01/07/2023 12:48 GMT+7

'Ông này không phải nhà ngôn ngữ học, có gì ghê gớm đâu'

Dẫn buổi ra mắt sách 'Người Việt nói tiếng Việt' của nhà báo Nguyễn Quang Thọ, nhà thơ Lê Minh Quốc nói: 'Ai đó xưng là vua tiếng Việt là điều rất ngớ ngẩn'.

Ông này không phải nhà ngôn ngữ học, có gì ghê gớm đâu - Ảnh 1.

Nhà thơ Lê Minh Quốc (trái) và nhà báo Nguyễn Quang Thọ - tác giả cuốn sách Người Việt nói tiếng Việt - Ảnh: MI LY

Nhà báo Nguyễn Quang Thọ là tác giả cuốn sách Người Việt nói tiếng Việt (Nhà xuất bản Tổng Hợp TP.HCM), tập hợp hơn 500 thành ngữ tục ngữ của người Việt Nam, phần lớn đến từ lời ăn tiếng nói của người bình dân.

Ông cũng là nguyên tổng biên tập báo Yêu Trẻ.

"Xưng vua tiếng Việt là rất ngớ ngẩn"

Dẫn dắt buổi ra mắt sách tại Đường sách TP.HCM sáng 1-7, nhà thơ Lê Minh Quốc nói khi nghe nhà báo Nguyễn Quang Thọ viết sách về tiếng Việt, sẽ có ý kiến cho rằng: "Ông này là nhà báo, không phải là nhà ngôn ngữ học, có gì ghê gớm đâu".

Thế nhưng, Lê Minh Quốc nêu quan điểm tất cả chúng ta đều bình đẳng trước tiếng Việt, và "ai đó xưng là vua tiếng Việt là điều rất ngớ ngẩn".

Ông nói: "Không phải người Việt nào cũng biết rõ và giỏi nói tiếng Việt. Vậy nên khi anh Thọ viết cuốn sách Người Việt nói tiếng Việt, nhiều người sẽ thấy khó hiểu nhưng không phải. Trong cuộc sống hằng ngày, nhiều khi chúng ta nói chưa đúng tiếng Việt".

Ông này không phải nhà ngôn ngữ học, có gì ghê gớm đâu - Ảnh 2.

Câu lạc bộ truyền thống báo Tuổi Trẻ đến chúc mừng nhà báo Nguyễn Quang Thọ ra mắt cuốn sách - Ảnh: MI LY

Về lý do viết cuốn sách, nhà báo Nguyễn Quang Thọ nói: "Trên mạng, một lần tôi đọc anh Hoàng Tuấn Công phê bình từ điển của giáo sư Nguyễn Lân về thành ngữ tục ngữ. Tôi thấy công việc này hay quá, mình cũng từng làm về lĩnh vực này.

Khi bắt tay vào viết sách, tôi được ôn luyện lại vô vàn từ ngữ tiếng Việt, có những từ mình chưa bao giờ thấy, chưa hiểu.

Học 10 năm trong sách, đồng thời học 10 năm trong đời sống, chưa bao giờ là đủ. Ta nói Người Việt nói tiếng Việt, nghĩa là nói tiếng của mẹ ta, tiếng mẹ đẻ. 

Các anh đừng cậy nhiều chữ, tiếng Tây tiếng Tàu. Tôi muốn chỉ ra rằng tiếng Việt của mình vô cùng tuyệt vời. Chỉ sợ đầu mình không nghĩ, tim mình không có tình cảm thôi.

Càng nghiên cứu tiếng Việt tôi càng thấy nếu không hiểu thành ngữ tục ngữ, chúng ta đánh mất một di sản. Tiếng Việt là di sản của cha ông mà từ điển chúng ta cứ để sót. Nó sai vì chúng ta đọc sai, chép sai, chép không đến nơi đến chốn".

Ông Thọ cho rằng làm từ điển mà có những từ sai là nỗi đau của người làm sách, nhưng không thể không nói ra để giúp sửa cái sai thành đúng. 

Ông cũng không cho mình là giỏi giang hơn người khác, nhưng tự tin "tôi là người Việt và học đúng thứ tiếng của mẹ tôi".

Khi phát biểu về di sản tiếng Việt và người mẹ của mình, tác giả Nguyễn Quang Thọ xúc động, nhiều lần nghẹn lời. "Yêu ngôn ngữ, chúng ta giữ được tình yêu với mảnh đất này" - ông nhắn nhủ.

Nhà thơ Lê Minh Quốc nhấn mạnh "người Việt" trong tên cuốn sách của Nguyễn Quang Thọ mang dấu ấn sâu đậm của người mẹ. Ông liệt kê ra những câu thành ngữ quen thuộc đã đi vào đời sống của người Việt. Rất nhiều trong số đó là lời ăn tiếng nói của người mẹ, người cha của mỗi người.

Vá từ điển, vá cả cái dốt của mình

Tác giả Nguyễn Quang Thọ nhắc lại lời người khác nói ông đang "vá những lỗ thủng của các cuốn từ điển". Ông thừa nhận bản thân có mục đích đó nhưng như vậy là chưa đủ. Khi viết sách, ông cũng đang "vá cả cái dốt của mình".

Ông từng lấy bút danh Tư Cà Lăm, tự nhận chính mình cũng còn nhiều thiếu sót cần bù đắp.

PGS.TS Đặng Ngọc Lễ, khách mời buổi trò chuyện, nhận định ngôn ngữ học là ngành phức tạp, nhưng không có nghĩa là không thể tham gia nghiên cứu. 

Hơn nữa, ngôn ngữ có một khía cạnh lớn là tiếng địa phương, người dân từ nhiều địa phương có thể đóng góp để làm giàu thêm cho ngành ngôn ngữ học.

Ông này không phải nhà ngôn ngữ học, có gì ghê gớm đâu - Ảnh 4.

Cuốn sách Người Việt nói tiếng Việt được mong đợi sẽ tiếp tục tạo nên những cuộc tranh luận về tiếng Việt - Ảnh: MI LY

Nhà thơ Lê Minh Quốc ủng hộ việc sẽ có những tranh luận tiếp theo về cuốn Người Việt nói tiếng Việt. Theo ông, nếu cuốn sách ra đời mà không ai cãi lại thì đây là một thất bại, cũng như chương trình Vua tiếng Việt trên VTV nếu không ai cãi lại cũng là một thất bại.

Đưa ra một số câu thành ngữ làm dẫn chứng, tác giả Nguyễn Quang Thọ khẳng định có thể sẽ có những tranh cãi, nhưng ông vẫn tự tin với những kiến thức và hiểu biết của mình.

Chẳng hạn, người ta từng nghĩ những thành ngữ tục ngữ từ xưa để lại là không được thay đổi. Nhưng ông thấy ngôn ngữ luôn có sự vận động cùng thời đại. Thời trước người ta nói "hồng nhan bạc mệnh", nhưng ngày nay có trường hợp nói "hồng nhan bạc tỉ" cũng không sai.

Để ghi nhận sự vận động của ngôn ngữ, ông đưa cả những câu như "Để Mị nói cho mà nghe" từ nhạc trẻ và mạng xã hội vào thẳng trang sách.

Vua tiếng Việt kết thúc mùa 2 với những Vua tiếng Việt kết thúc mùa 2 với những 'tranh cãi và thỏa mãn'

Tối 12-5, trong tập chủ đề "nghệ", MC Xuân Bắc của "Vua tiếng Việt" thông báo đây là tập cuối cùng của mùa 2.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên