02/10/2023 13:36 GMT+7

Cô gái bại não mang giấc mơ 'blouse trắng'

Gần hai tuổi, Liên được bác sĩ chẩn đoán bị bại não thể co cứng. Đến tuổi đi học nhưng chẳng thể cầm bút do tay cứng đơ, chẳng chút đàn hồi. Cô gái ấy đã nỗ lực rất nhiều để chạm ước mơ bước đến giảng đường đại học.

Với Liên, mẹ không chỉ có công sinh thành mà còn là cô giáo dạy cho Liên những nét chữ đầu đời - Ảnh: LƯƠNG HUYỀN

Với Liên, mẹ không chỉ có công sinh thành mà còn là cô giáo dạy cho Liên những nét chữ đầu đời - Ảnh: LƯƠNG HUYỀN

Ngày đầu đến giảng đường, Lê Thị Liên (18 tuổi, ở Thanh Hóa) - tân sinh viên Trường đại học Y Dược Thái Bình) - hồi hộp đến mức nghe rõ từng tiếng trống ngực. Có lẽ vì hồi hộp khiến nữ sinh trượt chân ngã nhào, dù được bác gái cẩn thận dìu dắt.

Rời vòng tay mẹ

Ánh mắt đầy tự tin, cô gái xứ Thanh men theo dãy bàn học trước mặt, tiến đến chỗ ngồi còn trống trong lớp. Sự e dè, ngại ngần ban đầu nhường chỗ cho sự thân thiện, hòa đồng của những người bạn mới.

"Nhiều hôm đến lớp, tôi còn được các bạn tận tình dìu đến chỗ ngồi. Tan học, chúng tôi còn cùng nhau ăn cơm trưa và trò chuyện về cuộc sống nơi giảng đường đại học" - Liên hồ hởi nói.

Lần đầu tiên rời xa vòng tay bố mẹ, những khó khăn, vất vả ở môi trường mới giúp Liên trưởng thành hơn, thôi thúc cô mạnh mẽ để bắt kịp với các bạn.

Liên có "biệt tài" ghi chép khá nhanh, do đó cô gần như không bỏ sót kiến thức quan trọng nào. Thời gian rảnh, cô tranh thủ xem lại bài vở và nghiên cứu thêm tài liệu.

Thế nhưng ít ai biết để có được sự tự tin như hiện nay, cô gái xứ Thanh phải nỗ lực rất nhiều, vượt nghịch cảnh để chạm đến ước mơ giảng đường đại học.

Liên được bác sĩ chẩn đoán bị bại não thể co cứng, việc đi lại gặp khó khăn - Ảnh: LƯƠNG HUYỀN

Liên được bác sĩ chẩn đoán bị bại não thể co cứng, việc đi lại gặp khó khăn - Ảnh: LƯƠNG HUYỀN

Gần 2 tuổi, Liên được bác sĩ chẩn đoán bị bại não thể co cứng. Đến tuổi đi học, nhưng cô chẳng thể nào cầm bút do tay phải cứng đơ, chẳng chút đàn hồi. Bàn tay còn lại có vẻ khá hơn nhưng cầm đồ vật còn khó, nói gì tới viết chữ.

Không từ bỏ, bà Trịnh Thị Thảo (mẹ Liên) sưu tầm hàng trăm đĩa nhạc cổ điển cho con nghe mỗi ngày. Là giáo viên tiểu học, bà cần mẫn dạy con cầm bút bằng tay trái.

"Mấy tuần đầu, bàn tay con bé cứng đơ, tưởng chừng hai mẹ con phải bỏ cuộc. Sau ba tháng miệt mài, niềm hy vọng được thắp lên khi con bắt đầu cầm được bút. Cứ như vậy, mỗi ngày tôi đều dành thời gian tập viết cùng con" - người mẹ trải lòng.

Với sự đồng hành của mẹ, hết lớp 1, Liên đã viết thành thạo 29 chữ cái cùng các con số. Viết được rồi, nhưng hành trình đến trường vẫn vô cùng gian truân chỉ vì đôi bàn chân co quắp chẳng chịu nghe lời. Dù đã trải qua năm lần phẫu thuật, song Liên vẫn chẳng thể tự mình bước đi nếu không có điểm tựa.

Hằng ngày, Liên được mẹ dìu đến lớp học, hết giờ bà lại tất bật đón về. Liên nghĩ nếu ở nhà vẫn phiền mẹ như vậy cũng không phải là cách hay.

Sau khi lấy hết can đảm, Liên cố tựa vào bức tường nhà mạnh mẽ bước đi. Những ngày đầu thật khó với Liên vì cứ hễ bước đi là té ngã. "Có lần, tôi cố gắng men theo cầu thang xuống tầng một thì bước hụt. Cả người cứ thế lộn nhào xuống, phần đầu đập mạnh xuống nền nhà sưng phù. Ngã riết cũng thành quen, mỗi lần như vậy tôi không còn sợ hãi nữa" - cô tân sinh viên nở nụ cười.

Nuôi ước mơ thành dược sĩ

Bệnh tật từng khiến Liên sống trong mặc cảm, nhưng tình yêu của gia đình và bạn bè tiếp thêm động lực để cô vượt qua tất cả.

Bây giờ Liên có hẳn một nhóm bạn chơi thân, thường xuyên sẻ chia những vui buồn trong cuộc sống, sẵn sàng đứng ra bảo vệ nếu ai đó châm chọc, trêu đùa Liên. "Trở thành dược sĩ, được khoác trên mình chiếc áo blouse trắng chính là ước mơ tôi ấp ủ từ lâu. Tôi lựa chọn ngành này vì muốn tìm hiểu về căn bệnh của mình và mong được chăm sóc sức khỏe cho những người thân" - Liên quả quyết.

Hiện tại, Liên đã nhập học được hai tuần. Cô tân sinh viên đang ở cùng bác ruột để thuận tiện cho việc đi lại và sinh hoạt hằng ngày. Cô cũng được bố mẹ mua cho chiếc xe điện ba bánh để thuận tiện cho việc di chuyển từ phòng trọ lên giảng đường.

Cô giáo Trần Thị Nga - giáo viên chủ nhiệm của Liên - nhận xét Liên là học sinh đặc biệt không chỉ chăm ngoan, học giỏi mà còn giàu nghị lực.

"Việc đi lại của em vô cùng khó khăn, tuy nhiên, em đã lấy sự thiệt thòi ấy làm động lực để vươn lên trong học tập, cuộc sống. Với thầy cô và bạn bè, Liên là tấm gương của sự vượt khó vươn lên" - cô Nga nói.

Nam sinh mồ côi cha, nỗ lực học báo hiếu mẹ

Lê Quang Hợp trong những ngày đầu trên giảng đường đại học - Ảnh: NVCC

Lê Quang Hợp trong những ngày đầu trên giảng đường đại học - Ảnh: NVCC

Căn nhà của hai mẹ con tân sinh viên Lê Quang Hợp nằm hướng ra cánh đồng ở thôn Hồng Lạc (xã Thạch Châu, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh). Ở cánh đồng đó, bà Nguyễn Thị Thu (mẹ của Hợp) có bốn sào ruộng, mỗi năm hai vụ luân phiên trồng lúa và hoa màu. Những mảnh ruộng này đã mang về thu nhập để bà Thu nuôi ba đứa con khôn lớn nên người.

Vợ chồng bà Thu có với nhau ba người con, nhưng chẳng may người chồng mất sớm. Hai đứa con đầu của bà đã lập gia đình riêng.

Kể về cậu con trai út, bà Thu nói Hợp từ nhỏ có thể trạng yếu hơn bạn bè cùng trang lứa nhưng rất ham học và chăm chỉ phụ giúp gia đình việc đồng áng. Như mỗi vụ mùa vào tháng 5 hằng năm, do thời tiết nắng nóng nên người dân ra đồng từ 4h sáng, Hợp cũng ra đồng giúp mẹ thu hoạch vụ mùa, gần đến giờ đi học mới trở về tới trường.

"Tôi từng nghĩ sau khi cháu tốt nghiệp phổ thông sẽ cố gắng vay mượn một khoản tiền để cháu đi xuất khẩu lao động. Những vì sức khỏe con không đảm bảo nên tôi sợ cháu đi rồi bị trả về mất tiền lại gánh thêm nợ nần. Hơn nữa, Hợp học lực cũng khá, cháu có ước mơ vào đại học nên dù gia cảnh khó khăn nhưng tôi cũng cố bươn chải để cháu hoàn thành nguyện vọng" - bà Thu tâm sự.

Tại kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023, điểm khối D01 Hợp đạt trên 24 điểm và đậu vào ngành thương mại điện tử của Trường đại học Kinh tế Huế.

"Em vào đại học, mẹ ở quê phải làm việc nhiều hơn để em có tiền ăn học. Nên em sẽ cố gắng học hành thật tốt, hy vọng sau này thành công để có điều kiện báo hiếu, phụng dưỡng mẹ. Tới đây em sẽ tìm một công việc làm thêm phù hợp để có thêm chi phí trang trải học tập" - Hợp chia sẻ.

Đầu tháng 9-2023, trước ngày Hợp bắt xe vào Huế nhập học, đã có nhiều người thân, làng xóm đến chia vui cùng gia đình bà Thu. Họ không ai bảo ai, mỗi người góp một ít tiền ủng hộ Hợp làm lộ phí đi đường, tiền thuê phòng trọ và chi phí trang trải những ngày đầu bước vào cuộc sống sinh viên.

Bạn đọc ủng hộ học bổng cho tân sinh viên vui lòng chuyển vào tài khoản báo Tuổi Trẻ: 113000006100 Ngân hàng Công thương (VietinBank), chi nhánh 3 TP.HCM.

Nội dung: Ủng hộ "Tiếp sức đến trường" cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.

Bạn đọc, quý doanh nghiệp ở nước ngoài có thể chuyển khoản về báo Tuổi Trẻ: Tài khoản USD 007.137.0195.845 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM; Tài khoản EUR 007.114.0373.054 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM với Swift code BFTVVNVX007.

Nội dung: Ủng hộ "Tiếp sức đến trường" cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể Tỉnh/Thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.

Ngoài tài trợ kinh phí học bổng, bạn đọc có thể ủng hộ thiết bị học tập, chỗ ở, việc làm... cho tân sinh viên.

Các bạn đăng ký học bổng Tiếp sức đến trường 2023 TẠI ĐÂY

Các bạn đăng ký học bổng Tiếp sức đến trường 2023 TẠI ĐÂY

Tiếp sức đến trường: 20 mùa vượt khó cùng tân sinh viên Quảng TrịTiếp sức đến trường: 20 mùa vượt khó cùng tân sinh viên Quảng Trị

Tối 29-9, báo Tuổi Trẻ phối hợp với Tỉnh đoàn Quảng Trị, Đài Phát thanh - truyền hình Quảng Trị tổ chức lễ trao học bổng Tiếp sức đến trường dành cho 120 tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn của Quảng Trị.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên