Phóng to |
Bà Nguyễn Thị Châu đến đóng góp cho chương trình “Chung sức...” - Ảnh: T.Trung |
Như bà Đặng Thị Huyền (75 tuổi, P.Tân Phong, Q.7, TP.HCM) đã nhờ cháu chở đến tòa soạn báo Tuổi Trẻ từ sáng sớm đóng góp 3 triệu đồng cho chương trình từ tiền lương hưu của hai vợ chồng. Bà tâm sự: “Đây chỉ là chút gọi là, nhưng mỗi người một chút thì nước mình sẽ vững vàng hơn”. Hay như ông Hữu Chơn, một cộng tác viên quen thuộc của báo Tuổi Trẻ, cứ mỗi lần nhận nhuận bút liền vội vàng vào đóng cho chương trình. Số tiền mỗi lần tuy không lớn, nhưng ông Chơn nói rằng sức mạnh đất nước sẽ có được từ đóng góp của mỗi người dân.
Chuyện của người bán vé số
35.792.802.764 đồnglà số tiền bạn đọc đóng góp và hưởng ứng chương trình “Chung sức bảo vệ chủ quyền biển Đông” tính đến 17g ngày 13-6-2014. Trong hai ngày 12 và 13-6 số tiền là 347.610.700 đồng. * Ngày 12-6, chương trình đã trao sổ tiết kiệm cho 30 gia đình cảnh sát biển khó khăn đang làm nhiệm vụ tại Hoàng Sa (20 triệu đồng/gia đình): 600 triệu đồng, hỗ trợ vốn cho 15 tàu ngư dân đang làm nhiệm vụ tại Hoàng Sa (50 triệu đồng/tàu): 750 triệu đồng, tặng thuyền thúng composite cho 15 tàu của ngư dân (6,2 triệu đồng/thuyền): 93 triệu đồng, trao tặng Vùng cảnh sát biển 2: 50 triệu đồng), Chi đội kiểm ngư số 3: 50 triệu đồng, 110 ngư dân quận Thanh Khê (Đà Nẵng): 71 triệu đồng. Tính đến ngày 13-6, báo Tuổi Trẻ đã triển khai hỗ trợ các hoạt động với số tiền 26.004.080.000 đồng. |
“Đau đớn lắm. Coi báo đài thấy tàu mình bị ức hiếp, ruột gan tui như thắt lại, nhiều đêm tui không ngủ nổi” - bà Nguyễn Thị Châu (56 tuổi, TP Phan Thiết) đã nghẹn ngào chia sẻ khi đem 600.000 đồng đến tòa soạn Tuổi Trẻ tại TP.HCM đóng góp cho chương trình “Chung sức bảo vệ chủ quyền biển Đông”.
Chuyện đời của bà khiến người nghe rơi nước mắt. Bà không lập gia đình, bao nhiêu năm nay lủi thủi một mình, khi bán vé số, khi bán trái cây lề đường, khi làm “thợ đụng”, ai thuê gì làm nấy sống qua ngày. “Hồi trước tui bán vé số gần Công an P.9, Q.6 trong Sài Gòn mấy chục năm, nhưng giờ chân bị khớp đi lại không được nữa nên ra Phan Thiết bán trái cây lề đường gần chợ Phan Thiết gần nửa năm rồi”, bà kể. Hàng trái cây nhỏ xíu của bà bữa lời bữa lỗ, mỗi ngày cắc củm chỉ 50.000-70.000 đồng. Tiền bạc chẳng có nên mấy tháng đầu đến đây bà ăn ngủ ở vỉa hè, rồi có người dân thương tình hằng ngày cho vào nhà thờ họ để ngủ.
Khi nghe hỏi về người thân, giọng bà như nghẹn lại: “Nhắc đến chiến tranh tui sợ lắm. Lúc tui 14-15 tuổi, cả nhà đang quây quần nấu cơm thì giặc Mỹ đánh bom. Chín người nhà tui, các chị, cậu mợ chết cả. Chính tay tui đi gom thi thể họ”. Cuộc sống khó nhọc nhưng không ngày nào bà không mua báo đọc, tin tức về biển Đông không ngày nào bà bỏ sót. Bà kể đã biết chương trình chung sức lâu rồi nhưng chưa có tiền để góp liền. Dành dụm nhiều ngày bà mới gom góp được một ít tiền, dự định gửi qua ngân hàng đến chương trình. Nhưng hôm nay người bà con gọi về Sài Gòn đi chùa Bà ở Tây Ninh, bà tranh thủ đi mấy chuyến xe buýt đến góp luôn. Ngồi lại một chút bà đã nhấp nhổm bảo phải đi sớm để kịp đón chuyến xe về Phan Thiết. Bà cười: “Làm xong việc này là tui thấy nhẹ lòng nhiều rồi. Giờ mọi thứ chỉ còn trông cậy vào các chiến sĩ ở ngoài kia”.
Phóng to |
Đại diện Đoàn P.Tân Thới Hiệp, Q.12, TP.HCM đóng góp 13,1 triệu đồng cho chương trình “Chung sức...” - Ảnh: T.Đạm |
Gửi tấm lòng đến biển
“Số tiền 10 triệu đồng tuy không nhiều, nhưng thông qua báo Tuổi Trẻ chúng tôi muốn gửi một ít tấm lòng đến các chiến sĩ, ngư dân yên tâm làm nhiệm vụ của mình” - bà Võ Thị Hồng Hạnh, đại diện Sở Khoa học - công nghệ tỉnh Lâm Đồng, đã chia sẻ như vậy khi trao tiền ủng hộ chương trình “Chung sức bảo vệ chủ quyền biển Đông” cho đại diện báo Tuổi Trẻ. Bà Hạnh cho biết hiện công đoàn ngành đang có một chiến dịch quyên góp ủng hộ chương trình “Hướng về Trường Sa” do UBND tỉnh Lâm Đồng kêu gọi, nhưng anh em trong sở đã kêu gọi nhau “thêm một chút lòng” cho chương trình của báo Tuổi Trẻ.
Cũng kêu gọi nhau gửi tình cảm cho biển đảo, chiều 12-6 tại cuộc họp giao ban thường kỳ của bệnh viện, tập thể ban giám đốc Bệnh viện phụ sản Mekong (TP.HCM) cùng các bác sĩ, cán bộ công nhân viên đã cùng nhau đóng góp mỗi người một ngày lương để ủng hộ 100 triệu đồng “chung sức” với các lực lượng đang ngày đêm giữ biển. “Chúng tôi rất khâm phục tinh thần quả cảm của cán bộ chiến sĩ và ngư dân đang ngày đêm bám biển để bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Chúng tôi xác định bệnh viện cũng là hậu phương, là nguồn cổ vũ, động viên về mặt tinh thần cũng như vật chất cho các lực lượng thực thi pháp luật trên biển và ngư dân... Vì vậy, ban giám đốc và cán bộ công nhân viên bệnh viện xin đóng góp một chút vật chất và gửi tấm lòng mình đến cán bộ chiến sĩ và ngư dân để động viên, chia sẻ” - ông Nguyễn Văn Ảnh, phó giám đốc Bệnh viện phụ sản Mekong, bày tỏ như vậy.
Còn Đoàn khối các cơ quan tỉnh Đắk Nông đã tổ chức chương trình hướng về biển đảo quê hương. Hơn 1.200 đoàn viên, thanh niên tập trung về Nhà văn hóa Lao động tỉnh để tham dự chương trình. Hàng trăm đoàn viên thanh niên đã xếp hình chữ S non sông, thể hiện hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam. Bài quốc ca, đoàn ca với quốc kỳ và cờ Đoàn tung bay hòa với điệu nhạc âm vang tạo nên một không khí hùng tráng cho buổi lễ. Và tại buổi lễ này, đoàn viên thanh niên đã quyên góp được hơn 57 triệu đồng gửi chương trình “Chung sức bảo vệ chủ quyền biển Đông” với lời nhắn gửi chúc sức khỏe và niềm tin chiến thắng đến những lực lượng đang làm nhiệm vụ trên biển.
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Hỗ trợ vốn 150 ngư dân khó khăn Quảng NamThêm 100 triệu đồng ủng hộ chiến sĩ hải quânDanh sách bạn đọc hưởng ứng tại các VPĐD báo Tuổi Trẻ đến 6-6Ủng hộ để dân mình ra khơiCó tiền vá lưới lại ra khơiLuôn có hàng triệu trái tim sát cánh cùng ngư dânHậu phương vững vàng để kiểm ngư viên dũng cảm vượt sóng
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận