27/10/2016 12:24 GMT+7

Triều Tiên, đất nước kỳ lạ: Kiến trúc đối lập ở Bình Nhưỡng

PGS.KTS NGUYỄN QUỐC THÔNG - THÁI LỘC chấp bút
PGS.KTS NGUYỄN QUỐC THÔNG - THÁI LỘC chấp bút

TTO - Đầu tháng 8-2016, PGS.KTS Nguyễn Quốc Thông, phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư VN, có chuyến công tác liên quan đến lĩnh vực kiến trúc tại Bình Nhưỡng trong hơn một tuần.

Kiến trúc cổ điển của Nhân dân đại học đường ở thủ đô Bình Nhưỡng - Ảnh: THÁI LỘC
Kiến trúc cổ điển của Nhân dân đại học đường ở thủ đô Bình Nhưỡng - Ảnh: THÁI LỘC

Ông đã chia sẻ với Tuổi Trẻ góc nhìn chuyên môn về kiến trúc và quy hoạch Bình Nhưỡng, một thành phố từng có rất nhiều luồng ý kiến khen chê...

Những đại lộ “y như bài học”

Từ Trung Quốc bay sang Triều Tiên tầm bay khá thấp, tôi háo hức nhìn xuống cửa sổ. Kiến trúc đầu tiên tôi nhìn thấy là sân bay Bình Nhưỡng. Nó nhỏ nhắn tựa như sân bay một tỉnh lẻ nào đó.

Sân bay khá duyên dáng, có chiều sâu, có sự đăng đối, cân đối của những nét thẳng, đường cong của kiến trúc Triều Tiên truyền thống nhưng cũng phảng phất tính hiện đại, đồng thời có chút ngồ ngộ.

Từng có người cho rằng đó là hình cái mũ hay gì đấy. Nhưng không phải. Cho dù nó không đẹp nhưng nhìn chung cũng khá ấn tượng.

Đến Bình Nhưỡng đã cuối giờ chiều, thủ đô cũng vắng xe cộ. Đường phố có nhiều người đi bộ và đạp xe, nhìn họ đen, gầy và gương mặt không biểu lộ nhiều cảm xúc.

Tất nhiên cũng như tất cả các đoàn khi đến Bình Nhưỡng, chúng tôi được đưa đi xem các công trình vĩ đại, với một hành trình gần như giống nhau. Nhưng cảm nhận đầu tiên ở thành phố này chính là màu xanh, y như cảm giác ban đầu khi bay qua biên giới.

Đường phố thì thẳng tắp, họ làm rất đúng quy tắc, có đường cho xe buýt, tàu điện, có đường cho ôtô, có đường cho xe thô sơ và vỉa hè rộng lớn cho người đi bộ. Kèm theo đó là những hàng cây, y như bài học về quy hoạch đô thị mẫu mực mà chúng tôi vẫn thường dạy sinh viên.

Tôi cứ ngỡ đại lộ mẫu mực y như bài học ấy chỉ là một đoạn, nào ngờ hàng chục tuyến phố khác ở khu trung tâm họ cũng làm giống như vậy, rất quy củ, có thứ bậc, sạch sẽ và ngăn nắp...

Cuối những tuyến đường chính hoặc ở những giao lộ lớn, nơi thì thấy cung văn hóa, chỗ thì Khải Hoàn Môn, nơi là một tượng đài lừng lững.

Kiến trúc hai bên đường thì đều đặn, đăng đối, có những khu tập thể giống y hệt khu Kim Liên ở Hà Nội, cũng cái mẫu ấy họ mang từ Triều Tiên sang xây ở VN. Hai bên đường phố thì những dãy nhà rộng, ngăn nắp và đều đặn.

Ở những ngã tư có mấy kiôt bán hàng, về hình thức rất giống với những khu phố ở Đông Âu hơn 40 năm trước, duy chỉ có điều là vắng vẻ hơn.

Người ta quy hoạch thành phố rất bài bản và nghiêm túc. Và giờ đây, sau mấy chục năm xây dựng, thời hoàng kim XHCN có thể nói đã qua rồi, những nhà cửa cũng nhạt dần vì thiếu bảo dưỡng.

Đường sá thì sần sùi, vá víu, xe cộ cũ kỹ, có thể sử dụng mấy chục năm rồi nay đã xuống cấp. Nhưng có điều tuyệt vời là cây xanh lớn lên trở thành cổ thụ, tạo nên vẻ đẹp tuyệt vời cho thành phố. Tôi thích nhất cảm giác đi trong những hàng cây thành vòm ấy, cảm nhận đầy đủ sự xanh mát, sạch sẽ và ngăn nắp tuyệt đối...

Kiến trúc kiểu mới ở đại lộ Bình Xuyên Giang (nhìn từ cầu Chungsong bắc qua sông Đại Đồng) - Ảnh: THÁI LỘC
Kiến trúc kiểu mới ở đại lộ Bình Xuyên Giang (nhìn từ cầu Chungsong bắc qua sông Đại Đồng) - Ảnh: THÁI LỘC

Đối lập cũ và mới

Ở thành phố này tôi có rất nhiều cảm xúc. Những ai đã sống qua thời bao cấp ở VN thì mới có được cảm nhận đó, mới có sự chia sẻ, như là sự tìm về, như là sự tự vấn. Và đó như là nỗi ray rứt, rằng sao nó vẫn còn tồn tại.

Có lẽ đó cũng là cảm giác chung cho những ai sống ở Đông Âu giai đoạn “hoàng kim của XHCN” thập niên 1960-1970 (như tôi từng học ở Ba Lan giai đoạn 1968-1975).

Sau chiến tranh năm 1953, thành phố Bình Nhưỡng gần như bị san phẳng, thông tin cho biết chỉ còn khu nhà Bách hóa số 1 ở trung tâm bây giờ vẫn còn gìn giữ. Lúc ấy khối XHCN, mà đứng đầu là Liên Xô, xem Bình Nhưỡng là tiền đồn của XHCN ở phương Đông, nên đã giúp đỡ trong việc quy hoạch và xây dựng ngay từ đầu chứ không chắp vá như ở các nước.

Vì vậy việc thực hiện quy hoạch cũng dễ dàng hơn. Vả lại ở Triều Tiên họ làm theo kiểu “quân lệnh”, trên bảo dưới phải nghe, cho nên trong quá trình thực hiện hầu như không có điều gì lệch đi so với quy hoạch.

Đứng từ tháp Chủ Thể, có thể nhận ra quy hoạch hoàn thiện của thành phố, với trục chính nhìn từ quảng trường Kim Nhật Thành và trục ngang là sông Đại Đồng phía trước, hai hòn đảo Rung Ra và Yang Kak khá đăng đối hai bên. Nhìn từ trên cao ta sẽ đánh giá được ngay các giai đoạn phát triển của thành phố này.

Những công trình, ô phố được xây dựng giai đoạn đầu rất tuyệt vời, những tòa nhà bốn năm tầng nghiêm cẩn trong các ô phố vuông vức, không phô trương, nằm ở những vị trí chuẩn xác trong một cái nhìn tổng thể.

Những không gian công cộng, không gian trung tâm, kể cả ngọn đồi có các công trình được chia ô ngăn nắp, quy củ và những trục đường lớn thì rất ngay ngắn.

Tôi đặc biệt ấn tượng không gian của “trục ngang” thành phố, đó là hai bờ sông Đại Đồng với những công viên, vườn hoa, lối đi dạo và những ngọn đồi trồng cỏ, những thảm cây xanh mướt...

Những khu phố muộn hơn, cao vài ba chục tầng nằm kế khu trung tâm, được xây khoảng thập kỷ 1980-1990 dù không đẹp đẽ nhưng hài hòa, dễ nhìn.

Điển hình cho kiểu kiến trúc này là tuyến phố Yonggwang từ mặt trước ga Bình Nhưỡng phóng thẳng ra phía bờ sông, với những dãy nhà cao tầng có lối kiến trúc ngăn nắp, quy củ, tầng trệt dùng làm cửa hàng có mặt tiền sạch sẽ, không cầu kỳ...

Tuy nhiên, càng xa khu trung tâm càng nhìn thấy những khu phố mới 40-60 tầng san sát, phô trương, xa rời hẳn so với khu trung tâm vốn xinh xắn và tuyệt đẹp. Đặc biệt nhất là dãy kiến trúc ở đại lộ Bình Xuyên Giang bên dòng sông Đại Đồng với nhiều cao ốc có hình thức là lạ.

Tôi biết chắc rằng hầu hết kiến trúc đều do họ thiết kế; tôi làm việc mấy lần với trường kiến trúc và viện kiến trúc ở Bình Nhưỡng, trực tiếp gặp các kiến trúc sư làm những công trình lớn như thế. Nhìn chung, họ làm với tinh thần tự lực, và thiếu thông tin về kỹ thuật công nghệ của thế giới do không cập nhật, nên họ không lường hết tất cả vấn đề khi thực hiện những công trình lớn. Mặt khác, tôi quan sát nhiều loại vật liệu, có loại họ tự sản xuất, có loại nhập từ Trung Quốc và không cao cấp lắm nên lộ rõ một số điểm yếu không khó để phát hiện...

__________

Kỳ tới: Tàu điện ngầm sâu hơn mức bình thường

PGS.KTS NGUYỄN QUỐC THÔNG - THÁI LỘC chấp bút
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên