23/09/2010 07:31 GMT+7

Thiếu điện giữa mùa mưa: Những nguyên nhân quá cũ

Ông Vũ Quang Hải
Ông Vũ Quang Hải

TT - Những nguyên nhân thiếu điện được chủ tịch hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực VN (EVN) Đào Văn Hưng đưa ra (Tuổi Trẻ ngày 22-9) lập tức thu hút sự quan tâm của nhiều người. Tuổi Trẻ đã trao đổi với các chuyên gia và đại biểu Quốc hội về vấn đề này.

* Tiếp tục cúp điện tại 2 thành phố lớn

VwCn8uDm.jpgPhóng to
Công trình kéo điện cho Khu công nghiệp Hiệp Phước (TP.HCM) - Ảnh: T.T.D.

* Ông Đoàn Văn Bình (phó viện trưởng Viện khoa học năng lượng Viện Khoa học và công nghệ VN):

EVN còn nắm quyền chi phối, điện còn thiếu dài dài

Tôi chia sẻ phần nào ý kiến của anh Đào Văn Hưng đối với việc giá điện duy trì thấp đã kìm hãm sức đầu tư. Các khảo sát đều cho thấy giá điện của ta hiện nay thuộc hàng thấp nhất thế giới.

Mấy năm gần đây, tôi thấy cứ tăng giá điện một chút thì người dân nói không chịu được, còn các nhà sản xuất thì kêu giá điện thấp quá không khuyến khích được đầu tư. Hậu quả là thiếu điện ngày càng trầm trọng. Tôi cho rằng vấn đề bây giờ là phải đưa ra được luận cứ thuyết phục, công bằng giữa người bán và người mua, làm sao đó để dân cũng sẵn sàng chi trả và nhà đầu tư thì thấy hấp dẫn.

Nếu tôi là nhà đầu tư thì tôi quan tâm đến cơ chế vận hành, nghĩa là tôi cần biết mình xây nhà máy xong thì sẽ bán điện được với giá bao nhiêu, khi có biến động chẳng hạn như tổng mức tiêu thụ sụt giảm, các nhà máy thủy điện chạy được công suất tối đa thì tôi bán với giá thế nào. Chứ với cách vận hành tù mù như hiện nay, EVN giữ quyền chi phối lớn thì sẽ rất khó, vì giả dụ sản lượng điện của “ông ấy” đủ cung cấp cho thị trường, “ông ấy” không mua của mình nữa thì sao?

"Bộ Công thương một tay quy hoạch phát triển điện, tay kia duyệt quy hoạch phát triển thép, sao lại bảo thiếu điện là do ngành thép phát triển nóng?"

Giá điện chính là cái “nút thắt” cần phải cởi bằng một biện pháp quan trọng là minh bạch hóa thị trường. Tôi tin rằng minh bạch mọi vấn đề thì người dân cũng hiểu và sẵn sàng chi trả mức giá hợp lý, nhiều nhà đầu tư ngoài EVN cũng sẵn sàng bỏ tiền đầu tư sản xuất điện.

Tuy nhiên, tôi cho rằng giá điện không phải là nguyên nhân duy nhất của tình trạng thiếu điện hiện nay. Ở một đất nước mà nhu cầu sử dụng điện mỗi năm tăng 14-15% thì vai trò của quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành điện và việc đảm bảo cho quy hoạch đó khả thi là hết sức quan trọng.

Tổng sơ đồ 6 đã ghi rất rõ kế hoạch xây dựng đối với từng nhà máy, tổ máy nhưng đến thời điểm này có rất nhiều nhà máy không vào đúng tiến độ, thậm chí có nhà máy chưa được khởi công xây dựng mặc dù có trong kế hoạch. Như vậy, giữa nhu cầu đầu tư và khả năng thực hiện có khoảng cách quá lớn. Khi xây dựng tổng sơ đồ 6, chúng tôi đã đưa ra lưu ý với cơ quan chức năng là nếu đầu tư 4 tỉ USD/năm để thực hiện sơ đồ này thì thứ nhất là tiền đâu? Thứ hai là giả sử có tiền để làm thì có đủ năng lực giải ngân hết số tiền đó không? Cả hai câu hỏi đều không tìm được sự trả lời thấu đáo.

Tôi có thể khẳng định rằng nếu cứ để cơ cấu đầu tư trên thị trường điện hiện nay, tức là EVN nắm giữ tới 60% sản lượng điện cung cấp, thì thiếu điện còn dài. Vì với tốc độ tăng trưởng hiện nay thì chỉ 6-8 năm sau nhu cầu sử dụng điện sẽ có quy mô tăng gấp đôi, EVN không thể đủ nguồn vốn, năng lực quản lý để đảm đương được khối lượng công việc khổng lồ như vậy. Cơ cấu hợp lý là EVN 1/3, các nhà đầu tư khác 2/3. Muốn đạt được tỉ lệ này, trước hết cần minh bạch thị trường điện.

* Ông Vũ Quang Hải (đại biểu Quốc hội):

Đề nghị Chính phủ làm rõ

Kỳ họp Quốc hội tháng 6 vừa rồi, nhiều đại biểu Quốc hội đã chất vấn rất quyết liệt Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng về vấn đề thiếu điện. Sau đó, tôi có dịp cùng Ban Dân nguyện làm việc với Bộ Công thương và EVN về vấn đề này. Lúc đó lãnh đạo EVN trả lời y như chủ tịch hội đồng thành viên EVN Đào Văn Hưng trả lời trên báo chí ngày 22-9. Đây là những nguyên nhân đã quá cũ rồi.

Trả lời chất vấn trước Quốc hội, bộ trưởng Bộ Công thương lúc thì nói năm 2009 có khả năng đủ điện, lúc thì nói năm 2010 chắc đảm bảo được nhu cầu, bây giờ chủ tịch hội đồng thành viên EVN cho biết là vẫn thiếu điện, năm 2012 còn thiếu nhiều hơn. Như vậy trách nhiệm quy hoạch và thực hiện quy hoạch điện thuộc về ai? Tại sao hàng loạt nhà máy nhiệt điện không phát điện đúng tiến độ? Tại sao có tình trạng ngành thép, ngành đóng tàu là những ngành “ngốn” nhiều điện tăng trưởng quá nóng? Bộ Công thương một tay quy hoạch phát triển điện, tay kia duyệt quy hoạch phát triển thép, sao lại bảo thiếu điện là do ngành thép phát triển nóng?

Tôi nghĩ rằng Chính phủ cần làm rõ chuyện này, vì trách nhiệm quy hoạch phát triển điện nói riêng và quy hoạch các ngành kinh tế khác nói chung thuộc về Chính phủ, thuộc về Bộ Công thương. Người làm quy hoạch phải cân đối được những cái đó chứ.

Tôi nghĩ rằng giải pháp trước hết là dù thiếu hay thừa điện cũng không thể để EVN nắm độc quyền chi phối ngành điện, nhất là độc quyền phân phối điện. Tại sao các nhà đầu tư khác ngại đầu tư vào điện? Tôi nghĩ đó là vì người ta sợ EVN: lúc thiếu điện thì EVN mua, lúc đủ hoặc thừa thì EVN không mua nữa hoặc mua rất rẻ.

Cuối cùng, trước tình trạng thiếu điện căng thẳng gây tổn hại cho nền kinh tế và đời sống nhân dân, tôi đề nghị Chính phủ làm rõ tại sao thiếu điện triền miên nhiều năm nay, nguyên nhân thì rất cũ nhưng không đưa ra được biện pháp hữu hiệu để khắc phục. Ai phải chịu trách nhiệm về tình trạng này?

Tiếp tục cúp điện tại 2 thành phố lớn

Hà Nội: cắt điện không báo trước

Cận kề đại lễ nhưng gần một tuần nay người dân nhiều khu vực tại quận Cầu Giấy như đường Trần Đăng Ninh, phường Dịch Vọng Hậu, khu giãn dân phường Dịch Vọng, đường Nguyễn Văn Huyên, một số khu vực tại huyện Từ Liêm như Mễ Trì Thượng, Mễ Trì Hạ... bị cắt điện liên miên.

Điện lực Cầu Giấy giải thích việc ngưng cung cấp điện đột xuất từ sáng 21 đến sáng 22-9 là do thanh cái của trạm điện 110 gặp trục trặc. Đến 8g ngày 22-9, sự cố này đã được xử lý. Tuy nhiên, người dân ở khu Mễ Trì Hạ (khu vực gần tòa tháp đôi - Mỹ Đình) phản ảnh việc cắt điện đã diễn ra nhiều ngày nay không hề được báo trước.

Nhiều hộ kinh doanh tại những khu vực bị cắt điện vô cớ này lo lắng. “Tuần sau là đại lễ 1.000 năm mà cứ mất điện suốt thế này, việc kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn. Hơn nữa thời tiết Hà Nội những ngày này trở nên nắng nóng” - chị Nguyễn Minh Trang, nhà gần chợ Mễ Trì Hạ, phàn nàn.

Trước đó, theo Trung tâm điều độ thông tin của Tổng công ty Điện lực Hà Nội, từ ngày 27-9 đến hết dịp đại lễ, công ty sẽ không sửa chữa bất cứ đường dây nào, không cắt điện điều tiết của khu vực nào trên địa bàn Hà Nội để đảm bảo điện phục vụ các hoạt động nhân dịp Hà Nội 1.000 năm.

beJttNXI.jpgPhóng to
Do bị mất điện liên tục, nhân viên một văn phòng trên đường Trần Quang Khải, P.Tân Định, Q.1 phải đốt nến làm việc trên máy tính sử dụng pin - Ảnh: Thuận Thắng

TP.HCM: một ngày cúp điện 8 lần

Người dân, các hộ sản xuất kinh doanh trên nhiều tuyến đường khác nhau thuộc phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân cho biết năm ngày qua ngày nào ở khu vực này cũng bị cắt điện đột ngột không báo trước. Riêng trong ngày 21-9 đường Gò Xoài, đường số 8 (phường Bình Hưng Hòa A), hương lộ 80 (xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh) bị cúp điện đến tám lần và cúp cả ban đêm. Ngày 22-9 các khu vực trên tiếp tục bị cúp điện hai lần. Ngoài ra, tình trạng cúp điện còn lan rộng tại các phường xã ở quận 7, Nhà Bè, Thủ Đức... Anh Phương - chủ một doanh nghiệp chuyên sản xuất quần áo ở quận Bình Tân - nói: “Điện lúc cúp lúc có như nhảy disco một ngày tám lần, máy móc phải “nhảy” theo, làm sao chịu nổi?”. Chị Chánh, hộ dân trên đường Gò Xoài, phân tích: “Chúng tôi thấy mất bình đẳng trong việc cung cấp điện. Tại sao chúng tôi lại bị cắt điện thường xuyên trong khi một số khu vực lân cận không bị cắt?”. Việc cắt điện nhiều nơi, nhiều khu vực không dừng lại ở lịch thông báo trước (5 giờ/ngày/tuần) mà còn bị cắt chồng chéo, cắt liên tục do hệ thống sa thải tự động không kiểm soát về mặt thời gian.

Theo Tổng công ty Điện lực TP.HCM, hiện nguồn cung cấp điện không đáp ứng đủ nhu cầu phụ tải dẫn đến hệ thống tự động sa thải theo tần số (F.81) nhằm đảm bảo an toàn và ổn định cho hệ thống điện quốc gia. Vì vậy một số khu vực trên địa bàn TP.HCM bị hệ thống F.81 sa thải tự động gây gián đoạn cung cấp điện vào nhiều khoảng thời gian khác nhau, đặc biệt vào giờ cao điểm sáng và chiều.

Một cán bộ lãnh đạo kỹ thuật tại một công ty điện lực trung tâm trực thuộc Tổng công ty Điện lực TP.HCM cho biết một số khu vực trung tâm có bị hệ thống F.81 sa thải tự động nhưng không nhiều, chủ yếu các khu vực bị ảnh hưởng nhiều là các quận huyện vùng ven. Trong ba tuần qua (từ ngày 6-9 đến nay) đã có hai tuần khu vực Bình Tân, Bình Chánh, Thủ Đức... bị sa thải điện liên tục nhiều lần, nhiều ngày trong tuần.

Tin bài liên quan:

Đừng trông mong mãi vào thủy điệnCúp điện giữa mùa mưa7 ngày tới, hồ thủy điện vẫn “khát” nướcThủy điện vẫn chờ nướcMong mưa, chờ lũThiếu nước, điện phập phùĐề nghị bỏ 38 dự án thủy điệnSông Bồ cạn vì hạn và thủy điệnChủ đầu tư muốn biến rừng thành... rẫyBị tái định cư trong rừng đặc dụngThủy điện gây sạt lởThủy điện “đuổi” dân chạy dàiSống chung với nước biển dângThủy điện sống cầm chừngThiếu nước, thủy điện Sơn La có kịp phát điện?

Ông Vũ Quang Hải
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên