04/09/2023 09:27 GMT+7

Học vì từng hơi thở của người má ung thư giai đoạn cuối

Người má đang chiến đấu từng ngày với bệnh ung thư. Người cha đang đối diện với những khó khăn của chứng rối loạn lưỡng cực. Nhưng cô tân sinh viên Ái Ni không muốn bỏ cuộc do hai má con đã giao ước sẽ 'cùng cố gắng vì nhau'...

Ni vừa học vừa chăm cho má đau yếu suốt 6 năm qua - Ảnh: THÁI BÁ DŨNG

Ni vừa học vừa chăm cho má đau yếu suốt 6 năm qua - Ảnh: THÁI BÁ DŨNG

Ái Ni ngồi bệt trên nền đất, trên hai cánh tay non nớt của mình là thân thể rệu rã đang lụi dần của mẹ qua từng ngày.

Học thật giỏi vì người mẹ ung thư giai đoạn cuối

"Tới thở mà tôi cũng thấy mệt. Nhưng còn sống được thêm ngày nào thì còn rớt nước mắt nhìn Ni nên tui gắng gượng từng chút, từng chút một. Ni cũng bảo má phải sống vì con, đợi khoảnh khắc con vào trường làm sinh viên rồi học xong ra trường đi làm đưa cho má đồng lương đầu tiên" - bà Lê Thị Thắm, 52 tuổi, má của Lê Thị Ái Ni - tân sinh viên Trường đại học Kinh tế Đà Nẵng - vừa nói vừa hụt hơi.

Vừa học vừa chăm ba, má

Ni người nhỏ như cái chai nhưng lực học và ý chí thì phi thường. Suốt từ ngày má bị ung thư giai đoạn cuối với hành trình ròng rã đeo đuổi sự sống 6 năm qua, một mình Ni vừa học vừa lo cho má.

Gánh nặng đè quặt lên vai một cô nữ sinh tưởng chừng như không thể cáng đáng nổi, ba năm trước ba của Ni là ông Lê Văn Triều lâm trọng bệnh. Ngôi nhà bốn bề xơ xác và tương lai mịt mù.

Ni chạy chiếc xe máy Cup 50 nổ lẹt phẹt chạy ra con dốc giáp ranh giữa TP Đà Nẵng với tỉnh Quảng Nam để đón chúng tôi vào thăm nhà. Cô bé nhanh nhẹn, trên môi luôn nở nụ cười tươi rói này mới gặp lần đầu ít ai nghĩ rằng đang có một cuộc sống cực nhọc khi phải vừa học, vừa chăm sóc cả cha lẫn má lâm trọng bệnh.

Căn nhà cấp 4 của Ni nằm sát con đường dẫn qua trung tâm xã Điện Tiến, thị xã Điện Bàn (Quảng Nam). Những ngày cao điểm của đợt nóng bỏng rát miền Trung, mái tôn dội xuống từng đợt gợn sóng mang cái nóng như hỏa lò.

Ni nhận được thông tin đậu chính thức vào ngành quan hệ quốc tế, Trường đại học Kinh tế Đà Nẵng và đang khấp khởi chờ thời gian nhập học. Đó là khoảnh khắc quan trọng và đáng nhớ trong đời nhưng lòng Ni cũng ngổn ngang những lo âu.

Cô tân sinh viên ngồi trò chuyện cùng chúng tôi trước khoảnh sân nhà thì một người đàn ông tóc gần như bạc trắng bước tới. Người này nhìn Ni, nhìn khách tới nhà không chớp mắt. Ni nói rằng đó chính là ba mình.

"Trước đây ba em là trụ cột gia đình, một mình làm 4 sào lúa, nuôi một đàn heo và bán tạp hóa để nuôi hai chị em và chữa chạy cho má. Nhưng có lẽ lao lực quá nên 3 năm trước ba em ngã quỵ trong lúc đi làm, đi khám thì được kết luận mắc chứng bệnh rối loạn cảm xúc lưỡng cực, tâm tính ba không bình thường" - Ni nói.

Ba của Ni bỗng bật khóc khi được hỏi rằng những ngày tới con gái đi học thì sẽ lấy tiền ở đâu.

"Tui phải để lại một nửa ngôi nhà cho người quen rồi ứng tiền trước để sống suốt mấy năm nay chứ chẳng có bất cứ khoản gì. Mấy ngày tới cháu đi học cũng phải lấy tiền từ đó" - ông Triều nói.

Ni kể rằng từ ngày ba mình phát bệnh, ông chỉ nằm lẩn thẩn suốt ngày trên chiếc giường kê ở góc nhà. Sự mệt mỏi khiến ông thậm chí không thể tự tay cầm cây chổi để quét nhà. Nhưng dù vậy cũng đã là sự may mắn.

Năm trước, trong một cơn hưng phấn tột độ cảm xúc do bệnh, ba Ni gây gổ với một nhóm thanh niên trong làng rồi bị đánh thương tích tới 14%. Nhóm thanh niên dính vào tù tội, ông Triều đã yếu lại càng yếu hơn.

"Ngày nào người thân của mấy thanh niên đánh chồng tôi họ cũng qua chửi mắng, trách móc. Tôi cũng đau lòng lắm, nhưng chồng tôi không bình thường nên tôi cũng bất lực. Có đợt ổng lên cơn rồi cầm dao kề cổ tôi đòi giết, tôi phải lết về nhà của má lánh nạn" - bà Thắm - vợ ông Triều - kể trong yếu ớt.

Tiếng cười còn sót lại...

Ái Ni vẫn luôn giữ nụ cười - Ảnh: THÁI BÁ DŨNG

Ái Ni vẫn luôn giữ nụ cười - Ảnh: THÁI BÁ DŨNG

Dù hoàn cảnh và số phận đầy khắc nghiệt, nhưng ba năm cấp 3 Ni là học sinh giỏi tại Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn. Trường cách nhà tới 40km, phải ở lại ký túc xá nhưng gần như Ni phải chạy đi chạy về liên tục vì ba má vật vã trong bạo bệnh. Má Ni bị ung thư tuyến ức giai đoạn cuối, hiện đã di căn qua phổi và nằm liệt giường.

Ni dẫn chúng tôi vào căn phòng tối bưng nơi má mình nằm. Bà Thắm rệu rã như chỉ còn bộ xương. Bà gần như không thể nằm ngủ như người bình thường khi các khối u đã chèn phổi.

"Hồi chưa bệnh má cao ráo, đầy đặn, nặng hơn 50kg mà giờ chỉ còn 30kg. Mỗi ngày em đều dành thời gian ngồi bên má, lấy cơm bón từng thìa cho má ăn. Ngày xưa má bế con trên cánh tay mớm từng thìa sữa thì nay má lại nằm lụi dần trên cánh tay của con..." - Ni bật khóc.

Chúng tôi cố tìm câu chuyện khác để cô sinh viên nghèo quên đi giọt nước mắt. Bên chiếc bàn học nằm bên bức tường vôi cũ mèm có treo ba bộ áo dài, hai áo sơ mi mới và chiếc ba lô còn thơm mùi vải mới. Ni tâm sự làm chúng tôi không khỏi xót xa:

Chiếc ba lô vải “để dành” vào đại học của Ái Ni - Ảnh: THÁI BÁ DŨNG

Chiếc ba lô vải “để dành” vào đại học của Ái Ni - Ảnh: THÁI BÁ DŨNG

"Áo dài, quần áo em mặc lại của chị gái em hiện lấy chồng và sống ở Đà Nẵng. Còn ba lô thì được nhà trường xin học bổng và phát cho, em cất giữ cả năm nay để đợi vào đại học thì dùng cho mới. Mấy năm nay đi học em dùng đồ từ thiện chứ không sắm mới" - Ni nói.

Ni bảo rằng ngày xưa gia đình của mình lúc nào cũng vui vẻ, đầm ấm, tràn đầy tiếng cười. Nhưng từ khi má phát hiện ung thư giai đoạn cuối, rồi hai năm sau ba Triều cũng lâm trọng bệnh, ngôi nhà chỉ toàn tiếng rên rỉ của đau đớn bệnh tật, tiếng oán thán của hàng xóm vì đã đẩy con họ vào tù tội.

Niềm vui, nụ cười và sự lạc quan còn sót lại là của cô con gái ngoan hiền, yêu thương ba má hết lòng.

Niềm hy vọng của Ni

Bà Thắm nói rằng đã mệt lắm rồi, nhưng vì thương Ni, hai má con đã giao ước sẽ cùng cố gắng vì nhau nên bà ráng thở để sống. "Tui sống thêm phút nào thì cũng vì Ni". Bà nói rồi ngước lên nhìn cô con gái. Ni rớt nước mắt, bế má trên cánh tay rồi bảo cũng sẽ học vì má.

"Con sẽ gắng, má ơi" - Ni bật khóc.

Bạn đọc ủng hộ học bổng cho tân sinh viên vui lòng chuyển vào tài khoản báo Tuổi Trẻ: 113000006100 Ngân hàng Công thương (VietinBank), chi nhánh 3 TP.HCM.

Nội dung: Ủng hộ "Tiếp sức đến trường" cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể Tỉnh/Thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.

Bạn đọc, quý doanh nghiệp ở nước ngoài có thể chuyển khoản về báo Tuổi Trẻ: Tài khoản USD 007.137.0195.845 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM; Tài khoản EUR 007.114.0373.054 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM với Swift code BFTVVNVX007.

Nội dung: Ủng hộ "Tiếp sức đến trường" cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể Tỉnh/Thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.

Ngoài tài trợ kinh phí học bổng, bạn đọc có thể ủng hộ thiết bị học tập, chỗ ở, việc làm... cho tân sinh viên.

Các bạn đăng ký học bổng Tiếp sức đến trường 2023 TẠI ĐÂY

Các bạn đăng ký học bổng Tiếp sức đến trường 2023 TẠI ĐÂY

Cô gái mồ côi và lời hứa với cha mẹ trước biển: "Con sẽ không gục ngã"Cô gái mồ côi và lời hứa với cha mẹ trước biển: 'Con sẽ không gục ngã'

Mồ côi cha mẹ, sống trong sự bảo bọc của dì từ khi còn bé xíu, Đỗ Thị Xuân Lộc (18 tuổi) - cô học trò ở làng biển xã Tam Thanh, TP Tam Kỳ, Quảng Nam - sắp bước vào giảng đường đại học.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên