Những phiên đấu thầu vàng vừa qua không mang những tác động hiệu quả cho thấy thị trường vàng cần những giải pháp điều tiết đột phá hơn, nhất là khi mức chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới ngày càng cao và dòng tiền đổ vào thị trường này cũng ngày càng lớn.
Mặc dù vàng là tài sản toàn cầu, nhưng các yếu tố nội bộ như đầu cơ và hạn chế nhập khẩu đã góp phần tạo nên khoảng cách này.
Vàng không phải là thứ hàng hóa duy nhất mà Nhà nước đã từng muốn can thiệp. Nhìn gần hơn, chúng ta sẽ thấy một số hàng hóa khác như USD và giá xăng dầu cũng là những mặt hàng mà Nhà nước cũng thường xuyên can thiệp để duy trì tính ổn định vĩ mô.
Đối với thị trường USD, khi USD tăng giá nhanh gây bất ổn, Ngân hàng Nhà nước có thể bán ra từ quỹ dự trữ ngoại hối để can thiệp, từ đó giảm mức độ khan hiếm của đồng USD trong nền kinh tế, nhờ đó điều tiết giá trị của đồng tiền trong nước.
Bản chất của vấn đề là giá vàng trong nước đang được định giá cao hơn so với giá trị thực của vàng, tính theo giá vàng quốc tế, do đó việc điều tiết theo hướng giá là điều được thực hiện không khó và cũng không phải là các biện pháp can thiệp phi thị trường.
Theo đó, có thể sử dụng hợp đồng Swap (hợp đồng hoán đổi, không dùng để mua bán trực tiếp mà là công cụ phòng ngừa rủi ro tài chính) như một công cụ phái sinh tài chính để ổn định giá vàng.
Qua việc ký kết các hợp đồng Swap giữa Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tài chính quốc tế khác, mức giá mua vào và bán ra của Ngân hàng Nhà nước sẽ được xác định ngay từ đầu.
Hợp đồng Swap có thể mang lại sự linh hoạt cao trong việc điều tiết giá vàng mà không khiến Ngân hàng Nhà nước phải trực tiếp tham gia quá trình can thiệp.
Hợp đồng này cho phép các bên trao đổi lượng vàng với một lượng tiền hoặc tài sản khác có giá trị tương đương, thường được thực hiện qua các thỏa thuận trước về giá cố định.
Ví dụ, Ngân hàng Nhà nước sẽ tham gia vào một hợp đồng mua 1 tấn vàng quốc tế với giá quy đổi là 70 triệu đồng/lượng và cam kết bán lại theo giá kỳ hạn là 71 triệu đồng/lượng trong kỳ hạn 1 tháng tới.
Lượng vàng vật chất theo hợp đồng kỳ hạn sẽ được can thiệp vào thị trường với mức giá 88 triệu đồng/lượng. Ngân hàng Nhà nước sẽ lãi trực tiếp 18 triệu đồng/lượng vàng.
Số tiền thặng dư này sẽ được thành lập quỹ bình ổn giá vàng về sau để cấn trừ với những lãi lỗ từ những biến động của hợp đồng Swap quốc tế.
Sự độc quyền kinh doanh vàng miếng của Nhà nước khiến việc triển khai hợp đồng Swap cần phải được tính đến vai trò của Công ty SJC. Ngân hàng Nhà nước sau khi thực hiện hợp đồng Swap với các tổ chức quốc tế thì sẽ thực hiện các hợp đồng Swap đối ứng với SJC qua mức giá điều chỉnh tương ứng.
Ví dụ với mức Swap đối ứng mua 70 bán 71 triệu đồng ở trên thì Ngân hàng Nhà nước sẽ lại ký hợp đồng bán 89 triệu đồng/lượng và đồng ý mua lại với giá như vậy cho kỳ hạn 1 tháng sau với SJC. Mức giá trong hợp đồng đủ cho SJC có thể bán ra thị trường với giá thấp hơn để hưởng chênh lệch.
Thông qua việc ký các hợp đồng Swap liên tục bằng các kỳ hạn khác nhau với các định chế tài chính nước ngoài, Ngân hàng Nhà nước có thể linh hoạt các kỳ hạn tác động vào thị trường vàng trong nước.
Vai trò của hợp đồng Swap không chỉ là một phương tiện điều tiết mà còn là một phương tiện quan trọng trong việc truyền thông điệp chính sách định hướng của Nhà nước.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận