04/07/2023 09:35 GMT+7

Không thể 'quýt làm cam chịu'

Giữa lúc kinh tế xuống dốc, phải lo chèo chống để tồn tại thì hàng ngàn doanh nghiệp lại bị đặt vào một tình thế khó khăn khác: phải giải trình vì lỡ mua phải hóa đơn của 524 doanh nghiệp có rủi ro về hóa đơn điện tử.

Hơn một năm trước khi bắt đầu thí điểm sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế, doanh nghiệp yên tâm rằng sẽ được đảm bảo vì hóa đơn đã được cơ quan thuế cấp mã xác thực trước khi được bên bán xuất cho bên mua.

Thế nhưng, nay bỗng dưng họ bị cơ quan thuế yêu cầu giải trình, chứng minh, bị loại ra khỏi chi phí và bị phạt hàng chục triệu đồng với mỗi hành vi vi phạm.

Nhiều doanh nghiệp cho biết tại thời điểm giao dịch, doanh nghiệp bên bán còn hoạt động bình thường, hóa đơn điện tử được Tổng cục Thuế cấp mã hợp lệ và có tồn tại hóa đơn đó trên hệ thống.

Còn sau đó một, hai năm nếu công ty bỏ khỏi địa chỉ kinh doanh thì nằm ngoài tầm kiểm soát của doanh nghiệp. Doanh nghiệp bên mua cũng không thể tiên tri được rằng liệu doanh nghiệp bán hàng cho mình có khả năng sau này sẽ bỏ trốn hay không để né.

Thế nhưng, nếu lỡ không may "dính" phải hóa đơn của doanh nghiệp bỏ trốn thì sẽ thấy ngay cảnh khổ.

Một tờ hóa đơn bị loại đồng nghĩa mất 10% VAT và phát sinh thêm 20% thuế thu nhập doanh nghiệp, chưa kể phải nộp phạt vi phạm 35 triệu đồng và bị tính tiền chậm nộp. Mức phạt có khi gấp vài chục lần giá trị hóa đơn.

Nhưng lo nhất, theo các doanh nghiệp, là không chỉ có 524 doanh nghiệp trên cả nước thuộc diện rủi ro hóa đơn. Đây chỉ là danh sách do Công an tỉnh Phú Thọ cung cấp. Tới đây, nếu việc điều tra mở rộng ra các tỉnh thành thì sẽ có hàng ngàn doanh nghiệp thuộc diện rủi ro hóa đơn, bỏ địa chỉ kinh doanh.

Hàng ngàn doanh nghiệp này lại bán hàng cho hàng chục ngàn doanh nghiệp khác trên cả nước, khi đó những doanh nghiệp làm ăn chân chính sẽ như thế nào? Việc quản lý thuế là trách nhiệm của cơ quan thuế.

Còn doanh nghiệp bên mua chỉ là nạn nhân, vì vậy ngành thuế nên có hướng tháo gỡ cho những trường hợp này. Còn doanh nghiệp bán hàng sai mà người mua hàng phải chịu là quá vô lý. Như vậy cũng không đúng như tôn chỉ mà ngành thuế đặt ra là "bạn đồng hành của doanh nghiệp".

Bởi lẽ, nếu là bạn đồng hành thì cơ quan thuế nên quản lý giám sát thế nào để tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, cho người nộp thuế. Song song đó để bảo vệ các doanh nghiệp làm ăn chân chính, ngành thuế cũng nên thường xuyên rà soát theo từng tháng, từng quý để sớm phát hiện các trường hợp gian lận.

Cơ quan thuế có đầy đủ công cụ, quyền lực và lực lượng để phát hiện sớm. Nếu xử lý chậm sẽ làm doanh nghiệp bị động, để sự việc trôi qua 2-3 năm rồi truy lại sẽ rất khó cho doanh nghiệp.

Giải trình hóa đơn doanh nghiệp bỏ trốn: Đừng "bắt vạ" bên muaGiải trình hóa đơn doanh nghiệp bỏ trốn: Đừng 'bắt vạ' bên mua

Sau khi phản ánh tình trạng doanh nghiệp "khóc ròng" vì giải trình hóa đơn doanh nghiệp bỏ trốn (Tuổi Trẻ 30-6), nhiều doanh nghiệp đã tiếp tục phản ảnh những bức xúc, ấm ức đang gặp phải.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên