20/05/2016 12:50 GMT+7

Cannes: thiên đường điện ảnh hay thế giới phù hoa?

CÁT KHUÊ thực hiện
CÁT KHUÊ thực hiện

TTO - Liên hoan phim Cannes là gì mà công chúng náo nức đến thế? Hai nghệ sĩ từng hơn một lần là khách mời chính thức của Cannes: đạo diễn Phan Đăng Di và Nguyễn Hoàng Điệp trò chuyện với Tuổi Trẻ.

Phan Đăng Di và Nguyễn Hoàng Điệp ở Cannes
Phan Đăng Di và Nguyễn Hoàng Điệp ở Cannes - Ảnh: NVCC

Bạn có buồn không khi năm nay rất nhiều nước Đông Nam Á được nhắc tên ở Liên hoan phim Cannes nhưng VN thì chỉ có Lý Nhã Kỳ với Angela Phương Trinh mặc váy trên thảm đỏ, đến xem Cannes? 

Nguyễn Hoàng Điệp: Dạ không. Tôi không thấy buồn gì đâu ạ, mọi năm chả có phim và cũng chả có chị Kỳ hay em Trinh mặc váy đi xem Cannes luôn. Như thế có khi còn buồn hơn. Mà vấn đề ko phải năm nay, tình hình ấy đã vài năm rồi mà.

Như Phillippines và Singapore được Cannes nhắc thường xuyên khá lâu rồi. Cá nhân tôi thấy phim chẳng hay lắm, nhưng tôi thấy các bạn láng giềng của ta có "xì tai" (style) là đi ồ ạt, cả lứa ra quân và họ "quyết chiến", liên kết và đi cùng nhau. Điện ảnh Thái thì tôi thấy họ làm gì cũng như làm du lịch, chiến lược kiểu đúng nghĩa chiến lược.

Trong suy nghĩ của tôi điện ảnh Đông Nam Á có đặc sắc riêng nhưng điểm chung các nước này là đã ra quốc tế, là xuất quân ào ào. Hàn Quốc và Trung Quốc là tiêu biểu, không chỉ nhà làm phim mà cả hãng phim (nhiều và giàu), phát hành, sản xuất (nhiều và giàu), đầu tư ngược nữa, thậm chí vác tiền lập quỹ mời mọi người đến.

Họ gây ấn tượng đông quá, mạnh quá, gần đây Singapore và Philippines cũng vậy nên giá trị trong mắt truyền thông cũng lên theo.

Phan Đăng Di tại LHP Cannes 2008 - Ảnh: TR.N.
Phan Đăng Di đến Cannes từ năm 2008 khi dự án Bi, đừng sợ còn đang trên giấy. -Ảnh: TR.N.

Phan Đăng Di: Buồn chứ, và bao năm nay tôi đã nói đi nói lại rằng một nền điện ảnh không thể có được tiếng nói nào đáng kể nếu không có phim xuất hiện tại một trong 3 LHP hàng đầu là Cannes, Venice và Berlin, trong đó Cannes dĩ nhiên là danh giá và cạnh tranh khốc liệt nhất.

Buồn hơn khi các hàng xóm Đông Nam Á của mình càng lúc càng mạnh, càng đĩnh đạc tại Cannes và các LHP lớn khác, còn mình thì cứ thụ động và cam chịu cảnh bên lề. 

Vậy Cannes cho bạn cảm giác về điều gì? Thiên đường điện ảnh đích thực hay một thế giới phù hoa? 

Nguyễn Hoàng Điệp: Cannes là Cannes thôi, vui, ồn, phim chán xen kẽ với phim hay. À, là chỗ rất dễ gặp Paris Hilton. Còn các cô kiểu Angie nhà Brad thì còn dễ hơn nữa! Cannes cũng là chỗ mà hoa hậu thế giới bị dìm hàng thảm hại (Aishwarya Rai năm 2012 thì phải ạ, béo trang điểm xấu tệ) và những cụ già thì quá được nâng niu (năm nào các cụ cũng dắt tay nhau vào dự tranh Cành cọ vàng, cụ nào cụ nấy cười trắng sáng long lanh). 

 

Nguyễn Hoàng Điệp trò chuyện cùng đạo diễn Trần Anh Hùng - một người rất quen của Cannes vì từng đoạt giải Camera vàng, làm giám khảo ở liên hoan phim danh giá nhất thế giới này
Nguyễn Hoàng Điệp trò chuyện cùng đạo diễn Trần Anh Hùng - người từng đoạt giải Camera vàng và làm giám khảo ở liên hoan phim danh giá nhất thế giới này - Ảnh: NVCC

 

Phan Đăng Di: Cannes cũng giống một thiên đường, và như mọi thiên đường được dựng nên trên thế giới này nó  được tô vẽ bằng rất nhiều phù hoa. Đó cũng là nơi của nhiều phim dở đến mức đôi khi ta phải đặt câu hỏi có cần một cuộc tuyển lựa khắt khe đến thế để cuối cùng nhiều phim dở như vậy được tuyển vào.

Nhưng rất nhanh ta nhận ra rằng hầu hết phim dở ta vừa xem là của những tên tuổi lớn đã từng làm ra những phim rất hay, rất lớn. Cannes đúng là nơi tên tuổi lớn có đặc quyền chiếu phim dở ở khu vực chính. Còn tên tuổi nhỏ bắt buộc phải có phim thật hay mới mong được một suất  chiếu vòng ngoài. Nhưng dù sao, các phim hay nhất trong năm bao giờ cũng rơi vào Cannes.

Lý Nhã Kỳ tại Cannes 2016 - Ảnh: NVCC

Quay trở lại câu chuyện phù hoa và sức hút của Cannes, cũng là bình thường khi các mỹ nhân Việt như Lý Nhã Kỹ, Angela Phương Trinh.... khao khát được dạo bước thảm đỏ ở hội chợ phù hoa này dù chẳng có phim.

Việc chưa có phim Việt nào vào đến thảm đỏ Cannes chẳng liên quan đến các cô ấy. Nó nên là nỗi buồn của giới làm điện ảnh Việt khi một mục tiêu đơn giản như vậy mà mãi không đạt tới.

>> Đón xem tiếp kỳ 2 trên Tuổi Trẻ Online: Làm gì để VN có phim tranh giải Cành cọ vàng ở Cannes?

CÁT KHUÊ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên