22/09/2010 07:31 GMT+7

Thiếu điện do giá điện thấp?

CẦM VĂN KÌNH ghi
CẦM VĂN KÌNH ghi

TT - Trao đổi với báo chí những vấn đề liên quan đến chuyện thiếu điện, ông Đào Văn Hưng - chủ tịch hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực VN (EVN) - nói: "Đó là một trong những hậu quả của giá điện thấp".

xmXI9MOE.jpgPhóng to
Phòng điều khiển trung tâm thủy điện Hòa Bình luôn căng thẳng do tình trạng thiếu nước - Ảnh: C.V.K.
Theo bạn tình trạng thiếu điện hiện nay là do:
Triển khai nhiều nhà máy điện bị chậm Biến động của thời tiết Việc quản lý của ngành điện chưa hiệu quả Hậu quả của giá điện thấp Nguyên nhân khác
9cC7ZjH1.jpgPhóng to
Ông Đào Văn Hưng

* EVN đang bàn với Bộ Công thương về giá điện. Quan điểm năm nay điện cần tăng giá tiếp khoảng 7-10%?

- Đợt thiếu điện mùa khô vừa qua, EVN lỗ 5.000-6.000 tỉ đồng. Hiện EVN đang họp với Bộ Công thương về giá điện năm 2011. Chưa thể khẳng định mức giá sẽ tăng bao nhiêu nhưng theo tôi, cần kiên trì giá điện theo hướng thị trường. Các nước họ tính bậc thang rất sát nhau, người chỉ dùng hết 10kWh đầu có thể họ cho không, nhưng từ kWh thứ 11 trở đi họ phải tính đủ để bù. Giá điện cần tiến tới giá thị trường vì gần như tất cả các mặt hàng khác đã theo giá thị trường. Ta cứ neo giá điện lại sẽ tạo ra điểm trũng, có thể khuyến khích công nghệ tiêu tốn năng lượng vào VN, tiếp tục gây thêm khó khăn cho hệ thống.

Ông Đào Văn Hưng nói:

- Việc thiếu điện hiện nay có nhiều nguyên nhân, nhưng đó là một trong những hậu quả của giá điện thấp. Bây giờ thấy rõ năm 2012 sẽ rất thiếu điện nhưng không làm gì được, vì muốn có điện phải chuẩn bị 5-7 năm, từ vốn, khảo sát, thi công...

Nếu chúng ta cho giá điện theo thị trường sớm hơn, đầu tư vào điện nhiều hơn, khó khăn bây giờ sẽ bớt đi. Vừa qua chúng tôi có ý kiến về cung ứng điện cho các nhà máy thép ngoài quy hoạch, bên Hiệp hội Thép có ý kiến lại. Đó là việc bình thường nhưng theo tôi, VN đang thừa thép, thế mà nhiều nhà máy thép vẫn vào VN làm rồi bán ra nước ngoài, điều này chỉ là tận dụng giá điện rẻ chứ còn gì nữa?

Nếu giá điện cho các nhà máy thép khoảng 5.000 đồng/kWh liệu họ có đầu tư sản xuất ở VN nhiều như thế không? Việc tiêu thụ điện nhiều sẽ tạo gánh nặng đầu tư và thiếu điện rất lớn mà tất cả chúng ta phải chịu chứ không phải chỉ EVN.

* Thưa ông, thời gian qua nhiều địa phương đã bị cắt điện. Trung tâm điều độ hệ thống điện miền Nam cũng cho biết có ngày phải cắt 2.000MW. Như vậy, gần như đã cắt điện luân phiên rồi...

- Theo tôi thì chưa đến mức ấy. Trong biểu đồ thể hiện nhu cầu điện của hệ thống hiện nay đúng là có nhiều ngày, vào lúc cao điểm, nhu cầu tăng cao quá, vượt khả năng cung ứng của hệ thống từ 5-10%. Vì vậy, buộc phải cắt điện cục bộ một số nơi, nếu không hệ thống không chịu nổi. Sắp tới nếu nước về nhiều thì tình hình sẽ được cải thiện.

* Như vậy, nếu nước vẫn không về thì khả năng sắp tới phải cắt điện rộng hơn là khó tránh khỏi?

- Cái này chưa thể khẳng định được. Tuy nhiên, cuối tháng 9 chúng tôi sẽ phải có văn bản gửi Bộ Công thương hoạch định các phương án. Không đến mức cắt điện luân phiên nhưng nếu nước vẫn không về sẽ phải yêu cầu các nhà máy thép, ximăng... tiêu thụ điện lớn tính toán chuyển thời điểm sản xuất cho phù hợp. Hiện hai hộ tiêu thụ điện này chiếm tỉ trọng tiêu dùng điện không nhỏ, riêng thép đang sử dụng khoảng 1.900MW, ximăng khoảng 1.500MW (một tổ máy nhiệt điện hiện nay chỉ khoảng 300MW). Bên cạnh đó, theo tôi, với tình hình hạn hán thế này, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng cần chủ động với những phương án chống hạn do các hồ thủy điện khó khăn trong việc xả nước phục vụ nông nghiệp trong mùa khô tới.

* Thưa ông, nhiều chuyên gia cho rằng thiếu điện do EVN chú trọng đầu tư thủy điện để có giá rẻ nên phụ thuộc vào chuyện “mưa nắng”. Nếu chúng ta chú trọng đầu tư nhiệt điện tương xứng thì không xảy ra chuyện này?

- VN có nhiều nguồn năng lượng như than, khí, dầu. Nhưng nó đều hữu hạn. Than đến năm 2015 phải nhập khẩu. Chúng tôi bỏ ra trên 1 tỉ USD làm một nhà máy nhiệt điện, thực tế thì các nước mà ta đàm phán mua than chỉ cam kết cung ứng cho ta thời gian tối đa ba năm. Nghĩa là những năm sau nhà máy lại có nguy cơ hoạt động cầm chừng, không phát được điện nếu không mua được than hoặc mua chậm. Khí đốt cũng vậy, VN có khí nhưng chỉ khoảng trên 10 năm sau nữa ta sẽ phải nhập.

Lúc đó, với khoảng cách vận chuyển vài ngàn kilômet, liệu chúng ta có chịu nổi giá thành không? Đầu tư một nhà máy không thể chỉ để hoạt động 5-10 năm rồi bỏ được, như thế quá lãng phí. Chúng ta có tiềm năng thủy điện, ưu tiên đầu tư thủy điện theo tôi là đúng. Thủy điện mỗi năm sản xuất khoảng 40 tỉ kwh, tiết kiệm được 20 triệu tấn than, đỡ rất lớn về đầu tư và môi trường. Nay gặp hạn hán lại nói chúng ta đầu tư nhiều thủy điện, dẫn đến bị phụ thuộc là đúng. Nhưng theo tôi, làm nhiệt điện chúng ta sẽ phải đối mặt nhiều nguy cơ hơn về lâu dài.

* Tỉ lệ đầu tư cho nhiệt điện của EVN là bao nhiêu, thưa ông? EVN có ưu tiên đầu tư nhiệt điện để bớt phụ thuộc vào thiên nhiên?

- Đến nay, những địa điểm có thể làm nhà máy thủy điện lớn cơ bản không còn, chỉ duy nhất thủy điện Lai Châu là lớn và chúng ta sẽ phải làm. Những năm gần đây, chúng ta cũng chú trọng đầu tư mạnh cho nhiệt điện, đã có trung tâm nhiệt điện được đầu tư với quy mô công suất gấp đôi thủy điện Sơn La. Cơ cấu nguồn điện của VN tới đây sẽ chủ yếu phát triển nhiệt điện vì thủy điện muốn làm cũng không làm được nữa. Nhưng đầu tư nhiệt điện có hai vấn đề, đó là vốn quá lớn. Vừa rồi đầu tư nhiệt điện Duyên Hải 1 vốn cần 1,6 tỉ USD, không có ngân hàng trong nước hay đại diện ngân hàng nước ngoài ở VN nào thu xếp vốn nổi. Vấn đề thứ hai, làm một nhà máy hoạt động 30 năm mà anh chỉ đảm bảo nguyên liệu được ba năm thì nói thật, nhiều lúc nghĩ không dám làm.

Ngày 21-9, ông Đào Văn Hưng - chủ tịch hội đồng thành viên EVN - chính thức công nhận do hạn hán khốc liệt nên khả năng cung ứng điện so với nhu cầu lại hụt 5-10% như một số thời điểm căng thẳng hồi tháng 6 và 7-2010.

Ông Hưng cho biết nhiều năm thủy điện Hòa Bình phát được trên 10 tỉ kWh. Năm nay hạn hán, kế hoạch chỉ đưa ra mục tiêu phát 8,5 tỉ kWh nhưng đến nay phải giảm xuống. Ông Nguyễn Văn Thành, giám đốc Nhà máy thủy điện Hòa Bình, so sánh: mọi năm thời điểm này nước lũ về hồ Hòa Bình rất đục, năm nay nước vẫn đang xanh, đẹp như... nước biển ở Bạch Long Vĩ.

“Chúng tôi chuẩn bị tất cả để phát điện nhưng nước không về. Năm 2009 thủy điện Hòa Bình phát được 42 triệu kWh/ngày, năm nay chỉ phát khoảng 32 triệu kWh/ngày. Việc phát điện năm 2010 đã thấp hơn 2009 trên 1,4 tỉ kWh”. Đến nay cơ bản đã hết mùa lũ nhưng theo ông Thành, hồ Hòa Bình chưa nhận được cơn lũ tiểu mãn nào. “Đây là lần đầu tiên trong 23 năm vận hành thủy điện Hòa Bình, chúng tôi không hề phải mở cửa xả lũ” - ông Thành nói.

Theo số liệu của EVN, trong năm 2010 đã có một số trận bão nhưng mưa chủ yếu ở biển và hạ du nên nước hồ Hòa Bình thấp hơn năm 2009 tới 12m. Theo số liệu quan trắc trong 106 năm (kể từ năm 1903) cho thấy sau thời điểm 20-9 gần như không còn cơn lũ nào đủ lớn cho lưu lượng nước về hồ với khoảng 4.000 m3/giây. Trong khi đó, hồ này lại bắt đầu phải tích nước cho mùa khô sang năm, việc phát điện vẫn phải cầm chừng.

Theo ông Đào Văn Hưng, thiếu nước không phải cá biệt với hồ Hòa Bình, EVN có 17 hồ chính trên cả nước thì đa số đều ở tình trạng khó khăn. Các hồ phía Nam cũng chưa có lũ về, nhiều hồ ở mực nước chết. Trong khi đó, thủy điện đang chiếm 6.500MW công suất trên tổng số 16.000-17.000MW công suất khả dụng của toàn hệ thống. “Chúng tôi nhận định đây là thảm họa trong ngành. Không thể cứu vãn được với thiên tai thế này” - ông Hưng đánh giá. Ông còn cho biết tình hình hiện tại khiến EVN rất lo khả năng phát điện năm 2011.

Ông Vũ Đức Thìn, ủy viên hội đồng thành viên EVN, nêu một nguy cơ khác: do nước hồ Hòa Bình thấp nên việc vận chuyển thiết bị siêu trường, siêu trọng cho tổ máy số 2 thủy điện Sơn La có thể bị chậm lại. Vì vậy, khả năng phát điện thủy điện Sơn La có thể bị ảnh hưởng, tiếp tục gây căng thẳng cho việc cung ứng điện các năm tiếp theo.

Tin bài liên quan:

Đừng trông mong mãi vào thủy điệnCúp điện giữa mùa mưa7 ngày tới, hồ thủy điện vẫn “khát” nướcThủy điện vẫn chờ nướcMong mưa, chờ lũThiếu nước, điện phập phùĐề nghị bỏ 38 dự án thủy điệnSông Bồ cạn vì hạn và thủy điệnChủ đầu tư muốn biến rừng thành... rẫyBị tái định cư trong rừng đặc dụngThủy điện gây sạt lởThủy điện “đuổi” dân chạy dàiSống chung với nước biển dângThủy điện sống cầm chừngThiếu nước, thủy điện Sơn La có kịp phát điện?

CẦM VĂN KÌNH ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên