Phóng to |
Anh Mai Hữu Quyết, Đoàn cơ sở văn phòng UBND TP.HCM, góp ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 - Ảnh: Minh Đức |
Các ý kiến tại buổi tọa đàm tập trung xoay quanh các điều khoản liên quan đến cơ cấu, tổ chức chính phủ, chính quyền địa phương, đặc biệt là vấn đề bảo hiến.
Anh Mai Hữu Quyết, Đoàn thanh niên Văn phòng UBND TP.HCM, bày tỏ sự đồng tình cao đối với những quy định trong điều 120 về Hội đồng Hiến pháp. “Trước đây, hầu như tất cả những bộ luật, văn bản mà Quốc hội ban hành đều không có cơ quan nào giám sát, với dự thảo này thì đã có sự giám sát của Hội đồng Hiến pháp. Tuy nhiên theo quy định của điều 120 tôi vẫn có cảm giác Hội đồng Hiến pháp còn lệ thuộc nhiều vào Quốc hội, bởi Hội đồng Hiến pháp là do Quốc hội thành lập. Do vậy, tôi mong muốn chúng ta tiến tới một bước nữa để khẳng định sự độc lập của Hội đồng Hiến pháp. Liên hệ với các nước khác thì tòa án hiến pháp của họ hoạt động hoàn toàn độc lập trong việc giám sát các văn bản của Quốc hội” - anh Quyết nói.
Đồng tình với quan điểm này, anh Lê Anh, Đoàn Sở Y tế TP, cho rằng: “Nếu giữ lại Hội đồng Hiến pháp và để cơ quan này hoạt động thật sự độc lập, hiệu quả thì phải trao thêm quyền cho hội đồng này”.
Anh Lê Văn Dương, Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM, góp ý: “Điều 123 dự thảo sửa đổi Hiến pháp khẳng định “Hiến pháp là luật cơ bản của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có hiệu lực pháp lý cao nhất. Mọi văn bản pháp luật khác phải phù hợp với Hiến pháp. Mọi hành vi vi phạm Hiến pháp đều bị xử lý”. Thế nhưng lại không nói rõ cơ quan nào có trách nhiệm, quyền hạn xử lý những hành vi vi hiến đó. Thời gian vừa qua, rất nhiều cơ quan ban hành văn bản trái với Hiến pháp nhưng không thấy bị xử lý, cùng lắm chỉ là rút lại văn bản mà thôi. Như vậy là chưa rạch ròi, chưa sòng phẳng. Tôi đề nghị cần phải làm rõ vấn đề này, cụ thể là trao quyền bảo hiến cho Hội đồng Hiến pháp”.
Về quy định liên quan đến Hội đồng Bầu cử quốc gia trong điều 121, nhiều đại biểu băn khoăn khi Hội đồng Bầu cử quốc gia do Quốc hội thành lập, nhiệm vụ chỉ là tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội, hướng dẫn công tác bầu cử HĐND các cấp. Trong khi đó, nhiệm kỳ của Quốc hội và HĐND là năm năm. Như vậy, các đại biểu đặt vấn đề trong thời gian không có hoạt động bầu cử thì hội đồng này sẽ làm gì, hoạt động như thế nào, có cần thiết phải thành lập hội đồng này hay không.
Ngoài ra, các đại biểu cũng tiếp tục đề nghị Hiến pháp phải ghi nhận vai trò của các tổ chức đoàn thể với lập luận: hệ thống chính trị của nước ta gồm ba nhánh: Đảng - Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể - Hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước. Do vậy, Hiến pháp cần bổ sung một chương mới về Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể và các tổ chức chính trị xã hội, trong đó nói rõ về vai trò, vị trí, nhiệm vụ của từng tổ chức. Như vậy, Hiến pháp sẽ bao quát hơn và phản ánh được đầy đủ nguyện vọng ý chí của các tầng lớp nhân dân.
Quốc hội chất vấn Đảng? Đó là đề xuất của ông Nguyễn Sỹ Cương - ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội - tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách góp ý về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 ngày 14-3. Theo ông Cương, để đảm bảo nguyên tắc quyền lực phải được “kiểm soát” đã ghi nhận trong dự thảo lần này, cũng như để đảm bảo thực hiện được quy định Đảng chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình, nhân dân giám sát hoạt động của Đảng thì cần bổ sung cơ chế lãnh đạo của Đảng trả lời chất vấn trước Quốc hội, trước cơ quan dân cử. “Nếu không bổ sung cơ chế này thì nội dung ghi tại điều 4 rất khó đảm bảo được thực hiện. Vì công tác nhân sự, rồi khi xây dựng pháp luật, những vấn đề lớn đều phải xin ý kiến của Đảng và do Đảng quyết định. Tất nhiên, với tính chất đại biểu Quốc hội phần lớn là kiêm nhiệm, cơ chế phân quyền chưa rõ ràng thì cũng khó tiến hành chất vấn trách nhiệm của Đảng trước Quốc hội. Nhưng dù khó chúng ta cũng phải nghiên cứu để thực hiện” - ông Cương đề nghị. Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Công Hồng đề nghị trong dự thảo cần quy định rõ nội dung: “Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân và chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình theo quy định của luật”. “Hiến pháp năm 1992 là Hiến pháp của thời kỳ đổi mới. Vậy Hiến pháp lần này phải mang trong nó chủ thuyết là xây dựng Nhà nước pháp quyền” - phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền bày tỏ. Về cơ chế bảo hiến, ông Quyền khẳng định trên thực tế chúng ta đã có cơ chế bảo hiến rồi, nó nằm trong vai trò, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan có chức năng giám sát, kiểm tra, thanh tra nhưng việc tổ chức thực hiện lại chưa rõ. “Tòa án hiến pháp, hội đồng bảo hiến chỉ phát huy tác dụng ở các nước có nhiều đảng phái. Tức là khi xuất hiện tranh giành giữa các đảng phái, giữa các nhóm quyền lực thì lúc đó tòa án hiến pháp sẽ đứng ra phân giải. Vậy ở ta, tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân thì có cần một thiết chế hay không?” - ông Quyền nói. Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 sẽ được tiếp tục biên tập, hoàn thiện để trình Quốc hội sau hội nghị này, đặc biệt là sau khi các cơ quan, tổ chức gửi báo cáo tổng kết việc lấy ý kiến nhân dân tới Ủy ban dự thảo. LÊ KIÊN |
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Tiếp thu ý kiến góp ý Hiến pháp đến tháng 10Chính quyền đô thị không chỉ dành riêng TP.HCMTổ chức chính quyền địa phương theo thực tế cuộc sốngVẫn nhận ý kiến góp ý Hiến pháp khi đã có báo cáoPhải thật sự lắng nghe dânTập hợp ý kiến phải dân chủ, khách quanCần nhấn mạnh hơn nghĩa vụ công dânỦy ban Thường vụ Quốc hội được phê chuẩn miễn nhiệm bộ trưởng?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận