23/02/2024 21:28 GMT+7

Chùa Phúc Khánh: không ra giá cúng dâng sao giải hạn, chỉ làm lễ cầu an

Trước dư luận cho rằng chùa Phúc Khánh (Hà Nội) vẫn cúng dâng sao giải hạn với ‘giá’ 150.000 đồng/người, đại diện nhà chùa khẳng định chỉ làm lễ cầu an, không cúng dâng sao giải hạn, cũng không quy định ‘giá’ mà do phật tử tùy tâm đặt lễ.

Lễ cầu an tại chùa Phúc Khánh tối 23-2 - Ảnh: VÂN NGUYỄN

Lễ cầu an tại chùa Phúc Khánh tối 23-2 - Ảnh: VÂN NGUYỄN

Tối 23-2, tại chùa Phúc Khánh có khóa lễ cầu an đầu năm. Trời mưa, người dân ngồi gọn trong tổ đình, trong các mái hiên. Sân chùa chỉ lác đác người cúng lễ, không có người dân tràn ra đường để vái vọng.

Trước thông tin cho rằng chùa Phúc Khánh vẫn cúng dâng sao giải hạn, "trái lệnh" của Thủ tướng yêu cầu không cúng dâng sao giải hạn, cúng oan gia trái chủ, đại đức Thích Minh Đức - phó trụ trì chùa Phúc Khánh - khẳng định chùa Phúc Khánh mấy năm nay chỉ tổ chức các khóa lễ cầu quốc thái dân an đầu năm chứ không có lễ giải sao xấu.

Lễ cầu an được tổ chức trong khuôn viên chùa - Ảnh: VÂN NGUYỄN

Lễ cầu an được tổ chức trong khuôn viên chùa - Ảnh: VÂN NGUYỄN

Việc này đã được nhà chùa thực hiện từ vài năm nay.

"Không có bất cứ một thông báo nào từ nhà chùa nói nhà chùa tổ chức lễ cúng giải sao xấu, dâng sao giải hạn.

Khi cử hành khóa lễ, nhà chùa chỉ cúng Phật, tụng kinh Dược sư hoặc kinh Phổ môn là kinh của Giáo hội Phật giáo Việt Nam quy định trong nghi thức lễ cầu an.

Đồ sắm lễ toàn bộ cũng là theo Phật giáo, cúng chay gồm hương, hoa, oản, quả. Nếu theo nghi thức của đạo giáo cúng giải sao thì phải có tiền, vàng mã, đồng xu để cắt sao.

Toàn bộ nghi thức trong lễ cầu an tại chùa Phúc Khánh đều theo giáo hội quy định. Còn người dân vẫn gọi lễ giải sao, dâng sao giải hạn là do người dân quen tập quán cũ.

Nhà chùa không thể cấm người dân gọi đó là lễ giải sao. Hàng ngàn người đến chùa cấm làm sao được", đại đức Thích Minh Đức nói.

Ngoài ra mấy năm nay chùa Phúc Khánh không tổ chức lễ ra ngoài đường, chỉ tổ chức trong khuôn viên chùa, đảm bảo an ninh, an toàn giao thông.

Không có người dân tràn ra đường dự khóa lễ cầu an tối 23-2 - Ảnh: VÂN NGUYỄN

Không có người dân tràn ra đường dự khóa lễ cầu an tối 23-2 - Ảnh: VÂN NGUYỄN

Về phản ánh nhà chùa thu tiền 150.000 đồng/người đăng ký cầu an, đại diện chùa Phúc Khánh khẳng định các phật tử đến với nhà chùa "cơ bản là tùy tâm, nhà chùa không quy định cụ thể, ai đặt lễ nhà chùa để nhà chùa sửa lễ quanh năm thì nhà chùa rất hoan nghênh".

Con số 150.000 đồng mà mọi người thường đặt lễ, đại đức Thích Minh Đức nói đó là do các bản hội họ tự nói với nhau, tự theo nhau làm chứ nhà chùa hoàn toàn không có bất cứ một yêu cầu nào về đặt lễ, hoàn toàn là tùy tâm.

Số tiền người dân đặt lễ góp vào hòm công đức của nhà chùa. Ngoài chi cho sắm lễ thì số còn dư sẽ được dùng cho các hoạt động thiện nguyện, sửa sang khuôn viên chùa và cho công tác đào tạo tăng ni cho đất nước…

Hơn 10.000 người đăng ký cầu an tại chùa Phúc Khánh

Đại diện chùa Phúc Khánh cũng cho biết từ đầu năm đến nay đã có trên 10.000 người đăng ký các khóa lễ cầu an tại nhà chùa.

Chùa đã tổ chức được 7 khóa lễ phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của người dân.

Mỗi khóa lễ làm lễ cho hơn 1.000 người nhưng người dân thường đăng ký cầu an cho cả gia đình và thường chỉ một người dự lễ nên số người dự mỗi khóa lễ tại chùa Phúc Khánh chỉ vài ba trăm người.

Thủ tướng yêu cầu lễ hội văn minh, không cúng oan gia trái chủThủ tướng yêu cầu lễ hội văn minh, không cúng oan gia trái chủ

Thủ tướng yêu cầu chủ tịch các tỉnh, thành phố không để xảy ra các hoạt động mê tín dị đoan, dâng sao giải hạn, gọi hồn, cúng vong, trục vong, cúng oan gia trái chủ, phản văn hóa, trục lợi tại các cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên