18/09/2023 13:37 GMT+7

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói về xử lý sở hữu chéo giữa các ngân hàng

Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, trên hồ sơ, sở hữu chéo giữa các ngân hàng đến nay đã được khắc phục, tuy nhiên nếu họ cố tình nhờ đứng tên thì tới nay vẫn chưa xử lý được.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng - Ảnh: GIA HÂN

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng - Ảnh: GIA HÂN

Sáng 18-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các báo cáo thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết kỳ họp thứ tư.

Còn tình trạng sở hữu chéo không?

Trình bày báo cáo thẩm tra của các cơ quan Quốc hội, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Thị Thúy Ngần cho biết các nội dung yêu cầu của Quốc hội thuộc lĩnh vực ngân hàng cơ bản được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ.

Cơ quan thẩm tra ghi nhận việc xử lý vấn đề sở hữu chéo, đầu tư chéo trong hệ thống các tổ chức tín dụng hiệu quả hơn...

Nêu ý kiến thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh Lê Tấn Tới thắc mắc hiện còn tình trạng sở hữu chéo không?

"Điều này có tác động đến sự phát triển lành mạnh của nền kinh tế không?", ông Tới nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhắc lại qua thẩm tra cho thấy sở hữu chéo đã được kiểm soát tốt, vi phạm đã xử lý nhưng cơ chế để xử lý dứt điểm các cổ đông lớn thao túng, chi phối hoạt động ngân hàng còn nhiều ý kiến khác nhau.

"Giảm tỉ lệ giới hạn cấp tín dụng hay tỉ lệ sở hữu cổ phần có xử lý dứt điểm được sở hữu chéo hay không còn chưa khẳng định được. Bởi mở rộng hơn hay thu hẹp hơn đều có ảnh hưởng đến thu hút đầu tư nước ngoài, phát triển của nền kinh tế", ông Thanh nói.

Giải trình sau đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng nêu rõ vấn đề sở hữu chéo, thao túng, sân trước sân sau trong lĩnh vực ngân hàng được Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ rất quan tâm và yêu cầu Ngân hàng Nhà nước hoàn thiện các quy định của pháp luật, triển khai trong thực tiễn để khắc phục.

"Trên hồ sơ, sở hữu chéo giữa các ngân hàng đến nay đã được khắc phục. Tức trên hồ sơ cá nhân, tổ chức nào giữ tỉ lệ cổ phần như thế nào đối với hệ thống ngân hàng qua hoạt động cho vay đã thể hiện", bà Hồng nhấn mạnh.

Cố tình nhờ đứng tên không xử lý được

Bà Hồng thừa nhận thực tế các tổ chức, cá nhân có thể đứng tên hoặc nhờ đứng tên sở hữu cổ phần, thậm chí thành lập doanh nghiệp trong hệ sinh thái để cho vay vốn ngân hàng.

"Vấn đề này qua điều tra và một số vụ việc vừa phát hiện", bà Hồng nhấn mạnh và cho biết đây cũng là vấn đề Ngân hàng Nhà nước rất quan tâm.

Vì vậy, trong dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đang trình Quốc hội, khắc phục tình trạng sở hữu chéo, thao túng là vấn đề trọng tâm.

Dự thảo đã thiết kế một số giải pháp giảm hiện tượng sở hữu chéo như mở rộng phạm vi khái niệm có liên quan, giảm tỉ lệ sở hữu cổ phần tại các tổ chức tín dụng, giảm giới hạn cấp tín dụng… Thế nhưng, quá trình lấy ý kiến còn ý kiến khác nhau.

"Nếu chờ quy định xử lý triệt để vấn đề sở hữu chéo thì không có", bà Hồng nói và cho rằng quy định như dự thảo luật chỉ là một phần, cần phải kết hợp với các quy định khác để làm sao hoạt động của các tổ chức cá nhân minh bạch thì mới hướng tới giảm tình trạng này.

Bà đặc biệt lưu ý việc này cũng còn phụ thuộc vào thực thi, doanh nghiệp, người dân phải tuân thủ.

"Nếu cố tình nhờ đứng tên không xử lý được", bà Hồng nhìn nhận thực tế, khi cố tình nhờ đứng tên chỉ có cơ quan điều tra phát hiện như một số vụ vừa qua.

Cần giải bài toán tài chính cho các trường đại học

Về vấn đề giáo dục, báo cáo thẩm tra cho rằng việc biên soạn, cung ứng, phát hành sách giáo khoa còn nhiều bất cập.

Việc thực hiện tự chủ đại học còn gặp nhiều khó khăn. Nhiều sinh viên tốt nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động, đặc biệt là ở các ngành lĩnh vực công nghệ cao…

Nêu ý kiến sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh nói về vấn đề tự chủ đại học. Theo đó, trong yêu cầu chung, hai năm nay các trường đại học không được tăng học phí, trong khi chi thường xuyên cho các trường đại học đã cắt giảm.

Ông cho rằng nếu không giải quyết bài toán tài chính cho các trường đại học sẽ ảnh hưởng lớn đến chất lượng đào tạo đại học, ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nhân lực chất lượng cao.

Bộ Tài chính tính toán ngân sách 2024, đề xuất lộ trình cải cách tiền lươngBộ Tài chính tính toán ngân sách 2024, đề xuất lộ trình cải cách tiền lương

Bộ Tài chính đang chủ trì, phối hợp xây dựng khung ngân sách nhà nước 2024, kế hoạch 3 năm 2024 - 2026, trong đó đề xuất lộ trình thực hiện cải cách tiền lương.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên