22/09/2013 04:10 GMT+7

Vượt nghịch cảnh, vươn tới ước mơ

LÂM HOÀI - THÂN HOÀNG
LÂM HOÀI - THÂN HOÀNG

TT - Hôm nay 22-9, 200 tân sinh viên nghèo, vượt khó, học giỏi của đồng bằng sông Hồng, Việt Bắc sẽ được tiếp sức để vững bước đến trường đại học.

Học bổng “Tiếp sức đến trường” cho tân sinh viên 19 tỉnh, thành phố đồng bằng sông Hồng và Việt Bắc: Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Dương, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang.

*Tổ chức: báo Tuổi Trẻ, sở GD-ĐT và tỉnh, thành đoàn 19 tỉnh, thành phố đồng bằng sông Hồng và Việt Bắc (đã nêu).

*Tài trợ: Giải golf gây quỹ “Tiếp sức đến trường” và Quỹ khuyến học Vinacam.

fFGbazHP.jpgPhóng to
Hoàng Thị Hường cố gắng làm lụng để nuôi ước mơ thành một nhà phiên dịch giỏi - Ảnh: Lâm Hoài

Câu chuyện vượt khó dưới đây của Hường và Đức cũng là câu chuyện chung của 200 tân sinh viên: dù cái nghèo, cái khó có thử thách các bạn như thế nào họ vẫn cứng cỏi vượt lên số phận để tiếp tục đến trường, thực hiện ước mơ của đời mình...

Cô học trò học trộm trong chăn

“Khi sinh ra nào ai có thể lựa chọn rằng mình có thể được ở gia đình này gia đình kia... Thật không may mắn vì quy luật tự nhiên đó đã đưa con đến một mái ấm gia đình có không ít điều ngang trái” - đó là những dòng tâm sự đẫm nước mắt trong lá thư viết tay của cô học trò Hoàng Thị Hường (xã Tân Hòa, huyện Quốc Oai, Hà Nội) gửi đến Tuổi Trẻ.

Tìm về nhà Hường sau những lời trải lòng của cô học trò nghèo, chúng tôi càng thấm thía hơn hết hoàn cảnh nghiệt ngã của cô bé. Hường là con thứ ba trong gia đình sinh con một bề với năm chị em gái. Gia cảnh túng bấn tới mức ngôi nhà bé xíu xây bằng gạch thô vẫn bỏ mặc cho sần sùi, xộc xệch cả chục năm nay vì không có tiền mua ximăng trát vào, nhà cũng không có lấy một tấm ván làm cửa mà che chắn tạm bợ bằng tấm bạt cũ.

Bố Hường là người đàn ông vốn chăm chỉ khi nai lưng ra làm thuê đủ nghề để nuôi sống gia đình. Nhưng sau trong một lần đi bốc gạch thuê ông bị rơi từ giàn giáo xuống đất, từ đó sức khỏe sa sút, không còn sức lao động. Buồn đời ông lao vào rượu chè.

Còn mẹ Hường - bà Hoàng Thị Lại - sức khỏe yếu ớt lại phải gánh vác chuyện mưu sinh của cả nhà. Trong một lần đạp xe 30 cây số ra tận Hà Nội làm tạp vụ lo tiền cho con ăn học, bà bị xe máy đâm vào, đập đầu xuống đường bất tỉnh nhân sự. Sau vụ tai nạn, sức khỏe bà giảm sút nghiêm trọng. Cảnh nhà khó khăn như vậy nên khi biết tin Hường đỗ đại học, hai vợ chồng bà Lại buồn nhiều hơn vui...

Năm chị em Hường cặm cụi vừa làm lụng vừa học hành trong không khí ngột ngạt triền miên đến từ những cơn say của bố, tiếng chửi rủa của mẹ, tiếng cãi cọ của cả hai... Cuộc sống bế tắc đã khiến Hường nhiều phen định bỏ học giữa chừng để đi tìm việc làm kiếm tiền. Trong những dòng thư nghẹn ngào, Hường nói rằng một thời gian dài đã bị trầm cảm và trở nên bất cần đời.

Thế nhưng về sau Hường tự nhận ra rằng càng khốn khó, càng bế tắc càng phải quyết tâm tìm cho mình một lối thoát - đó là học. “Mặc cho những giọt nước mắt lăn dài sau những lời chửi bới của bố mẹ, em chui vào chăn bật đèn pin để học trộm” - trong thư Hường kể lại. Và rồi cô bé thi đỗ vào ngành tiếng Anh kỹ thuật của Trường đại học Bách khoa Hà Nội trong sự ngỡ ngàng của bao người.

“Em yêu thích ngoại ngữ, muốn sau này trở thành một nhà phiên dịch giỏi, em cũng mê khoa học kỹ thuật và sẽ biến ước mơ mình thành hiện thực khi vào học tại Trường đại học Bách khoa...” - chúng tôi xin trích những dòng cuối trong lá thư đầy thương cảm của Hường thay cho lời kết về câu chuyện của cô trò nghèo có nghị lực phi thường này.

1WhyTw6L.jpgPhóng to
Lưu Thị Minh Đức tranh thủ gặt lúa giúp mẹ trước ngày nhập học - Ảnh: Thân Hoàng

Bán thóc vẫn không đủ tiền cho con nhập trường

5g sáng một ngày giữa tháng 9, cánh đồng ở thôn Cam Lâm Đồn, xã Vinh Quang, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc còn vắng vẻ. Một cô gái dáng người mảnh khảnh lội trên bùn ruộng cặm cụi gặt lúa. Cô thỏ thẻ: “Em phải tranh thủ từng tí một, dậy thật sớm để làm mới gặt hết bốn sào ruộng trước ngày nhập học”.

Cô gái ấy là Lưu Thị Minh Đức, tân sinh viên Trường đại học Nông nghiệp Hà Nội. Từ khi sinh ra Đức đã quen với cái nghèo vì mẹ sức khỏe yếu, bố thường xuyên ốm đau. Năm 2007, tai họa ập đến với gia đình khi em trai Đức bị bỏng toàn thân. Bố mẹ Đức phải vay mượn khắp nơi để có tiền đưa con đi viện. Sau gần nửa năm điều trị, em trai Đức ra viện với nhiều thương tật, hằng tháng bố mẹ Đức phải chạy vạy vay tiền khắp nơi để đưa con đi viện tiếp tục điều trị.

Năm 2009, khi mẹ đang đi làm thuê, Đức đang cặm cụi ngoài đồng làm ruộng thì nhận được tin dữ: bố của Đức bị đột quỵ và qua đời tại Hà Nội khi đang đưa cậu con trai lên viện. Kể từ ấy mẹ Đức phải một mình gánh vác gia đình, mọi công việc đồng áng trong nhà đều do một tay Đức quán xuyến. “Mẹ yếu như vậy nhưng vẫn phải dậy từ 3-4 giờ sáng để đạp xe đi tráng bánh thuê. Chiều mẹ lại đạp xe đi khắp xã xem có ai thuê gì làm nấy. Vất vả vậy mà cái ăn cũng không đủ vì mẹ phải vừa làm vừa trả nợ”, Đức rơm rớm nước mắt.

Quanh năm từ vụ mùa đến vụ chiêm, từ trồng ngô đến trồng lạc, cấy lúa, Đức đều một mình tần tảo với bốn sào ruộng. Thỉnh thoảng vào mùa thu hoạch, khi công việc đồng áng của nhà đã xong, Đức còn đi gặt lúa thuê để có thêm một vài trăm ngàn mua sách vở. Bữa rau bữa cháo đắp đổi qua ngày, trong thiếu thốn nghèo khó hai chị em Đức vẫn học rất giỏi. Cả mấy năm cấp III Đức đoạt giải ba môn văn, môn hóa trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh.

Sau khi thi tốt nghiệp THPT, Đức xin mẹ cho xuống Hà Nội thi đại học. Bà Quế Thị Mứt, mẹ của Đức, nuốt nước mắt nói với con: “Hay con đừng đi thi đại học, ở nhà mẹ nhờ người xin cho đi làm công nhân. Mẹ sợ không đủ sức nuôi hai đứa đi học”.

Những người hàng xóm tốt bụng thương hoàn cảnh mấy mẹ con côi cút nghèo khó nên đã gom góp cho Đức tiền xuống Hà Nội thi. Giờ nhận tin con gái đỗ đại học, mẹ Đức mừng mừng tủi tủi: “Giờ bán hết cả bốn sào ruộng cũng chưa đủ tiền đưa con đi nhập trường. Cháu được nhận học bổng của báo Tuổi Trẻ nên không lo học phí nữa. Chỉ mong ông trời cho sức khỏe để tiếp tục làm nuôi con, cho con đi học mới thoát được cảnh nghèo”.

Sáng 22-9 tại Trung tâm biểu diễn nghệ thuật Âu Cơ (Hà Nội), chương trình “Tiếp sức đến trường” 2013 của báo Tuổi Trẻ sẽ trao học bổng cho 200 tân sinh viên vượt khó học giỏi 19 tỉnh, thành phố đồng bằng sông Hồng và Việt Bắc. Tổng kinh phí học bổng 1 tỉ đồng (5 triệu đồng/suất kèm quà tặng) do Giải golf gây quỹ “Tiếp sức đến trường” (Công ty cổ phần phân bón Bình Điền, VTV9 và báo Tuổi Trẻ tổ chức) và Quỹ khuyến học Vinacam tài trợ.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Phải đi tiếp ước mơ...Chương trình “Vì ngày mai phát triển” lần thứ 352Cuộc hội ngộ 150 ý chí vượt khó đất Tây nguyênĐồng vốn của mẹ, tương lai cho con...Tiếp sức đến trường cho 50 tân sinh viên Bình ĐịnhNhững cây xương rồng nở hoaKhông gục ngã

LÂM HOÀI - THÂN HOÀNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên