17/03/2023 11:20 GMT+7

Nhà văn Trần Thùy Mai: Viết tiểu thuyết lịch sử là đưa nhân vật về với chính họ

Sau bộ sách Từ Dụ Thái Hậu gây được tiếng vang trên văn đàn, đầu năm 2023, nhà văn Trần Thùy Mai tiếp tục ghi dấu ấn ở địa hạt tiểu thuyết lịch sử khi cho ra mắt Công chúa Đồng Xuân và bộ tiểu thuyết nhanh chóng được tái bản.

Ảnh: A.TUẤN

Ảnh: A.TUẤN

Tuổi Trẻ có cuộc trò chuyện với nhà văn Trần Thùy Mai xung quanh việc viết tiểu thuyết lịch sử.

Tôi muốn đi đến gần sự thật

* Viết về một nhân vật chịu nhiều khuất tất, qua tác phẩm Công chúa Đồng Xuân, bà không chỉ giành lại góc nhìn khách quan cho sự kiện năm xưa, mà còn đặc tả một quãng thời gian vô cùng biến động của 30 năm triều Nguyễn từ 1859-1900. Quá trình tìm kiếm sử liệu của bà có gặp nhiều khó khăn không?

Nhà văn Trần Thùy Mai:

Khi còn làm công tác giảng dạy môn văn học dân gian ở Đại học Sư phạm Huế, tôi đã dành 10 năm sưu tầm folklore Bình Trị Thiên.

Tôi nhận thấy trong những nhân vật lịch sử của triều Nguyễn, hai người để lại hình tượng lớn nhất trong lòng người dân Việt Nam là Từ Dụ Thái Hậu và Tôn Thất Thuyết.

Về sự kiện, thì dấu ấn sâu đậm nhất chính là biến cố Thất thủ kinh đô năm 1885, mà đến nay người dân Huế vẫn hằng năm tưởng niệm qua những lễ cúng vong hồn vào ngày 23-5 âm lịch trên khắp các nẻo đường.

Về sau, khi chuyển sang làm ở Nhà xuất bản Thuận Hóa, tôi được giao đọc bản dịch một số bộ sử lớn của triều Nguyễn: Đại Nam Thực Lục, Đại Nam Liệt truyện, Đại Nam Hội Điển Sự Lệ. Những gì trong thơ ca dân gian đã nhắc đến với nhiều khúc xạ lấp lánh của tình cảm và tưởng tượng, thì trong chính sử được ghi chép cụ thể và chính xác.

Sau này, đến năm 2019, khi đã viết xong bộ truyện về Từ Dụ Thái Hậu, tôi quyết định viết tiếp bộ Công chúa Đồng Xuân, trong đó Tôn Thất Thuyết là một trong những nhân vật quan trọng, cùng với sự biến Thất thủ kinh đô và thời kỳ Tứ nguyệt tam vương (Bốn tháng ba vua) đầy sóng gió.

Năm 2019 tôi để hẳn một năm để sắp xếp lại các sự kiện và nhân vật trước khi khởi bút. Đến năm này, ngoài chính sử và dã sử, ta còn có thêm rất nhiều tư liệu mới, ví dụ như các nghiên cứu mới về Nguyễn Văn Tường, các hồi ký của các cựu sĩ quan và viên chức Pháp thời kỳ đó, các biên soạn của sử gia nước ngoài (Nhật, Mỹ, Pháp...). Chúng giúp ta có cái nhìn từ nhiều góc cạnh hơn và dễ hình dung ra bầu không khí chung của thời đại.

* Liệu có những mâu thuẫn nào ở các văn bản khác nhau bà phải đối mặt?

- Nói chung, về sự kiện thì không có nhiều dị biệt, nhưng ở góc nhìn thì có rất nhiều mâu thuẫn giữa các ký ức lịch sử, từ những góc nhìn khác nhau. Và để có cái nhìn của chính mình, tôi đã đọc những tư liệu từ cả hai, có khi cả ba phía.

Ví dụ, về phong trào Bình Tây Sát Tả, muốn nhìn thấy toàn cảnh của nó, ta không thể bỏ qua các ký ức dân gian trong Dậu tuất niên gian phong hỏa ký sự và Đại loạn năm Ất Dậu...

* Trong bộ Từ Dụ Thái Hậu bà từng viết rằng đối với tiểu thuyết lịch sử bà sẽ dung hòa cả hai nguồn chính: theo sử liệu và các giai thoại truyền tụng. Khi gặp những dữ kiện bất đồng thì bà thường chọn hướng giải quyết ra sao?

- Về mặt sự kiện, chính sử luôn phải là căn cứ số một. Theo nhận định của tôi, các sử gia triều Nguyễn rất chính trực và trách nhiệm, theo truyền thống của sử quan Đông phương thời cổ.

Tuy nhiên, về mặt nhận định, họ chịu sự ràng buộc của hệ tư tưởng Nho giáo, lấy sự trung quân làm đạo lý tối cao, khác nhiều với cách nhìn của ngày nay.

Đến giữa thế kỷ 20, một trào lưu khác đã có xu hướng hoàn toàn ngược lại: Phê phán vua chúa và xem tất cả những ai chống lại vua chúa đều là anh hùng.

Bây giờ là thế kỷ 21, tôi mong muốn đi đến một sự mô tả khách quan và gần với sự thật hơn, tôi muốn Công chúa Đồng Xuân được viết ra dựa trên một "tổng hợp đề" (synthèse) về triều Nguyễn.

Sao lại ngại nói về tình dục?

Nhà văn Trần Thùy Mai

Nhà văn Trần Thùy Mai

* Tiểu thuyết lịch sử ở Việt Nam cho đến nay vẫn thường gây ra tranh cãi bởi các yếu tố hư cấu mà nhiều người cho là phá vỡ hình tượng nhân vật lịch sử...

- Nhân vật lịch sử, một khi được vinh danh, thì ít nhiều đã hóa thành ngẫu tượng. Họ thường được mô tả theo cách một chiều, tô đậm những ưu điểm, và thường được cố ý làm mờ, hoặc che giấu hoàn toàn những khuyết điểm.

Nhưng thật ra, họ cũng là con người. Khi nhà tiểu thuyết động đến những khía cạnh rất con người của họ, thường bị cho là phá vỡ hình tượng. Nhưng thực ra, chỉ đơn giản là đưa nhân vật về lại với chính họ mà thôi.

Ví dụ nhân vật Tôn Thất Thuyết chẳng hạn. Tôn Thất Thuyết là người đứng đầu phe chủ chiến trong triều đình Huế, chủ trương chống Tây bằng mọi giá. Người Việt ta giàu lòng yêu nước, đã dành cho ông rất nhiều tình cảm, xem ông là một anh hùng dân tộc.

Từ đó đã bỏ qua, thậm chí tìm cách bao che, biện luận cho tính hiếu sát và độc đoán của ông. Tôi xây dựng nhân vật Tôn Thất Thuyết từ cả hai góc nhìn, không phải là phá vỡ hình tượng Tôn Thất Thuyết, mà chỉ vì trên thực tế, ông vốn là người như vậy, cứ liệu sử sách còn ghi rõ.

* Công chúa Đồng Xuân cũng có rất nhiều chi tiết liên quan đến tính dục. Theo bà, đâu là giới hạn cho sự sáng tạo đối với thể loại này?

- Về giới hạn của yếu tố tình dục: Theo tôi đã là sáng tạo thì càng ít nói về giới hạn, càng tốt. Trước nay tôi chưa hề chủ trương khai thác đề tài tình dục, mặc dù đã có lúc xu hướng đó gần như áp đảo văn đàn Việt và thế giới.

Công chúa Đồng Xuân là ngoại lệ của tôi, vì bản thân câu chuyện của Đồng Xuân là một câu chuyện về tình dục và chính trị. Một câu chuyện như vậy mà không có những trang đặc tả chuyện khuê phòng thì thật là một sự tránh né rất vô vị.

Mình đã không ngại nói ra những sự thật về lịch sử, tại sao lại ngại nói về những chuyện hiển nhiên trong đời sống con người?

Những đoạn tả Đồng Xuân "tự xử" trong phòng khuê của nàng không phải là những đoạn thêm vào cho "ăn khách" mà là để nói lên một khía cạnh đau xót của chiến tranh: Đàn ông bị giết, và đàn bà không có đàn ông.


Trần Thùy Mai sinh tại Hội An, Quảng Nam. Bà bắt đầu được độc giả trẻ yêu thích khi còn đang học ở Trường Đồng Khánh.

Năm 1972, bà đậu thủ khoa môn văn tại Đại học Sư phạm Huế. Năm 1977, sau khi tốt nghiệp bà được giữ lại trường, làm công tác giảng dạy và nghiên cứu môn văn học dân gian. Năm 1987, bà chuyển sang làm biên tập viên ở Nhà xuất bản Thuận Hóa, từ đó bà lựa chọn nghiệp viết và trở thành một trong những nhà văn nữ nổi bật.

Chủ đề thường gặp trong các tác phẩm của bà là người phụ nữ và những bột phát tính nữ của họ. Các tác phẩm quan trọng: tập truyện ngắn Thương nhớ hoàng lan, 2 bộ tiểu thuyết lịch sử Từ Dụ Thái Hậu và Công chúa Đồng Xuân.

Nhà văn Trần Thùy Mai nhận giải thưởng văn chươngNhà văn Trần Thùy Mai nhận giải thưởng văn chương

TT - Tại TP Huế ngày 18-11, Hội Kết nghĩa thành phố San Francisco - TP.HCM (San Francisco - Ho Chi Minh City Sister City Committee) đã trao tặng giải thưởng văn chương của hội cho nhà văn Trần Thùy Mai (Huế).

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên