Suốt bao năm, người Việt gắn với vàng hầu như trong mọi việc. Từ mua nhà, mua đất, sắm xe, mở mang cửa tiệm làm ăn, thậm chí chuyện cưới dâu, gả chồng, nuôi con ăn học, cho mượn nợ hay vay nợ đều được quy ra vàng chỉ, vàng cây.
Thời điểm này, dù nhiều việc không còn "kim bản vị" như vậy nữa, nhưng giá vàng leo thang vẫn là thời sự.
"Kể chuyện xưa, chuyện nay về người Việt và vàng phải ba ngày bảy đêm chưa dứt, bởi nhiều chuyện quá nói sao cho hết". Đó là lời dí dỏm của chính nguyên phó thủ tướng thời kỳ xé rào đổi mới Đoàn Duy Thành.
Vàng nhét bao đựng gạo trong ngân hàng
"Người Việt mình có nội lực về vàng, nội lực ấy nằm trong tủ nhà riêng, cất trong lon sữa Guigoz, thậm chí trong vỏ thùng đạn chôn dưới sàn nhà. Trước năm 1975, nội lực vàng ấy chủ yếu ở miền Nam, sau này là cả ở miền Bắc".
Một lần trò chuyện với chúng tôi ở Hà Nội, ông Đoàn Duy Thành hồi còn khỏe đã nói những lời này. Ông kể một kỷ niệm vào Sài Gòn ngay sau ngày hòa bình:
"Trước năm 1975 ở phía Nam, người dân bán trầu cau cũng có vàng. Như mẹ vợ chú Đào Hữu Thăng di cư vào miền Nam, chồng chết, chỉ bán trầu cau. Khi ngày hòa bình, bà gả con gái lấy chú Đào Hữu Thăng là bạn tù của tôi.
Bà cho con gái một đấu vàng toàn nhẫn là nhẫn, đào ở gốc cây đu đủ lên. Chú Thăng được cho một đấu, cân được hơn 1kg, khoảng 30 cây vàng. Khi tôi vào nhà chú Thăng chơi, chú đã mở tủ cho tôi xem…".
Câu chuyện nhiều người miền Nam trước đây có vàng được chính ông Lữ Minh Châu, từng là trưởng ban quân quản các ngân hàng Sài Gòn - Gia Định và nguyên tổng giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, kể rằng: "Khi kiểm tra các kho quỹ ngân hàng Sài Gòn hoạt động trước năm 1975, tôi thấy có nhiều vàng lá Kim Thành và các loại vàng nữ trang như nhẫn, vòng, kiềng, lắc được doanh nhân và cả người dân bình thường gửi vào ngân hàng cất giữ.
Chúng được đựng cả trong những bao lớn như bao đựng gạo, cột dây niêm phong ở miệng bao. Một hình ảnh rất đặc biệt mà các ngân hàng miền Bắc ở thời điểm đó không có".
Cụ thể trong cuốn Lịch sử Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (NXB Chính Trị Quốc Gia in năm 2003) có đoạn liên quan đến vàng ở trang 235 như sau: "Bước sang thập niên 1980, kinh tế Việt Nam gặp khủng hoảng nặng nề, các món nợ đến hạn, công nghiệp thiếu nguyên liệu, đất nước thiếu lương thực… Trong tình thế đó, các nhà cân đối ngoại tệ quốc gia, trước hết là Vietcombank, người giữ quỹ ngoại tệ quốc gia, buộc phải nhìn vào kho vàng ít ỏi của đất nước.
Kho vàng lúc đó như sau: ngoài số vàng không đáng kể của miền Bắc (đơn vị tạ), Ngân hàng Nhà nước đã tiếp nhận vàng của chính quyền Sài Gòn (16 tấn vàng thỏi - PV) và vàng của các nguồn khác.
Cơ cấu của kho vàng rất không "đồng bộ", vàng thỏi của Anh mỗi thỏi nặng 12,7kg. Vàng thỏi của Mỹ mỗi thỏi nặng 10kg. Các thỏi đều có mã riêng, nhãn hiệu, xuất xứ. Ngoài vàng thỏi ra, còn có các loại vàng lá Kim Thành, các loại vàng vụn, kể cả nhẫn, vòng, kiềng…".
Vàng nhét vỏ lon sữa Guigoz, thùng đạn chôn sàn nhà
Bước ngoặt lịch sử năm 1975 chấm dứt đạn bom, hòa bình và thống nhất đất nước. Những câu chuyện người Việt và vàng dù trong giai đoạn hậu chiến cực kỳ khó khăn vẫn ẩn hiện khắp nơi.
Bà Trần Thị Mai (78 tuổi, ở đường Trần Văn Giàu, quận Bình Tân, TP.HCM) kể ngay sau năm 1976 gia đình bà đi kinh tế mới ở huyện Đức Huệ, Long An.
Ngày ấy, bà đã mất chồng, về vùng kinh tế mới cùng năm người con, trong đó có đứa con mới sinh, và cha mẹ chồng đã già. Về nơi gần như là vùng lõi phèn lợ của Long An, gia đình bà vốn không quen đồng áng càng thêm khó khăn khi nguồn sống chỉ trông vào mảnh ruộng cằn cỗi vừa khai hoang.
"Thời gian mấy tháng đầu, chúng tôi được Nhà nước trợ cấp đủ gạo ăn, nhưng sau đó phải tự lực cánh sinh. Không trụ nổi vùng bưng biền hoang nghèo này, nhiều dân kinh tế mới phải quay về lại Sài Gòn.
Nhưng mẹ con tôi và cha mẹ chồng vẫn bám lại được nhờ những chỉ vàng của mẹ tôi cho", bà Mai vẫn nhớ mãi chuyện đã xảy ra gần 50 năm.
Mẹ bà Mai là một người Bắc quê Nam Định, di cư vào buôn bán quán ăn nhỏ ở đường Bà Hạt, quận 10, Sài Gòn.
Lời lãi ít, nhưng tính siêng năng và dè sẻn vẫn giúp mẹ bà dành dụm được. Cộng với lương chồng, bà nuôi được ba người con ăn học đàng hoàng và mỗi năm vẫn dành dụm mua được ít cây vàng phòng thân.
Gợi kỷ niệm xưa, bà Mai kể: "Tôi vẫn nhớ mãi hồi mình còn nhỏ hay được cha mẹ chở ra khu Bến Thành để ăn kem và giữ xe cho cha mẹ vào sắm vàng ở tiệm vàng Kim Thành. Hồi đó dân Sài Gòn quen miệng gọi là đi sắm vàng, chứ không nói đi mua vàng như giờ". Sau này, bà Mai lớn thêm chút nữa mới biết cha mẹ mình nuôi đàn con ăn học mà mỗi năm vẫn "dằn túi" được mươi cây vàng phòng thân.
Giữa thời sự giá vàng leo thang cao chất ngất gần cả 100 triệu đồng mỗi cây hiện nay, nghe nói 10 cây là quá lớn. Nhưng bà Mai nhớ hồi đó không đến mức như vậy, đầu những năm 1960 giá vàng ở Sài Gòn vẫn chỉ vài ngàn đồng một cây.
Lương viên chức hành chánh cấp quận của cha bà hình như nếu dành riêng ra thì dư "sắm chục cây vàng mỗi năm", còn gia đình sống bằng nguồn buôn bán nhỏ của mẹ bà…
Trở lại câu chuyện giai đoạn hậu chiến khó khăn, cả sáu mẹ con bà Mai chủ yếu sống nhờ vào số vàng dành dụm giấu trong vỏ thùng đạn của cha mẹ bà. "Cứ mấy tháng, mẹ tôi lại phải bán ra một, hai cây vàng để giúp con cháu mình.
Mà vàng hồi đó cũng còn rẻ, tiền bán được chủ yếu chỉ đủ mua gạo, mắm muối cho khỏi đói cùng ít sữa, thuốc men chữa bệnh cho tụi nhỏ vốn rất khan hiếm thời đó". Bà Mai kể thêm suốt 20 năm trước 1975, cha mẹ mình dành dụm sắm vàng phòng thân vừa đủ để giúp đàn con cháu vượt khó suốt 20 năm hậu chiến.
Chuyện thật mà thời nay khó hình dung nổi là giai đoạn cực kỳ khó khăn đó, đàn con bà Mai ở giữa đồng quê lại được ăn học nhờ những bao gạo của bà ngoại ở thành phố bán vàng dành dụm để mua cho.
"Giờ ông bà ngoại tụi nó mất rồi, nhưng giỗ chạp tôi vẫn hay nhắc lại chuyện này: Tụi con không được quên chính nhờ sự lo xa, biết dè sẻn, phòng thân của ông bà mà nhà mình mới có được hôm nay".
Bà Mai kể thêm sau này khi rời vùng kinh tế mới, quay lại Sài Gòn, cũng nhờ ít vàng dành dụm còn lại của mẹ mình mà đàn con bà có nơi che nắng mưa ở khu Bà Quẹo, quận Tân Bình.
"Căn nhà hẻm đường Tân Kỳ Tân Quý rộng hơn 150m2 chỉ có giá 3 cây vàng hồi năm 1991, tôi may mắn mua được cũng là nhờ số vàng mẹ tôi dành dụm cho con cháu", bà Mai nhớ mãi...
Khóc mừng vì lần đầu được đeo nhẫn vàng
Có một kỷ niệm về vàng mà bà Mai không quên là khoảng năm 1986, có một người em bà con ở quê Nam Định lần đầu vào thăm họ hàng di cư vô Nam.
Tính nông dân chịu khó, cô Oanh này vừa đến vùng kinh tế mới của bà Mai ở Long An đã đi cấy thuê, gặt mướn, thậm chí cuốc đất trồng cây như đàn ông. Số tiền công làm được bao nhiêu, cô đưa hết cho chị mình trang trải gia đình. Nhưng thương em, bà Mai đã dành dụm riêng ra.
Mấy tháng sau, người em về quê Bắc, bà Mai lấy khoản tiền này mua cho em 1 chỉ vàng khâu đeo tay để có ít vốn lấy chồng.
"Trời ơi, tôi nhớ nó khóc nức nở vì vừa bất ngờ vừa quá mừng. Cái nhẫn vàng đầu tiên trong đời nó lúc ấy đã 27 tuổi mới được đeo trên tay.
Nó biên thư vô kể đi xe lửa suốt 5 ngày mới ra tới quê mà nó gần như không dám ngủ vì sợ bị ăn trộm mất vàng, dù tôi đã cẩn thận may cho nó một cái túi nhỏ cột miệng rồi luồn bên trong lưng quần để giấu chiếc nhẫn", bà Mai cười kể.
Một thời gian dài, nhiều việc đều được quy ra vàng, ngay cả cưới một cô dâu cũng tính hết bao nhiêu cây.
>> Kỳ tới: Cưới dâu cũng tính ra vàng
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận