30/06/2015 17:13 GMT+7

Hồi ký Trần Văn Khê: Kỳ 13 - Kiếp tằm vẫn nhả tơ

GS TRẦN VĂN KHÊ
GS TRẦN VĂN KHÊ

TTO - Bước vào năm 2000, ở tuổi 80 tôi may mắn vẫn còn đủ sức khỏe để tiếp tục làm việc và chưa có năm nào tôi về nước nhiều lần như trong năm ấy.

GS Trần Văn Khê xướng một điệu lý cùng với học trò - nghệ sĩ Hải Phượng tấu đàn tranh trong sự kiện ra mắt sách - Trần Văn Khê - người truyền lửa năm 2013 - Ảnh: T.Huệ

Tháng 3 tôi về Sài Gòn để dạy tại Đại học Hùng Vương tới tháng 4 mới trở qua Pháp. Lần này tôi cũng được Ban giám đốc khách sạn Majestic ưu ái dành cho căn phòng 326 như mọi khi.

Ngoài ra tôi còn được mời giảng tại nhiều nơi. Trường Đại học Văn Lang mời tôi dự lễ kỷ niệm 5 năm thành lập, tiếp đãi rất trọng hậu và sau đó tôi giảng một buổi tại nhà trường, sinh viên tới nghe rất đông, có cả chị luật sư Nguyễn Phước Đại và các giáo sư trong trường đến dự.

>> Kỳ 1: Thời thơ ấu
>> Kỳ 2: Lập gia đình
>> Kỳ 3: Đất khách quê người
>> Kỳ 4: Giới thiệu âm nhạc truyền thống
>> Kỳ 5: Chuyện gia đình
>> Kỳ 6 - Bôn ba bốn biển năm châu
>> Kỳ 7: Quy cố hương
>> Kỳ 8: Những cuộc tao ngộ thú vị
>> Kỳ 9: Một chuyến đi Bắc Triều Tiên
>> Kỳ 10: Viếng thăm Việt Nam với tổng thống Pháp
>> Kỳ 11: Nói chuyện trên đất Mỹ

>> Mời bạn nghe sách nói Hồi ký Trần Văn Khê phần 1

>> Hồi ký Trần Văn Khê phần 2

Tôi còn có những buổi nói chuyện tại Đại học Văn Hiến, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Sư phạm, Nhạc viện trước đông đảo người nghe là thanh niên. Nói chuyện với lớp trẻ là điều tôi luôn thích thú vì được dịp truyền lại cho thế hệ mai sau những điều mình thiết tha mong muốn gìn giữ, mong các em tiếp nối được những công việc mình chưa làm được.

Năm 2000 tôi may mắn gặp được thầy Lệ Trang tại chùa Viên Giác, một người thông hiểu tường tận về cách tán tụng theo phong cách miền Nam. Từ trước đến nay khi nghiên cứu về cách tán tụng trong nhạc Phật giáo tôi được các thầy như thầy Nhất Hạnh, thầy Thiện Châu giảng theo phong cách miền Trung. Miền Nam thì tôi chỉ biết cách tán tụng của thầy cúng mà chưa lần nào nắm được cách tán tụng trong chùa theo kinh nhựt tụng hoặc trong các cuộc lễ như Vu lan hay chẩn tế.

Thầy Lệ Trang tổ chức một buổi mời các vị sư hội lại, có cả dàn nhạc lễ, nhờ vậy lần đầu tiên tôi biết thêm được nhiều cách tán tụng của miền Nam. Thầy giải nghĩa những nghi thức của buổi chẩn tế, từ tiểu đàn, trung đàn đến đại đàn. Tôi được dự một buổi lễ trung đàn từ đầu đến cuối, từ lúc niệm Phật, niệm hương rồi thầy Lệ Trang mặc áo cà sa, đội mão tỳ lư lên đăng đàn, vừa tán tụng vừa bắt ấn liên tục trong mấy tiếng đồng hồ. Đặc biệt lúc đó nét mặt thầy trông hiền hòa thanh thản giống như trong tranh vẽ Tam Tạng đi thỉnh kinh. Sau mấy tiếng đồng hồ tập trung tư tưởng niệm kinh bắt ấn, thầy đến bên tôi ngồi nói chuyện với nụ cười trên môi, không lộ vẻ mệt mỏi chi cả. Tôi thấy rằng điều đó rất lạ lùng mà một người bình thường không sao có thể làm được.

Ngoài ra tôi được mời nói chuyện về âm nhạc trước những vị chức sắc và những người nghiên cứu đạo Cao Đài gồm cả nam lẫn nữ. Nam giới ăn mặc chỉnh tề áo dài trắng bịt khăn đóng, phía nữ tất cả đều mặc áo dài, sau khi nói chuyện về âm nhạc tôi được mời ăn bữa cơm chay thịnh soạn và rất ngon.

Tôi cũng dự một buổi lễ đặc biệt mà phải gặp cơ duyên mới được dự, đó là ngày kỷ niệm Thánh mẫu Liễu Hạnh hiển thánh.

Bà chúa Liễu Hạnh là người đã tạo ra trường phái về Tam tòa Tứ phủ trong Chầu văn tại Sầm Sơn (Thanh Hóa). Từ xưa đến nay một số đông người thường cho rằng “lên đồng” là việc làm mê tín dị đoan mà không chú ý đến mặt xã hội học của hình thức tín ngưỡng này. Nếu Đức Thánh Trần (tức Trần Hưng Đạo Đại vương) là người được dân gian tôn sùng là bực thánh nhân thì về phía nữ, bà chúa Liễu Hạnh cũng là một nhân vật hiển thánh được người dân tôn thờ. Trong khi đạo Phật xuất xứ từ Ấn Độ, đạo Khổng và đạo Lão là của Trung Quốc, Thiên Chúa giáo từ Jérusalem du nhập vào nước ta thì tín ngưỡng Chầu văn hoàn toàn là của người Việt Nam.

Vào ngày 26 tháng 2 âm lịch năm Canh Dần (31/3/2000) tất cả các đền ở miền Nam hội lại tổ chức một lễ thật lớn tại Thủy Lâm Động (thuộc huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai). Tôi được anh Trường Duy, một người không chỉ thông hiểu Chầu văn mà còn biết rất nhiều về nhạc mới, đưa tới đến Thủy Lâm động.

Đây là chuyến đi vô cùng bổ ích đối với tôi vì được dịp chứng kiến tất cả nghi thức của một buổi hát văn, hầu gia. Tôi ghi âm ghi hình lại toàn bộ để đem về nghiên cứu. Lần đầu tiên tôi được nhìn tận mắt cảnh một bà cụ đã ngoài 70 mà lên một lượt mười mấy giá, mỗi giá kéo dài khoảng gần mười phút, phải nhảy múa, phải thay xiêm đổi áo nhiều lần, hết múa đuốc rồi lại múa thanh long đao, múa kiếm. Mỗi lần cụ phát lộc thì người ngồi bên ngoài được thưởng tiền. Sau khi hầu giá hơn hai tiếng đồng hồ, bà cụ vẫn khỏe khoắn như thường!

Bên lãnh vực truyền hình tôi tham gia trong chương trình của Phan Thao, trình bày về những nhạc cụ nhạc khí Việt Nam đặc biệt là cây đờn bầu, có cháu Hải Phượng và nhóm Tiếng hát quê hương biểu diễn. Lần đó Phan Thao cũng giới thiệu một đoạn phim ghi hình buổi tôi giới thiệu đờn bầu tại Canada có Đức Thành đờn minh họa.

Ngoài ra Đài truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh cũng chiếu phim tư liệu dài khoảng 30 phút về chân dung của tôi do hai cháu Việt Bình và Việt Oanh dàn dựng. Tôi vô cùng cảm động và cho rằng phim này thành công về mặt hình ảnh cũng như âm thanh mà nhứt là lời thuyết minh, trong vòng nửa giờ đồng hồ đã phác họa lại toàn bộ cuộc đời của tôi. Sau hôm đó đài còn chiếu lại lần nữa tại Cung văn hóa lao động rồi tổ chức cho tôi giao lưu với khán giả.

Ít có khi nào về Việt Nam trong thời gian rất ngắn mà tôi làm được nhiều việc như chuyến đi này, đem lại cho tôi nhiều niềm vui, thỏa mãn ước mơ, lại có dịp tìm hiểu rất sâu sắc về mặt tôn giáo, mở rộng thêm kiến văn của tôi về tán tụng Phật giáo, biết được cặn kẽ về Chầu văn. Hai tháng đó có giá trị bằng bao nhiêu năm đọc sách và học tập.

Trở lại Pháp vào cuối tháng 4, đến tháng 7 tôi lại về nước cùng với đoàn Vật lý thiên văn do Trần Thanh Vân tổ chức lần thứ hai. Các đại biểu từ ba bốn chục nước khác nhau họp tại Hà Nội để bàn về những vấn đề vật lý năng lượng cao và vật lý thiên văn. Lần này có thêm mấy đề tài nhỏ chẳng hạn về trồng trọt, có đại diện Khoa nông nghiệp các trường đại học ở Cần Thơ, Thái Bình về dự và có những buổi nói chuyện về lãnh vực này.

Mục đích chánh tôi đi theo đoàn là để tổ chức một đêm văn nghệ ngắn gọn trong vòng một tiếng rưỡi đồng hồ tập hợp đầy đủ những bộ môn nghệ thuật truyền thống Việt Nam như ca, nhạc, múa, kịch. Từ bên Pháp tôi đã gọi điện thoại liên hệ với anh Võ Văn Quân, giám đốc Nhà hát chèo để thảo luận về một chương trình có đủ các tiết mục ca trù, chầu văn, trích đoạn hát chèo, múa bỏ bộ, độc tấu sáo, độc tấu đờn bầu, sắp xếp những tiết mục sao cho hấp dẫn. Khi tôi về đến Việt Nam thì ngày hôm sau là tổng dượt tại Nhà hát chèo, các anh chị em trong đoàn chèo từ diễn viên đến dàn nhạc đều nỗ lực biểu diễn thật xuất sắc.

Lần đó tôi rất buồn vì trước đây đêm đêm Nhà hát chèo vẫn còn mở màn biểu diễn nhưng nay cơ sở xuống cấp đến nỗi không còn có thể sử dụng để công diễn được nữa. Trần Thanh Vân và tôi cùng nhau đi xem một vài chỗ khác nhưng nhận thấy không đủ khang trang để dùng làm nơi trình diễn cho khách nước ngoài. Rốt cuộc chúng tôi đành phải xin thuê tại Nhà hát lớn với giá một đêm lên đến gần 20 triệu đồng, nhưng nhờ sự can thiệp của anh Võ Văn Quân và sự thông cảm của ban giám đốc Nhà hát, khi nghe nói buổi biểu diễn này do tôi giới thiệu âm nhạc cho phái đoàn khách nước ngoài nên có giảm được phần nào.

Trước giờ mở màn, khi đứng trên sân khấu thử ánh sáng, bỗng nhiên tôi chợt nhớ lại gần 60 năm trước, tức vào năm 1941, khi còn là một sinh viên trường Thuốc tôi cũng từng đứng tại đây giới thiệu 3 tiết mục hò cấy của Bến Tre, hò mái nhì trên sông Hương và cò lả tại Hội lim miền Bắc bằng tiếng Pháp cho người Pháp lẫn Việt vốn là thầy, bạn trong trường và một số quan khách.

Mới ngày nào tôi còn là thanh niên đôi mươi mà giờ đây đã là một giáo sư già xấp xỉ bát tuần. Tôi xúc động trào nước mắt, đứng im lặng mấy phút trong khi ánh đèn sân khấu rọi vào mặt mà không nói nên lời, cho đến khi có người nhắc nhở tôi mới sực tỉnh. Có một sự khác biệt lớn, lần này tôi không chỉ giới thiệu bằng tiếng Pháp mà cả tiếng Việt và tiếng Anh, không phải cho những người Pháp mà cho rất nhiều đại biểu trên thế giới và không chỉ giới thiệu 3 tiết mục đơn sơ do những nghệ sĩ nghiệp dư trình bày mà là một chương trình được chuẩn bị công phu do những nghệ sĩ chuyên nghiệp, ưu tú và tài năng biểu diễn.

Trước khi kết thúc hội nghị Vật lý thiên văn, anh Trần Thanh Vân mời phái đoàn dự một bữa tiệc lớn tại khách sạn Horizon và nhờ tôi trả lời một số thắc mắc của các đại biểu về âm nhạc dân tộc. Tôi nhận lời, mượn vài nhạc khí của Viện nghiên cứu Âm nhạc để minh họa khi cần. Hôm đó rất vui, mọi người đặt nhiều câu hỏi về tiết tấu, thang âm, điệu thức, tôi nói chuyện có đờn minh họa và ngâm thơ.

Buổi tối sau khi tan tiệc ông Nguyễn Văn Tạo, giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, ngỏ ý mời tôi đến nói chuyện tại nhà trường. Tôi sắp trở về Nam nên ông đề nghị tổ chức buổi nói chuyện ngay sáng hôm sau, tôi trả lời:

- Tôi sẵn sàng nhận lời nhưng bây giờ đã khuya, từ giờ đến sáng mai làm sao giáo sư tập hợp được mọi người?

- Không sao, đêm nay tôi báo tin thì ngày mai mọi người sẽ đến nghe giáo sư nói chuyện.

Điều tôi không ngờ là sáng hôm sau khi xe của nhà trường đưa tôi đến Đại học Quốc gia Hà Nội, phòng họp đã đầy nghẹt người. So với những trường đại học trong miền Nam thì nơi đây rộng lớn hơn rất nhiều, tôi cũng rất vui khi có thêm người bạn là nhà thơ Huy Cận tới nghe. Bữa nói chuyện có kết quả tốt, nhà trường có ý mời tôi trở lại nói chuyện cho đông đảo sinh viên nghe nhưng đã đến lúc tôi phải về Sài Gòn.

Cuối tháng 7 tôi trở qua Pháp chuẩn bị cho chuyến về nước vào tháng 9 để chủ tọa cuộc liên hoan “Nhạc hội đàn Tranh châu Á lần thứ nhất” do Cung văn hóa Lao động Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức, đồng thời dạy thêm một khóa tại trường Đại học Hùng Vương.

Cuộc liên hoan đờn tranh này tôi đã ao ước từ lâu vì muốn cho các cháu từng đoạt giải trong các kỳ thi “Tài năng trẻ đờn tranh” được dịp giao lưu với bên ngoài, gặp gỡ những nghệ sĩ đờn Koto Nhựt Bổn, Kayageum Triều Tiên, Gu Zheng Trung Quốc. Phạm Thúy Hoan mời được giáo sư Thum Soon Poon của Singapore và đoàn Nhựt Bổn, còn tôi liên hệ mời đoàn Nam Triều Tiên. Tổng cộng có 3 đoàn nước ngoài và đoàn Việt Nam tham dự nhạc hội.

Lực lượng tất cả các đoàn đều rất hùng hậu, phía Việt Nam giới thiệu 3 gương mặt trẻ đã đoạt giải nhứt cuộc thi đờn tranh là Hải Phượng, Vân Ánh và Thanh Thủy. Phạm Thúy Hoan là người phụ trách lo phối hợp mọi việc, tôi là cố vấn nghệ thuật kiêm chủ tọa Nhạc hội và điểu khiển buổi hội thảo.

Trong buổi hội thảo, đại diện mỗi đoàn trình bày về cây đờn của dân tộc mình. Phía Việt Nam có hai bài tham luận, một của anh Nguyễn Văn Đời, giáo sư dạy đờn tranh tại Nhạc viện và một của Phạm Thúy Hoan.

Điểm lý thú là mỗi nhạc cụ có một phong cách, cách đờn và nét đặc thù riêng, nhưng tất cả đều từ một nguồn gốc là cây đờn Cổ tranh xuất hiện từ đời nhà Tần bên Trung Hoa. Đến thế kỷ thứ VI vua Kasil của Triều Tiên dựa theo đờn Cổ tranh mà tạo ra cây đờn Kayageum. Qua thế kỷ thứ VII (năm 672) bà Ishikawa Iroko của Nhựt Bổn gặp một đạo sĩ Trung Quốc đờn cây đờn rất lạ nên theo học rồi lập ra trường phái Tsukushi Goto tại miền Nam, sau một ngàn năm cây đờn đó biến chuyển thành cây đờn Koto như ngày nay. Còn đờn tranh của Việt Nam và Mông Cổ xuất hiện từ thế kỷ thứ XIII. Tất cả những nhạc cụ chung nguồn gốc đó có phong cách đờn giống nhau là tay mặt khảy còn tay trái nhấn. Tuy cùng nguồn gốc và cùng một cách đờn nhưng lại mang nhiều sắc thái khác nhau, từ cách lên dây tới thủ pháp biểu diễn, đó chính là cái đẹp trong nghệ thuật vì nếu giống nhau hết thì không còn gì thú vị nữa.

Theo đánh giá của tôi, Nhạc hội đờn tranh tổ chức lần đầu tiên mà đạt được kết quả như vậy là tuyệt vời, đó là một cuộc giao lưu văn hóa rất bổ ích.

Tất cả các đoàn được sắp xếp ở chung trong khách sạn, được dự những cuộc du ngoạn xuống Tiền Giang, có những buổi biểu diễn chung, biểu diễn riêng, do đó các đại biểu đều hết sức vui vẻ và thích thú.

Sau đêm bế mạc, ngày hôm sau là đám cưới của Hải Phượng. Tiệc cưới tổ chức tại khách sạn Majestic mời mấy trăm quan khách. Đặc biệt tất cả 14 nhạc sĩ của phái đoàn Nhựt Bổn đều đặt may mỗi người một áo dài để mặc dự đám cưới nhìn rất dễ thương, sau khi tiệc tan đoàn Nhựt ra thẳng phi trường trở về nước ngay. Cuộc gặp gỡ này cho thấy tình cảm giữa những người nhạc sĩ rất chân thành và nồng nhiệt, là sợi dây tạo nên sự thông cảm giữa các dân tộc.

Sau khi Liên hoan đờn Tranh châu Á kết thúc tôi ra Hà Nội để dự một cuộc hội thảo rất lớn với đề tài “Việt Nam trong thế kỷ XX” bàn về đủ mọi phương diện chánh trị, kinh tế, văn hóa.

Cựu đại sứ Việt Nam tại Pháp là ông Nguyễn Chiến Thắng phụ trách nội dung của hội thảo đã gởi thơ mời tôi tham dự. Tôi nhận lời và được sắp xếp vào Tiểu ban Văn hóa, vấn đề tôi đưa ra là suy nghĩ về bản sắc dân tộc Việt Nam và phát triển văn hóa như thế nào.

Trong cả hai lần về nước trong năm 2000, tại Thành phố Hồ Chí Minh và ở Hà Nội tôi đều được dự buổi diễn vở kịch Lộ Địch của cụ Ưng Bình Thúc Dạ Thị. Đây là một vở bi kịch có giá trị nhân bản rất tuyệt vời phỏng theo tác phẩm Le Cid của Corneille (Pháp).

Cụ Ưng Bình sử dụng cốt chuyện của Le Cid mà sắp xếp những chi tiết sao cho phù hợp với tâm lý của người Việt lại hợp với sân khấu hát tuồng Việt Nam: lúc nào nói lối, lúc nào hát Nam, lúc nào hát khách, văn chương chải chuốt và lời thơ rất hay. Theo tôi đây là một kiệt tác đầu tiên đưa ra đường lối mới để phát triển nền hát tuồng của Việt Nam, được Nhà hát Đào Tấn ở Bình Định dàn dựng, đạo diễn là Hòa Bình, một nghệ sĩ ưu tú rất có tài, trẻ đẹp mà nhứt là có tấm lòng. Giáo sư tiến sĩ Thái Kim Lan - dạy Triết ở trường Đại học Munchen bên Đức - là người đứng ra tài trợ cho việc dựng lại vở tuồng để trình diễn trên sân khấu Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội.

Nhân dự hội nghị này tôi được dịp nghe dàn trống Thăng Long biểu diễn, sử dụng toàn bộ trống Việt Nam từ lớn đến nhỏ, không phải chỉ phong phú về số lượng mà cả về chất lượng. Có những trống đánh theo tiết tấu rất đơn giản trên đó lại thêu dệt thêm những tiết tấu khác phức tạp hơn, kết lại như đan giỏ và làm thành một bài rất đẹp. Đồng thời các động tác từ cánh tay đưa lên đánh xuống đến bước tới bước lui đều phỏng theo phong cách võ Việt Nam.

Đặc biệt trong chuyến ra Hà Nội vào tháng 9 có cháu Bảo Ngọc làm một đoạn phim tư liệu ngắn về chân dung của tôi để phát trên Đài truyền hình VTV3. Cháu mất hết 3 buổi đưa tôi đến Văn miếu, đến khách sạn nơi tôi ở để quay những sinh hoạt thường ngày, phỏng vấn tôi về quan điểm phát triển văn hóa, hỏi thăm đôi nét về chuyến đi Hà Nội.

Trong chuyến này, tôi có dịp đến thăm cụ bà Quách Thị Hồ. Hôm đó thân hữu tổ chức chúc thọ cho cả bà cụ và tôi, cụ 90 còn tôi 80 tuổi, có đủ mặt những người con, vài bạn bè và một số học trò của cụ Quách Thị Hồ. Khi tôi vừa bước vào, mọi người hỏi:

- Cụ còn nhớ Giáo sư Trần Văn Khê không?

Cụ không trả lời thẳng câu hỏi, chỉ nhìn tôi mà cất giọng ngâm:

Vô duyên đâu dễ chăng là

Có duyên nên khiến dù xa hóa gần

Đó là hai câu thơ trong bài cụ Trúc Hiền tặng tôi năm 1976. Ngừng một chút cụ lại ngâm thêm:

Đẹp lòng gặp lại cố nhân

Rồi nắm tay tôi lập lại ba lần “Cố nhân ơi! Cố nhân ơi! Cố nhân ơi”.

Tôi cầm tay cụ mà không cầm được nước mắt, nhớ lại con người tài hoa sắc sảo trước đây, nay tuy chỉ còn da bọc xương mà vẫn giữ được hơi ngâm, còn nhận ra người quen cũ để mà ngâm lên mấy câu thơ ngày xưa chứng tỏ tâm trí còn minh mẫn. Đó cũng là lần cuối cùng tôi gặp cụ Quách Thị Hồ.

Đặc biệt năm 2000 tôi bắt tay vào việc viết hồi ký với sự cộng tác của “Trung tâm Hồi ký”.

Ý định ban đầu của tôi khi viết hồi ký là ghi chép lại một số công việc đã làm để cất giữ cho riêng mình, đến khi tôi trở về với cát bụi thì những hậu duệ còn sống sẽ tùy nghi phổ biến. Nhưng một vài bạn bè góp ý rằng như vậy lỡ có điều gì không được chính xác thì lúc đó tôi đã nằm yên dưới ba tấc đất làm sao có thể đính chánh được nữa! Tôi nghe vậy cũng hợp lý nên dự định sẽ cho xuất bản khi đang còn sống. Nhưng bắt đầu viết cả sáu bảy năm mà chưa xong một quyển, vì tôi chú ý cho công việc trước mắt nên ngày qua ngày không tập trung được, trong khi viết hồi ký đòi hỏi phải hồi tưởng lại dĩ vãng để hoàn thành một công việc cho tương lai.

Tình cờ các em trong “Trung tâm Hồi ký” chủ động đề nghị hợp tác với tôi để thực hiện hồi ký. Từ nay có cả một ban thơ ký lành nghề, ban biên tập chuyên nghiệp cộng tác nên tôi nhận lời và ưu tiên dành thời giờ cho việc thâu băng thực hiện hồi ký.

Em Lý Thị Lý - Trưởng điều hành Trung tâm - đích thân đến ghi âm. Em có cách nghe làm cho người nói chuyện rất thú vị, giống như đờn Bá Nha rót vô tai Chung Tử Kỳ. Mỗi tuần lễ tôi dành năm buổi để thâu băng. Thứ sáu thì chắc chắn lúc nào cũng là em Lý đến làm việc, những ngày còn lại có khi là em Doãn Phượng, có khi là Thanh Nga, toàn những người có tay nghề và biết cách nghe, nên từ cái chớp mắt, sự xúc động của các em đều làm cho người nói chuyện thấy hứng thú.

Khi tôi trở về Pháp thì bản thảo được chuyển qua email cho tôi sửa chữa trực tiếp trên máy vi tính rồi gởi trở lại để ban biên tập Trung tâm Hồi ký gọt giũa lời văn, cắt bớt những chỗ dư, những đoạn ý trùng lắp mà vẫn giữ được lối viết của tôi. Nói chung công việc rất nhiều nhưng với sự tổ chức chuyên nghiệp của Trung tâm Hồi ký nên công việc tiến hành rất mau, mặc dầu đôi bên ở cách nhau gần nửa vòng trái đất. Nhờ vậy mà chỉ trong vòng hai năm tôi đã hoàn thành năm quyển hồi ký dày gần 2.000 trang.

Bản thảo cuối cùng được chuyển sang Công ty Văn hóa Phương Nam là nơi lo việc in ấn, xuất bản và phát hành các tác phẩm của tôi.

Tháng 10 năm 2000, trường Đại học Cần Thơ mời tôi xuống nói chuyện. Trần Thượng Tuấn, hiệu trưởng Đại học Cần Thơ chính là con nuôi của bạn thân tôi là Tạ Bá Tòng, nên xin phép được gọi tôi bằng chú. Tuấn hãnh diện hướng dẫn tôi đi xem hết mọi nơi, từ phòng vi tính trang bị rất nhiều máy cho sinh viên thực tập, đến nơi ăn ở của sinh viên nội trú, đặc biệt là đại giảng đường 1.300 chỗ ngồi, qui mô lớn hơn bất cứ trường đại học nào ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Đáng nhớ nhứt là hai đêm tôi nói chuyện về những nét đẹp trong âm nhạc dân tộc tại Đại học Cần Thơ. Chưa bao giờ tôi nói chuyện với sinh viên mà thấy hứng thú bằng. Đại giảng đường mênh mông chật kín người, vậy mà còn mấy trăm em đứng bên ngoài. Ban tổ chức phải cho đặt thêm một màn ảnh lớn phía trước cửa. Hôm đó trời mưa lâm râm nhưng các em vẫn kiên trì đứng dưới mưa nghe đến phút cuối cùng.

Sau Cần Thơ thì tỉnh Tiền Giang cũng mời tôi đến nói chuyện với lớp tập huấn cán bộ của Nhà văn hóa các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre và Long An. Tại đây tôi gặp lại cháu Mai Mỹ Duyên người Tiền Giang, một phụ nữ đã khởi xướng việc hình thành 14 câu lạc bộ tài tử của Tiền Giang và Gò Công. Cháu Duyên đang làm tiểu luận án thạc sĩ về “Ca nhạc tài tử” dưới sự hướng dẫn của giáo sư Tô Vũ nên trước đó có đến gặp tôi tìm hiểu về những nét đặc thù của nhạc cải lương tài tử.

Tôi rất cảm động khi gặp được một người trẻ tuổi mà có lòng say mê tìm hiểu âm nhạc, nên tuy không chuẩn bị trước mà tôi vẫn say sưa nói chuyện với cháu suốt ba tiếng đồng hồ, để cháu ghi âm ghi hình những điều cần biết trong truyền thống ca nhạc tài tử cải lương miền Nam nói chung và Tiền Giang nói riêng.

Năm 2001, tôi về nước chủ yếu để dạy âm nhạc truyền thống cho hai lớp tại Đại học dân lập Hùng Vương, công việc mà tôi lúc nào cũng thích thú. Tôi không chỉ quan tâm đến việc đem lại kiến thức cho các em mà quan trọng hơn là hướng các em trở về với bản sắc văn hóa dân tộc.

Ngoài ra tôi cũng tham dự nhiều hội nghị. Sau nhiều năm tiếp cận mật thiết với các nghệ nhân nắm vững truyền thống trong nước, tôi có những thay đổi quan trọng trong cách đánh giá âm nhạc dân tộc. Sự đúc kết của tôi không còn lệ thuộc vào cách nhìn khách quan của phương Tây mà gắn liền với những quan điểm triết lý đời sống của người dân Việt.

Sang năm 2002, vào tháng 5 tôi được mời tham dự Festival Huế. Đây là một trong những sinh hoạt văn hóa tầm cỡ bao gồm nhiều chương trình lễ hội cộng đồng được tái dựng với một không gian rộng lớn cả trong và ngoài thành phố, góp phần làm sống lại các giá trị văn hóa của Huế. Festival chánh thức khai mạc hôm 4 tháng 5 tại quảng trường Ngọ môn, với sự tham gia của các đoàn nghệ thuật Việt Nam và 8 nước gồm Thái Lan, Campuchia, Lào, Indonesia, Pháp, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Sau festival, tôi có viết bài nhận xét về một số ưu khuyết điểm trong việc tổ chức và dàn dựng các chương trình nghệ thuật gởi cho Ban tổ chức để rút kinh nghiệm cho các Festival kế tiếp, được tổ chức hai năm một lần.

Qua tháng 10, tôi có buổi nói chuyện về đề tài “Âm dương trong văn hóa Việt Nam” nhân cuộc họp mặt mang tên “Điểm hẹn Việt Nam” của tổ chức YPO (Young Presidents Organisation).

Tổ chức này qui tụ những tổng giám đốc, giám đốc có độ tuổi dưới 50 và đang điều hành các công ty xí nghiệp lớn có doanh số hàng năm trên 8 triệu USD. Việt Nam có 12 doanh nhân tuổi trẻ tài cao được gia nhập làm thành viên của YPO. Hàng năm YPO đều tổ chức cuộc gặp gỡ tại một quốc gia trên thế giới, nhằm tạo điều kiện cho các hội viên không chỉ tiếp cận về mặt kinh tế mà chủ yếu là tiếp thu trên thực tế, chớ không qua sách báo hay hình ảnh, mọi mặt từ lịch sử, địa lý, văn hóa của đất nước được chọn làm điểm đến. Năm 2002, các thành viên Việt Nam của YPO đăng cai tổ chức “Điểm hẹn Việt Nam” tại Hà Nội từ ngày 22 đến 26 tháng 10.

Các bạn trong nhóm YPO Việt Nam đã thiết kế một chương trình hết sức phong phú và đặc sắc gồm những buổi thuyết trình về chính trị, lịch sử, kinh tế, khoa học, văn hóa vào buổi sáng; buổi chiều dành cho việc du ngoạn tham quan danh lam thắng cảnh còn buổi tối thì dự dạ yến tại nhiều nơi khác nhau.

Tôi được cháu Tuyết Mai, giám đốc Công ty du lịch Vidotour, thay mặt ban tổ chức mời nói chuyện với đề tài “Âm dương trong văn hóa Việt Nam”, không chỉ gói gọn trong nghệ thuật mà cả văn hóa ẩm thực và văn hóa trong nếp sống.

Buổi thuyết trình được nhiều người hoan nghênh và đại biểu các nước Âu Mỹ đều ngỏ ý mời tôi đến các nước bạn để giới thiệu đề tài này. Nhưng vì lý do sức khỏe nên tôi không nhận lời mời nào cả.

Trong năm 2002 có một sự kiện về kịch nghệ Việt Nam đáng ghi lại như một dấu son: Nhà hát Đào Tấn được mời sang Đức trình diễn vở Lộ Địch, chi phí do Hội trao đổi Văn hóa Việt - Đức và giáo sư Thái Kim Lan tài trợ. Tôi rất xúc động về việc một cơ quan văn hóa dám bỏ khoản tiền lớn đài thọ cho trên 30 người lưu diễn tại nước ngoài, nơi mà khán giả không hiểu tiếng Việt và lần đầu tiên tiếp cận với với kịch nghệ Việt Nam. Tiền vé vào cửa lại không cao nên cầm chắc chuyện thua lỗ, thế nhưng Hội Việt - Đức và giáo sư Thái Kim Lan sẵn sàng chấp nhận mà không quan tâm đến lợi nhuận.

Bước qua năm 2003, khi đang ở tại Paris, một lần nữa tôi lại kề cận với cái chết, mà nếu không nhờ con gái Thủy Tiên từ tỉnh xa, qua điện thoại phát hiện tôi nói chuyện không mạch lạc đã báo động cho con út Thủy Ngọc kịp thời đưa cha đi cấp cứu thì có lẽ giờ đây tôi đã thành người... thiên cổ.

Mùa Hè năm đó khí hậu Paris trở nên nóng bất thường, lên đến trên 40 độ C trong mát, khiến hơn 14.000 người cao niên bị thiệt mạng. Như những người lớn tuổi khác, tôi cũng bị thiếu nước trong cơ thể dẫn đến tình trạng nửa tỉnh nửa mê. Một tình cờ may mắn là Thủy Ngọc sau khi được chị báo động đã vội vã chạy đến đưa tôi vào bịnh viện.

Vừa xuất viện sau 12 ngày điều trị, tôi đã phải lên đường về nước để kịp ngày dạy học. Mới được hai tuần thì tôi ngã bệnh và phải vào bịnh viện Triều An. Ngoài căn bệnh tiểu đường, cao huyết áp, suy thận, đến lượt trái tim của tôi lại có vấn đề. Tôi nằm điều trị hai tuần lễ, làm đủ mọi xét nghiệm mà ban giám đốc Bịnh viện Triều An lại không nhận bất kỳ chi phí nào.

Cũng trong năm này, tôi tiếp tục hoàn thành quyển thứ sáu trong bộ hồi ký của mình với tựa đề “Du ngoạn trong truyền thống âm nhạc Việt Nam”. Thật ra đầu tiên tôi rất do dự, vì đây hoàn toàn không phải là quyển sách nghiên cứu âm nhạc truyền thống sâu sắc mà chủ yếu chỉ đề cập đến những nét cơ bản một cách đơn giản nhứt, để đại đa số độc giả bình thường có thể nắm bắt được sơ lược nền âm nhạc đa dạng và phong phú của dân tộc.

Nhưng sau khi bàn bạc kỹ với Trung tâm Hồi ký - đơn vị hợp tác thực hiện bộ hồi ký của tôi - cuối cùng, tôi quyết định viết một quyển sách về âm nhạc trong đời sống người Việt từ khi còn nằm nôi cho đến ngày từ giã cõi đời, được xuất bản vào năm 2004.

Trích Hồi ký Trần Văn Khê (Phương Nam phát hành)

************

Kỳ cuối: Lá rụng về cội

GS TRẦN VĂN KHÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên