giầy"

NỘI DUNG GIAO LƯU VỚI LUẬT SƯ TRƯƠNG TRỌNG NGHĨA

Nghe audio phỏng vấn Luật sư Trương Trọng Nghĩa: Hậu thế rất công bằng

* Luật đất đai sửa đổi đã được ông và các đại biểu nhấn nút thông qua nhưng vẫn còn nhiều vấn đề rối rắm, nhất là quy định về thu hồi đất, bồi thường khi thu hồi đất. Sao các đại biểu vẫn thống nhất thông qua? Liệu bao lâu thì sẽ cần sửa đổi luật nữa? (Văn Quang Định, 28 tuổi, Vandinhdinh@...)

- Luật sư Trương Trọng Nghĩa: Theo tôi, điều quan trọng nhất đã được thể hiện trong Hiến pháp và luật đất đai mới là việc thu hồi đất, kể cả cho những dự án kinh tế xã hội phải phục vụ lợi ích quốc phòng an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng. Nếu không đáp ứng những tiêu chí đó, thì không được áp dụng biện pháp thu hồi đất.

Sắp tới, Chính phủ sẽ ban hành những văn bản triển khai thực hiện luật đất đai mới theo tinh thần bảo đảm lợi ích của người dân như Hiến pháp quy định và Quốc hội sẽ giám sát chặt chẽ các văn bản này.

* Đại biểu cho hỏi có phải năm 2014 án tử hình bị bỏ bởi quy định tại Điều 19 Hiến pháp 2013 có hiệu lực ngày 1-1-2014 (Lâm Quốc Thanh, 45 tuổi, lamquocthanh68@...)

- Luật sư Trương Trọng Nghĩa: Điều bạn nói chưa đúng. Chính sách pháp luật hình sự của Nhà nước ta đang đi theo hướng ngày càng hạn chế án tử hình. Và điều 19 cũng phản ánh được chính sách này. Tuy nhiên chúng ta vẫn còn duy trì án tử hình trong một số trường hợp nhất định.

orUn1ktZ.jpgPhóng to
Luật sư Trương Trọng Nghĩa (phải) trả lời câu hỏi của bạn đọc - Ảnh: Thuận Thắng

* Xin phép đặt câu hỏi đến luật sư Trương Trọng Nghĩa, theo luật đất đai năm 2013, giá đất bồi thường không áp dụng theo bảng giá đất (công bố hằng năm) mà áp dụng giá đất cụ thể do UBND cấp tỉnh, thành quyết định tại thời điểm thu hồi đất. Như vậy liệu UBND có tính đến yếu tố giá thị trường khi thu hồi đất của dân? (Lê Phú Quang, 51 tuổi, Lpq.1962@...)

- Luật sư Trương Trọng Nghĩa: Những văn bản được ban hành sắp tới đây sẽ giải quyết cụ thể lợi ích của người sử dụng đất bị thu hồi theo nguyên tắc bảo đảm quyền lợi hợp lý của người có đất bị thu hồi. Do đó, yếu tố giá thị trường chắc chắn sẽ được lưu ý khi mà quyết định giá bồi thường.

* Xin phép đặt câu hỏi đến luật sư Trương Trọng Nghĩa, theo luật đất đai năm 2013, giá đất bồi thường không áp dụng theo bảng giá đất (công bố hằng năm) mà áp dụng giá đất cụ thể do UBND cấp tỉnh, thành quyết định tại thời điểm thu hồi đất. Như vậy liệu UBND có tính đến yếu tố giá thị trường khi thu hồi đất của dân? (Lê Phú Quang, 51 tuổi, Lpq.1962@...)

- Luật sư Trương Trọng Nghĩa: Những văn bản được ban hành sắp tới đây sẽ giải quyết cụ thể lợi ích của người sử dụng đất bị thu hồi theo nguyên tắc bảo đảm quyền lợi hợp lý của người có đất bị thu hồi. Do đó, yếu tố giá thị trường chắc chắn sẽ được lưu ý khi mà quyết định giá bồi thường.

* Các luật sư nói cứ bị các cơ quan chức năng làm khó khi tác nghiệp. Tại sao vai trò của luật sư quá mờ nhạt trong việc tố cáo và chỉ đích danh địa chỉ tham nhũng? Tại sao tổ chức luật sư không giúp xã hội đeo bám, chất vấn đến cùng các vụ tham nhũng? (congdanviet85, 85 tuổi, congdanviet85@...)

- Luật sư Trương Trọng Nghĩa: Trước hết, vai trò của luật sư là tư vấn pháp luật và bảo vệ quyền lợi của nhân dân trong các quan hệ pháp lý. Đúng là có tình trạng các luật sư vẫn đang gặp khó khăn khi tác nghiệp.

Tuy nhiên, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã đấu tranh với tình hình này và lãnh đạo Đảng - Nhà nước - Chính phủ cũng đã chỉ đạo các ngành các cấp khắc phục tình trạng này. Hiến pháp sửa đổi đã thể hiện quyết tâm này bằng những quy định mới bảo đảm quyền hành nghề của luật và quyền bào chữa của nhân dân.

Còn trong việc chống tham nhũng, đúng là luật sư có trách nhiệm góp phần nhưng cũng là một trong những thành phần của cuộc đấu tranh này.

* Kỳ họp vừa qua vẫn còn tình trạng các đại biểu Quốc hội vắng họp quá nhiều. Phải chăng đại biểu bây giờ chỉ vào Quốc hội cho có tiếng tăm chứ còn công việc kinh doanh, bảo vệ thân chủ thì không bỏ được vì miếng cơm manh áo. Như vậy chất lượng của làm luật làm sao cao? Ông có thể nói thật cho bạn đọc biết là ông vắng họp bao nhiêu buổi hay không? Lý do? Những bạn bè là đại biểu khác ông biết vắng nhiều nhất bao nhiêu buổi? (Văn Quang Định, 28 tuổi, Vandinhdinh@...)

- Luật sư Trương Trọng Nghĩa: Tôi có vắng một số buổi, điều quan trọng là phải nói rõ là vì sao vắng, phải xin phép trưởng đoàn, có trường hợp phải xin phép Ủy ban thường vụ Quốc hội. Nghĩa là, phải có lý do hợp lý và được phép mới được vắng. Số buổi vắng mặt của tôi không nhiều.

Đa số đại biểu là các cán bộ công chức kiêm nhiệm, do đó, khi họp Quốc hội họ vẫn phải tiếp tục xử lý các công việc theo trách nhiệm. Do đó, có những người vắng là vì phải xử lý những việc gấp ở cơ quan chứ không phải vì miếng cơm manh áo. Dù vậy, lãnh đạo Quốc hội và các đại biểu đều nhất trí rằng khi họp Quốc hội thì phải hạn chế đến mức cao nhất những buổi vắng mặt dù có lý do chính đáng.

* Thưa ông, gần đây phiên tòa xét xử nhóm hung thù gây ra vụ án chặt tay cướp xe SH thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận, nhất là khi gia đình bị cáo bị tử hình gây náo loạn phiên tòa vì cho rằng bản án vô nhân đạo, trong khi dư luận xã hội lại rất ủng hộ sự nghiêm khắc của bản án. Ông nhận định ra sao về bản án này? (Đinh Ngọc Mai, 36 tuổi, mai.dn@...)

- Luật sư Trương Trọng Nghĩa: Bản án đã tuyên là án sơ thẩm. Do đó bị cáo có quyền kháng cáo, tòa phúc thẩm sẽ xem xét nếu không hợp lý thì sẽ sửa chữa. Nếu sai phạm nặng thì thậm chí có thể hủy án sơ thẩm để xử lại. Ngoài ra, bị cáo còn có quyền yêu cầu Viện Kiểm sát hay chánh án kháng nghị, chưa kể còn có quyền xin ân xá hay đặc xá. Do đó, bị cáo và gia đình nên sử dụng những quyền trên cho đến khi có bản án có hiệu lực sau cùng.

Việc quậy phá gây náo loạn phiên tòa là trái pháp luật và không quốc gia nào chấp nhận.

Về nhận định cá nhân của tôi về bản án này, vì tôi không tham gia bào chữa nên không có đủ thông tin để nhận xét.

* Trong năm 2013 nổi lên một số vụ án được kết luận là án oan khiến nhiều người bức xúc. Theo ông, đâu là nguyên nhân chính của tình trạng này? (Nguyễn Đức Hải, 32 tuổi, haind@...)

- Luật sư Trương Trọng Nghĩa: Nguyên nhân chính của tình trạng án oan sai là do những yếu kém về nghiệp vụ và đạo đức của các cơ quan tiến hành tố tụng.

Cũng có một nguyên nhân khác là quyền bào chữa của người bị bắt tạm giam, tạm giữ chưa được bảo đảm.

vM88RfLI.jpgPhóng to
Luật sư Trương Trọng Nghĩa trả lời câu hỏi của bạn đọc - Ảnh: Thuận Thắng

* Thưa ông, từ ngày 1-1-2014, Luật xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực thì nếu muốn đưa một người nghiện ma túy vào trường trại phải có quyết định của tòa án. Chúng tôi lo ngại là nếu đòi hỏi nhiều thủ tục như thế thì sẽ gây ách tắc và ngoài xã hội sẽ còn nhiều con nghiện gây bất an cho trật tự xã hội. Ông thấy quy định như vậy có hợp lý không? (Hai Nam, 29 tuổi, namhai1985@...)

- Luật sư Trương Trọng Nghĩa: Quốc hội đã thông qua luật trên với sự cân nhắc cần thiết, trong đó có yêu cầu bảo vệ quyền con người và yếu tố hội nhập quốc tế. Luật đã có hiệu lực thì phải chấp hành, còn việc phòng chống ma túy phải được tiến hành bằng nhiều biện pháp tổng hợp và nỗ lực của toàn xã hội.

Ví dụ, tình trạng số con nghiện tăng lên không chỉ được khắc phục bằng việc hạn chế tự do tại các trường trại mà bằng nhiều biện pháp khác nữa.

* Được biết tại diễn đàn Quốc hội kỳ họp thứ 5 quốc hội khóa 13, ông đã đứng ra xin Quốc hội nhận làm Luật biểu tình. Xin hỏi đến nay việc đó đã như thế nào? Khi nào thì Việt Nam có Luật biểu tình? Với cương vị là một luật sư, một công dân - ông kỳ vọng luật biểu tình trong tương lai sẽ đáp ứng được những yếu tố cơ bản nào? (Minh Tú, 36 tuổi, minhtu@...)

- Luật sư Trương Trọng Nghĩa: Hiến pháp sửa đổi đã khẳng định lại là mọi công dân đều có quyền biểu tình. Thậm chí, quyền này được ghi nhận tại chương II của Hiến pháp, nghĩa là đây là một quyền con người, được Nhà nước tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm. Có nghĩa là tới đây, Quốc hội sẽ phải xây dựng và ban hành luật biểu tình để quyền này không chỉ được ghi trên giấy mà được trở thành cuộc sống hiện thực.

* Trong hệ thống tư pháp của nước ta, việc tham gia của các luật sư trong quá trình điều tra, hỏi cung các bị can còn rất hạn chế, nếu không nói là không thể, nên dẫn đến trường hợp mớm cung, ép cung gây oan sai. Ông nghĩ có giải pháp nào để giải quyết thực trạng này? (Dương Hoàng Việt, 32 tuổi, hoangviet1002@...)

- Luật sư Trương Trọng Nghĩa: Hiến pháp sửa đổi đã có những thay đổi quan trọng liên quan đến quyền bào chữa của người bị bắt tạm giữ, tạm giam.

Cụ thể là họ có quyền có luật sư ngay từ đầu, hơn nữa Hiến pháp cũng quy định nguyên tắc tranh tụng được bảo đảm trong xét xử. Nghĩa là sắp tới đây luật pháp có liên quan đến việc bắt giam, điều tra, truy tố, xét xử phải được sửa đổi phù hợp với Hiến pháp sửa đổi.

Tôi được biết Quốc hội đang sửa đổi bộ luật Tố tụng hình sự và tôi tin rằng bộ luật Tố tụng hình sự được sửa đổi để khắc phục tình trạng yếu kém nêu trên và tuân thủ những quy định mới của Hiến pháp.

* Một thẩm phán nổi tiếng từng nói rằng: "Luật dân sự Việt Nam xử kiểu nào cũng được". Tôi cho rằng vị thẩm phán này nói có phần đúng.

Vừa qua, vụ việc hai cô bảo mẫu một nhà trẻ ở Thủ Đức hành hạ trẻ em được báo Tuổi Trẻ đăng clip, đưa tin gây bức xúc rất nhiều trong dư luận. Hành động của hai cô giáo này hoàn toàn sai nhưng tôi cho rằng bản chất vấn đề là do nhận thức và trình độ của họ kém.

Ông Trương Văn Thống - bí thư Quận ủy Thủ Đức - cho biết sẽ cho xét xử lưu động vụ này và dự kiến sẽ tổ chức tại Trung tâm Nhà thiếu nhi Q.Thủ Đức.
Nếu bình tâm suy nghĩ, việc đưa ra xét xử hai cô bảo mẫu lưu động như vậy, theo một nghĩa nào đó thì những người thay mặt chính quyền đã đặt dấu chấm hết cho cuộc đời họ. Làm sao họ có thể bắt đầu một cuộc sống mới trong khi bản chất vấn đề là do nhận thức kém. Họ không phải là tội phạm hình sự mà bị đem ra xét xử lưu động như thế trong khi có những kẻ giết người không gớm tay còn chưa bị xử lưu động.
Tôi cũng có con cháu nhỏ, tôi không bênh vực hành động của hai bảo mẫu nhưng trong sự việc này, tôi thấy những người thay mặt chính quyền đã bị dư luận chi phối, xử theo dư luận chứ không làm việc trên khía cạnh luật pháp.
Là một luật sư lớn, ông nhìn nhận như thế nào về vấn đề này? Và nếu cho rằng không đáng phải xử lưu động họ, ông có thể làm gì để đưa ra xét xử họ cho đúng mà không bị dư luận chi phối? Cảm ơn ông (Thy Nga, 36 tuổi, thynga1978@...)
- Luật sư Trương Trọng Nghĩa: Tôi đồng ý là phải hạn chế và cân nhắc kỹ khi quyết định xét xử lưu động. Phải lường hết các tác động nhiều chiều của biện pháp này. Tôi sẽ chuyển câu hỏi này đến những người có trách nhiệm ở tòa án nhân dân TP.HCM và tòa án nhân dân quận Thủ Đức để họ xem xét kỹ hơn.
Việc xét xử để có tác dụng giáo dục và răn đe thì cũng phải chú ý và tôn trọng ý kiến của đa số nhân dân. Nhưng điều đó không nên vì vậy mà bị dư luận chi phối hay xử theo dư luận. Việc xét xử phải dựa vào chứng cứ và pháp luật hiện hành.

* Ông có "ngán" các nhóm lợi ích sẽ "xử đẹp" ông không khi ông nói phải coi Hiến pháp là tối thượng chứ không phải Đảng đứng trên và đứng ngoài Hiến pháp. Chắc ông tin và nhiều người cũng tin điều đó là đúng, vì sao khi bỏ phiếu, ông trở thành đơn độc? (Nguyễn Kiến Phước, 70 tuổi, nguyentanteo1942@...)

- Luật sư Trương Trọng Nghĩa: Tôi là một công dân và là một trong những đại biểu Quốc hội. Nếu tôi bị các nhóm lợi ích "xử đẹp" khi thực hiện các quyền công dân và trách nhiệm đại biểu của mình thì người dân bình thường làm sao bảo vệ được quyền lợi của mình. Câu trả lời cho câu hỏi này xin dành cho các cơ quan và các ngành chức năng.

Việc các đại biểu Quốc hội là thiểu số trong việc này, việc khác, lúc này, lúc khác là chuyện bình thường. Nó phản ánh thực trạng xã hội và nền chính trị của nước nhà.

* Trong kỳ họp Quốc hội vừa qua, trong những điều ông làm được, ông tâm đắc nhất với điều gì và thất vọng nhất với điều gì? (Dũng Anh, 34 tuổi, tandunganh@...)

- Luật sư Trương Trọng Nghĩa: Những điều tôi đã làm được là tích cực phản ánh trung thực tâm tư nguyện vọng của cử tri trong việc sửa đổi hiến pháp và có một số điểm góp ý của tôi cũng được chấp nhận ghi trong hiến pháp sửa đổi.

Điều tôi tâm đắc nhất là việc góp ý xây dựng hiến pháp đã được cởi mở, thẳng thắn và công khai so với các lần sửa đổi hiến pháp trước đây.

Điều tôi thất vọng nhất là tôi mong muốn là có sự cải cách mạnh mẽ hơn về chính trị, kinh tế, xã hội trong hiến pháp sửa đổi, nhưng đã không được chấp nhận vì tôi là thiểu số.

Tuy nhiên, hiến pháp sửa đổi cũng có những tiến bộ so với hiến pháp năm 1992 và công việc của đại biểu quốc hội bây giờ là nỗ lực để làm cho những điểm tốt đẹp và tiến bộ của hiến pháp trở thành hiện thực của cuộc sống, đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của nhân dân.

* Thưa Luật sư, ông nói không nhận xét về bản án vụ chặt tay cướp xe SH nhưng rõ ràng hung thủ đâu có giết người mà sao bị tử hình? Ông giải thích điều này như thế nào? (duytruc, 20 tuổi, truchanoi@...)

- Luật sư Trương Trọng Nghĩa: Pháp luật hình sự Việt Nam và nhiều nước trên thế giới không theo nguyên tắc trả thù mạng đền mạng, cho nên có những hung thủ giết người, thậm chí giết không chỉ một người nhưng vẫn không bị tử hình.

Việc kết án tử hình một phạm nhân là dựa vào sự cần thiết do luật định và cái yêu cầu cụ thể của vụ án. Nó phải có những căn cứ và luận cứ xác đáng, hợp lý, hợp pháp. Do đó, việc kết án tử hình đúng hay sai là phải dựa trên những yếu tố trên.

* Vừa qua có rất nhiều vụ việc do dân phòng lạm quyền để hành hung người dân. Luật pháp nước ta quy định những vấn đề này như thế nào? Và chúng ta có biện pháp gì đề ngăn chặn tình trạng này xảy ra? (Lê Phước Hồng Việt, 31 tuổi, leviet2001@...)

- Luật sư Trương Trọng Nghĩa: Tình trạng các nhân viên công quyền lạm quyền bức hiếp, hành hung người dân cho thấy những yếu kém về năng lực và đạo đức công vụ. Theo tôi, đây là điều đáng báo động và phải có những giải pháp triệt để để khắc phục. Những hành vi như vậy là sự bôi xấu và xem thường Hiến pháp. Những kẻ vi phạm phải được điều tra và xử lý nghiêm thì mới có tác dụng răn đe.

* Thưa đại biểu Trương Trọng Nghĩa, tôi thấy nước ta có khoảng 500 đại biểu Quốc hội nhưng theo dõi trên báo chí và các phiên tường thuật trực tiếp của nhiều kỳ họp thì quanh đi quẩn lại cũng chỉ có một số đại biểu phát biểu được những ý kiến tâm huyết cho dân cho nước. Tôi nghĩ vai trò nhiệm vụ của đại biểu dân cử là nói, phát biểu, đóng góp ý kiến nhưng nếu các vị mà cứ "im thin thít" thì quá lãng phí tiền dân đóng thuế. Theo ông có nên tinh gọn bộ máy, nhân sự Quốc hội không? (Ngọc Hoàng, 50 tuổi, duongngochoang2000@...)

- Luật sư Trương Trọng Nghĩa: Câu hỏi này nêu ra một vấn đề quan trọng đó là Quốc hội phải được đổi mới để đáp ứng nhu cầu của xã hội và của nhân dân. Cụ thể là bớt số lượng đại biểu kiêm nhiệm, bớt số lượng đại biểu đang là cán bộ công chức có cơ chế bảo vệ quyền lợi chính trị của đại biểu trong và sau nhiệm kỳ.

Việc tinh gọn bộ máy và nhân sự Quốc hội là cần thiết, cũng như các bộ máy và nhân sự ở các khâu khác của Nhà nước.

* Ông có cho rằng trong việc để xảy ra các vụ án oan, các luật sư cũng có phần trách nhiệm khi làm không tốt nhiệm vụ bào chữa của mình? (Hà Thanh Khiết, 34 tuổi, khietht23@...)

- Luật sư Trương Trọng Nghĩa: Theo tôi, phải xét từng trường hợp cụ thể nhưng không loại trừ có những trường hợp có trách nhiệm của luật sư. Ví dụ, thấy oan sai nhưng không đeo đuổi và đấu tranh đến cùng hay luật sư kém về trình độ nghiệp vụ.

* Thưa ông, với tư cách là đại biểu Quốc hội, ông có cho rằng chính việc lạm quyền trong cơ cấu nhân sự tại các cơ quan trong hệ thống chính trị nước ta là nguyên nhân số một làm cho việc tham ô khó bị phát giác? Với cơ cấu Đại biểu Quốc hội hiện nay ông nghĩ thế nào về việc lúc nào cũng có tới hơn 90% Đại biều nhấn nút nhất trí thông qua các vấn đề đưa ra thảo luận tại QH (Nguyễn Thế Anh, 34 tuổi, nguyentheanh888@...)

- Luật sư Trương Trọng Nghĩa: Cơ cấu nhân sự trong các cơ quan của hệ thống chính trị phản ánh hiện trạng của nền chính trị của một quốc gia và ở Việt Nam cũng vậy.

Tuy nhiên, nếu cơ cấu nhân sự dẫn đến lạm quyền và làm cho việc chống tham nhũng khó khăn, thậm chí là bị vô hiệu thì phải có những biện pháp sửa đổi cơ chế chính trị.

Trước mắt, phải đấu tranh với những hành vi lạm quyền và đổi mới quy trình bầu cử, ứng cử để cử tri có thể chọn được những nhân sự có tâm, có tài vào hệ thống chính trị.

-------------------------------------------------------

Luật sư Trương Trọng Nghĩa

Luật sư Trương Trọng Nghĩa sinh năm 1953, là đại biểu Hội đồng nhân dân TP.HCM khóa IV, khóa VII, đại biểu Quốc hội khóa XIII. Hiện ông là phó chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, ủy viên Đảng Đoàn liên đoàn, phó chủ nhiệm và phó bí thư Đảng ủy của Đoàn Luật sư TP.HCM; ủy viên ban chấp hành Hội Luật gia thành phố liên tiếp 5 nhiệm kỳ.

Để Hiến pháp thật sự là “thần linh pháp quyền”Cơ hội để hoàn thiện về nhân quyền

Với trên 20 năm hoạt động luật gia, một trong những nội dung quan trọng trong chương trình hành động khi ứng cử đại biểu Quốc hội của ông Nghĩa là tích cực tham gia xây dựng, sửa đổi pháp luật để thuận lợi hơn cho doanh nghiệp và người dân trong làm ăn, sinh sống.

Theo đuổi mục tiêu này, tại các kỳ họp Quốc hội, ông Trương Trọng Nghĩa là một trong số các đại biểu thường xuyên có những phát biểu thẳng thắn, không né tránh trước diễn đàn quốc hội tại các phiên thảo luận tổ và thảo luận, chất vấn tại nghị trường cũng như trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội.

Cụ thể trong hai kỳ họp Quốc hội gần đây nhất, ông Nghĩa đã có những ý kiến phát biểu xoay quanh nhiều vấn đề nóng như: sửa đổi luật đất đai, sửa đổi hiến pháp, cải cách tư pháp chống nhục hình, bức cung, việc xử lý các công ty gây ô nhiễm.

Ông là người lên tiếng về việc “Hậu thế sẽ đánh giá Quốc hội khóa XIII đã làm gì để thúc đẩy chứ không cản trở sự phát triển của dân tộc khi sửa đổi Hiến pháp”, yêu cầu “Sửa Luật hải quan là phải làm sao để người ta xin vào làm hải quan để vì cái vinh dự của công việc chứ đừng chạy vào hải quan chỉ để kiếm những đồng tiền bất chính”.

"Hậu thế sẽ đánh giá Quốc hội khóa XIII"

Ông cũng là người nhiều lần trăn trở lo lắng cho nguy cơ kinh tế Việt Nam bị lệ thuộc vào kinh tế Trung Quốc. Với tư cách một luật gia, đại biểu Trương Trọng Nghĩa từng đứng trước Quốc hội xin nhận làm Luật biểu tình với lý do “Nếu chương trình làm luật quá nhiều, Quốc hội không làm kịp, không có đủ kinh phí, thời gian để làm thì cá nhân tôi sẽ nhận, vận động các hội viên trong Liên đoàn Luật sư góp công, góp sức để xây dựng dự thảo Luật biểu tình đúng theo Hiến pháp”.

Đặt câu hỏi với các khách mời

Mời bạn đọc BẤM VÀO ĐÂY đặt câu hỏi với nghệ sĩ Thái Hòa

Mời bạn đọc BẤM VÀO ĐÂY đặt câu hỏi với nhạc sĩ Dương Thụ

Mời bạn đọc BẤM VÀO ĐÂY đặt câu hỏi với Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến

Mời bạn đọc BẤM VÀO ĐÂY đặt câu hỏi với ông Võ Quốc Thắng

Mời bạn đọc BẤM VÀO ĐÂY đặt câu hỏi với TS Nguyễn Thị Hậu

Mời bạn đọc BẤM VÀO ĐÂY đặt câu hỏi với Công Vinh -Thủy Tiên

(Để tiện cho việc trả lời, bạn đọc vui lòng gõ câu hỏi bằng tiếng Việt có dấu, font chữ Unicode. Cảm ơn)

TTO
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên