24/03/2023 15:27 GMT+7

Khi hạt bụi lịch sử thành hạt bụi văn chương

Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn cho rằng thông qua văn chương phi hư cấu, con người có thể biến những hạt bụi lịch sử thành hạt bụi văn chương. Ý kiến được anh đưa ra trong buổi ra mắt quyển hồi ký của trung tá Vũ Thành Trung.

Khi hạt bụi lịch sử thành hạt bụi văn chương - Ảnh 1.

Tập hồi ký của trung tá Vũ Thành Trung thuộc thể loại văn chương phi hư cấu, ghi lại những sự việc có thật trong thời kỳ kháng chiến - Ảnh: TRẦN MẶC

Tác phẩm Nước mắt và niềm vui - Những năm tháng chiến đấu hào hùng trên chiến trường miền Đông của trung tá Vũ Thành Trung vừa ra mắt bạn đọc vào sáng 24-3 tại Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TP.HCM. Sự kiện do Hội Nhà văn TP.HCM tổ chức nhân kỷ niệm ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

Bên cạnh giới thiệu quyển sách, sự kiện còn bàn về tầm quan trọng của văn chương phi hư cấu trong đời sống văn học.

Viết hồi ký để dành ký ức cho thế hệ sau

Với trải nghiệm của một người lính trong chiến tranh, trung tá Vũ Thành Trung (còn gọi là Mười Trung) đã dùng câu chữ để ghi lại những ký ức chiến đấu tại các chiến trường Tây Nguyên và Đông Nam Bộ.

Tác giả cho biết bản thân không phải là người có nghiệp văn chương. Hơn hết, ông muốn viết để gửi gắm ký ức và truyền đạt ký ức đó cho thế hệ sau mình.

Khi hạt bụi lịch sử thành hạt bụi văn chương - Ảnh 2.

Trung tá Vũ Thành Trung (trái) và nhà văn Trầm Hương (phải) trong buổi ra mắt sách và bàn về tầm quan trọng của văn chương phi hư cấu - Ảnh: TRẦN MẶC

"Tôi nghĩ nếu lớp người chúng tôi mất đi rồi thì lớp người sau này, ngay cả con cháu trong gia đình mình cũng không biết.

Tôi là người chứng kiến những sự thật về chặng đánh nói chung và trên chiến trường, từ Tây Nguyên đến Đông Nam Bộ... 

Biết bao đồng chí, đồng bào của chúng ta đã đổ xương, đổ máu mà nhiều khi lớp người sống trong hòa bình độc lập hạnh phúc người ta không hiểu được. Họ không hiểu ông cha của họ ngày xưa đã đổ biết bao xương máu mới có ngày nay" - ông Vũ Thành Trung chia sẻ.

Nói về điều này, nhà văn Trầm Hương cho rằng những ký ức được thừa hưởng từ quyển sách của trung tá Vũ Thành Trung đã giúp bà và thế hệ sau thấm được nỗi đau của đất nước, đồng thời thấy được bản thân cần phải sống tốt hơn để xứng đáng với xương máu đồng bào đã đổ xuống.

Hạt bụi lịch sử thành hạt bụi văn chương

Trong quá trình hoàn thành quyển sách, tác giả nhiều lần cùng nhà văn Trầm Hương gặp gỡ các nhân vật trong sách để làm tư liệu cho công việc, đồng thời xác nhận những gì ông viết là đúng với sự thật.

Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn cho rằng văn chương phi hư cấu đang nở rộ trong thời gian gần đây. Những hồi ký hay tự truyện không phải chỉ dành cho những người sáng tác mà còn mở rộng cho mọi người.

"Từ cuốn sách của anh Mười Trung, tôi cho rằng đã đến lúc chúng ta phải khuyến khích, thậm chí đẩy mạnh lên dòng văn chương phi hư cấu. Bởi vì nói cho cùng, mỗi con người dù là vua chúa hay thường dân, dù là đại gia hay ăn mày cũng chỉ là một hạt bụi trong lịch sử.

Thế nhưng, để hạt bụi đấy khỏi trôi dạt mịt mù thì chúng ta có thể viết lại. Mỗi người tự viết lại hoặc người này viết cho người kia. Đó là cách duy nhất để biến hạt bụi lịch sử thành hạt bụi văn chương" - Lê Thiếu Nhơn nhận xét.

Kịp nhớ những niềm đau hậu chiếnKịp nhớ những niềm đau hậu chiến

TTO - Dữ liệu ngồn ngộn từ các đồng đội đa dạng cảnh đời và trùng trùng những tình huống độc đáo tưởng như có thể trải ra trên rất nhiều trang bản thảo, mà Lời nguyện cầu cho những linh hồn phiêu dạt là một chia sẻ kịp thời với bạn đọc hôm nay.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên