29/12/2021 09:20 GMT+7

'Đứa con thông minh của người điên' là hạt mầm tử tế

TRẦN MAI
TRẦN MAI

TTO - Đó là chia sẻ của ông Phạm Nam Phong - chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Vũ Phong Energy Group - sau khi tân sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM Lê Đức Hiếu từ chối nhận sự giúp đỡ và xin nhường lại cho 2 tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn khác.

Đứa con thông minh của người điên là hạt mầm tử tế - Ảnh 1.

Lê Đức Hiếu đã xin nhường sự giúp đỡ cho hai bạn nghèo khác - Ảnh: TR.MAI

"Đọc bài viết 'Đứa con thông minh của một người điên', tôi và rất nhiều bạn bè xúc động nghị lực phi thường của Hiếu, nhưng khi em từ chối và xin nhường sự hỗ trợ cho bạn khác đã khiến tôi bối rối. Tôi hoàn toàn bị thuyết phục bởi chàng trai trẻ và càng thấy những nhân vật của học bổng của báo Tuổi Trẻ không chỉ vượt khó mà còn tử tế. Điều ấy khiến tôi tin  tương lai tươi đẹp ở một thế hệ tuyệt vời" - ông Phong trải lòng.

Em quá may mắn rồi!

Có lẽ, mọi người vẫn còn nhớ bài "Đứa con thông minh của một người điên" (Tuổi Trẻ ngày 25-12) kể về cuộc đời bất hạnh và nỗ lực của Hiếu. Sau bài viết, Hiếu nhận được sự chia sẻ và động viên của rất nhiều người, Công ty cổ phần Vũ Phong Energy Group đã liên hệ để giúp đỡ nhưng Hiếu từ chối nhận.

Hiếu trải lòng rằng sau khi báo Tuổi Trẻ đăng bài đã nhận được sự giúp đỡ của nhiều người và trong tài khoản đã có một số tiền tạm ổn, đồng thời các sư cô tại một ngôi chùa hứa giúp Hiếu hằng tháng để trang trải sinh hoạt phí 4 năm đại học. 

"Em quá may mắn, em không thể nhận thêm sự giúp đỡ bởi bản thân phải cố gắng làm việc kiếm thêm tiền trong thời gian học đại học. Em xin nhường sự giúp đỡ cho hai người bạn quen trong buổi trao học bổng "Tiếp sức đến trường" để bạn viết tiếp ước mơ" - Hiếu nói.

Chàng trai trẻ tâm sự ước mơ lúc này không phải là học xong đại học, có công việc ổn định, mà xa hơn là được giúp đỡ nhiều người khó khăn. Trước đây, suy nghĩ của Hiếu chỉ là cuộc đời quá cơ cực, bản thân phải vươn lên thoát khỏi tăm tối của riêng mình, thì sau khi nghe lời phát biểu của "những người thành đạt" trong lễ trao học bổng khiến Hiếu nhận ra: "Một người tốt không chỉ nghĩ cho mình mà phải nghĩ cho người khác. Em chưa làm được như các nhà hảo tâm gửi gắm trong học bổng Tiếp sức đến trường, lúc này em chỉ có thể chia sẻ sự may mắn của mình với hai bạn Trúc Ly và Mỹ Phát".

Những lời chia sẻ của Hiếu khiến bà Chế Thị Gái (73 tuổi, bà ngoại Hiếu) vui mừng, bởi "cháu tui đã trưởng thành hơn trước, nghe nó nhường học bổng chi đó cho bạn khiến tôi mừng lắm". Niềm tin trong lòng bà Gái cũng vì thế càng lớn hơn, từ khi Hiếu ra đời nếu không có sự giúp đỡ của rất nhiều người, có lẽ cuộc đời cháu bà chẳng thể có được ngày hôm nay.

Người tử tế trong hoàn cảnh nào cũng tử tế

Ông Phạm Nam Phong bảo rằng "đứa con thông minh của một người điên là hạt mầm tử tế". Ông Phong tin hạt mầm ấy sẽ trở thành cây lớn trong tương lai. Chính ông Phong cũng thấy mình may mắn bởi được giúp đỡ một người xứng đáng.

Đọc bài báo về Hiếu ông cảm phục một, thì nghe Hiếu xin nhường sự hỗ trợ cho bạn khiến ông xúc động mười. Hiếu không chỉ xin cho bạn mà còn cẩn thận gửi số điện thoại, cũng như phóng sự về hoàn cảnh của hai bạn mà báo Tuổi Trẻ đăng như sợ anh chị tại Vũ Phong Energy Group sẽ không giúp. 

"Trong hoàn cảnh của Hiếu mà từ chối nhận và xin nhường cho người khác đã thuyết phục tôi tuyệt đối. Cậu ấy khiến tôi tin người tử tế trong hoàn cảnh nào cũng tử tế" - ông Phong nói.

Công ty Vũ Phong Energy Group đã liên hệ với Trần Thị Trúc Ly (tân sinh viên Trường đại học Kinh tế - luật TP.HCM) và Đỗ Thị Mỹ Phát (tân sinh viên Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM) để nắm rõ hơn về hoàn cảnh hai em. Phương án đưa ra là sẽ hỗ trợ toàn bộ học phí trong 4 năm học bắt đầu từ học kỳ 2 này. Kèm theo đó có một "giao kèo" Ly và Phát phải có điểm số tốt bởi Hiếu xin nhường sự giúp đỡ để mở ra cuộc đời tươi sáng cho bạn mình.

Sự sẻ chia đã kết nối những tấm lòng lại với nhau, anh Phạm Đăng An - phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Vũ Phong Energy Group - đã liên hệ với Ly và Phát. Chính anh An cũng vươn lên từ nghèo khó, nỗ lực hết sức mới có được ngày hôm nay. Có lẽ vì quá khứ cơ cực nên anh rất đồng cảm, nhất là nghe được chia sẻ của Ly và Phát anh càng quý trọng sự sẻ chia của Hiếu. 

"Công ty chúng tôi có thể lo cho Ly và Phát từ học phí đến sinh hoạt phí suốt 4 năm đại học, nhưng chúng tôi muốn các em phải nỗ lực tự lo cho mình trong quá trình học tập. Chúng tôi tin cả ba sẽ có một cuộc đời tươi đẹp" - anh An nói.

Nhiều năm theo dõi học bổng Tiếp sức đến trường, nay trực tiếp giúp đỡ các tân sinh viên, đội ngũ Công ty cổ phần Vũ Phong Energy Group rất ấn tượng với học bổng ý nghĩa của báo Tuổi Trẻ và các nhân vật được chọn trao học bổng không chỉ vượt khó học giỏi mà còn là những hạt mầm tử tế. Vì vậy, ông Phạm Nam Phong ngoài giúp đỡ các em, còn đăng trên trang mạng xã hội cá nhân kêu gọi bạn bè liên hệ giúp đỡ các tân sinh viên khó khăn qua học bổng Tiếp sức đến trường.

"Nhiều năm qua, chúng tôi liên kết với một số trường đại học ở TP.HCM, hy vọng ngoài tiếp sức cho các tân sinh viên khó khăn, chúng tôi còn có thể hỗ trợ các nhân vật trong học bổng tiếp sức đến trường sau đại học. Các em xứng đáng có một tương lai tốt hơn từ nỗ lực của mình" - ông Phong tâm sự.

Bạn nghèo vậy còn nhường cho em

hat mam tu te (4) (002) tm 1(read-only)

Mỹ Phát (trái) dọn ruộng chuẩn bị sạ lúa mới - Ảnh: TR.M.

Biết tin Hiếu nhường sự giúp đỡ cho mình, Phát nói "bạn nghèo vậy còn nhường cho em", rồi khóc nghẹn. Còn Trúc Ly đón nhận sự sẻ chia với lời hứa: "Mỗi đồng tiền Hiếu nhường với em là sự biết ơn vô cùng. Em nhất định theo đuổi đến cùng và sau khi ra trường sẽ giúp đỡ những bạn tân sinh viên khó khăn như mình hiện tại". Cả hai gửi lời cảm ơn đến báo Tuổi Trẻ, Công ty cổ phần Vũ Phong Energy Group và các nhà hảo tâm đã giúp đỡ mình.

Hai mảnh đời bất hạnh vẫn vươn lên

hat mam tu te (5) (002) tm 1(read-only)

Trúc Ly (phải) lượm củi cùng bà ngoại kiếm tiền - Ảnh: TR.MAI

Trúc Ly ở một mình đơn độc trong căn nhà dưới thung lũng ở xã Đức Phú, huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi. Dù có cha mẹ nhưng 10 năm qua chưa về thăm con, 7 năm biệt tích chưa một lần gọi điện hỏi thăm. Trong khi bà ngoại vào TP.HCM mưu sinh, giữa muôn vàn cơ cực của số phận, Ly vẫn nỗ lực hết mình trong cuộc sống lẫn học tập.

Còn Mỹ Phát mất cha từ khi 5 tuổi, mẹ bán vé số kiếm từng đồng nuôi con. Mỗi ngày Phát thức dậy với công việc của một nông dân và nuôi khát vọng thay đổi cuộc sống từ con chữ. Cả hai đều thiếu thốn tình cảm và thường xuyên ở nhà một mình trong suốt những năm học THPT.

Đứa con thông minh của một người điên Đứa con thông minh của một người điên

TTO - 'Hôm em biết kết quả đậu đại học, em nói với mẹ con đậu đại học rồi. Mẹ em chẳng nói gì, chỉ gào lên, rồi hất đổ chén cơm em mang vào cho mẹ', Hiếu kể.

TRẦN MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên