02/12/2023 12:12 GMT+7

Kỳ tích cao su Việt Nam trên đất Campuchia - Kỳ 2: Dàn hàng ngang tiến tới, quyết không lùi

SƠN LÂM
và 1 tác giả khác

Khi mới xin được vài ngàn héc ta để bắt đầu trồng cao su tại Campuchia, Chủ tịch Hiệp hội Cao su Việt Nam Trần Ngọc Thuận đã yêu cầu quyết liệt phải dàn hàng ngang đầu tư.

Bộ trưởng Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Campuchia Chan Sarun tham gia trồng cao su năm 2010 tại Công ty TNHH PTCS Tân Biên Kampong Thom  - Ảnh: TÂN BIÊN KAMPONG THOM

Bộ trưởng Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Campuchia Chan Sarun tham gia trồng cao su năm 2010 tại Công ty TNHH PTCS Tân Biên Kampong Thom - Ảnh: TÂN BIÊN KAMPONG THOM

"Khó khăn lớn nhất ban đầu để đầu tư cao su vào Campuchia chính là vấn đề đất đai vì phải đụng chạm đến người dân, thủ tục pháp lý. Đặc biệt, Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) lại là công ty nước ngoài, kiếm một quỹ đất rộng lớn không phải là điều dễ dàng.

Ấy vậy mà khi chúng ta chỉ mới xin được vài ngàn héc ta để bắt đầu trồng cao su, anh Hai Thuận (Chủ tịch Hiệp hội Cao su Việt Nam Trần Ngọc Thuận - PV) bấy giờ lại yêu cầu quyết liệt phải dàn hàng ngang đầu tư.

Sau này mới thấy nhờ chiến lược tài ba ấy mà chúng ta mới có gần 100.000ha cao su bây giờ", Oknha Leng RiThy - trưởng văn phòng đại diện VRG tại Campuchia - nhận định.

Lên đường ngay, không chần chừ

Để có được hàng ngàn héc ta đất cho một dự án còn liên quan đến rất nhiều vấn đề, như phải đảm bảo phát triển xanh, tác động môi trường, hệ sinh thái... và dù đã được cả hai chính phủ ủng hộ, nhưng Oknha Thy cũng phải thuyết phục và cam kết nhiều lần, bộ trưởng Bộ Nông lâm ngư nghiệp Campuchia lúc bấy giờ là ông Chan Sarun mới đồng ý cho "thử" mở rộng dự án khoảng 2.000ha, rồi dần dần tăng lên 3.000ha...

Nhưng thay vì tập trung đầu tư, "đánh trọng điểm" thành công tại một nơi rồi mở rộng như đã làm ở Lào trước đây, ông Hai Thuận lúc đó lại đưa ra chiến lược "dàn hàng ngang", thuyết phục xin đầu tư vào tất cả những quỹ đất mà Chính phủ Campuchia có thể cho chọn lựa đầu tư để triển khai đồng đều nhiều điểm cùng một lúc.

Oknha Thy nhớ lại: "Ban đầu tôi nghe cũng hơi choáng. Nói thật là phía Chính phủ Việt Nam có chủ trương và ủng hộ hết mình, nhưng chi tiết hóa cụ thể về việc đầu tư, về văn bản thì gần như chưa có gì.

Còn phía Campuchia, một lúc mà xin đầu tư nhiều đất như vậy, sau này lại rút lui không đầu tư thì tôi xem như mất hết danh dự với những người bạn ở Chính phủ Campuchia. Tôi cũng phải băn khoăn, trằn trọc nhiều đêm. Nhưng anh Hai Thuận mang tính cách quyết liệt như tướng ra trận, bảo bằng mọi giá phải làm".

Kể lại về quyết định thay đổi chiến lược này, ông Hai Thuận cho hay thời điểm đó không chỉ Việt Nam mà nhiều nước cũng đang nhắm tới đầu tư vào Campuchia để trồng cao su: "Dẫu lúc đó biết là thay đổi chiến lược sẽ khó thêm trăm bề. Khó khăn rất lớn.

Để đầu tư được hàng loạt như vậy thì trong nước, chúng ta phải thành lập bộ khung, xin giấy phép đầu tư nước ngoài, Chính phủ ký mới được đi. Còn phía bên nước bạn thì phải chạy xin quỹ đất. Nhưng tôi nghĩ khó khăn thì cũng khó khăn rồi, nếu chúng ta chậm chân thì quỹ đất cũng sẽ không còn.

Các nước khác xung quanh cũng đang nhắm vào quỹ đất đầu tư tại Campuchia. Có nước lúc đó đã đầu tư đến vài trăm ngàn héc ta dọc theo các tỉnh biên giới Campuchia và vẫn đang tiếp tục muốn đầu tư mở rộng. Phải nói là họ đầu tư mạnh hơn chúng ta nhiều.

Nếu chúng ta không huy động để đầu tư ngay theo kiểu hàng ngang, có đất sẵn mà còn chần chừ thì về sau muốn làm lớn cũng không được".

Theo mô hình "gà mẹ đẻ gà con" trong quá trình phát triển trồng cao su lên Tây Nguyên vào những năm 1980, nghĩa là một công ty cao su thuộc VRG đã lớn mạnh sẽ lập một công ty con để đầu tư vào nơi mới, việc đầu tư cao su tại Campuchia cũng được triển khai như vậy.

Bên cạnh đó, về sau còn tăng cường thêm hình thức thành lập các công ty cổ phần là các pháp nhân độc lập để thực hiện các dự án đầu tư, thành những công ty nước ngoài có ngành nghề với lĩnh vực đầu tư chính là trồng, chăm sóc, khai thác, chế biến, tiêu thụ mủ cao su thiên nhiên, xây dựng nhà máy chế biến mủ cao su... với thời gian đầu tư được cấp phép 50 năm theo quy định sở tại.

Chế biến mủ cao su thành phẩm tại Công ty TNHH PTCS Phước Hòa Kampong Thom  - Ảnh: SƠN LÂM

Chế biến mủ cao su thành phẩm tại Công ty TNHH PTCS Phước Hòa Kampong Thom - Ảnh: SƠN LÂM

Lời khấn khai hoang

Nhiều người đầu tiên khăn gói sang Campuchia còn nhớ rõ lời động viên có vẻ hài hước mà cũng mang nặng tính quyết liệt của "tướng" Hai Thuận khi đó: "Sang đó trồng cao su chỉ được tiến chứ không được lùi, các anh mà trồng không thành công thì... đi luôn qua Thái Lan chớ đừng về".

Những lời nói ấy ông Hai Thuận vẫn còn nhớ rõ đến hôm nay. Nghe nhắc lại, ông cười: "Tôi nghĩ mình mang trách nhiệm đứng đầu, đi cùng anh em thì cái đầu tiên chính bản thân mình phải quyết liệt. Mình quyết liệt 100 thì may ra bên dưới họ quyết liệt 80, 70, hay thậm chí 50.

Mình phải can đảm trước, sẵn sàng hy sinh chẳng hạn, để cho anh em thấy thì mới tạo được động lực để có tinh thần cao nhất của tập thể cho dự án".

Lời nói cùng sự sát cánh của ông Hai Thuận lúc đó trở thành phương châm cho tất cả những người lên đường, từ bỏ cuộc sống đủ tiện nghi để vào chốn hoang vu, hẻo lánh nơi đất khách quê người.

Động viên anh em bằng những câu quyết liệt nhất, nhưng đến tận hôm nay, ông Hai Thuận vẫn không khỏi trăn trở khi nghĩ về những người đi trồng cây cao su trên đất Campuchia.

"Phải thú thật là đến nay tôi vẫn buồn và tâm trạng khi nghĩ đến những anh em theo cao su mà hy sinh cả thanh xuân, mười mấy năm trời ở nước bạn với bao khó khăn, gian khổ. Từ ngày đi cùng tôi sang Campuchia, nhiều người đến nay vẫn chưa về.

Công nhân cạo mủ sớm tại vườn cao su công ty TNHH PTCS Tân Biên Kampong Thom - Ảnh: THẾ KIỆT

Công nhân cạo mủ sớm tại vườn cao su công ty TNHH PTCS Tân Biên Kampong Thom - Ảnh: THẾ KIỆT

Tập đoàn luôn nghiên cứu về chính sách, chế độ để hỗ trợ được tốt nhất có thể. Nhưng họ còn phải đối mặt đủ thứ hy sinh từ tình cảm, gia đình. Nhiều trường hợp vì đi xa mà trục trặc gia đình. Rồi con cái họ thiệt thòi khi thiếu cha. Rồi sốt rét rừng, bệnh tật đủ thứ...

Sự bù đắp vật chất, lương bổng chẳng thể nào đủ với những mất mát đó", ông Hai Thuận trầm ngâm.

Tuy nhiên, điều may mắn nhất là trong gần 100.000ha đất khai hoang để trồng cao su đã gặp phải vô số bom mìn từ thời chiến tranh để lại, nhưng không một trái bom trái mìn nào nổ.

Nói về điều này, nhiều người đều kể ngay buổi khai hoang đầu tiên ở tỉnh Kampong Thom, Oknha Thy đã làm một con heo quay lớn, chuẩn bị các đồ cúng theo kiểu dân địa phương, có mắm bò hốc, có kẹo... để chờ ông Hai Thuận sang thắp nhang khấn vái.

Đi từ Việt Nam sang, lặn lội mấy chục cây số đường mòn vào điểm khai hoang cũng đã xế chiều, ông Hai Thuận đề nghị Oknha Thy là người thấu hiểu đất đai, phong tục tập quán đứng làm chủ lễ đúng thủ tục tâm linh địa phương.

"Nhưng ông ấy bảo tôi là người đứng đầu, phải thay anh em thắp nhang khấn vái. Nên tôi đã thắp những cây hương đầu tiên rồi nói lên những mong muốn thật lòng cho mọi người cùng nghe.

Đầu tiên là mong muốn dự án được thành công, thuận lợi. Thứ hai là giữa một nơi phải khai hoang làm mới kể từ thời chiến tranh, tôi khấn nếu lỡ gặp phải bom mình, mong không phát nổ, không gây tai nạn đáng tiếc.

Thứ ba là tôi cũng hứa đây là dự án hữu nghị, cùng nhau phát triển dự án của hai nước, mong dự án thành công để làm giàu cho đất, giúp đỡ những người dân địa phương Campuchia nơi đây phát triển", ông Hai Thuận kể.

Những lời ông Hai Thuận nói lúc đó cũng trở thành ý chính khấn vái cho những lần làm lễ khai hoang của các công ty cao su thuộc VRG trên khắp bảy tỉnh nước bạn.

Cao su Việt Nam đã nhanh chóng xanh tốt trên đất Campuchia  - Ảnh THẾ KIỆT

Cao su Việt Nam đã nhanh chóng xanh tốt trên đất Campuchia - Ảnh THẾ KIỆT

"Bây giờ thì có thể nói là chiến lược đã thành công. Chứ thời điểm đó, quả thật mọi thứ rất mênh mông, chúng tôi chỉ có quyết tâm chính trị là cao và phải nói thật là cũng có độ liều lĩnh.

Phải nhắc lại là có cả những không thành công ban đầu, khi phía bạn đã giới thiệu cho mình một quỹ đất khá tốt ở gần khu vực biên giới rất phù hợp với chủ trương phát triển kinh tế quốc phòng cho cả hai đất nước.

Tuy nhiên, khi triển khai thì bên dưới toàn là đất sét của rừng khộp, cao su khi phát triển một thời gian thì chết. Đó cũng là một tiền đề để sau đó chúng ta làm rất kỹ trong việc khảo sát địa chất", ông Hai Thuận kể.

*********

"Thời đó vùng này rất ít dân, nhiều khi đi hai chục cây số mới gặp làng. Tụi tôi cứ lận bắp luộc mà lang thang từ phum này qua sóc khác kiếm người. Phải mất vài năm việc thu hút lao động mới đỡ nhờ mình trả tiền đàng hoàng, chế độ tốt, tiếng lành đồn xa".

>> Kỳ tới: Cuộc đổi thay thần tốc trên đất nghèo

Kỳ tích cao su Việt Nam trên đất Campuchia - Kỳ 1: Niềm tin với người ViệtKỳ tích cao su Việt Nam trên đất Campuchia - Kỳ 1: Niềm tin với người Việt

Chỉ 16 năm, gần 100.000ha cao su của 16 công ty thuộc VRG đang "cho vàng" trên nước bạn. Kỳ tích lịch sử bắt đầu với niềm tin, sự ủng hộ từ người dân đến những lãnh đạo cao nhất của Vương quốc Campuchia đối với người Việt Nam.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên