10/07/2013 10:56 GMT+7

Chấm thi: bảo vệ nghiêm ngặt!

HÀ BÌNH - NGỌC HÀ
HÀ BÌNH - NGỌC HÀ

TT - Một nơi biệt lập và được bảo vệ hai vòng nghiêm ngặt. Giám khảo chấm thi không được mang điện thoại di động, vật dụng cá nhân, kể cả bút viết: đó là khu vực chấm bài thi đại học.

43Ht9GP9.jpgPhóng to
Bên ngoài khu vực chấm thi của Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM. Nhân viên bảo vệ canh gác khu vực này rất nghiêm ngặt - Ảnh: Hà Bình

Bài thi vào kho chứa

Trưa 4-7, những hòm bài thi đầu tiên được chuyển vào kho bài thi của Trường ĐH Điện lực. Đó là một căn phòng trống, máy điều hòa bật mát lạnh, nằm kín đáo trong một tòa nhà của trường. Một chiếc khóa Việt - Tiệp mới tinh còn nguyên nhãn mác được một cán bộ phòng thanh tra - pháp chế lắp vào cửa ngay sau khi những thùng bài thi được đưa vào. Một bình cứu hỏa cũng được đặt vào phòng.

Toàn bộ cửa sổ căn phòng đóng chặt, cán bộ trường thi dán niêm phong kín mít. “Mỗi mùa thi, nhà trường mua đến 3.000-4.000 miếng dán niêm phong thế này, rồi về đóng dấu của nhà trường. Đặc điểm giấy niêm phong rất mỏng để bảo đảm ai tự tiện sờ vào là để lại dấu vết ngay” - ông Bùi Đức Hiền, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Điện lực, giải thích.

“Quy định của Bộ GD-ĐT là bài thi được lưu trữ tại trường ít nhất một năm đối với bài thi của thí sinh thi trượt và hết khóa học đối với bài thi thí sinh trúng tuyển, trở thành sinh viên của trường. Tuy nhiên, nhà trường quyết định lưu bài thi của tất cả thí sinh trong năm năm dù là bài làm của thí sinh trượt hay đỗ. Nếu có khiếu nại, bài thi sẽ lập tức được đưa ra làm bằng chứng đối chất quan trọng” - ông Hiền chia sẻ.

“Năm 2012, Trường ĐH Điện lực nằm trong nhóm trường được bộ chọn để chấm thẩm định, nhưng chúng tôi không có sai sót nào. Nếu đúng quy trình, không thể có tiêu cực”- ông Hiền nhấn mạnh. Bài thi trong từng túi bài thi tự luận đều được trộn lại theo nguyên tắc rút khoảng năm bài thi ở mỗi túi bài thi (thông thường có 40 bài thi/túi bài), trộn trong khoảng tám phòng thi lại với nhau.

Với bài thi trắc nghiệm, việc chấm thi bằng máy không thực hiện trực tiếp trên bài thi. Đầu tiên, bài thi được mở niêm phong trước sự chứng kiến của cán bộ an ninh, máy quét để lưu nội dung bài thi. Bản gốc nội dung bài thi lại tiếp tục được niêm phong và bài thi trắc nghiệm cũng được niêm phong ngay sau đó. Việc chấm thi bằng máy sau đó đơn giản là thao tác đưa đĩa đáp án của Bộ GD-ĐT vào máy, quét đáp án trên nội dung bài thi đã lưu để chấm điểm.

Hai vòng nghiêm ngặt

Sáng 5-7, khi thí sinh nộp bài môn thi cuối cùng của đợt thi đại học thứ nhất, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM cũng “chạy” các công đoạn chấm thi ngay trong sáng 6-7. “Bài thi của thí sinh từ phòng thi sẽ được chuyển về kho chứa bài thi. Kho bài thi được bảo vệ canh gác 24/24 giờ cho đến khi chuyển về khu vực chấm thi...” - một cán bộ phòng đào tạo nhà trường nói với phóng viên Tuổi Trẻ.

Chiều 6-7, chúng tôi đến khu vực chấm thi của Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM. Một cán bộ phụ trách khu vực chấm thi cho biết: “Bất cứ ai không có nhiệm vụ đều không được vào khu vực này để đảm bảo an toàn cho bài thi”. Ngay ở sảnh, một nhân viên bảo vệ ngồi canh gác trước thang máy và chỉ cho người lạ bước vào khi có người từ khu vực chấm thi đưa lên.

Được chủ tịch hội đồng tuyển sinh đồng ý, cán bộ bấm nút thang máy đưa chúng tôi lên tầng. Cửa vừa mở đã thấy một nhân viên bảo vệ đeo thẻ “Phục vụ tuyển sinh” ngồi trước canh gác. Ở khu vực này, tất cả cửa phòng đều đóng im ỉm. Hai dãy bên được kê bên ngoài có trái cây, nước lọc, trà, cà phê... phục vụ cán bộ, giám khảo chấm thi. Trước cửa mỗi phòng đều dán tấm giấy A4 in dòng chữ: “Quý thầy cô vui lòng không mang điện thoại, vật dụng cá nhân vào phòng chấm thi. Cảm ơn...”.

Vị cán bộ khái quát công việc sau cánh cửa khép kín: “Hiện trong phòng này thư ký đang rọc phách, đánh mã số, gạch trắng (gạch chéo tất cả những phần giấy trắng còn thừa do thí sinh không viết hết - PV), trộn lẫn bài thi lại và bỏ vào một túi đựng bài thi mới. Sau công đoạn này, sẽ không ai biết bài thi đó của thí sinh nào, thi phòng nào. Những túi bài thi này sẽ chuyển đến phòng chấm thi cho giám khảo chấm...”.

tSjvlYUi.jpgPhóng to
Chấm bài thi trắc nghiệm tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM năm 2008. Một sĩ quan an ninh (ngồi giữa) được giao nhiệm vụ giám sát quá trình này - Ảnh: Như Hùng

“Nội bất xuất, ngoại bất nhập”

Sáng 7-7, chúng tôi đến khu vực chấm thi của Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM). Vừa đến nơi đã thấy những dải dây trắng - đỏ hạn chế qua lại giăng xung quanh. Phía trước, hai nhân viên bảo vệ ngồi canh gác ở lối ra vào duy nhất.

“Nội bất xuất, ngoại bất nhập - TS Lê Chí Thông, trưởng phòng đào tạo, nói vui với chúng tôi về việc đảm bảo an toàn trong khu vực chấm thi - Cán bộ làm công tác chấm thi phải có thẻ, có tên trong danh sách từ trường cung cấp mới được bảo vệ cho vào. Điện thoại di động, balô, túi xách phải để bên ngoài phòng chấm thi”. Ông Thông cũng cho biết thêm để thuận tiện cho công việc làm phách, chấm thi, kho bài thi ở gần khu vực chấm và được bảo vệ 24/24 giờ.

Trong phòng làm phách, một cán bộ đang xếp những túi đựng mới chứa những bài thi đã rọc phách. Túi bài này ghi mã số, ký hiệu thay vì số phòng thi khi thí sinh nộp bài ở phòng thi. Trong khi đó, một cán bộ khác đang xếp những chồng phách đã cắt ra từ bài thi của thí sinh để lưu trữ lại. Phách này đã được đánh mã số, đóng dấu giáp lai với bài thi của thí sinh. “Dùng mã số hết - TS Thông nói - đến công đoạn này thì không ai biết bài thi nào của thí sinh nào, phòng nào...”.

Phòng chấm thi ngay cạnh phòng làm phách. Trước cửa phòng, balô, túi xách, vật dụng cá nhân của giám khảo để gọn gàng phía trước. Bên trong, 50 giám khảo đang tập trung chấm bài thi môn toán bằng viết có màu mực xanh lá cây. “Vòng một sẽ chấm đồng loạt bằng mực xanh lá cây, vòng hai mực đỏ và chấm kiểm tra bằng bút mực da cam” - TS Thông nói.

“Ở vòng một, theo quy chế của Bộ GD-ĐT, giám khảo sẽ không chấm trực tiếp lên bài thi của thí sinh mà ghi điểm, nhận xét (nếu có) lên phiếu chấm. Vòng chấm thứ hai, cán bộ mới chấm trực tiếp lên bài thi của thí sinh. Việc chấm thi ảnh hưởng đến kết quả đậu, rớt của thí sinh nên phải hết sức cẩn trọng” - TS Lê Chí Thông kết luận.

Chấm thi hai vòng

Quy chế chấm thi đại học, cao đẳng của Bộ GD-ĐT nêu rõ các trường “tổ chức chấm thi theo quy trình chấm thi hai vòng độc lập tại hai phòng chấm riêng biệt”. Theo đó, khi chấm thi lần thứ nhất, ngoài những nét gạch chéo trên các phần giấy còn thừa, cán bộ chấm thi tuyệt đối không ghi gì vào bài thi của thí sinh. Điểm thành phần, điểm toàn bài và các nhận xét (nếu có) được ghi vào phiếu chấm của từng bài.

Sau khi chấm lần thứ nhất, ban thư ký rút các phiếu chấm thi ra rồi giao túi bài thi cho trưởng môn chấm thi bốc thăm cho người chấm lần thứ hai. Khi bốc thăm túi bài thi cho cán bộ chấm lần thứ hai, trưởng môn chấm thi phải có biện pháp để túi bài thi không giao trở lại người đã chấm lần thứ nhất. Người chấm thi lần thứ hai chấm trực tiếp vào bài làm của thí sinh. Điểm chấm từng ý nhỏ phải ghi tại lề bài thi ngay cạnh ý được chấm, sau đó ghi điểm thành phần, điểm toàn bài vào ô quy định, ghi rõ họ tên và ký vào tất cả các tờ giấy làm bài thi của thí sinh...

---------------------------------

* Tin bài liên quan:

Kỳ 1: Áp lực trên 1.500km Kỳ 2: “Tới đâu rồi, tới đâu rồi, ổn không?” Kỳ 3: Bài thi đại học qua sông bằng chuyến phà riêng Kỳ 4: Ra Bắc: bay, vào Nam: đông lạnh! Kỳ 5: Khi Trung đoàn CS cơ động PK20 áp tải bài thi... Kỳ 6: Những chuyện khó quên của ông thứ trưởng Kỳ 7:Trắng đêm ở kho bài thi Kỳ 8: Sự cố bất ngờ: thiếu đề thi

HÀ BÌNH - NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên