08/07/2016 11:21 GMT+7

Trung Quốc lại “dằn mặt” Mỹ trước phán quyết của PCA

ANH THƯ
ANH THƯ

TTO - Trước thềm phán quyết của Tòa trọng tài thường trực (PCA) về vụ kiện của Philippines, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị điện đàm với người đồng cấp John Kerry, cảnh báo Washington không nên có động thái gây tổn hại cho an ninh và chủ quyền của Trung Quốc.

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tại cuộc gặp ngày 7-7 - Ảnh: Reuters
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tại cuộc gặp ngày 7-7 - Ảnh: Reuters

Trong cuộc điện đàm được Tân Hoa xã đưa tin ngày 6-7, ông Vương Nghị đã lặp đi lặp lại việc Trung Quốc từ chối thẩm quyền phán quyết của PCA về vụ kiện của Philippines.

“Trò hề của PCA”

Ngoại trưởng Trung Quốc kêu gọi “Mỹ nên tôn trọng cam kết của mình là không đứng về phe nào trong các vấn đề liên quan đến tranh chấp chủ quyền, phải thận trọng với những hành động và lời nói của mình, và không thực hiện bất kỳ hành động xâm phạm chủ quyền và lợi ích an ninh của Trung Quốc”, đồng thời nhấn mạnh: “Trò hề của PCA nên đi đến hồi kết thúc”.

Bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc còn mạnh miệng tuyên bố rằng bất kể phán quyết của PCA là gì thì Bắc Kinh sẽ “bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ và hàng hải hợp pháp của mình, bảo vệ sự hòa bình và ổn định”.

Trung Quốc thường xuyên đổ lỗi cho Mỹ khi cáo buộc Washington có những hoạt động làm phức tạp thêm tình hình tại Biển Đông, nơi đang diễn ra những tranh chấp lãnh thổ chồng chéo của các quốc gia trong khu vực.

Chính quyền Bắc Kinh còn cáo buộc Mỹ quân sự hóa tuyến đường thủy trong khu vực bằng quyền tự do tuần tra hải quân của nước này, đặc biệt là xung quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc tiến hành cải tạo và bồi đắp trái phép.

Ngược lại, Washington cũng bày tỏ quan ngại trước việc Trung Quốc ngang nhiên xây dựng các cơ sở quân sự trên các đảo mà nước này kiểm soát trái phép trên Biển Đông.

Mỹ có thể tăng cường tuần tra hải quân

Reuters cho biết Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định ông Kerry đã có một cuộc điện đàm với ông Vương nhưng không cung cấp thông tin chi tiết.

“Cả hai đã thảo luận về các vấn đề liên quan đến lợi ích chung của hai nước. Chúng tôi không có ý định đi vào chi tiết cuộc đối thoại ngoại giao riêng tư này” - nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Gabrielle Price nói.

Trong khi đó, các quan chức Mỹ nói rằng Washington nên phản ứng nếu Trung Quốc thực hiện đúng những tuyên bố mạnh miệng của nước này về việc phớt lờ phán quyết của PCA.

Theo đó, các phản ứng nên bao gồm cả việc tăng cường những cuộc tuần tra tự do hàng hải trên một tuyến đường giao thương quan trọng của thế giới gần các đảo Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố chủ quyền.

Phán quyết của PCA vào ngày 12-7 cũng làm tăng lo ngại về một cuộc đối đầu trong khu vực.

Vốn tức giận với các cuộc tuần tra của Mỹ tại Biển Đông trong những tháng gần đây, hôm 5-7 Trung Quốc đã tiến hành một cuộc tập trận quân sự ở khu vực này.

Các quan chức Mỹ lo ngại Trung Quốc có thể phản ứng với phán quyết của PCA bằng cách tuyên bố một khu vực nhận dạng phòng không ở Biển Đông như nước này từng làm đối với biển Hoa Đông hồi năm 2013, cũng như sẽ đẩy mạnh xây dựng và cải tạo trái phép các đảo nhân tạo.

Giải quyết tranh chấp tại Biển Đông một cách hòa bình

Theo Reuters, tại cuộc họp báo sau cuộc gặp với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị ở Bắc Kinh ngày 7-7, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon nhấn mạnh Trung Quốc cần giải quyết những khác biệt trong tranh chấp tại Biển Đông một cách hòa bình.

Trong khi đó, Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) thì cho hay trong suốt cuộc gặp với ông Ban Ki Moon, ông Vương đã gọi việc Philippines đơn phương khởi kiện lên tòa trọng tài là bất hợp pháp và vi phạm luật pháp quốc tế.

Bộ máy tuyên truyền hoạt động hết công suất

Đài CNBC của Mỹ nhận định từ những tuyên bố chính thức đến các bài xã luận trên báo đài chính thống, Trung Quốc đang huy động tất cả nguồn lực hòng lôi kéo sự ủng hộ và bảo vệ các luận điệu của mình về chủ quyền vô lý trên Biển Đông.

Lần gần đây nhất là vào ngày 6-7, trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Mỹ John Kerry, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã nhắc đi nhắc lại chuyện Bắc Kinh bác bỏ thẩm quyền giải quyết của PCA đối với cái gọi là chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông.

Trước đó một ngày, ngay tại thủ đô Washington của Mỹ, cựu ủy viên Quốc vụ Trung Quốc, nhà ngoại giao chuyên nghiệp Đới Bỉnh Quốc đã ngang ngược xuyên tạc lịch sử chủ quyền các đảo trên Biển Đông.

Ông Đới thậm chí còn dùng một từ vốn chẳng thích hợp với một nhà ngoại giao kỳ cựu như ông khi gọi phán quyết sắp tới của PCA “chỉ là tờ giấy lộn không hơn không kém”.

Được biết, ông Đới Bỉnh Quốc được mời tới hội nghị Đối thoại vấn đề Biển Đông do Viện nghiên cứu tài chính Trùng Dương thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc và Quỹ Hòa bình Carnegie Mỹ đồng tổ chức, và là một trong những người có bài phát biểu chính.

Trên trang web tiếng Anh của mình, Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) cũng dành gần như toàn bộ mảng truyền thông đa phương tiện để tuyên truyền về chủ quyền vô lý của Bắc Kinh trên Biển Đông.

Hàng loạt bài phỏng vấn, bình luận và cả video clip “giải thích” một cách xuyên tạc vấn đề được phát ra rả trên đài này.

Nhưng đó chỉ là phần trên cùng trong những nỗ lực lôi kéo phe cánh của Trung Quốc.

Không chỉ trên mặt trận truyền thông, Bắc Kinh còn vận động hành lang, tìm kiếm sự ủng hộ từ nhiều nước vốn chẳng liên quan đến vấn đề Biển Đông như Pakistan, Belarus hay thậm chí cả những nước ở sâu trong lục địa châu Phi như Niger.

Và dù tuyên bố sẽ không chấp nhận bất kỳ phán quyết nào của PCA về Biển Đông, Bắc Kinh vẫn đang lo sợ phán quyết của PCA sẽ gây bất lợi cho mình.

Chuyên gia Bonnie Glaser, thuộc Trung tâm Chiến lược và nghiên cứu quốc tế (CSIS) của Mỹ, nhận định: “Người Trung Quốc thật sự rất lo, nhất là việc yêu sách đường chín đoạn của họ có thể sẽ bị tuyên là trái với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS)”.

DUY LINH

ANH THƯ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên