30/04/2024 07:56 GMT+7

Chữa lành giữa chiến tranh và hòa bình, ai cũng là con của một bà mẹ

Từ bấy đến nay đã mấy mươi năm, bác sĩ Trần Văn Bản vẫn miệt mài với những cuộc chữa lành đi giữa chiến tranh và hòa bình của mình.

Chữa lành giữa chiến tranh và hòa bình, ai cũng là con của một bà mẹ- Ảnh 1.

Chữa lành là một "hot trend" mới xuất hiện ít lâu trong đời sống xã hội ngày nay, nhưng khi trò chuyện với bác sĩ Trần Văn Bản, nghe những câu chuyện miên man trộn lẫn chiến tranh - hòa bình của ông thì mới biết ông đã nghĩ đến việc chữa lành từ lâu lắm rồi.

Từ ngày còn là anh bộ đội chủ lực chưa đi học quân y. Từ ngày sống trong nhịp độ của bom đạn và những cuộc chống càn. Từ ngày chiến tranh vừa chấm dứt, hòa bình rỡ ràng hào quang trên mắt trên môi.

Giữa đạn bom nghĩ chuyện giữ tên

Khi cắn tay lấy máu ký tên vào lá đơn tình nguyện ra trận vào giai đoạn ác liệt nhất của cuộc chiến tranh, chàng thanh niên Trần Văn Bản ở thôn Xuân Hùng, xã Hùng Tiến, huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng) chắc chắn cũng như bao bạn bè đồng trang lứa chỉ nghĩ đến việc tiến lên phía trước.

Sáu tháng hai ngày đi bộ vượt Trường Sơn tới chiến trường miền Nam, Bản thực sự nhập cuộc vào với cuộc chiến tranh. Những trận đánh, những đồng đội ngã xuống, những chuyến xuất quân quyết tử mà đoàn quân xông lên để lại phía sau hàng huyệt tự tay đào sẵn, anh nuôi tự tính toán cắt bớt suất cơm...

Các chàng trai tuổi hai mươi không tiếc đời mình, chỉ một lòng chu toàn nhiệm vụ, một lòng mơ đến ngày thống nhất đất nước.

Nhưng Bản thì trăn trở. Anh nhớ lời cậu bạn đồng hương lúc nằm kề bên:

"Nếu tao chết mà mày còn sống, nhớ đưa tao về quê với mẹ". 

Anh giật mình sau lúc chôn vội các liệt sĩ xuống đáy huyệt, san phẳng mặt đất không còn dấu tích để tránh đối phương phát hiện: sau này hòa bình làm sao mà tìm, làm sao mà biết ai đang nằm đây?...

Bị thương phải vào quân y điều trị, chứng kiến các y tá ngày đêm vất vả nấu nước sôi giặt luộc rồi hấp tiệt trùng để tái sử dụng lại băng gạc cứu thương, các vết thương của thương binh thì nguy cơ nhiễm trùng lớn, thời gian lành thương lâu, những vết sẹo nhăn nhúm, xấu xí, đau đớn...

Bản lại suy nghĩ: phải có cách nào tốt hơn. Nghĩ mãi rồi cũng ra. Bản cưa gỗ, hứng mùn cưa rồi lấy gạc bọc vào. Máu mủ từ các vết thương được hút vào những túi gạc mùn cưa rất nhanh - vết thương mau khô sạch, băng gạc không còn phải tái sử dụng - đỡ công y tá, giảm nguy cơ nhiễm trùng, mô hạt mọc lại đẹp, thương binh mau lành...

Cuộc chữa lành đầu tiên thế là thành công. Sáng kiến mau chóng được báo cáo và nhân rộng ra toàn hệ thống quân y. Từ đó, đến các trạm quân y là thấy những người ngồi cưa cây cầy, cây bằng lăng để hứng mùn cưa rất mịn, nhỏ để làm gạc rất hiệu quả.

Không chỉ miệt mài tìm đồng đội mình, bác sĩ Bản còn giúp tìm những lính Mỹ mất tích trong cuộc chiến, còn nói với người Việt, người Mỹ những suy ngẫm sâu xa của mình về hòa bình

Không chỉ miệt mài tìm đồng đội mình, bác sĩ Bản còn giúp tìm những lính Mỹ mất tích trong cuộc chiến, còn nói với người Việt, người Mỹ những suy ngẫm sâu xa của mình về hòa bình

Bản được giữ lại đội quân y, vừa học lên y sĩ vừa làm, cấp cứu, băng bó, phẫu thuật, chăm sóc thương binh và cả chôn cất liệt sĩ nữa. Cuộc chiến đến hồi khốc liệt, thương binh và liệt sĩ nhiều hơn.

Những trăn trở, day dứt quay đi quay lại với Bản hằng đêm. Chiến tranh rồi cũng sẽ phải kết thúc, hòa bình rồi sẽ phải đến. Những chàng trai cô gái này và cả mình nữa, không thể biến mất không tăm tích trong lòng đất được. Ai cũng còn cha mẹ, anh em, bạn bè, người yêu mong chờ. Dù không còn sống, họ cũng phải có ngày về.

Bản thử lấy tấm sắt và đinh đục tên liệt sĩ để chôn theo. Không ổn, sắt cũng bị ăn mòn và dễ bị xê dịch, lại không đủ thời gian trong điều kiện chiến đấu. Mang những lọ đựng thuốc penicillin bằng thủy tinh nhỏ như ngón tay có nút cao su đã sử dụng xong đi chôn bỏ, Bản lại chợt giật mình: đây rồi.

Cầm cái lọ nhỏ soi lên ánh mặt trời mà Bản mừng vui khôn tả. Vẫn cần thử nghiệm tiếp. Bản lấy mẩu giấy viết vài chữ, nhúng giấy vào mỡ bò rồi treo ra ngoài trời. Qua mấy ngày nắng mưa quay lại, mẩu giấy vẫn đó, nét chữ còn nguyên. Mỡ bò là chất để bảo quản súng, căn cứ nào cũng sẵn có, lọ penicillin thì đầy ắp các trạm quân y.

Vậy là phương cách giữ tên tuổi bằng mảnh giấy nhúng mỡ, nhúng dầu nhét trong lọ thủy tinh, đặt trong miệng khi chôn liệt sĩ đã hoàn tất và được phổ biến toàn quân. Bản đã có thể thở phào vì đóng góp sâu kín này của mình cho ngày hòa bình.

Bản viết những vần thơ thay lời đồng đội: "Có được hòa bình không phải dễ/ Chúng tôi liệt sĩ vô danh/ Viết thơ gởi chị gởi anh đương thời/ Mỗi vần thơ một dòng đời/ Gởi cho người sống những lời tâm can... Huân chương huy hiệu đâu cần/ Chỉ xin anh chị chính nhân ở đời".

Bác sĩ Trần Văn Bản và nhà báo Mỹ George Back - Ảnh: CC

Bác sĩ Trần Văn Bản và nhà báo Mỹ George Back - Ảnh: CC

Giữa hòa bình tìm người trong đất

May mắn được sống đến ngày thống nhất, được chứng kiến hòa bình, Bản cưới một đồng đội là cô gái Sài Gòn, sinh con, thi vào đại học y dược học lên bác sĩ, công việc ổn định là trưởng Trạm y tế phường 17 (quận Tân Bình) rồi Hội Chữ thập đỏ quận Tân Bình. Nhưng ngần đó chưa đủ để Bản cảm thấy bình an.

Đêm đêm, lời dặn của đồng đội "Nhớ đưa tao về quê" cứ văng vẳng. Đêm đêm, giọt nước mắt của những bà mẹ liệt sĩ xã Hùng Tiến, huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng) quê anh lại day dứt: "Bản ơi, con về đây rồi, còn thằng Kiên, thằng Hòa, thằng Hùng... con của mẹ đâu?". Hòa bình không thể là lãng quên. Hòa bình là phải hành động.

Vậy là từ năm 1977-1978, cứ đến cuối tuần Bản lại xách gói cơm độn bo bo, cục mì luộc, đạp hơn 50km về rừng Bưng Còng tìm những căn cứ quân y, tìm dấu tích những cây cầy, bằng lăng, bụi tre, gốc dừa khi xưa đã từng ghi nhớ, ghi chép khi chôn cất đồng đội.

Bốn tháng với 12 chuyến đi, hai chục lần đào bới thăm dò, Bản tìm được người đồng đội đầu tiên mà tự tay anh đã mai táng trong một chuyến công tác.

Gói hài cốt vào tấm vải, đưa lên xe đạp, đạp thẳng về thành phố, về nhà mình trong cơn mưa tầm tã, Bản nhớ về Nguyễn Văn Giao khỏe mạnh, tươi tắn, hăng hái khi xưa. Chàng trai tuổi hai mươi giờ nằm gọn trong lòng bàn tay, những câu nói, nụ cười, những ước mơ cho ngày hòa bình đều đã tan vào thinh không.

Còn hàng ngàn đồng đội nữa vẫn đang ngậm mảnh giấy ghi tên tuổi quê quán và lặng lẽ chờ đợi anh trong lòng đất. "Tôi sẽ tìm lại các bạn", anh thầm hứa.

Và vậy là mấy mươi năm ròng rã, bác sĩ Trần Văn Bản lên đường, lấy tâm nguyện tìm hài cốt đồng đội làm một mảnh ghép lớn trong đời mình. Từ khi đi xe đạp tới lúc có xe máy; từ lúc chỉ một mình cho đến khi có đội cựu chiến binh Cát Bi, đội xung kích của Hội Chữ thập đỏ Tân Bình chung tay hỗ trợ; từ lúc âm thầm lặng lẽ cô đơn cho đến khi được biết tiếng khắp nơi, hàng ngàn lá thư gửi đến cảm ơn, nhắn gửi, báo tin, lên báo lên sách, lên truyền hình trong ngoài nước; từ lúc tóc còn xanh cho đến khi đầu đã bạc, tuổi đã U80...

Ông viết: "Trận địa xưa đã bao lần thay đổi/ Việc kiếm tìm như đáy bể tìm kim/ Khó bao nhiêu chúng tôi vẫn đi tìm/ Tìm công sự, tìm chiến hào, địa đạo/ Đào bới lại rìa bom, hố pháo/ Để tìm ra nơi đồng đội đã nằm/ Không tính ngày tính tháng tính năm/ Không quản ngại dù trời mưa, trời nắng/ Dù tuổi cao hay vết thương đau nặng/ Nước mắt nhòa khi thấy chiếc thắt lưng/ Từng đôi dép, từng khúc xương đã mục/ Những mảnh áo tuy không còn khuy nút/ Đã trở thành kỷ vật của quê hương...".

Chữa lành giữa chiến tranh và hòa bình, ai cũng là con của một bà mẹ- Ảnh 10.

Hàng ngàn liệt sĩ đã được bác sĩ Bản quy tập, đưa về với gia đình, nghĩa trang liệt sĩ quê nhà, được tổ chức lễ truy điệu ấm áp, và di vật của họ cũng được tìm thấy để trở thành những bài học lịch sử trực quan cho thế hệ trẻ - Ảnh: T.Tr chụp lại

Hàng ngàn liệt sĩ đã được bác sĩ Bản quy tập, đưa về với gia đình, nghĩa trang liệt sĩ quê nhà, được tổ chức lễ truy điệu ấm áp, và di vật của họ cũng được tìm thấy để trở thành những bài học lịch sử trực quan cho thế hệ trẻ - Ảnh: T.Tr chụp lại

Hạt đất giữa cuộc bể dâu

Nhắc đến những gì phải đánh đổi với chiến tranh để có hòa bình, ai trong chúng ta cũng có thể nói dễ dàng câu "xương máu hòa vào đất". Bác sĩ Trần Văn Bản hiểu rõ và thấm thía điều đó.

Chiến tranh, anh cầm leng, cầm cuốc đào công sự, chiến hào, đào hầm, đào huyệt trong rừng trên ruộng. Hòa bình, đi tìm đồng đội những nơi xưa, ngoài cuốc xẻng ông Bản còn mang theo cả dao to dao nhỏ, cả những cây nhíp gắp ngắn dài.

Ông đích thân nhảy xuống ruộng, xuống hố bom, giếng cạn, đào mò bằng tay tìm hướng từng nhánh rễ cây, cảm nhận bằng da thịt từng mảnh tăng - võng chai cứng trong bùn để tỉ mỉ phân biệt giữa những nắm đất đen, những mảnh đá vụn đâu là những hạt kết tinh thịt xương đồng đội.

"Tôi không phải chuyên gia, tôi chỉ là người có nhiều kinh nghiệm và có dày trí nhớ" - bác sĩ Trần Văn Bản nói vậy giữa những tập dày sơ đồ ông vẽ những ngã ba, ngã tư đường rừng đường mòn dẫn đến những hàng huyệt mộ.

Bây giờ, ở nơi chiến trường, căn cứ xưa đó là đồng lúa, rau màu, vườn cây, là trại chăn nuôi, nhà máy, khu dân cư, trường học. Từ chiến tranh đi sang hòa bình, cuộc đổi thay như dâu bể trăm năm. Ngoài ông với những day dứt, trăn trở từng đêm, khó ai có thể hình dung nổi đâu là đường xưa dấu cũ.

80 tuổi, tài sản lớn nhất của bác sĩ Trần Văn Bản hôm nay là những tập sơ đồ, ghi chép tỉ mỉ từng chuyến đi tìm đồng đội, những tấm ảnh chụp các lễ truy điệu khi liệt sĩ được đưa về quê nhà, khi các bà mẹ mỏi mòn một lần nữa được ôm con mình trong lòng tay.

Và ông vẫn tiếp tục đi, hằng tuần, hằng tháng trên chiếc xe máy của mình. Hành trang có thêm túi thuốc để khám, phát đến bà con nghèo nơi ông tìm đến.

Ông viết cho con mình: "Con ơi, tuy tuổi đã già/ Đồng đội nằm đó sao cha yên lòng/ Bao nhiêu bà mẹ lưng còng/ Đêm đêm không ngủ vẫn mong con về/ Mai mình đi nhé con nghe/ Con đưa cha đến làng quê năm nào/ Cha chỉ có một khát khao/ Tìm thấy đồng đội năm nào hy sinh/ Các anh đã bỏ thân mình/ Cho quê hương được thanh bình hôm nay...".

Những sơ đồ khu mộ liệt sĩ bác sĩ Bản vẽ tay lại sau những chuyến khảo sát để từ đó tổ chức quy tập

Những sơ đồ khu mộ liệt sĩ bác sĩ Bản vẽ tay lại sau những chuyến khảo sát để từ đó tổ chức quy tập

Ai cũng là con của một bà mẹ

Bốn mươi mấy năm đi tìm, hàng ngàn liệt sĩ đã được đưa về với gia đình, với nghĩa trang liệt sĩ và trong số đó còn có cả những người lính Việt Nam Cộng hòa, cả lính Mỹ. Khi được nhà báo Mỹ hỏi vì sao ông lại giúp tìm cả những người phía đối phương, đối địch, bác sĩ Bản trả lời:

"Người lính nào ngã xuống cũng là một mất mát và ai cũng là con của một bà mẹ. Tôi cho rằng một bà mẹ của tử sĩ Việt Nam Cộng hòa hay mẹ của một lính Mỹ xa xôi còn đau hơn nỗi đau của một mẹ liệt sĩ nữa, vì mẹ liệt sĩ là Mẹ Việt Nam anh hùng, được an ủi bởi chính nghĩa vì hòa bình, thống nhất của cuộc chiến tranh, được tôn vinh bởi cả dân tộc".

Không chỉ miệt mài tìm đồng đội mình, bác sĩ Bản còn giúp tìm những lính Mỹ mất tích trong cuộc chiến, còn nói với người Việt, người Mỹ những suy ngẫm sâu xa của mình về hòa bình.

Người đầu tiên đi tìm đồng đội

Chữa lành giữa chiến tranh và hòa bình, ai cũng là con của một bà mẹ- Ảnh 13.

Bây giờ phong trào đền ơn đáp nghĩa đã lan ra cả nước, rất nhiều tổ chức cùng hưởng ứng tham gia quy tập được rất nhiều hài cốt liệt sĩ về nghĩa trang.

Tuy nhiên, việc đi tìm đồng đội đã bắt đầu từ sau 1975, khi đó bác sĩ Bản còn phải giấu hài cốt lên gác xép nhà mình để rồi đem lên tàu ra Bắc để trao tận tay gia đình liệt sĩ.

Bác sĩ Bản luôn luôn day dứt: "Việt Nam xã nào cũng có nghĩa trang liệt sĩ.

Nghĩa trang xã tôi có 500 mộ, chỉ 200 là mộ thật, còn lại là mộ gió. Khi chúng tôi chết đi, ai sẽ là người biết dấu vết và kinh nghiệm chiến trường xưa để giúp tìm anh em?".

Nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải (tác giả sách Tôi chết, bắt đầu một thế giới sống viết về bác sĩ Trần Văn Bản)

Người thương binh tìm tọa độ đồng độiNgười thương binh tìm tọa độ đồng đội

TTO - Trong căn hộ khoảng 40m2 ở cư xá Nguyễn Đình Chiểu (quận Phú Nhuận, TP.HCM), anh thương binh Phạm Đức Cường lần dò tìm vị trí, chấm những dấu đỏ rồi dò tìm tên, tuổi đồng đội mình hy sinh đã mấy mươi năm trên tấm bản đồ tác chiến khổ rộng...

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên