Việt Nam ủng hộ Hội đồng nhân quyền không hoạt động vì động cơ chính trị184/193 phiếu bầu Việt Nam vào Hội đồng Nhân quyền LHQ
Phóng to |
Ông Trương Trọng Nghĩa - Ảnh: Việt Dũng |
* Theo ông, việc Việt Nam trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2014-2016 có ý nghĩa như thế nào, đặc biệt với việc thúc đẩy vấn đề nhân quyền trong nước và thế giới?
- Chắc chắn là có một sự thúc đẩy rất lớn. Đầu tiên là tính gương mẫu. Một quốc gia được bầu vào Hội đồng Nhân quyền thì sẽ phải gương mẫu. Việt Nam rõ ràng phải có những thành tựu nhất định về nhân quyền thì người ta mới bầu mình vào. Và khi nói đến nhân quyền thì phạm trù rất rộng, trong đó có cả quyền sống, bảo đảm các điều kiện như xóa đói giảm nghèo, y tế, giáo dục và các quyền tự do dân chủ khác. Đã vào hội đồng thì phải gương mẫu, đặc biệt là với quốc gia của anh, công dân của anh, con người trong xã hội của anh thì anh phải hành xử cho đúng, nếu không sẽ bị cộng đồng quốc tế chất vấn, đặt vấn đề. Do đó được tín nhiệm trước hết là một vinh dự, đồng thời cũng là một trách nhiệm nặng nề. Tôi tin Việt Nam sẽ có những bước tiến, những nỗ lực để đến hết nhiệm kỳ, thế giới sẽ có đánh giá Việt Nam xứng đáng ở cương vị đó.
Vào được Hội đồng Nhân quyền rất có lợi - trước hết là nâng cao vị thế của quốc gia trên trường quốc tế, được tham gia các chính sách của tổ chức quốc tế - tham gia nghĩa là đóng góp để thúc đẩy tiến trình chung. Việt Nam là một nước đang phát triển, có rất nhiều khó khăn và sẽ thuyết phục cộng đồng quốc tế, LHQ phải có chính sách như thế nào để thúc đẩy, hỗ trợ vấn đề nhân quyền ở các quốc gia chậm phát triển và đang phát triển.
* Có một số ý kiến tỏ ra quan ngại vì cho rằng Việt Nam vẫn là một nước chưa phải hoàn toàn đảm bảo nhân quyền, ông nghĩ sao về điều này?
- Trên thế giới hiện nay, không có quốc gia nào hoàn hảo về nhân quyền, kể cả những quốc gia rất giàu có, những quốc gia có luật pháp rất dân chủ thì vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề về nhân quyền. Không ai dám tự hào mình là quốc gia hoàn hảo nhất thế giới về nhân quyền cả. Và cũng không ai bầu một quốc gia kém cỏi, thậm chí vi phạm về nhân quyền vào Hội đồng Nhân quyền cả. Với số phiếu bầu chọn cao nhất, 184/192 quốc gia, tôi tin thế giới có lý do chính đáng để lựa chọn Việt Nam.
Tôi cho rằng những người bỏ phiếu cho Việt Nam là họ nghĩ tới những đóng góp của Việt Nam vào tình hình về vấn đề nhân quyền trên thế giới, chứ không phải vì Việt Nam là quốc gia hoàn hảo nhất thế giới về nhân quyền. Trong vòng 20 năm, Việt Nam từ một nước thiếu lương thực mà đến nay, dù dân số đã tăng lên mức 90 triệu người, đã là một trong những nước xuất khẩu lương thực đứng hàng đầu thế giới; từ một nước chậm phát triển mà đã tiến lên thành một nước có trình độ phát triển tầm trung bình. Từ một nước đói nghèo, ta đã có những thành tựu đáng kể về xóa đói giảm nghèo, chăm lo về y tế, giáo dục. Với những kinh nghiệm đó, Việt Nam có thể giúp được nhiều nước.
Cũng cần nói thêm rằng với các nước phát triển, có thể họ nhìn nhận nhân quyền nghiêng về khía cạnh tự do lập hội, tự do ngôn luận, tự do biểu tình, tự do báo chí... Còn các nước nghèo, các nước đang phát triển thì thường tập trung và ưu tiên vào các quyền về dân sinh, như xóa đói giảm nghèo, giáo dục, y tế, văn hóa... Tham gia Hội đồng Nhân quyền là cơ hội để Việt Nam tự hoàn thiện, tự bổ khuyết những mặt còn hạn chế trong bảo vệ quyền con người.
Một số lĩnh vực nhân quyền mà Việt Nam có thể và cần phải tạo chuyển biến ngay là: mau chóng ban hành một số luật bảo đảm quyền con người mà Việt Nam đã đưa vào Hiến pháp từ năm 1946 đến nay và đã ký cam kết quốc tế mà vẫn chưa ra được luật, như quyền tự do lập hội, tự do biểu tình; cải cách tư pháp theo hướng dựa vào tranh tụng tại tòa, triệt để áp dụng nguyên tắc “suy đoán vô tội”, bảo đảm quyền có luật sư ngay từ đầu của người bị tạm giữ, tạm giam, chống bức cung, ép cung, nhục hình.
Ông Chuck Searcy (cựu binh Mỹ sống tại Việt Nam từ năm 1995 để thúc đẩy giao lưu nhân dân Mỹ - Việt): Người Việt hiểu giá trị của tự do và hòa bình Tôi xin chúc mừng Chính phủ và người dân Việt Nam vì kết quả phiếu bầu rất cao cho các bạn vào Hội đồng Nhân quyền LHQ. Với thành tựu này, Chính phủ Việt Nam có thể và nên tiếp tục thúc đẩy bảo vệ những quyền con người cơ bản đã ghi trong Hiến pháp Việt Nam. Đó là những quyền quý giá mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bảo vệ; nhiều công dân Việt Nam đã hi sinh trong sự nghiệp bảo vệ những quyền tự do đó... Việt Nam cũng có thể tự hào về mức độ tự do của các cá nhân, gia đình, làng xóm và cộng đồng, và các tổ chức đang cùng nỗ lực vì một mục đích chung. Mỗi ngày, mọi người lại đóng góp cho xã hội và Tổ quốc bằng hàng ngàn cách khác nhau bởi vì họ cảm thấy được tự do làm vậy, được tự do nắm bắt các sáng kiến và nghĩ ra những ý tưởng hay hơn. Người Việt Nam hiểu các giá trị của tự do cũng như họ hiểu hòa bình vì họ đã sống dưới sự đàn áp và hủy hoại của chiến tranh. |
Hội đồng Nhân quyền LHQ là gì? Hội đồng Nhân quyền LHQ là một tổ chức trực thuộc Đại hội đồng LHQ, chính thức thành lập ngày 15-3-2006 sau khi thông qua nghị quyết A/RES/60/251 để thay thế Ủy ban Nhân quyền LHQ. Là một trong những tổ chức nổi bật nhất LHQ, Hội đồng Nhân quyền bao gồm 47 nước thành viên, phân bổ hài hòa theo khu vực địa lý trên thế giới: 13 ghế cho châu Phi, 13 ghế cho châu Á, 6 ghế cho Đông Âu, 8 ghế cho châu Mỹ Latin và vùng Caribê, 7 ghế cho Tây Âu và những nhóm khác. Hội đồng Nhân quyền LHQ hoạt động với nhiệm kỳ ba năm, tối đa hai nhiệm kỳ liên tiếp. Nhiệm kỳ sau của tổ chức này sẽ bắt đầu từ năm 2014-2016. Việc thành lập Hội đồng Nhân quyền là một trong những hoạt động nhằm cải tổ LHQ và các tổ chức trực thuộc LHQ, khi mà Ủy ban Nhân quyền bị nhiều chỉ trích nặng nề về việc đã để một số quốc gia có hành động phi nhân quyền làm thành viên. Tất cả các quốc gia là thành viên của LHQ đều có quyền ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền. Ngoài trách nhiệm chính và quan trọng nhất là thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền trên thế giới, Hội đồng Nhân quyền cũng đề cập đến các vấn đề nhân quyền quan trọng như tự do lập hội và hội họp, tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng và tôn giáo, quyền phụ nữ, quyền đồng tính và quyền lợi của các nhóm dân tộc và chủng tộc thiểu số. Đại hội đồng thông qua đa số 2/3 có thể đình chỉ quyền và đặc quyền của bất kỳ thành viên nào trong Hội đồng Nhân quyền nếu xét thấy các vi phạm về nhân quyền. Các thành viên của Hội đồng Nhân quyền tham dự ba phiên họp định kỳ mỗi năm, vào tháng 3, tháng 6 và tháng 9. Hội đồng, theo yêu cầu của 1/3 số thành viên, có thể quyết định thời điểm bất kỳ để tổ chức một phiên họp đặc biệt nhằm giải quyết các hành vi vi phạm và các trường hợp khẩn cấp về nhân quyền. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận