Phóng to |
Tên lửa của CHDCND Triều Tiên trong một lần tập trận - Ảnh: KCNA |
Ngoại trưởng Đức Guido Westerwelle trên báo Bild của Đức cho rằng lời đe dọa của Bình Nhưỡng là “nghiêm trọng” đối với khu vực. “Bình Nhưỡng phải dừng ngay việc đùa với lửa một cách vô trách nhiệm” - ông nhấn mạnh. Và nêu rõ: “Cho dù hình ảnh và những tuyên bố của Bình Nhưỡng như từ một thời kỳ nào khác, nhưng lại đang là mối đe dọa thật sự cho hòa bình trong khu vực”.
Theo AFP, hầu hết các nhà phân tích đều loại bỏ khả năng một cuộc chiến tổng lực dựa trên cơ sở Triều Tiên sẽ thua bởi họ biết rõ bất cứ cuộc tấn công hạt nhân nào cũng là tự sát. Tuy nhiên sau khi lên tiếng đe dọa, từ tấn công bằng pháo cho tới hạt nhân, dường như lãnh đạo Kim Jong Un đã tự đẩy mình vào chân tường và buộc phải làm một điều gì đó để khỏi mất uy tín.
Nhiều nhà phân tích dự đoán sẽ có một cuộc tấn công “hạn chế” tương tự như vụ nã pháo vào đảo Yeonpyeong hồi năm 2010. Thế nhưng, Mỹ và Hàn Quốc đã tuyên bố sẽ đáp trả cứng rắn. Hàn Quốc ngày 31-3 loan báo sẽ tập trận phối hợp cùng thủy quân lục chiến Mỹ vào tháng 4 và vẫn sẽ duy trì khả năng sẵn sàng chiến đấu của lực lượng thủy quân lục chiến Hàn Quốc.
Bình Nhưỡng sẽ “kiềm chế”?
Một câu hỏi đang được đặt ra: Bình Nhưỡng sẽ tự “giới hạn” mình tới đâu? Các nhà phân tích cho rằng một vụ thử tên lửa khiêu khích hướng về phía biển và bay qua Nhật Bản là một lựa chọn ít làm tình hình leo thang. Nhà phân tích Scott Snyder thuộc Hội đồng Quan hệ đối ngoại gợi ý Washington nên để cho Bình Nhưỡng một lối thoát. “Mỹ và Hàn Quốc cần đưa ra các cử chỉ ngoại giao rõ ràng đối với CHDCND Triều Tiên rằng họ có thể giúp Bình Nhưỡng xuống thang tình hình, bình tĩnh và thay đổi diễn biến” - ông nói.
Theo báo Le Monde, đây không phải là lần đầu tiên Bình Nhưỡng tuyên bố không tôn trọng hiệp định ngừng bắn năm 1953. Từ năm 1991, Triều Tiên đã không còn tham gia các cuộc thương lượng của ủy ban phụ trách việc thi hành hiệp định này và đã bảy lần tuyên bố từ chối hiệp định này.
Để hiểu tuyên bố lần này của Bình Nhưỡng, Cheong Seong Chang thuộc Viện Sejong của Hàn Quốc cho rằng “cần trở lại với những điểm căn bản của chế độ này: chuyển hiệp định ngừng bắn thành hiệp định hòa bình, có được những đảm bảo về an ninh từ phía Mỹ, nhất là bình thường hóa quan hệ với Washington, chìa khóa mở ra nguồn viện trợ từ bên ngoài”. Theo ông, mục tiêu này của Bình Nhưỡng là không thay đổi kể từ năm 1970 với việc đưa ra chương trình hạt nhân của mình, lúc đầu là dân sự, với sự giúp đỡ của Liên Xô. Việc biến hiệp định ngừng bắn 60 năm qua thành hiệp định hòa bình là một đòi hỏi logic, nhưng ẩn chứa nhiều mục tiêu khác, như nhà phân tích Shim Jae Hoon nêu rõ: “Với một hiệp định hòa bình, Mỹ sẽ không còn có lý do gì để duy trì quân tại Hàn Quốc” và Mỹ lo ngại một cuộc rút quân khỏi bán đảo Triều Tiên sẽ tạo nên bất ổn mới trên bán đảo Triều Tiên từ phía Bình Nhưỡng.
Cũng theo Cheong Seong Chang, đối với Bình Nhưỡng, vũ khí hạt nhân là công cụ của “nền ngoại giao gây sức ép” để đối phương thay đổi quan điểm và lập trường. Báo Rodong Sinmun của đảng Lao động Triều Tiên từng nêu rõ: CHDCND Triều Tiên “sẽ không chấp nhận số phận như của Iraq và Libya”. Vũ khí đảm bảo an ninh này, theo Bình Nhưỡng, là “đáng để người dân nước này hi sinh”.
“Cuộc chơi” không còn quen thuộc
Các nhà phân tích cảnh báo chính sách leo thang khiêu khích quen thuộc lâu nay của Bình Nhưỡng có thể đẩy Bình Nhưỡng, thậm chí cả Mỹ, vào vùng nguy hiểm. Theo báo Le Point, có hai tác nhân có thể làm mất cân bằng tình hình ở khu vực này. Một là, tình trạng mong manh của ông Kim Jong Un, người vừa lên nắm quyền mới hơn một năm nay. Paik Wooyeal, thuộc Đại học Sungkyunkwan ở Seoul, nhận định: “Bất chấp vẻ bề ngoài thường thấy, tình hình chính trị của Bình Nhưỡng là không ổn định”.
Trong bối cảnh này, một cuộc xung đột quốc tế là cách tốt nhất để ông Kim giành điểm trước mắt giới quân sự và người dân nước này. Hai là, Tổng thống Mỹ Obama của nhiệm kỳ 2 dường như đang muốn có biện pháp mạnh tay với ông Kim khi công khai điều động các máy bay ném bom chiến lược B-52 và B2 bay trên bầu trời Hàn Quốc. Đây là một cuộc biểu dương sức mạnh chưa từng có trước đó để chứng tỏ quyết tâm của Washington là sẽ không nhượng bộ trước “cuộc mặc cả” của Bình Nhưỡng.
Rất có nguy cơ là ông Obama cũng bị đẩy đến chân tường. Peter Hayes, viện trưởng Viện nghiên cứu Nautilus, nhận định việc điều động B-52 đem lại “một sự cộng hưởng đầy nguy hiểm”.
Khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên cứ tiếp diễn trong nhiều thập kỷ qua và dường như theo một khuôn mẫu là Bình Nhưỡng đe dọa rồi rút lại để tránh một cuộc xung đột thảm khốc. Nhưng theo AFP, lần này với hàng loạt hành động leo thang gần đây của Bình Nhưỡng, xem ra cuộc khủng hoảng đã đi chệch ra khỏi quỹ đạo thông thường xét theo bối cảnh và các bên liên quan. Theo chuyên gia Bruce Klinger thuộc Quỹ Heritage ở Washington, nguy cơ tính toán sai lầm nằm về phía lãnh đạo trẻ Kim Jong Un nhiều hơn.
Tuyên bố “tình trạng chiến tranh” bị diễn dịch sai? Truyền thông Nga hôm 30-3 cho rằng các bản tin liên quan đến việc CHDCND Triều Tiên tuyên bố “tình trạng chiến tranh” với Hàn Quốc có thể đã dựa trên một sự diễn dịch sai. Truyền thông quốc tế đưa tin về tuyên bố của Bình Nhưỡng dựa trên trang web của Hãng thông tấn nhà nước KCNA là: “Từ nay, quan hệ liên Triều bước vào tình trạng chiến tranh và tất cả mọi vấn đề giữa hai miền Triều Tiên sẽ được xử lý theo các quy định thời chiến”. Theo RIA Novosti, bản tuyên bố gốc của CHDCND Triều Tiên là nước này “sẽ hành động theo các quy định thời chiến” trong trường hợp bị tấn công và “kể từ thời điểm đó quan hệ Bắc - Nam sẽ bước vào tình trạng chiến tranh”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận