Ngày 15-1, Quốc hội thảo luận về Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) dự kiến được bấm nút thông qua vào ngày 17-1 tới.
Nhiều ý kiến cho rằng việc giới hạn tỉ lệ sở hữu sẽ không có nhiều tác động giúp ngăn tình trạng sở hữu chéo. Theo dự thảo, tỉ lệ sở hữu tối đa của tổ chức tại ngân hàng giảm từ 15% xuống 10%, nhóm cổ đông có liên quan giảm từ 20% xuống 15%.
Đại biểu Võ Mạnh Sơn (Thanh Hóa) cho rằng sự thay đổi này cùng với việc mở rộng khái niệm người có liên quan là nhằm chống lại tình trạng sở hữu chéo, tăng tính đại diện, tính đại chúng trong sở hữu các tổ chức tín dụng, từ đó cải thiện tính minh bạch, giảm xung đột lợi ích khi cấp tín dụng và tăng tính an toàn cho hệ thống ngân hàng.
"Mục tiêu tăng tính an toàn cho hệ thống ngân hàng là cần thiết, song biện pháp tiếp tục giảm tỉ lệ sở hữu tối đa chưa phải là giải pháp phù hợp. Tỉ lệ sở hữu tối đa ở mức 5%, 15% và 20% như Việt Nam hiện nay đã tương đối thấp so với nhiều quốc gia trên thế giới.
Trong khi tình trạng cấp tín dụng tập trung cho một số nhóm khách hàng có liên quan vẫn thường xuyên diễn ra, làm tăng rủi ro cho hệ thống. Như vậy, quy định về tỉ lệ sở hữu tối đa đã không thực sự phát huy tác dụng", ông Sơn nói.
Đại biểu Đoàn Thị Lê An (Cao Bằng) thì cho rằng điều chỉnh tỉ lệ sở hữu này không có nhiều ý nghĩa để hạn chế sở hữu chéo. Điều này chỉ kiểm soát được về mặt hồ sơ. Bởi thực tế có trường hợp sai phạm vừa qua cho thấy tỉ lệ sở hữu thực sự của những chủ thể này cao hơn nhiều so với quy định, thông qua công ty con, công ty liên kết và các cá nhân đứng tên.
Đại biểu đề nghị cần xem xét quy định chặt chẽ về điều kiện, thủ tục cấp tín dụng với khách hàng liên quan cổ đông, có hệ thống giám sát chéo, thiết lập hệ thống khung pháp lý cụ thể trong lĩnh vực tài chính, làm rõ cơ cấu sở hữu, chủ sở hữu thực và trách nhiệm giải trình, xử lý nghiêm minh với trường hợp cố ý làm trái.
Đối với trường hợp kiểm soát đặc biệt và can thiệp sớm, dự thảo quy định các trường hợp cụ thể cho phép Ngân hàng Nhà nước ra quyết định.
Theo đại biểu Lã Thanh Tân (Hải Phòng), dự thảo quy định Ngân hàng Nhà nước phải có văn bản quyết định can thiệp sớm và sau đó là văn bản quyết định khi chấm dứt can thiệp sớm.
Đây sẽ là thông tin bất lợi đối với tổ chức tín dụng, có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường, ảnh hưởng tới tâm lý người gửi tiền, tạo rủi ro nguy cơ rút tiền hàng loạt đối với chính tổ chức tín dụng được can thiệp sớm nói riêng và hệ thống tổ chức tín dụng nói chung.
Khách vay 300 triệu phải mua bảo hiểm 20 triệu đồng
Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) cho phép ngân hàng thương mại được thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm. Tuy vậy, nhiều đại biểu lo ngại quy định trên sẽ không ngăn chặn được tình trạng ngân hàng ép khách mua bảo hiểm.
Đại biểu Phạm Văn Thịnh (Bắc Giang) dẫn ra trường hợp một phụ nữ vì trả nợ phải đến ngân hàng cầm cố sổ đỏ để vay 300 triệu đồng, nhưng phải mua bảo hiểm nhân thọ hết 20 triệu đồng, nên chỉ còn được vay 280 triệu đồng.
"Hình ảnh khách hàng bước ra khỏi ngân hàng mà hai hàng nước mắt chảy dài, khóc nấc đã thôi thúc tôi phải phát biểu lần nữa về nội dung này", ông Thịnh chia sẻ.
Ông Thịnh cho rằng quy định như dự thảo luật sẽ không đảm bảo được tình trạng chèn ép khách hàng vay vốn phải mua bảo hiểm hoặc lợi dụng sự thiếu hiểu biết của khách hàng có tiền gửi tiết kiệm để mua sản phẩm bảo hiểm nhân thọ như thời gian qua sẽ chấm dứt.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận